Dù thần thông quảng đại, Mục Kiền Liên cũng không thể cứu được thân mẫu
Vu Lan là ngày lễ hàng năm vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch để tưởng nhớ đến công ơn cha, mẹ và tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam và người Trung Hoa. Sự tích về ngày này bắt nguồn từ câu chuyện Đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ như được kể trong kinh Vu Lan.
Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, ông cũng là đệ tử đệ nhất về thần thông. Sau khi đắc được thần thông, điều đầu tiên ngài làm là tìm kiếm người mẹ đã qua đời của mình.
Ông dùng phép thần thông về thấu thị, và tìm thấy mẹ bị đày ở cõi ngạ quỷ. Là một con ma đói, bà không thể ăn bất cứ thứ gì và chả khác gì một bao xương. Vậy bà đã tạo ra ác nghiệp nào khi bà còn sống? Bà đã hoang phí rất nhiều thức ăn, tham lam và nóng giận. Bà cũng sinh ra nhiều ác niệm, điêu ngoa, không kiểm soát hành vi của mình, cũng chả bố thí cho ai. Bà thậm chí còn báng bổ các nhà sư.
Mục Kiền Liên là một người con hiếu thuận. Ngài đã cố gắng giúp thân mẫu giảm bớt đau đớn bằng cách dùng thần thông của mình mà dâng cho bà một bát cơm. Để ngăn những hồn ma khác giành giật thức ăn, mẹ của ngài đã dùng tay trái gầy guộc che bát cơm trong khi dùng tay phải lấy thức ăn. Nhưng lần nào cũng vậy, ngay khi thức ăn sắp vào miệng thì đều bốc cháy thành lửa đỏ. Những ngọn lửa rơi xuống đất thì lại biến thành thức ăn.
Mục Kiền Liên vô cùng tuyệt vọng. Dẫu cho có được thần thông quảng đại, ngài cũng không thể cứu được mẹ của mình.
Ngài diện kiến Đức Phật và thỉnh cầu làm cách nào để có thể làm giảm bớt nỗi thống khổ cho mẹ mình. Ngài được dạy rằng, vì thân mẫu đã phạm phải nhiều ác nghiệp, và bản thân Mục Kiền Liên không thể giải thoát được cho bà. Chỉ có một cách là nhờ đến sự hợp lực của các chư tăng và ngày rằm 15 tháng Bảy là thích hợp để cung thỉnh chư tăng.
Vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch, các chư tăng thường tề tựu sau khóa tu mùa hè. Đức Phật dặn dò Mục Kiền Liên chuẩn bị trái cây, thức ăn, quần áo để cúng dường vào bình bát “vu lan” cho các nhà sư. Đổi lại, các nhà sư cầu nguyện cho bảy đời cha mẹ và tổ tiên của người cúng dường. Nhờ theo cách đó, mẹ Mục Kiền Liên có thể được đầu thai.
Mục Kiền Liên đã làm theo lời dạy của Đức Phật và cúng dường cho các nhà sư. Rốt cuộc, ngài đã cứu được thân mẫu của mình khỏi cõi ngạ quỷ.
Câu chuyện Đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ trong kinh Vu Lan tương đồng với quan điểm của Nho giáo về lòng hiếu thảo. Câu chuyện này cũng được chuyển thể thành vở kinh kịch nổi tiếng có tên “Mục Kiền Liên Cứu Mẹ,” và phổ biến trong các triều đại nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh (từ thế kỷ thứ 10 trở đi).
Đạo lý trong câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ là ai cũng phải hoàn trả nợ nghiệp của chính mình. Ngay cả vị đại đức có thần thông quảng đại như Mục Kiền Liên cũng không thể giúp bản thân cứu mẹ hoặc người khác thoát khỏi nợ nghiệp của họ. Một người đã từng gây ra những việc ác phải chịu đựng thống khổ và sửa chữa sai lầm của mình trước khi có hy vọng được đắc cứu. Mẹ của Mục Kiền Liên đã tạo ra ác nghiệp khi bà còn sống và ngay cả khi là một con ma đói, bà vẫn ích kỷ, dùng tay che bát thức ăn của mình để những con ma khác không thể giật lấy. Không một chút ăn năn hối hận! Tại sao thức ăn trao cho bà lại biến thành lửa đỏ? Không có bất kỳ một niệm nào của chúng ta, dù tốt hay xấu, có thể thoát khỏi mắt của các vị Thần.