Điều ước Giáng Sinh của tôi
Tham dự Thánh lễ Nửa đêm vào dịp Giáng Sinh hồi những năm 1990, tôi đã nghe một bài giảng đầy cảm hứng của vị linh mục chủ trì vào đêm hôm đó. Khi kết bài, vị linh mục ấy đã chúc giáo đoàn chúng tôi một Giáng Sinh Vui Vẻ với những lời như sau: “Tôi cầu chúc cho quý vị Sự Bình An của các thiên sứ đã hát và làm rung động địa cầu trong đêm Giáng Sinh đầu tiên đó.” Những lời đó đã đọng lại trong tôi suốt hơn 25 năm qua.
Bình An có liên hệ đến Chúa Jesus ở nhiều nơi trong thánh kinh. Thật vậy, Tiên tri Isaiah (9:6) đã dự đoán trước rằng: “Vì sẽ có một Con Trẻ sinh cho chúng ta, Một Con Trai ban cho chúng ta; Quyền trị vì sẽ đặt trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Ðấng Mưu Luận Lạ Lùng, Ðức Chúa Trời Quyền Năng, Cha Ðời Ðời, Chúa Bình An.”(1)
Như Thánh Luke nói với chúng ta trong Phúc Âm của ông (2:14), các thiên sứ trong đêm Giáng Sinh đó đã loan báo về sự ra đời của Chúa bằng cách hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”(2)
Trong Bữa Tiệc Ly, trước khổ nạn và cái chết của Ngài, Chúa Jesus đã nói với các môn đồ của Ngài (John 14:27): “Ta để lại sự bình an cho các con. Ta ban sự bình an Ta cho các con. Sự bình an Ta ban cho các con không phải như của thế gian cho.”(3)
Sau khi Ngài Phục Sinh, lời đầu tiên của Chúa Jesus nói với các môn đồ là: “Bình an cho các con” (John 20:19-21).(4)
Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Tôi có thể kể đến rất nhiều những ví dụ khác. Điều này đặt ra câu hỏi: vậy Bình An ở đây là gì?
Dựa trên những gì chúng ta tin với tư cách là những tín đồ Cơ Đốc Giáo, chúng ta phải chịu đựng những lời xúc phạm, chế giễu, thù hận mà sẽ đến với chúng ta. Người ta rất dễ đánh mất bản thân trước sự tức giận, phẫn uất; mang lòng oán hận, và cuốn vào những cuộc cãi vã. Tuy nhiên, nếu không có sự ôn hòa với nhau, thì chúng ta không thể có được bình an trong tâm. Trong “Lời Cầu Nguyện Bình An”(4) của Thánh Francis thành Assisi, chúng ta thấy những lời: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như một khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù.”(5)
Điều thú vị là lời cầu nguyện này lần đầu tiên xuất hiện trên một tấm thẻ cầu nguyện có hình Thánh Francis hồi năm 1915, vào thời điểm cao trào của Đệ Nhất Thế Chiến. Tuy nhiên, lời cầu nguyện này, và tâm tình gửi gắm trong đó, dễ dàng được liên tưởng với Thánh Francis vì chúng phản ánh rất thấu đáo tinh thần của ngài.
Trên thực tế, chính Thánh Francis [là người đầu tiên tái hiện trực tiếp] “Cảnh Chúa Giáng Sinh” (như chúng ta gọi trong tiếng Ý, il Presepio) đến cho thế giới, để nhắc nhở chúng ta về khung cảnh đơn sơ mà Chúa Jesus đã chào đời. Người ta cũng nói rằng Thánh Francis đã được truyền cảm hứng để tái hiện lại cảnh Chúa giáng sinh nguyên bản để chiến thắng lòng tham và chủ nghĩa vật chất không thể kiềm chế đang thịnh hành vào thời điểm đó ở Ý – giống như trên thế giới ngày nay.
Thánh Francis hiểu rằng chúng ta được sinh ra để sống chan hòa với nhau. Chúng ta không được trở nên lạnh lùng, xấu xa, hay tàn ác. Nếu chúng ta trở nên như vậy, chúng ta không còn là nhân loại nữa. Ngài đã biết rằng xung đột và bất đồng hủy hoại mọi thứ, chúng ta phải cố gắng mang lại sự hòa hợp và chấm dứt hiềm thù ở những nơi mà chúng ta có thể.
Dường như chúng ta đã phớt lờ lời răn của Giáo Phụ vĩ đại của Giáo hội, Thánh Gregory của thành Nyssa: “Nhưng chúng ta sẽ tồn tại kiểu gì nếu chúng ta nghi ngờ lẫn nhau?” Đây không phải là sự bình an.
Thế giới này và những kẻ thống trị đã tìm cách chia rẽ chúng ta với danh nghĩa “điều tốt đẹp hơn”. Giống như những người thời Thánh Francis, chúng ta đã trở nên coi trọng sự giàu có, sức khỏe, sự an toàn cho bản thân hơn tất cả. Bị tàn phá bởi nỗi sợ hãi, chúng ta đã làm những gì mà cựu Tổng thống Ronald Reagan đã cảnh báo hồi năm 1964. Chúng ta đã hy sinh tự do để được an toàn. Như ông đã nói trong bài diễn văn nổi tiếng đó, có nhan đề “Thời khắc lựa chọn”:
Các quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của chúng ta hiện nay lại được coi là một ân huệ của chính phủ, có thể được ban phát bằng một cuộc bỏ phiếu của đa số. Lợi ích lớn nhất dành cho số đông nhất là một cụm từ nghe có vẻ cao cả nhưng đi ngược lại với chính nền tảng của dân tộc chúng ta, trừ khi nó được đi kèm với sự công nhận rằng chúng ta có một số quyền bất khả xâm phạm, ngay cả khi cá nhân đó bị tất cả những người đồng quốc của mình bỏ phiếu bầu chống lại. Nếu không có sự công nhận này, quy tắc đa số không gì khác hơn là quy tắc đám đông.
