DOJ kiện Google lần thứ hai, cáo buộc công ty vi phạm luật chống độc quyền
Hôm thứ Ba (24/01), Bộ Tư pháp và tám tiểu bang đã đệ đơn kiện Google thuộc sở hữu của Alphabet, kêu gọi chấm dứt hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo của công ty và cáo buộc công ty này tham gia vào các hoạt động độc quyền.
Bộ Tư pháp cho biết trong một đơn khiếu nại nộp lên tòa án liên bang ở Virginia rằng: “Google lạm dụng quyền lực độc quyền của mình để gây bất lợi cho các nhà xuất bản trang web và nhà quảng cáo dám sử dụng các sản phẩm công nghệ quảng cáo cạnh tranh để tìm kiếm chất lượng cao hơn, hoặc chi phí thấp hơn, và phù hợp.”
Vụ kiện này là đơn khiếu nại chống độc quyền liên bang thứ hai đối với Google, cáo buộc cách thức công ty giành được hoặc duy trì sự thống trị của mình là vi phạm luật chống độc quyền. Vụ kiện của Bộ Tư pháp đối với Google vào năm 2020 tập trung vào sự độc quyền của công ty này trong lĩnh vực tìm kiếm và dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào tháng Chín.
Chính phủ cho biết trong đơn khiếu nại chống độc quyền của mình hôm thứ Ba rằng: “Google đã sử dụng các biện pháp chống cạnh tranh, loại trừ, và bất hợp pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu nghiêm trọng bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự thống trị của họ về công nghệ quảng cáo kỹ thuật số.”
Trong một cuộc họp báo công bố vụ kiện nói trên, Tổng chưởng lý Merrick Garland cho biết, các công ty độc quyền “bóp nghẹt sự đổi mới” và “làm tăng chi phí cho người tiêu dùng”. Ông cho biết, chính phủ Hoa Kỳ đã phải chịu hậu quả của các hoạt động bị cáo buộc là độc quyền của Google vì họ đã trả quá cao cho các quảng cáo thông qua các mạng của mình.
Vụ kiện nhắm vào hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google, vốn chịu trách nhiệm cho khoảng 80% doanh thu của công ty có trụ sở tại Mountain View, California này. Ngoài công cụ tìm kiếm miễn phí nổi tiếng của mình, Google kiếm doanh thu thông qua các doanh nghiệp công nghệ quảng cáo liên kết với nhau, kết nối các nhà quảng cáo với các tờ báo, trang web và các công ty khác đang tìm cách mời họ.
Nhưng trong những năm qua, các nhà quảng cáo và nhà xuất bản trang web đã phàn nàn rằng Google đã không minh bạch về việc tiền quảng cáo sẽ chảy về túi của ai, cụ thể là bao nhiêu tiền dành cho nhà xuất bản và bao nhiêu tiền dành cho Google. Đại công ty công nghệ này đã thực hiện một loạt giao dịch mua, bao gồm DoubleClick vào năm 2008 và AdMob vào năm 2009, để giúp bản thân trở thành công ty thống trị trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Theo hồ sơ nói trên, Bộ Tư pháp nói rằng, Google “đã làm hỏng sự cạnh tranh hợp pháp trong ngành công nghệ quảng cáo bằng cách tham gia vào một chiến dịch có hệ thống nhằm giành quyền kiểm soát một loạt các công cụ công nghệ cao được các nhà xuất bản, nhà quảng cáo, và nhà môi giới sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho quảng cáo kỹ thuật số. Sau khi thâm nhập vào tất cả các khía cạnh của thị trường quảng cáo kỹ thuật số, Google đã sử dụng các biện pháp chống cạnh tranh, gạt bỏ, và bất hợp pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu nghiêm trọng bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự thống trị của mình về các công nghệ quảng cáo kỹ thuật số.”
Hơn nữa, hồ sơ cho biết rằng Google trước tiên làm việc để “vô hiệu hóa hoặc loại bỏ” các đối thủ công nghệ quảng cáo khác thông qua việc mua lại và sau đó sử dụng “sự thống trị của mình trên các thị trường quảng cáo kỹ thuật số để buộc nhiều nhà xuất bản và nhà quảng cáo sử dụng sản phẩm của mình hơn đồng thời cản trở khả năng sử dụng các sản phẩm cạnh tranh của họ”.
“Bất cứ khi nào khách hàng và đối thủ cạnh tranh của Google phản ứng bằng sự đổi mới đe dọa đến sự kiểm soát của Google đối với bất kỳ công cụ công nghệ quảng cáo nào, thì phản ứng phản cạnh tranh của Google đều nhanh chóng và hiệu quả,” đơn kiện viết. “Mỗi khi một mối đe dọa xuất hiện, Google đã sử dụng sức mạnh thị trường của mình trong một hoặc nhiều công cụ công nghệ quảng cáo này để dập tắt mối đe dọa đó. Kết quả là: Kế hoạch thống trị lâu dài, bao trùm toàn ngành của Google đã thành công.”
Trước đây, Google đã lập luận rằng trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo, họ đang cạnh tranh với Facebook của Meta, AT&T, và Comcast, cùng những công ty khác. Tháng 12 năm ngoái, công ty đã yêu cầu một tòa án liên bang hủy bỏ vụ kiện chống độc quyền đầu tiên của DOJ, nói rằng đơn kiện đó “đầy thiếu sót” và sử dụng “các lập luận chống độc quyền đáng ngờ”.
Công ty lập luận rằng thị phần áp đảo của công ty là nhờ vào chất lượng của sản phẩm tìm kiếm, đồng thời nói thêm rằng những nỗ lực thúc đẩy công cụ tìm kiếm của mình là hoàn toàn hợp pháp.
“Quý vị không cần phải truy cập Google để mua sắm trên Amazon. Quý vị không cần phải truy cập Google để mua vé máy bay trên Expedia,” luật sư của công ty, John Schmidtlein, cũng cho biết vào năm ngoái: Thực tế là Google không phải đối mặt với sự cạnh tranh giống nhau trên mọi truy vấn không có nghĩa là công ty không phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.”
Ông Schmidtlein cũng nói rằng các công ty muốn hợp tác với Google “vì họ muốn” chứ không phải “vì họ buộc phải làm vậy”. Công ty “đã đạt được thành công phi thường và đang làm được điều gì đó vô cùng giá trị. Cạnh tranh về giá trị không phải là bất hợp pháp,” ông nói thêm.
Tám tiểu bang đã tham gia vụ kiện chống độc quyền của DOJ là California, Colorado, Connecticut, New Jersey, New York, Rhode Island, Tennessee, và Virginia.
Google cũng phải đối mặt với một số vụ kiện chống độc quyền khác từ các nhóm tổng chưởng lý tiểu bang, bao gồm một vụ kiện từ Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton cũng nhắm vào hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google.
The Epoch Times đã liên hệ với Google để xin bình luận.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times