Dự luật mới thúc đẩy sự minh bạch về ảnh hưởng của Trung Quốc trong Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ
Hôm 25/07, bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã giới thiệu một dự luật của lưỡng đảng nhằm xóa tan màn sương mù xung quanh việc Trung Quốc bí mật sử dụng Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) để gây ảnh hưởng đối với các chính phủ ở các quốc gia khác.
Đạo luật Minh bạch IDB sẽ yêu cầu Bộ Ngân khố Hoa Kỳ làm rõ “ảnh hưởng xấu” của ĐCSTQ trong tổ chức tài chính này.
Dự luật do các Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey), và Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) giới thiệu. Thông cáo báo chí đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật này vì IDB là “tổ chức phát triển quan trọng nhất ở Tây Bán Cầu” và đã phân phối tài trợ hơn 23 tỷ USD vào năm ngoái.
Ngoài các khoản cho vay, IDB còn đại diện cho một phương tiện để nắm giữ quyền lực và kiểm soát các quốc gia đang phát triển. Đó là một lĩnh vực mà ĐCSTQ đã quen thuộc sâu rộng thông qua việc sử dụng rộng rãi “ngoại giao bẫy nợ.” Ảnh hưởng của ĐCSTQ thông qua các khoản vay mà các quốc gia nghèo không có khả năng chi trả là đặc biệt phổ biến ở các khu vực như Mỹ Latinh và Caribe.
Tuy nhiên, các khoản cho vay lớn vẫn cần các tổ chức tài chính lớn. Do đó, IDB bị vướng vào mạng lưới can thiệp vào các chính phủ Mỹ Latinh của ĐCSTQ, nhưng vẫn chưa rõ là ở mức độ nào. Theo những người ủng hộ luật, đó là mấu chốt của vấn đề mà Đạo luật Minh bạch IDB muốn giải quyết.
Ông Hagerty nói, “Hoa Kỳ là cổ đông lớn nhất của IDB, nhưng CHND Trung Hoa đã lợi dụng IDB để tăng cường ảnh hưởng bất chính đang ngày càng nhiều lên của mình ở Mỹ Latinh. Tôi vui mừng giới thiệu đạo luật lưỡng đảng này, đạo luật sẽ giúp chấm dứt nỗ lực của ĐCSTQ trong việc sử dụng IDB để thúc đẩy các mục tiêu của họ ở Mỹ Latinh.”
Ông Rubio đã ủng hộ dự luật này, nói: “Hoa Kỳ là cổ đông lớn nhất của IDB. Tuy nhiên, chế độ diệt chủng của Trung Quốc tiếp tục củng cố và phát triển đòn bẩy của IDP trong toàn khu vực của chúng ta, thông qua chính sách ngoại giao bẫy nợ và Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ. Chúng ta phải có một kế hoạch hành động toàn diện để giảm thiểu ảnh hưởng cưỡng chế và phản dân chủ của Bắc Kinh tại IDB.”
Ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Mỹ Latinh đã hình thành theo nhiều cách khác nhau. Ảnh hưởng này bao gồm việc ép buộc các chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm đồng tiền dự trữ chính thức thay vì đồng USD.
Điểm nổi bật
Nhìn thoáng qua, Đạo luật Minh bạch IDB yêu cầu Bộ Ngân khố phải có một báo cáo công khai hai năm một lần để liệt kê tất cả các dự án của ĐCSTQ. Báo cáo này sẽ gồm có cách IDB đã trực tiếp được hưởng lợi từ đó và toàn bộ các dự án mà Trung Quốc đã tham gia. Báo cáo này cũng gồm có danh sách các dự án của IDB gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực và sự minh bạch hơn về số lượng công nghệ của ĐCSTQ chịu sự kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ được sử dụng trong các dự án của IDB.
Báo cáo cũng sẽ yêu cầu một kế hoạch đối phó nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong IDB và là lời kêu gọi hành động để Hoa Kỳ tận dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn các dự án “đe dọa đến các lợi ích quốc gia.”
Và ở Mỹ Latinh, Trung Quốc đang gây ảnh hưởng chủ yếu bằng tiền.
Trong gần ba thập niên, thương mại của Trung Quốc trong khu vực đã tăng vụt từ 1.7 tỷ USD lên 428 tỷ USD, vượt qua Hoa Kỳ ở hầu hết các quốc gia. Nhưng đầu tư trực tiếp ngoại quốc (OFDI) và các khoản vay là một phần của kết quả này. Năm 2022, OFDI của Bắc Kinh ở Mỹ Latinh và Caribe lên tới thêm 12 tỷ USD.