Hành vi xâm phạm quyền tự do của chúng ta trong hai năm qua gợi nhớ đến lệnh cấm Giáng Sinh của người Thanh Giáo ở nước Anh thế kỷ XVII. Hồi đầu những năm 1640, khi vua Oliver Cromwell củng cố quyền lực của mình, Quốc hội Dài hạn(6) đã ban hành luật thông qua Danh mục Thờ phượng Công cộng, bãi bỏ Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, và Lễ Ngũ Tuần, đồng thời xác định hình thức thờ phượng nào được cho phép. Các hình phạt cụ thể sẽ được đưa ra đối với bất kỳ ai bị phát hiện tổ chức hoặc tham dự một buổi lễ Giáng Sinh đặc biệt tại nhà thờ, các cửa hàng và chợ được yêu cầu phải mở cửa, Thị Trưởng Thành Phố nhiều lần được ra lệnh phải bảo đảm rằng London vẫn mở cửa kinh doanh.
Tuy nhiên, người dân đã không hoan nghênh hành vi xâm phạm này của chính quyền. Các buổi lễ tôn giáo bán bí mật mừng ngày Chúa giáng sinh tiếp tục được tổ chức vào ngày 25/12, và các yếu tố thế tục trong ngày này cũng tiếp tục diễn ra.
Những nỗ lực ngăn cản các thánh lễ công cộng cũng như buộc các cửa hàng và doanh nghiệp mở cửa đã dẫn đến các cuộc đối đầu bạo lực giữa những người ủng hộ và phản đối Giáng Sinh ở nhiều thị trấn. Nhiều nhà văn tiếp tục tranh luận (thường là ẩn danh) rằng việc đánh dấu sự ra đời của Chúa Jesus vào ngày 25/12 là đúng đắn và chính phủ không có quyền can thiệp.
Cuối cùng, cuộc tấn công vào ngày lễ Giáng Sinh đã thất bại. Cuộc tấn công vào pháp quyền đã thất bại, dẫn đến thời kỳ Khôi Phục chế độ quân chủ, thời kỳ Khai Sáng sau đó, và những lý tưởng đã truyền cảm hứng cho chính phủ Lập Hiến.
Sự xâm nhập của chính phủ vào cuộc sống của người dân ngày nay có tất cả các dấu hiệu của cùng một chế độ bảo hộ. Thật vậy, các chính phủ của chúng ta đã rất thích vai trò của “Hộ Quốc Công”. Nhưng, như cuộc nổi dậy trong những ngày đó đã cho thấy, có những lúc cần có sự bất đồng chính kiến — để cho thấy rằng đó không phải là nền hòa bình đích thực khi chúng ta dung thứ cho sự vô pháp luật, hoặc mọi thứ diễn ra như những kẻ xấu xa mong muốn, khi họ làm giàu cho bản thân và củng cố quyền lực của mình.
Đây không phải là một nền hòa bình có một mục tiêu tốt đẹp. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải đáp trả bằng lửa và gươm, hơn là góp phần làm điều ác. Như một Giáo Phụ vĩ đại khác của Giáo hội, Thánh John Chrysostom, đã viết, cùng chí hướng không phải lúc nào cũng tốt, vì bọn tội phạm cũng thông đồng với nhau.
Đây là điều ước Giáng Sinh của tôi: rằng chúng ta học cách trở thành những người kiến tạo hòa bình, và một lần nữa chúng ta sẽ tìm thấy một nền hòa bình tốt đẹp. Chúng ta không thể dựa vào bất cứ ai để làm điều đó cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình làm điều đó. Như các thiên thần đã hát: Bình an dưới thế cho người thiện tâm!
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Rocco Loiacono là một Giảng viên Cao cấp tại Trường Luật Đại học Curtin ở Perth, Úc, và là một biên dịch viên từ Ý ngữ sang Anh ngữ. Công trình của ông về dịch thuật, ngôn ngữ học, và luật đã được xuất bản rộng rãi trên các tạp chí bình duyệt.
Chú thích của người dịch:
- Trích nguyên văn bản dịch Isaiah (9:6) từ trang Bible Gateway.
- Trích nguyên văn bản dịch Luke (2:14) từ trang Giáo Xứ Tân Việt.
- Trích nguyên văn bản dịch John (14:27) từ trang Bible Gateway.
- Nguyên văn “Peaceful Prayer” là một lời cầu nguyện của một tín đồ ẩn danh, lần đầu tiên xuất hiện trên một tấm thẻ cầu nguyện có hình Thánh Francis năm 1915, như tác giả có nói đến trong bài, do đó người dịch dịch là “lời cầu nguyện” thay vì “kinh”. Mời quý vị xem thêm chi tiết tại trang The Franciscan Archive.
- Trích bản dịch của trang Công Giáo.
- Nguyên văn “Long Parliament” là một Nghị Viện của Anh Quốc kéo dài từ năm 1640 đến năm 1660, được gọi là dài hạn để phân biệt với “Short Parliament” chỉ nhóm họp đúng 5 ngày vào cùng thời. Mời quý vị xem thêm chi tiết tại Wikipedia.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: