Độc giả thấy các mối liên hệ trong thông điệp mới của nhà sáng lập Pháp Luân Công
Sau khi đọc bài viết “Tại Sao Cần Phải Cứu Độ Chúng Sinh” được Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công công bố gần đây, luật sư Jeffrey Donner thấy môn tu luyện tinh thần Trung Quốc cổ xưa này không xa lạ với các tư tưởng phương Tây.
Thay vào đó, ông Donner cho hay “phần lớn thuyết thần học cũng như các mục đích và giá trị quan, như được trình bày trong bài viết này, đều có trong những điều mà tôi cho là tư tưởng tôn giáo phương Tây. Ý tôi nói là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo.” “Tôi cũng thấy cả một số điểm tương đồng với Ấn Độ giáo vốn là một tín ngưỡng đa thần, nhưng các giá trị đạo đức cốt lõi mà pháp môn này tín phụng cũng rất tương tự.”
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện có nguồn gốc từ truyền thống Trung Hoa cổ xưa yêu cầu đề cao đạo đức dẫn đến giác ngộ tâm linh. Môn tu luyện này bao gồm các bài công pháp thiền định và một bộ bài giảng về đạo đức xoay quanh các nguyên lý là chân, thiện, và nhẫn.
Ông Donner, một luật sư biện hộ sống ở New Jersey, cho biết ông cùng vị hôn thê của mình thường dõi theo Pháp Luân Công bởi vì họ lo ngại về cuộc bức hại [đang diễn ra] ở Trung Quốc đối với các học viên của môn này. “Tôi đã thấy hứng thú với nhóm này khi tôi đọc bài viết” của Ngài Lý, ông nói thêm.
Trong bài viết đó, Đại Sư Lý mô tả lý do Đấng Sáng Thế Chủ muốn cứu độ tất cả nhân loại là vì tình yêu thương của Ngài dành cho con người, “ chính là Ngài đã ban cho họ sinh mệnh.”
“Khái niệm về tình yêu thương của Đấng Sáng Thế Chủ, Đấng Tối Cao, dành cho con người mà Đấng Tối Cao tạo ra, là một tư tưởng thuần túy trong tất cả các tôn giáo phương Tây,” ông Donner chia sẻ với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Tôi là một tín đồ Do Thái giáo,” ông Donner bộc bạch, “Nhưng tôi biết rất rõ về Cơ Đốc giáo … bởi vì tôi có các bằng hữu là tín đồ Cơ Đốc.”
“Trong bài viết của Pháp Luân Công … Đấng Tối Cao chuyển sinh thành vô số, rất nhiều phân thân. Khái niệm đó … không xa lạ với Do Thái giáo hoặc Cơ Đốc Giáo,” ông chia sẻ.
“Quan điểm chung của chúng tôi về cá nhân là bên trong họ đều có một phần của Thiên Chúa” và “bên trong mỗi người đều có một loại ánh sáng thiêng liêng,” ông nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đối xử với mọi người bằng thái độ tôn trọng.
“Hệ thống của chúng ta, đặc biệt là nền dân chủ, dựa trên quan điểm về giá trị cá nhân. Cá nhân là người trao quyền lực cho chính phủ và Thiên Chúa ban các quyền lợi cho cá nhân này.”
Rất nhiều quan điểm trong bài viết của Đại Sư Lý “rất gần với tư tưởng chủ đạo của chúng tôi, dẫu rằng thoạt nhìn thì chúng dường như không có liên quan,” ông nói thêm.
Ông bày tỏ, nếu công chúng hiểu được các điểm tương đồng này, thì sẽ không có cơ sở nào để “cho phép hoặc chấp nhận” cách mà học viên Pháp Luân Công đang bị đối xử ở Trung Quốc.
Ghen tị với sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công — ước tính có 70 triệu đến 100 triệu người tu luyện môn này vào những năm 1990 — nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch toàn diện để xóa bỏ tận gốc nhóm tín ngưỡng này, khiến hàng triệu học viên bị đưa vào các cơ sở tạm giam, nơi mà họ bị tẩy não, tra tấn, hoặc thậm chí bị sát hại để [thu hoạch] nội tạng.
Năm 2019, một tòa án độc lập ở London thấy rằng chính quyền ĐCSTQ đã đang sát hại các tù nhân lương tâm để [thu hoạch] nội tạng của họ cung cấp cho thị trường cấy ghép tạng “trên quy mô lớn” trong nhiều năm qua, mà không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động này đã chấm dứt. Toà án này cho biết, nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.
Ông Donner cho rằng phương Tây nên có một “lập trường tích cực hơn nữa” để chấm dứt việc lạm dụng cưỡng bức thu hoạch nội tạng mà ông mô tả là “không thể chấp nhận được.”
Bài viết có sự đóng góp của phóng viên Đài truyền hình NTD.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times