Đừng lo lắng, mọi chuyện trên đời đều đã có ông Trời sắp đặt
Lời tựa: Tác giả của bài viết có vài người bạn thường ghé thăm nhà mỗi khi rảnh rỗi. Họ thường đàm luận về những việc làm xấu ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ thắc mắc tại sao ĐCSTQ vẫn chưa bị báo ứng? Trong tâm cảm thấy nôn nóng vô cùng! Tác giả thấy vậy bèn trấn an bạn mình: “Mọi việc đều có ông Trời an bài, nên chuyện này hẳn có nguyên do.” Tác giả cũng giới thiệu với họ một số tích chuyện để tham khảo. Sau khi đọc xong, họ cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm đi nhiều, và kiến nghị tác giả hãy chia sẻ lại với bạn đọc gần xa.
Tác giả nhận lời và bài viết này được chắp bút trong bối cảnh đó. Dưới đây là ba tích truyện, hy vọng mang đến góc nhìn mới cho quý độc giả.
Các việc xảy ra trong nhà đều do ông Trời sắp đặt
Vào thời nhà Đường, đại thần Đỗ Tông (794-873) và Lý Đức Dụ (787-849) đều làm việc trong Trung thư tỉnh (cơ quan lập pháp thời Đường). Một ngày nọ, Lý Đức Dụ nói với Đỗ Tông: “Nhà ông có một dị nhân, sao không để người ấy đến diện kiến nhà tôi?”
Đỗ Tông đáp: “Nhà tôi đâu có người như vậy!”
Lý Đức Dụ lại nói: “Ông thử nghĩ xem sao.”
Đỗ Tông thấy vậy bèn trả lời: “Nhà tôi chỉ có một cháu ngoại mới từ phương xa đến cầu quan.”
“Chính là cậu ấy,” Lý Đức Dụ nói.
Sau khi về nhà, Đỗ Tông liền bảo cháu ngoại đi bái kiến Lý Đức Dụ.
Lý Đức Dụ bèn hỏi cậu về bổng lộc trong mệnh của mình ra sao?
Cậu ấy đáp: “Thưa, Thái úy ngài quyền cao chức trọng, còn cần phải hỏi câu này hay sao? Phàm những chuyện nhỏ nhặt trong đời đều có định số, huống là những chuyện lớn như công huân và tước lộc! Nhưng vãn bối có thể thưa một chuyện nhỏ trong nhà của ngài, như để minh chứng cho cái lý ‘từ việc nhỏ nhìn thấy chuyện lớn.’
Trưa mai nhà ngài sẽ xuất hiện một con bạch thú từ căn phòng ở phía nam đi ra. Còn có một tiểu đồng 7 tuổi, búi tóc chữ Y, mặc áo màu tím, tay cầm cây trúc chín khúc, dài năm thước, đánh đuổi con bạch thú này khiến nó tháo chạy về hướng cũ. Tiểu đồng này không phải người trong nhà ngài. Ngài đợi đến lúc chuyện này ứng nghiệm xem sao.”
Trưa hôm sau, quả nhiên có một con mèo trắng chạy ra từ căn phòng phía nam. Sau đó, có một tiểu đồng búi tóc chữ Y, mặc áo tím đuổi nó. Con mèo lại chạy về hướng nam.
Lý Đức Dụ lập tức cho gọi tiểu đồng đến hỏi chuyện. Tiểu đồng thưa mình 7 tuổi. Lý Đức Dụ lại đếm cây trúc trong tay cậu bé, nó dài năm thước và có chín đốt. Cậu bé này là con trai của một người hầu ngoài phủ.
Những lời dự đoán của cháu ngoại Đỗ Tông quả nhiên đều là sự thật, không sai lệch chút nào.
Từ câu chuyện này có thể thấy, mọi chuyện dù là lớn hay nhỏ đều do ông Trời định sẵn.
(Trích từ “Văn Kỳ Lục”)
Chuyện lớn nhỏ bên ngoài cũng do ông Trời an bài
Thái phủ Thôi Khiết ở Trường An và Tiến sĩ Trần Đồng cùng nhau đi dạo đến khu phố phía Tây để thăm bằng hữu. Trần Đồng có tài dự đoán, nhưng Thôi Khiết không tin. Trước khi ra khỏi phủ, Trần Đồng nói: “Tôi và ngài sẽ ăn cá thái lát ở đình Bùi Lệnh.”
