Đội chiến hạm Trung Quốc đi vòng quanh Nhật Bản trong bối cảnh nước này khai triển hệ thống hỏa tiễn
Đội chiến hạm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được phát hiện đi vòng quanh Nhật Bản trong nhiều ngày nhằm phô trương lực lượng trong bối cảnh Nhật Bản khai triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn trên một hòn đảo gần Đài Loan.
Hôm 11/05, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một đội tàu của hải quân Trung Quốc, dẫn đầu là khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường Type 055 Lhasa của PLA, đã bị phát hiện đi quanh các đảo do Nhật Bản kiểm soát kể từ ngày 30/04.
Đội tàu này lần đầu tiên được phát hiện đi qua Eo biển Tsushima của Nhật Bản hôm 30/04. Bộ này tuyên bố rằng đội chiến hạm của Trung Quốc đã đi qua Eo biển Tsugaru từ ngày 05 đến ngày 06/05 và sau đó đến chuỗi đảo Izu, nằm ở phía nam Tokyo, hôm 11/05.
Điều này xảy ra khi Nhật Bản khai triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đất đối không PAC-3 trên đảo Miyako, nằm gần Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình và thề sẽ chiếm giữ bằng mọi cách cần thiết.
Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nói với các phóng viên hôm 08/05, Nhật Bản cũng bố trí hỏa tiễn PAC-3 tại đảo Ishigaki và đảo Yonaguni. Chính phủ nước này cho biết việc khai triển này được thực hiện để ngăn chặn mối đe dọa hỏa tiễn của Bắc Hàn.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các chính phủ địa phương và khai triển hệ thống này ở những nơi cần thiết,” một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết hôm 24/04, Jiji Press đưa tin. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng.”
Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã chỉ trích hành động của Nhật Bản là “khiêu khích”, tuyên bố rằng hành động này không có mục đích chống lại các mối đe dọa từ Bán đảo Triều Tiên mà đúng hơn là nhằm “chuẩn bị cho việc can thiệp quân sự vào vấn đề Đài Loan.”
Trong một bài báo khác, hãng thông tấn này nói rằng việc khai triển một đội chiến hạm mới đây của Trung Quốc có thể gửi đi “một thông điệp mạnh mẽ” tới Nhật Bản để đáp lại điều mà họ mô tả là “những nhận xét khiêu khích của Nhật Bản” về Đài Loan.
Bản tin này cũng cáo buộc Nhật Bản “thổi phồng các mối đe dọa từ Trung Quốc.”
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-7
Vụ việc này xảy ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 19/05, với sự tham dự của nguyên thủ của các nước công nghiệp hàng đầu trong nhóm này, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Hôm 15/05, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các nhà lãnh đạo G-7 muốn tái khẳng định rằng bất kỳ “nỗ lực đơn phương nào của Trung Quốc và Nga nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” đều sẽ không được chấp nhận, Kyodo News đưa tin.
Nhận xét của ông Kishida lặp lại lời kêu gọi hôm 16/04 của các ngoại trưởng G-7 về một “giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển” giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Các bộ trưởng cho biết sự phối hợp của các quốc gia G-7 là “vô cùng quan trọng” để đối phó với nhiều thách thức khác nhau mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt, bao gồm cả các mối đe dọa do Trung Quốc cộng sản và Bắc Hàn gây ra, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhấn mạnh sự cần thiết phải “tiếp tục đối thoại với Trung Quốc” trong khi cũng “trực tiếp bày tỏ” những lo ngại và kêu gọi Trung Quốc “hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”
Trong một cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh hôm 02/04, ông Hayashi đã nêu lên những lo ngại về “việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản” — đặc biệt là gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố là của mình — và sự hợp tác của Trung Quốc với Nga.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cảnh báo Nhật Bản nên kiềm chế “can thiệp vào vấn đề Đài Loan hoặc phá hoại chủ quyền của Trung Quốc dưới mọi hình thức.”
Ông nói vấn đề Đài Loan “là vấn đề cốt lõi trong các lợi ích then chốt của Trung Quốc.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times