Đôi khi sự giúp đỡ cũng gây tổn thương
Một buổi gặp gỡ gần đây làm tôi nhớ lại một nghịch lý, nghịch lý có thể là khó chịu nhất trong cuộc sống: đó là đôi khi, sự giúp đỡ cũng gây tổn thương. Bất kể ý định, lòng vị tha, trái tim và hành động của chúng ta thực sự hướng tới những điều tốt đẹp, thì trong một số trường hợp, tất cả sự giúp đỡ ấy sẽ không có tác dụng gì ngoài việc làm cho tình hình tồi tệ hơn. Sự giúp đỡ của chúng ta trở nên vô ích.
Tôi đến một trạm xăng để đổ xăng sau khi đi lễ nhà thờ, sau đó, tôi đi bộ về phía quầy tạp hóa trong trạm xăng để mua một cốc cà phê. Trên đường đi tôi thấy có một người phụ nữ đang ngồi gần cửa. Nhìn bề ngoài trông cô ấy rất nghèo, có thể là người vô gia cư. Đầu tóc rối bù, quần áo lấm lem và dáng dấp biểu hiện rõ là người sử dụng ma túy.
Tôi thấy cô ấy thật tội nghiệp. Tôi không biết câu chuyện cuộc đời cô ấy, tôi không phán xét gì cả. Tôi tự nghĩ: “Sông có khúc, người có lúc”. Tôi tin vào sức mạnh của con người trong việc đưa ra lựa chọn, và nó sẽ dẫn đến hậu quả tương ứng. Tôi cũng luôn cảm thông và thấu hiểu sâu sắc những người đang phải vật lộn trong cuộc sống. Chúng ta ai ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, và thường thì có rất ít người biết được câu chuyện đằng sau nó.
Vì vậy, tôi hỏi cô ấy: “Tôi có thể lấy cho cô một ít thức ăn?” Cô ấy đứng dậy và nói: “Được.”
Chúng tôi bước vào trong quầy tạp hóa, tôi chỉ vào khu vực đồ ăn uống và nói: “Hãy lấy bất cứ thứ gì cô muốn.” Tôi đã đưa ra một gợi ý rất tinh tế về việc cố gắng mua một số thứ lành mạnh hơn (chỉ tay vào các thanh ngũ cốc và protein, v.v.). “Tôi sẽ đi lấy cà phê, cô hãy lấy bất cứ thứ gì cô muốn và tôi sẽ thanh toán tiền cùng với tiền cà phê của tôi.”
Tôi đi lấy cà phê, và đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng huyên náo từ nhân viên thu ngân. Anh ta cao giọng và giơ tay, rõ ràng đang cố gắng thu hút sự chú ý của tôi. “Chị có trả tiền cái này cho cô ấy không?” Tôi hỏi anh ta đang nói đến điều gì. “Tờ vé số này,” anh ta nói. Hóa ra là người quen mới của tôi, trong khi chọn đồ ăn, đã lấy thêm một tờ vé số — và không phải một tờ vé số rẻ, mà là một tờ vé số trị giá 20 đô la!
Tôi cảm thấy choáng váng! Nhưng tôi không biểu hiện gì — tôi cũng khó chịu vì những gì người phụ nữ này đã làm, nhưng tôi cảm thấy cần phải tôn trọng phẩm giá của cô ấy. Tôi trả lời: “Không, không, điều đó không ổn. Nhưng nếu cô muốn một cái rẻ thì được.” Vì vậy, cô ấy đã trả lại tờ vé số 20 đô la và lấy một tờ 1 đô la. Cô ấy đã lấy nhiều hơn những gì tôi đề nghị, nhưng ít hơn nhiều so với điều cô ấy muốn có từ tôi.
Chúng tôi rời trạm xăng, cô ấy có đồ ăn và vé số. Tôi nói lời tạm biệt và hứa sẽ cầu nguyện cho cô ấy. Cô ấy không nói một lời nào và bước đi. Tôi làm điều tốt không phải để lấy lời “cảm ơn”, tuy nhiên điều khiến tôi ngạc nhiên là cô ấy không những không bày tỏ lòng biết ơn mà còn lợi dụng sự giúp đỡ. Tôi không hề tức giận — nhưng có một cảm giác buồn sâu sắc cho cô ấy. Ngoài ra, tôi còn có một cảm giác không mong đợi khác: sự bất lực. Nếu xét vấn đề sâu xa hơn, thì tôi không có khả năng giúp đỡ người phụ nữ này. Tôi đã vô dụng khi giúp đỡ cô ấy.
