Đoạn âm thanh của phi công bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc tiết lộ chiến lược Hồ Huron
Các bản ghi âm cuộc trao đổi qua kênh liên lạc bộ đàm được ghi lại trong thời gian lực lượng Hoa Kỳ thực hiện nhiệm vụ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc hồi đầu tháng này có thể cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về cách mà quân đội nước này sau đó đã bắn hạ một vật thể bay không xác định trên Hồ Huron.
Trong hơn 20 phút liên lạc qua bộ đàm, người ta có thể nghe thấy các phi công của Hoa Kỳ đang thảo luận với các đội trên mặt đất về biện pháp tiếp cận và cách bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển South Carolina.
Đoạn âm thanh này được người đam mê bắt sóng radio hàng không Ken Harrell thu lại và The Drive là ấn phẩm đầu tiên công bố. Lực lượng Không quân từ chối chia sẻ các tệp âm thanh mà họ lưu giữ nhưng đã xác nhận với The Epoch Times rằng các bản ghi âm này là thông tin xác thực.
Trong một lần trao đổi, người ta có thể nghe thấy phi công chiến đấu dẫn đầu và phi công yểm trợ của anh đã chuẩn bị hỏa tiễn sẵn sàng để bắn vào khinh khí cầu, ám chỉ rằng phi công yểm trợ đã chuẩn bị sẵn hỏa lực để bắn hạ khinh khí cầu ngay sau nỗ lực thất bại của phi công dẫn đầu.
“FRANK01 đã sẵn sàng bấm công tắc đỏ,” phi công dẫn đầu nói.
“FRANK02 đã sẵn sàng bấm công tắc đỏ,” phi công yểm trợ tiếp lời.
Hiệu của hai chiến đấu cơ tàng hình F-22 này là FRANK01 và FRANK02, được đặt theo tên của phi công chiến đấu xuất sắc nhất trong Đệ nhất Thế chiến – Thiếu úy Frank Luke Jr., người đã giành được danh hiệu “Người Cản phá Khinh khí cầu của Arizona” (Arizona Balloon Buster) vì đã bắn hạ thành công 14 khinh khí cầu của Đức trong cuộc xung đột này.
Đáng chú ý là cuộc trao đổi ngắn gọn này có thể tiết lộ chính xác những gì đã xảy ra khi Hoa Kỳ bắn hạ một vật thể không xác định trên Hồ Huron hôm 12/02.
Trong cuộc chạm trán đó, viên phi công dẫn đầu đã bắn một hỏa tiễn AIM-9X vào vật thể này, cùng loại hỏa tiễn được sử dụng để bắn khinh khí cầu do thám Trung Quốc và hai vật thể không xác định khác trong tháng này.
Tuy nhiên, hỏa tiễn đó đã bắn trượt mục tiêu, và lao xuống vùng nước của Hồ Huron. Thay vào đó, hỏa tiễn thứ hai do phi công yểm trợ bắn đã phá hủy vật thể này.
Khó khăn trong việc nhắm mục tiêu vào vật thể không xác định này có thể đã được lường trước, vì vật thể này chỉ lớn bằng cỡ một chiếc xe hơi, và một lần nữa, đoạn âm thanh từ lần chạm trán đầu tiên với khinh khí cầu do thám Trung Quốc cho thấy sự khó khăn mà phi cơ có thể gặp phải khi nhắm mục tiêu vào những khinh khí cầu với tốc độ chậm và nhiệt độ thấp như vậy.
Trong một đoạn âm thanh, người ta có thể nghe thấy một phi công hỗ trợ trên chiếc F-15C bày tỏ chính vấn đề đó với khinh khí cầu do thám Trung Quốc.
“Tôi gặp khó khăn trong việc giữ yên khóa radar đối với mục tiêu trong hơn một giây,” viên phi công này nói. “Tôi sẽ thử làm lại.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times