Thôi Khiết nghe vậy không tin, chỉ cười không đáp.
Sau đó, khi hai người họ đi qua đường Thiên Môn, nhìn thấy có cá bán rất tươi. Thôi Khiết sớm đã quên lời dự đoán của Trần Đồng, bèn nói: “Chúng ta ra ngoài dạo chơi, nhàn rỗi không có việc gì làm, chi bằng ăn cá thái lát đi!” Nói rồi, ông sai người hầu lấy tiền mua cá, mua đến mười cân.
Thôi Khiết bèn hỏi: “Chúng ta đi đến đâu để nấu cá bây giờ?”
Người hầu đứng bên đáp: “Thưa, đình Bùi Lệnh cách đây rất gần.”
Thôi Khiết bèn phái người đến sắp xếp trước.
Mãi khi đến đình, Thôi Khiết vừa xuống ngựa liền nhớ lại lời của Trần Đồng nói trước đó, kinh ngạc hỏi: “Ta sẽ đến đâu để tìm người làm cá đây?”
Trần Đồng nói: “Chỉ cần mượn được dao và thớt, một vị nhạc sư đệ nhất bộ sẽ giúp ta làm cá.”
Một lúc sau, quả nhiên có ba, bốn vị mặc áo tím vào trong đình thưởng ngoạn. Một người trong đó nhìn thấy cá bèn nói: “Cá này tươi quá! Nhị vị có muốn làm món cá thái lát không? Tại hạ thạo việc này, có thể giúp các vị.”
Hỏi ra mới biết hóa ra người này là nhạc sư đệ nhất bộ của Lê Viên (hay vườn lê, nơi Hoàng đế Đường Minh Hoàng từng tổ chức hát xướng, được biết đến như Nhạc viện của triều Đường). Lúc này, những người khác đều đã rời đi. Vị nhạc sư nhanh tay cởi áo choàng ngoài, cầm dao thái cá, động tác rất nhanh nhẹn.
Lúc cá sắp được thái xong, Trần Đồng lại dự đoán: “Món cá này chỉ có tôi và Thôi huynh dùng bữa. Tôi đoán rằng vị nhạc sư này sẽ không ăn được.”
Quả nhiên, khi món cá vừa chế biến xong thì bỗng có sứ giả đến truyền chỉ: “Hoàng Thượng giá lâm Long Thủ Trì, triệu nhạc sư đệ nhất bộ đến!”
Thế là, vị nhạc sư vội vàng chỉnh trang lại y phục của mình, hướng về phía cửa mà chạy, một lời cáo biệt cũng không kịp nói. Lúc này Thôi Khiết vô cùng kinh ngạc.
Sau khi dùng bữa xong, Trần Đồng lại nói: “Một lát nữa sẽ có vị quan cửu phẩm từ hơn ba ngàn dặm phía Đông Nam đến đây uống nửa bát canh.”
Vừa dứt lời thì Huyện úy Diên Lăng là Lý Cảnh đến, ông đang chuẩn bị đi nhậm chức. Vì Lý Cảnh là họ hàng với Thôi Khiết, hay tin ông đang ở đình Bùi Lệnh nên cất công đến cáo biệt.
Thôi Khiết thấy có khách quý đến bèn hỏi người hầu: “Còn cá nữa không?”
Người hầu đáp: “Thưa, cá đã được dùng hết! Chỉ còn một ít nước canh.”
Thôi Khiết cười lớn nói: “Người đâu, mau dâng canh lên cho Thiếu phủ Lý Cảnh dùng.”
Lý Cảnh uống hết nửa bát canh rồi rời đi. Lý Cảnh đi nhậm chức Huyện úy Diên Lăng, chính là cấp quan cửu phẩm trong triều đình.
Những chuyện xảy ra đều không nằm ngoài dự đoán của Trần Đồng!
Từ câu chuyện này có thể thấy rằng, trong cõi vô minh, những sự việc mà chúng ta bắt gặp bên ngoài, là gặp gỡ ai, dùng món ăn gì, dẫu là chuyện lớn hay chuyện nhỏ đều đã được ông Trời định sẵn!
