ĐỘC QUYỀN: Tù nhân ngày 06/01 đệ trình đơn kiện lên Tối cao Pháp viện về cáo buộc cản trở các thủ tục Quốc hội
Luật sư biện hộ cho biết, ‘Chính phủ liên bang đã thực sự tuyên bố một cuộc đối kháng, hay một cuộc thánh chiến, đối với tất cả những người liên quan đến ngày 06/01.’
Trong một hành động mang tính lịch sử, một tù nhân ngày 06/01 đã đệ trình một đơn kiện thách thức cáo buộc cản trở đầy tai tiếng chống lại ông cùng hàng trăm tù nhân và bị cáo ngày 06/01 khác lên đến tận Tối cao Pháp viện.
Hôm 07/07, các luật sư của tù nhân ngày 06/01 Edward Jacob (Jake) Lang đã đệ đơn lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS) để thách thức việc chính phủ đưa ra cáo buộc cản trở các thủ tục của Quốc hội — một trong những trọng cáo buộc phổ biến nhất được sử dụng chống lại các bị cáo ngày 06/01 — với mức án 20 năm tù.
Ông Norm Pattis, luật sư chính của ông Lang, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã đệ trình cái gọi là một writ of certiorari, tức là một đơn yêu cầu Tối cao Pháp viện xét xử một vấn đề.” Ông Pattis giải thích rằng nhóm pháp lý này đang yêu cầu tòa án cao cấp xem xét các chi tiết đằng sau việc ông Lang bị cáo buộc vi phạm Điều 18 Bộ luật Hoa Kỳ Mục 1512(c)(2), một trong 11 cáo buộc nhắm vào ông, theo các tài liệu của tòa án (pdf).
Theo đơn yêu cầu mà The Epoch Times có được một cách độc quyền (pdf), “Ông Lang đã đệ đơn yêu cầu bác bỏ tội danh theo Mục 1512 trước khi xét xử. Tòa án Địa hạt đã chấp thuận đề nghị của ông.”
Tuy nhiên, “trong một phán quyết khác đối với một đơn kháng cáo tạm thời gồm nhiều mục lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn của hai đồng bị cáo ở hoàn cảnh tương tự, Tòa Phúc thẩm này đã bác bỏ phán quyết của Tòa Địa hạt. Một kiến nghị xét xử lại đã bị bác bỏ.”
“Vấn đề được đưa ra để xem xét” là “Liệu Tòa Phúc thẩm có sai sót không khi kết luận rằng việc áp dụng Điều 18 Mục 1512(c)(2) của Bộ Luật Hoa Kỳ, một điều luật được soạn thảo nhằm ngăn chặn việc giả mạo bằng chứng trong ‘thủ tục tố tụng chính thức,’ có thể được sử dụng để truy tố các hành vi bạo lực nhắm vào các nhân viên cảnh sát trong bối cảnh một cuộc biểu tình công khai đã biến thành một cuộc bạo loạn, dẫn đến việc áp dụng điều luật này như trong vụ Van Buren kiện Hoa Kỳ, 141 S. Ct. 1648 (2021), một cách ‘bất ngờ’ đến vậy, hay không.”
Đơn kiện đã thông báo với tòa án cấp cao này rằng “hàng chục bản án” về cùng cáo buộc cản trở này “được chuyển đến Tòa án này”, tất cả đều phát sinh từ ngày 06/01, và “Việc giải quyết vấn đề này là khẩn thiết nhằm ngăn chặn việc sử dụng điều luật này để truy tố những người đã biểu tình với thiện chí rằng hành động của họ là cần thiết để ngăn chặn một cuộc bầu cử bị đánh cắp, một sự kiện tương đương với một cuộc đảo chính nội bộ.”
“Việc từ chối giải quyết vấn đề này,” đơn kiện dự đoán, “sẽ làm nản lòng những người khác muốn kiến nghị và tập hợp lại để giải quyết những điều bất bình, vì e ngại rằng những người phản đối quan điểm của họ có thể truy tố họ vì có một ý đồ ‘bất lương.’”
‘Thực sự rất xa vời’
Tội danh cản trở theo Mục 1512(c) nằm trong số 37 cáo buộc mà chính phủ liên bang đã truy tố ông Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử năm 2024 (pdf). Nếu trong vụ kiện này, Tối cao Pháp viện đưa ra một phán quyết có lợi thì điều đó cũng có thể có tác động đáng kể đến vụ kiện của cựu tổng thống về sau.