Tại các quốc gia đang phải chật vật với tỷ lệ thất nghiệp cao và phát triển cơ sở hạ tầng hạn chế, sự xuất hiện của khoản tiền to lớn của Trung Quốc được nhìn qua lăng kính màu hồng.
Ông Evan Ellis là giáo sư nghiên cứu về châu Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ. Ông nói với The Epoch Times rằng các dự án lớn hào nhoáng và các khoản vay là nguồn gốc sức mạnh của Trung Quốc với tư cách là quốc gia có ảnh hưởng chính trong khu vực.
Nhưng sau đó ĐCSTQ còn tiến thêm một bước nữa. Họ tham gia vào cái mà ông Ellis gọi là ngoại giao giữa “người dân với người dân.”
Ông nói, “Trung Quốc giăng lưới rất, rất rộng. Họ tham gia ở mọi cấp độ.”
Phạm vi bao gồm giới học thuật, nền chính trị địa phương, các ngành dược phẩm, thông tin liên lạc, truyền thông, và năng lượng. Một khi những đồng tiền của Bắc Kinh lọt qua khe cửa, thì chúng sẽ nhanh chóng phân nhánh để mở rộng mạng lưới ảnh hưởng của họ.
Một số dự án kiểu này đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ, chẳng hạn như việc ĐCSTQ thúc đẩy nhiều quốc gia bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ.
Ông Ellis lưu ý rằng Trung Quốc đang có những bước tiến thận trọng hướng tới mục tiêu truất ngôi đồng USD tại sân sau của chính Hoa Kỳ trong năm nay. Những tác động lâu dài có thể có nghĩa là Hoa Kỳ mất chỗ đứng trên sân khấu địa chính trị.
Ông Ellis nói, “Tình huống đó thay đổi hoàn toàn vị thế kinh tế của chúng ta trong việc tài trợ cho mọi thứ.”
Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch, xét đến việc Trung Quốc nắm giữ vị trí ưu tiên trong việc tiếp cận nguồn tài trợ của IDB.
Một bức tranh lớn hơn
Trung Quốc sở hữu một phần rất nhỏ cổ phần trong IDB. Tuy nhiên, với quyền sở hữu ít hơn 0.1%, Bắc Kinh luôn được xếp hạng gần đầu danh sách các quốc gia được trao hợp đồng của IDB. Họ thậm chí còn chiếm vị trí số một hồi năm 2019.
Nhiều dự án trong số này đang diễn ra ở châu Mỹ Latinh và Caribe, nơi mà việc đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào — từ bất kỳ ai theo đúng nghĩa trên mặt chữ — đều được chào đón với vòng tay rộng mở.
Nhưng có một mặt tối đối với các “siêu dự án” nổi tiếng của Trung Quốc ở châu Mỹ. Các dự án này bị tham nhũng, ô nhiễm tràn lan, và chất lượng kém ám ảnh.
Một ví dụ sâu sắc về thực tế này là nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair trị giá 2.7 tỷ USD ở Ecuador. Được xây dựng vào năm 2016, đây là dự án lớn nhất từng được xây dựng ở quốc gia Nam Mỹ này. Ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng say sưa với thành tựu của nó.
Chỉ bảy năm sau, nhà máy này bị nứt và phải chịu những lo ngại về cấu trúc. Các kỹ sư địa phương hiện đang lo lắng rằng một sự cố thảm khốc có thể sắp xảy ra.
“Chúng tôi có thể mất tất cả,” ông Fabricio Yépez, một kỹ sư tại Đại học San Francisco ở Quito, nói với các phóng viên. “Và chúng tôi không biết liệu tất cả sẽ có thể sụp đổ vào ngày mai hay sáu tháng nữa.”
Những người ủng hộ Trung Quốc đã nhanh chóng trấn an rằng các dự án cơ sở hạ tầng của Ecuador là không có vấn đề về tay nghề, nhưng dự án Coca Codo Sinclair không phải là dự án đầu tiên gặp trục trặc. Không hề là như vậy.
Đó chỉ là một quân cờ domino trong một chuỗi các dự án đang phát triển của ĐCSTQ ở Mỹ Latinh vốn đang bắt đầu bị lung lay. Nhiều quốc gia trong khu vực đang phải vất vả với các “siêu dự án” được xây dựng kém chất lượng mà chính phủ địa phương không đủ khả năng khắc phục.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc tại IDB đã được thiết lập từ lâu. Ông Ellis cho biết vấn đề không chỉ là số lượng “phiếu bầu” đạt được thông qua lượng cổ phần sở hữu, mà còn là cách quý vị sử dụng chỗ ngồi của mình tại bàn ra sao.
Ông nói: “Người Trung Quốc là những quan chức khôn khéo … có rất nhiều cách để họ có thể xoay chuyển tình thế.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times