(Trích từ “Dật Sử”)
Định số của con người cũng do ông Trời sắp đặt
Vào những năm Trinh Nguyên thời Hoàng đế Đường Đức Tông, có một người tên là Lý Sinh sống ở Hà Bắc. Người này dũng mãnh, tính khí trượng nghĩa, không câu nệ tiểu tiết, nhưng lại thường hay giao du với đám thanh niên lêu lổng.
Mãi đến năm Lý Sinh 20 tuổi thì tính tình mới thay đổi, từ đó cần mẫn đèn sách, thơ văn sáng tác ra cũng được mọi người tán thưởng. Lý Sinh nhiều lần làm quan ở Hà Bắc, sau đó giữ chức Lục sự Tham quân ở Thâm Châu. Lý Sinh có phong thái nhanh nhẹn, giỏi ăn nói, giỏi từ đá cầu đến thưởng rượu, tinh thông chính sự, thanh liêm tài giỏi, nên được Thái thú trọng dụng.
Khi đó, Vương Vũ Quân giữ chức Thành Đức quân Tiết độ sứ, trên ỷ vào quân quyền, dưới ỷ có binh lính mà vô pháp vô thiên. Bởi vậy, quan lại các châu đều dè chừng, sợ hãi, không dám đối mặt với ông ta.
Vương Vũ Quân cử con trai là Vương Sĩ Chân đi thị sát các châu mà mình cai quản.
Khi hay tin Vương Sĩ Chân đến Thâm Châu, Thái thú chuẩn bị yến tiệc và kỹ nhạc tại phủ để thiết đãi. Vì e sợ Vương Sĩ Chân nên trong bữa tiệc Thái thú Thâm Châu tỏ ra vô cùng lễ tiết, chu đáo. Lại lo lắng có người say rượu va phải Vương Sĩ Chân, nên Thái thú cũng không dám mời đồng sự của mình đến dự.
Vương Sĩ Chân vô cùng hài lòng, thấy không châu nào tiếp đón trịnh trọng như Thâm Châu. Sau khi uống rượu đến nửa đêm, Vương Sĩ Chân mới nói: “Thái thú hậu đãi như vậy, nhưng rượu ca đã đến tận đêm, mà không có khách quý nào đến sao? Mong Thái thú thỉnh mời.”
Thái Thú vội trả lời: “Châu này vốn hoang vu hẻo lánh, không có quý nhân, e sợ cái uy của Phó đại sứ (Vương Sĩ Chân lúc đó là Phó Tiết độ sứ) nên không dám làm khách dự tiệc. Chỉ có Lục sự Tham quân Lý Sinh là xứng để hầu rượu Ngài.”
Vương Sĩ Chân nói: “Được, hãy mời anh ta tới.”
Lý Sinh nghe lệnh vội vã đến bữa tiệc, hành lễ ngay ngắn. Vương Sĩ Chân vừa thấy Lý Sinh thì sắc mặt bỗng trở nên khó coi. Ông ta lệnh cho Lý Sinh ngồi, nhưng Lý Sinh càng cung kính, thì Vương Sĩ Chân càng không vui, trừng mắt xắn tay áo lên, cũng không còn vui vẻ như trước.
Thái thú lấy làm sợ hãi không biết xử trí ra sao. Ông quay sang thấy Lý Sinh thần sắc bất an, mồ hôi đầy mặt, không cầm vững nổi chén rượu. Người trong bữa tiệc ai nấy đều không khỏi sững sờ.
Một lúc sau, Vương Sĩ Chân hạ lệnh: “Trói Lý Sinh lại cho ta, tống vào trong ngục!”
Tùy tùng tả hữu vội vàng kéo Lý Sinh ra ngoài, gông cổ còng tay tống vào ngục. Sau đó, Vương Sĩ Chân lại uống rượu vui vẻ như trước, mãi đến sáng mới tàn tiệc.
Thái thú vừa hoảng vừa sợ, lén phái người vào ngục tra hỏi Lý Sinh: “Biểu hiện của ngươi rất cung kính, hơn nữa còn chưa nói một câu, không thể đắc tội với Vương Sĩ Chân được. Nhưng sao ngài ấy vừa nhìn thấy ngươi thì lại tức giận? Ngươi có biết là chuyện gì không?”