Đây không phải là lần đầu tiên cáo buộc cản trở này bị nghi ngờ.
Politico đưa tin rằng, trong phiên điều trần kéo dài hai giờ vào ngày 19/11/2021, Thẩm phán Dabney Friedrich của Tòa án Địa hạt Liên bang đã tranh luận trong vụ kiện của tù nhân ngày 06/01 Guy Reffitt — cũng bị buộc tội về việc cản trở hoạt động liên lạc bằng vũ lực, gây rối trật tự dân sự, và mang súng vào khuôn viên [Điện Capitol] (pdf) — rằng nỗ lực của chính phủ áp dụng cáo buộc cản trở dường như “thật sự rất xa vời” so với ý định của Quốc hội.
Cuối cùng, Thẩm phán Friedrich đã bảo vệ cáo buộc này.
Vào ngày 07/06/2022, Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Nichols đã chấp nhận đề nghị của ông Lang để bác bỏ (pdf) cáo buộc cản trở.
Đây là lần thứ ba Thẩm phán Nichols chấp nhận kiến nghị bác bỏ cáo buộc của tù nhân ngày 06/01. Vào ngày 08/03/2022, ông đã chấp thuận đề nghị bác bỏ cáo buộc của tù nhân ngày 06/01 Garret Miller.
“Sau khi xem xét [Kiến nghị Bác bỏ] của Bị đơn, và vì những lý do đã được thảo luận trong [các bản ý kiến] của Tòa án trong vụ Hoa Kỳ kiện Miller, tòa ra lệnh rằng Kiến nghị được chấp nhận,” ông Nichols viết. “Tòa cũng ra lệnh rằng Tội danh thứ Chín bị bác bỏ mà không ảnh hưởng đến Bản cáo trạng Thay thế […].”
Sau đó, vào ngày 15/03/2022, ông Nichols đã chấp nhận kiến nghị bác bỏ của bị cáo ngày 06/01 Joseph Fischer.
Ông Nichols tin rằng điều luật này “phải được giải thích” theo cách “đòi hỏi rằng bị cáo phải thực hiện một số hành động đối với một tài liệu, hồ sơ, hoặc đồ vật khác nhằm cản trở, gây trở ngại, hoặc gây ảnh hưởng một cách sai trái đến một thủ tục tố tụng chính thức.”
Nói cách khác, nếu người đó chưa bị buộc tội thực hiện một hành động như vậy, thì người này không thể bị buộc tội vi phạm hành vi cụ thể này.
Tổng cộng, các công tố viên liên bang đã buộc tội hơn 300 bị cáo ngày 06/01 với cáo buộc cản trở các thủ tục của Quốc hội. Bộ Tư pháp đã thường xuyên sử dụng các cáo buộc cản trở trong các cuộc đàm phán nhận tội và như một biện pháp để ép buộc một số người biểu tình ngày 06/01 cung cấp thông tin để buộc tội những người biểu tình khác.
‘Thay đổi bộ luật hình sự’
Ông Pattis và ông Steven Metcalf, cũng là một luật sư của ông Lang, đang yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xét xử lại vụ kiện của thân chủ họ và xác định xem “liệu chính phủ liên bang có đang lạm dụng điều luật vốn có mục đích ngăn cấm hoặc ngăn chặn việc can thiệp vào bằng chứng hoặc thủ tục làm chứng hay không” để đưa ra “hình phạt rất nặng cho những người tham gia vào các sự kiện ngày 06/01.”
Một phần của Điều 18 Mục 1512 Bộ Luật Hoa Kỳ (pdf) ghi rằng:
(c) Bất cứ ai hành động một cách sai trái để –
(1) thay đổi, phá hủy, cắt xén hoặc
che giấu một tài liệu, văn bản, hoặc
đồ vật khác, hoặc cố gắng làm như vậy,
với mục đích làm giảm tính toàn vẹn hoặc tính khả dụng của đồ vật đó
trong một thủ tục tố tụng chính thức;
hoặc
(2) theo cách khác, cản trở, gây ảnh hưởng
hoặc làm trở ngại bất kỳ thủ tục chính thức nào, hoặc cố gắng làm như vậy,
sẽ bị phạt theo điều này hoặc bị bỏ tù
không quá 20 năm, hoặc cả hai.