Trong một lá thư mà George Washington đã gửi cháu trai của ông, ông nói về cách khôn ngoan để giúp đỡ người khác:
“Hãy để trái tim cháu cảm nhận được sự phiền não và đau khổ của mọi người — và hãy giúp họ tương ứng với khả năng của cháu — hãy luôn ghi nhớ câu chuyện ‘Đồng tiền của bà góa’ . Nhưng, không phải bất cứ người nào cũng xứng đáng được làm từ thiện; nhưng, tất cả đều xứng đáng được thăm hỏi — nếu không những người xứng đáng có thể phải chịu tổn thương.”
Vậy nên, mong muốn giúp đỡ người khác là chưa đủ để làm điều thực sự hữu ích cho người khác. Để giúp được người khác, người nhận sự giúp đỡ cũng phải có thái độ thích hợp. Điều này hầu hết chúng ta đều biết — rằng chúng ta không thể giúp những người chúng ta yêu thương, gia đình và bạn bè, nếu họ không muốn giúp đỡ — nhưng chúng ta thường không áp dụng “giải pháp” này cho những người nghèo đói và vô gia cư.
Tôi không khẳng định rằng tất cả những người nghèo khổ hay vô gia cư đều giống như người phụ nữ này — Xin Chúa phù hộ cho cô ấy. Nhưng không thể phủ nhận rằng có một số người là như vậy. Để có được những giải pháp thực sự hiệu quả trong các vấn đề xã hội như vậy luôn cần phải có sự phối hợp từ hai phía chứ không phải chỉ một chiều.
Benjamin Franklin rất nổi tiếng vì tính hào hiệp và lòng nhân ái của mình, ông đã có những lời chân thực đến tàn nhẫn về hiện tượng này, đó là hiện tượng “giúp đỡ” đôi khi gây ra tổn thương, qua những quan sát của ông tại Anh Quốc:
“Theo cách nhìn của tôi, tôi không hài lòng lắm việc thể hiện lòng tốt theo góc độ này. Tôi đang giúp đỡ người nghèo, nhưng tôi có cách thức thực hiện khác. Tôi nghĩ rằng: cách tốt nhất giúp người nghèo chính là chúng ta hãy cho họ cái cần câu chứ không phải là con cá”.
Thời trẻ, tôi đã đi du lịch nhiều, và tôi thấy ở nhiều quốc gia có một thực tế là: những nơi càng có nhiều quỹ công dành cho người nghèo thì họ càng dựa dẫm nhiều hơn, và tất nhiên họ ngày càng nghèo. Ngược lại, càng ít giúp đỡ họ, thì họ càng chủ động làm việc cho mình và trở nên giàu có hơn.
Không có quốc gia nào trên thế giới [chỉ Vương quốc Anh] có nhiều chế độ hỗ trợ cho họ đến vậy; có rất nhiều bệnh viện để tiếp nhận khi họ bị ốm đau bệnh tật, do các tổ chức từ thiện tự nguyện thành lập và duy trì; rất nhiều trại tế bần cho người già, cùng với một luật thuế rất cao nhằm trích phần tài sản của người giàu để hỗ trợ người nghèo.
Với tất cả quyền lợi này, người nghèo có là người khiêm tốn và biết ơn, họ có cố gắng, họ có hết sức nỗ lực để chăm lo cho bản thân và giảm nhẹ gánh nặng này cho chúng ta không? Ngược lại, tôi khẳng định không có nước nào trên thế giới mà người nghèo lại lười biếng, phóng túng, say xỉn và xấc xược hơn thế này. Ngày bạn thông qua luật đó, bạn đã lấy đi từ họ động lực to lớn nhất cho sự siêng năng, tính tiết kiệm và sự tỉnh táo, bằng cách cho phép họ phụ thuộc vào một thứ gì đó, hơn là tự tích lũy thận trọng khi còn trẻ và khỏe mạnh để hỗ trợ lúc về già hoặc khi bệnh tật.
Nói tóm lại, bạn đừng thắc mắc rằng tại sao nghèo đói lại gia tăng bởi vì bạn đã đưa ra một khoản phí bảo hiểm cho việc khuyến khích sự lười biếng.
Franklin hiểu rất rõ rằng: Giúp đỡ không phải lúc nào cũng giúp được.
Đôi khi giúp đỡ gây tổn thương.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times