Lý Sinh khóc lóc thảm thiết một hồi rồi nói: “Phật gia giảng đạo lý nhân quả báo ứng, mà giờ tôi mới ngộ ra. Thời trẻ nhà nghèo, không có kế sinh nhai nên tôi thường giao du với đạo tặc, hay cướp bóc tiền bạc của dân làng. Mỗi ngày cưỡi ngựa giương cung hơn trăm dặm, thị uy khắp nơi.
Một ngày nọ, tôi gặp một thiếu niên cưỡi la mang theo hai bọc hành lý lớn, nên trong tâm tôi lại nổi lòng tham. Liếc nhìn hai bên đều là vách đá dựng đứng, trời đã nhá nhem bèn dùng hết sức đẩy người này xuống vách đá. Xong việc, vội vàng dẫn con la đến một quán trọ, mở hành lý, lấy được hơn một trăm mảnh lụa.
Kể từ đó gia cảnh nhà tôi trở nên sung túc hơn trước. Vì vậy, tôi bẻ gãy cung tên, bế quan đèn sách, xuất chí làm quan. Vậy mà, cũng đã hai mươi bảy năm trôi qua.
Nào ngờ, đêm qua Thái thú lệnh cho tôi đi dự yến tiệc. Tôi hoảng hốt khi nhìn thấy diện mạo của ngài Phó đại sứ giống hệt cậu thiếu niên mà tôi sát hại năm xưa.
Sau khi bái kiến xong, tâm trạng tôi sợ hãi hổ thẹn, biết ngày chết của mình sớm muộn gì cũng đến. Giờ tôi đang ngồi sẵn đợi chết, còn lời gì để biện minh nữa đây? Đây là báo ứng.”
Một hồi sau, Vương Sĩ Chân tỉnh rượu, vội vàng ra lệnh cho binh lính: “Mau đến chỗ của Lý Sinh, lấy thủ cấp của hắn cho ta.”
Binh lính lập tức vào ngục chặt lấy thủ cấp của Lý Sinh, Vương Sĩ Chân nhìn thấy thì ưng ý mỉm cười. Không những vậy, Vương Sĩ Chân còn tổ chức đại tiệc ở phủ của Thái thú.
Thái thú thấy Vương Sĩ Chân đã say rượu, lại đang cao hứng nên đứng dậy nói: “Tại hạ bất tài, thân vốn trấn giữ một châu, vậy mà khinh suất đắc tội trong chuyến thị sát của Phó đại sứ. May thay ngài khoan hồng, không trách tội. Đêm qua, ngài cho tại hạ đi mời khách quý đến, tại hạ nghĩ tới nghĩ lui, xét thấy nơi này hẻo lánh không có quý nhân xứng hầu rượu ngài. Trộm nghĩ tiểu tử Lý Sinh giỏi uống rượu, nên gọi hắn đến. Nào ngờ tên họ Lý ngu xuẩn, không biết lễ nghĩa mà đắc tội với minh công, đây cũng là tội của tại hạ. Nay minh công giết hắn, hẳn có nguyên do. Nhưng tại hạ có điều chưa rõ, xin lớn mật hỏi một câu: Tên họ Lý kia rốt cuộc đã phạm tội gì, mong ngài chỉ dạy để tại hạ lấy đó làm gương.”
Vương Sĩ Chân cười nói: “Lý Sinh không có tội, chỉ là ta vừa nhìn thấy hắn, trong tâm liền thấy tức giận, lúc đó đã có ý giết hắn. Bây giờ đã giết hắn rồi, ta cũng không biết tại sao! Chuyện này ngài đừng nhắc lại nữa.”
Sau khi tiệc tàn, Thái thú lén hỏi tuổi của Vương Sĩ Chân, vừa đúng 27 tuổi. Hóa ra cậu thiếu niên mà Lý Sinh sát hại năm đó đã chuyển sinh sang nhà họ Vương, lấy tên là Vương Sĩ Chân.
Vì chuyện này mà Thái thú kinh hãi một hồi lâu, sau đó đã hậu táng Lý Sinh bằng tiền riêng của mình.