Ông Pattis nói: “Điều luật này cho biết nếu quý vị cản trở hoặc gây trở ngại cho một thủ tục tố tụng chính thức, bằng cách gây hư hại cho các hồ sơ hoặc các văn bản, thì quý vị sẽ phạm một trọng tội.”
Ông nói thêm, “Quốc hội đã sửa đổi điều đó để thêm vào một phần thứ hai cho biết rằng nếu quý vị can thiệp vào một thủ tục chính thức thì quý vị cũng có tội. Đạo luật đó đã được sử dụng để trừng phạt những người biểu tình ngày 06/01 đã vi phạm luật bằng cách xâm phạm hoặc trong một số trường hợp, tham gia vào các hành vi bạo lực nhắm vào các nhân viên cảnh sát, ngay cả khi họ hành động như vậy để tự vệ.”
Theo mô tả của Vụ Khảo cứu Quốc hội (pdf), tội danh cản trở đề cập đến việc “can thiệp đối với nhân chứng” và che giấu hoặc tiêu hủy bằng chứng nhằm “cản trở các thủ tục hành chính đang chờ giải quyết của Quốc hội hoặc liên bang.”
Thay vào đó, ông Pattis lập luận trong đơn đệ trình lên SCOTUS của mình rằng “các công tố viên liên bang đầy tham vọng” của chính phủ đang “thay đổi bộ luật hình sự nhằm khiến bộ luật này hoạt động theo cách nó không được tạo ra để hoạt động, gây ra nguy cơ làm nhụt chí, và thật sự làm nhụt chí, những người Mỹ bình thường tập hợp lại theo Tu chính án thứ Nhất để kiến nghị giải quyết những điều bất bình và nói lên những vấn đề được công chúng quan tâm.”
Ông Pattis nói với The Epoch Times, “Làm như thế sẽ gây một tác động làm nhụt chí tới những người bất đồng chính kiến và khiến người dân nản lòng khi thực thi các quyền Tu chính án thứ Nhất của họ … Giờ thì người ta sẽ e ngại khi đi biểu tình, bởi vì nếu cuộc biểu tình đó biến thành một cuộc bạo loạn, thì họ có thể bị cáo buộc với một trọng tội lên đến án tù 20 năm, và điều đó thật lố bịch.”
Mặc dù thừa nhận rằng “đã có những cáo buộc khinh tội” có thể “phù hợp” với một số hành động được cho là vi phạm pháp luật, nhưng ông nói, “Quý vị không cần phải biến mọi thứ thành điều có tác dụng tương đương với án tử hình.”
Ông Pattis nói, động lực thúc đẩy việc đệ đơn lên Tối cao Pháp viện “là bởi vì đó là một trọng tội 20 năm tù.”
“Điều đó gia tăng đáng kể nguy cơ bị buộc tội của những bị cáo này,” ông Pattis nói. “Quan điểm của chúng tôi là các công tố viên đã suy diễn điều luật này thành một hình thức mà Quốc hội không bao giờ có ý định áp dụng. Chính phủ liên bang đã lạm quyền một cách khủng khiếp.”
‘Không chỉ là về ngày 06/01’
Ông Lang nói rằng chính phủ Tổng thống Biden đang cố tình bóp méo điều luật này thành một món vũ khí chống lại những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump. Ông cho biết việc kháng cáo lên SCOTUS “không chỉ là về ngày 06/01, mà còn phơi bày căn nguyên của cuộc đàn áp chính trị, sử dụng các cơ quan DOJ và FBI đã bị vũ khí hóa để đàn áp những người theo phái bảo tồn truyền thống.”
“Cáo buộc theo Mục 1512 mà DOJ đang sử dụng đối với tôi và hàng trăm người Mỹ khác là một ví dụ hoàn hảo về việc chính phủ ông Biden lạm dụng bộ luật này, và sử dụng bộ luật như một công cụ đàn áp chính trị đối với những người bất đồng chính kiến theo chính sách MAGA,” ông Lang nói trong một tuyên bố gửi riêng cho The Epoch Times. “Khi đảng đương nhiệm làm sai luật để ép buộc, đe dọa, bịt miệng, bóp nghẹt, và bỏ tù những người ủng hộ đảng chính trị tiền nhiệm, nhằm trên diện rộng khiến công chúng sợ hãi trước bất kỳ cuộc biểu tình hoặc bất đồng chính kiến nào, thì đây thực sự là dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của quyền tự do ngôn luận và nền Cộng Hòa Dân Chủ của chúng ta.”
