Dự kiến các quỹ ESG sẽ tiếp tục hoạt động kém hơn S&P 500 trong suốt năm 2023
Một số quỹ đầu tư tuân thủ các chính sách về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) đã hoạt động kém hơn so với chỉ số S&P 500 trong năm nay, và hiệu suất kém của các quỹ như thế có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023.
Một phân tích của Bloomberg về 10 quỹ ESG lớn nhất tính theo tài sản cho thấy tất cả các quỹ này đều ghi nhận khoản lỗ hai con số. Mặc dù S&P 500 đã giảm 14.8% tính đến hôm 05/12, nhưng tám trong số các quỹ ESG này thậm chí còn giảm nhiều hơn. Đứng đầu danh sách thua lỗ là Quỹ Tăng trưởng Bền vững Brown Advisory với mức giảm 28.1%, gần gấp đôi mức thua lỗ của S&P 500. Tính đến cuối tháng Mười, ⅖ tài sản của quỹ này là các cổ phiếu internet, nhu liệu, và vi mạch bán dẫn.
Hai quỹ khác ghi nhận khoản lỗ vượt quá 20% trong khi bốn quỹ ghi nhận khoản lỗ vượt quá 15%. Quỹ có khoản lỗ nhỏ nhất, TIAA-CREF Core Impact Bond Fund, đã giảm 13%. Không giống như các quỹ khác trong danh sách, đây là quỹ có thu nhập cố định. Trung bình, số quỹ chứng khoán được dán nhãn ESG với khối lượng tài sản vượt quá 500 triệu USD đã giảm 12%.
Nhiều người cho rằng các quỹ ESG cũng sẽ hoạt động kém hơn so với thị trường nói chung vào năm 2023. Một cuộc khảo sát của Bloomberg từ tháng Mười Một cho thấy 65% số người được hỏi dự đoán một xu hướng như vậy.
Trong số 691 người được hỏi, 264 người dự đoán các quỹ ESG sẽ “hoạt động hơi kém hiệu quả,” trong khi 184 người cho rằng các quỹ này sẽ “hoạt động kém hiệu quả rõ rệt.”
Bà Fionna Ross đến từ công ty quản lý quỹ Abrdn Plc có trụ sở tại Edinburgh cho biết về quỹ ESG trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn này: “Với những thách thức của năm 2022, sẽ có một chút phục hồi vào năm tới, nhưng xu hướng sẽ vẫn hỗn hợp,” do các vấn đề kinh tế như lạm phát.
Trong khi đó, trong một nghiên cứu gần đây (pdf) về giá trị đặt lên ESG, các nhà đầu tư sẵn sàng trả phí cao hơn cho các quỹ ESG để đổi lấy lợi ích tài chính và phi tài chính từ các quỹ này.
Trung bình, các nhà đầu tư sẵn sàng trả thêm 20 điểm cơ bản (thêm 0.2% lợi suất) mỗi năm cho các quỹ ESG so với quỹ không có yêu cầu ESG.
Nghiên cứu cho biết: “Khi chúng tôi kết hợp khả năng các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận tài chính thấp hơn để đổi lấy lợi ích tinh thần và xã hội của ESG, chúng tôi thấy rằng giá trị tiềm ẩn mà các nhà đầu tư đặt vào cổ phiếu ESG vẫn cao hơn.”
Hành động của các tiểu bang chống lại ESG
Các quỹ ESG đã thu hút sự chỉ trích từ phía các nhà lập pháp. Trong một bức thư gần đây gửi cho hai giám đốc điều hành, sáu thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã xem hệ tư tưởng quản trị này là nguyên nhân của việc bóp nghẹt đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt cũng như thúc đẩy các chính sách cấp tiến như quyền phá thai và kiểm soát súng.
Họ trích dẫn một bài bình luận đăng trên Wall Street Journal từ hồi tháng Sáu lập luận rằng việc thúc đẩy nghị trình ESG yêu cầu các chủ sở hữu tư liệu sản xuất phải thông đồng với nhau để hạn chế việc cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ, vốn là việc làm cấu thành nên hành vi vi phạm chống độc quyền.
Các nhà lập pháp viết: “Các tập đoàn thức tỉnh đang cùng nhau áp dụng và áp đặt các mục tiêu chính sách cấp tiến mà người tiêu dùng Mỹ không muốn hoặc không cần. Việc cá nhân một công ty nào đó sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp cho các mục tiêu cấp tiến có thể vi phạm nghĩa vụ của bên được ủy thác hoặc các luật khác, gây tổn hại đến khả năng tồn tại của công ty và khiến người tiêu dùng xa lánh.”
Các tiểu bang đã bắt đầu rút tiền từ các công ty đầu tư áp dụng lập trường phù hợp với ESG. Hồi tháng Mười, Louisiana đã thông báo rằng tiểu bang sẽ thoái vốn khoản tiền trị giá 794 triệu USD hiện đang nằm trong sự quản lý của BlackRock. Trong tháng Mười Hai, Florida tuyên bố sẽ rút 2 tỷ USD do công ty đầu tư này quản lý.
Các tiểu bang như Missouri, Utah, và Arkansas đã công bố các quyết định tương tự do lo ngại rằng các công ty đầu tư ủng hộ ESG sẽ khiến các nhà đầu tư tránh xa nhiên liệu hóa thạch.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times