Ông Lang đã bị giam giữ hơn 900 ngày mà không qua xét xử và hiện đang bị giam tại Trung tâm Giam giữ Alexandria, ở Alexandria, Virginia.
Ông đã nói về thời điểm nộp đơn lên Pháp viện và phán quyết tiềm năng có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc chính phủ cố gắng sử dụng cáo buộc cản trở để khiến ông Trump mất tư cách tranh cử tổng thống.
“Tôi nghĩ thời điểm đệ trình lá đơn này là rất hệ trọng,” ông Lang nói với The Epoch Times qua điện thoại từ trại tạm giam. “Ông Donald Trump là ứng cử viên chính trị hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, và trong khi các cáo buộc không có thật khác có thể dễ dàng được giải quyết thông qua một thỏa thuận nhận tội, thì cáo buộc cản trở thủ tục của Quốc hội sẽ đưa đến án tù. Điều này sẽ đặt ông ấy vào một hoàn cảnh thực sự khó khăn với một bản án.”
Ông Lang cho biết, ngay cả với một thỏa thuận nhận tội, thì cựu tổng thống cũng sẽ phải ngồi tù, và điều đó sẽ xảy ra trong một năm bầu cử “trong khi ông ấy sẽ cố gắng điều hành chiến dịch tranh cử của mình từ trong một buồng giam.”
“Hiểm họa là cao nhất từ trước đến nay,” ông nói. “Nếu chúng tôi thắng vụ kiện này, thì chúng tôi có thể đưa ngành luật học Hoa Kỳ trở lại trạng thái lành mạnh.” Ông nói thêm, “Nếu cáo buộc theo Mục 1512 bị bác bỏ, thì hàng trăm bị cáo ngày 06/01 sẽ thoát khỏi án tù.”
“Họ đang sử dụng Mục 1512 như một công cụ áp bức chính trị và để ép buộc, đe dọa, và bỏ tù những người bất đồng chính kiến cũng như những người ủng hộ và các lãnh đạo của đảng chính trị mà họ đã lật đổ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, để nước Mỹ trở lại với một cuộc thảo luận bình thường và tích cực, thì chúng ta phải ngừng cho phép đảng chính trị đương nhiệm [sử dụng] DOJ và FBI như công cụ đắc lực của nhánh luật để bẻ cong và biến pháp luật thành một công cụ áp bức.”
Tuy rằng hàng chục bị cáo và tù nhân 06/01 đã cố gắng bác bỏ cáo buộc cản trở dành cho họ, nhưng có ít nhất 10 thẩm phán liên bang đã giữ nguyên những cáo buộc này.
Ông Lang là bị cáo đầu tiên đưa vụ kiện chống lại cáo buộc này lên Tối cao Pháp viện.
Đơn kiện đệ trình lên SCOTUS lập luận, “Nhân danh việc cứu lấy nền dân chủ, các công tố viên đang phá hoại các nguyên tắc cốt lõi là nền tảng cho nền cộng hòa này.” Đơn kiện này cho biết nếu không có một phán quyết tích cực từ Pháp viện, thì “hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn người Mỹ, sẽ phải đối mặt với án tù nặng nề không vì gì khác ngoài việc lên tiếng trong một cuộc biểu tình đã phát triển thành một cuộc xung đột mạnh mẽ.”
“Không phải là cường điệu khi nói rằng tương lai của Tu chính án thứ Nhất đang ở trong tình thế bấp bênh,” đơn kiện này khẳng định. “Một đạo luật nhằm chống gian lận tài chính đã bị biến thành một công cụ chính trị trắng trợn để đàn áp sự bất đồng chính kiến.”
Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Pattis đã chia sẻ những quan điểm mạnh mẽ hơn.
Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ liên bang đã thực sự tuyên bố một cuộc đối kháng (jihad), hay một cuộc thánh chiến (holy war), đối với tất cả những người liên quan đến ngày 06/01, theo những cách thức đáng sợ, ghê tởm, và trái ngược với rất nhiều điều mà đất nước này đại diện cho.”
Ông lưu ý rằng ngay cả sau Nội chiến — “cuộc xung đột huynh đệ tương tàn mà trong đó 600,000 người Mỹ sát hại lẫn nhau,” thì mọi binh lính thuộc quân nổi dậy đều được hồi hương trong vòng ba năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times