Điện thoại thông minh ‘Made in America’ được thiết kế để bảo vệ người dùng: Quá tốt để trở thành sự thật?
Trong một đất nước 330 triệu dân, có 280 triệu người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh. Thực tế này không ngạc nhiên gì, vì điện thoại thông minh cho đến nay là thiết bị kỹ thuật số phổ biến nhất trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta dành quá nhiều thời gian trên điện thoại, cuộn, vuốt, và tìm kiếm thông tin.
Tình trạng này đặt ra câu hỏi: điện thoại thông minh của quý vị được sản xuất ở đâu? Có lẽ là ở Trung Quốc. Sản xuất tại Trung Quốc là có vấn đề trên rất nhiều cấp độ.
5 trong số 10 thương hiệu điện thoại phổ biến nhất trên thế giới là của Trung Quốc: Huawei, Lenovo, LG, Oppo, và Xiaomi. Điện thoại Trung Quốc đồng nghĩa với giá cả phải chăng. Chúng cũng đồng nghĩa với theo dõi và gián điệp.
Chẳng hạn, những chiếc camera trên điện thoại do Vivo, một công ty công nghệ đa quốc gia Trung Quốc có trụ sở tại Quảng Đông, một tỉnh ven biển nằm ở phía đông nam Trung Quốc, sản xuất, đã bí mật ghi lại các hoạt động của người dùng và đánh cắp dữ liệu của họ. Ngoài Vivo, các nhà sản xuất điện thoại khác — như Oppo, Xiaomi, và Gionee — đã bị cáo buộc thu thập dữ liệu và mật khẩu của người dùng.
Nhiều điện thoại do Trung Quốc sản xuất đã được cài đặt sẵn các ứng dụng như TikTok và WeChat. Đáng lo ngại là, một số chiếc tự động tải xuống những ứng dụng này, cũng như những con ngựa thành Troy khác do Bắc Kinh hậu thuẫn. Theo các báo cáo đáng tin cậy, những ứng dụng này rất giỏi trong việc hút một lượng lớn thông tin của người dùng, bao gồm “dữ liệu không liên quan gì đến chức năng thực tế của ứng dụng và không có lý do chính đáng nào cho việc thu thập thông tin của ứng dụng đó,” theo một bản tin năm 2020 của Deutsche Welle (DW).
Nói cách khác, đây là những ứng dụng phần mềm độc hại giả danh thành một thứ gì đó lành tính hơn nhiều.
Một số loại điện thoại Trung Quốc được cài đặt sẵn phần mềm gián điệp, cho phép chỉ có Chúa mới biết được ai đang theo dõi nhất cử nhất động của người dùng. Năm 2020, Alcatel, một loại điện thoại thông minh do Công ty TNHH Truyền thông Điện thoại (TCL), một công ty điện tử của Trung Quốc sản xuất, đã dính líu đến một hoạt động phần mềm gián điệp rất lớn. Cần phải lưu ý rằng điện thoại Alcatel luôn có sẵn tại các cửa hàng lớn ở Hoa Kỳ. Một vài trong số loại điện thoại khác được đề cập ở trên có thể không có trong Walmart địa phương của quý vị, nhưng chúng có thể dễ dàng mua được trên các trang web như Amazon.
Tất nhiên, trong thế giới có sự lựa chọn dường như không giới hạn này, người ta không nhất thiết phải mua một chiếc điện thoại Trung Quốc. Có rất nhiều lựa chọn khác tồn tại. Nhưng thực tế rằng Trung Quốc cộng sản kiểm soát nhiều thị phần của thị trường điện thoại đến vậy nên khiến tất cả chúng ta lo ngại.
Sẽ ra sao nếu như có một loại điện thoại “Made in America”, một chiếc điện thoại thực sự có khả năng cạnh tranh với mảng điện thoại “Made in China”?
Một lựa chọn thay thế đáng hoan nghênh
Khoảng 30 năm trước, các công ty Hoa Kỳ sản xuất điện thoại ở bên trong nội địa là chuyện thông thường. Nhưng dù sao thì những ngày đó đã qua lâu rồi. Apple, một trong những thương hiệu phổ biến nhất trên thế giới, hiện sản xuất phần lớn điện thoại của mình tại Trung Quốc, nơi nhân công rẻ và sự vi phạm quyền của người lao động ngự trị. Tại Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, nhân viên được cho là đã bị đánh đập và mắng mỏ. Apple rất có thể là một công ty dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, nhưng không hoàn toàn là một công ty Hoa Kỳ tử tế.
Tương tự như vậy, Google, một đại công ty công nghệ khác của Hoa Kỳ dường như thiếu la bàn đạo đức, cũng sản xuất nhiều điện thoại của mình ở Trung Quốc (mặc dù trong thời gian gần đây, công ty này đã chuyển nhiều hoạt động sản xuất sang Việt Nam hơn). Apple và Google là hai trong số những công ty lớn nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nói đến việc thực sự sản xuất các sản phẩm hết sức phổ biến của họ, thì tính chất Mỹ trong các sản phẩm ấy là rất ít, nếu có.
Tuy nhiên, chưa phải là đã đến lúc mất hết hy vọng. Khi nói đến việc sản xuất điện thoại thông minh, một công ty đã chọn tránh xa vùng Viễn Đông để chuyển sang Hoa Kỳ.
Purism — một công ty có trụ sở tại San Francisco do ông Todd Weaver thành lập — chuyên sản xuất đồ điện tử, bao gồm cả điện thoại thông minh thời trang. Một mẫu điện thoại, mẫu Librem 5 USA, là mẫu điện thoại thông minh duy nhất trên thế giới hiển thị nhãn hiệu “Made in USA” đang ngày càng khan hiếm. Đây không phải là một bài viết quảng cáo cho Purism. Tôi không phải là người phát ngôn cho công ty cũng như không khuyến nghị bất kỳ sản phẩm nào của họ. Trên thực tế, tôi chỉ mới phát hiện ra công ty này cách đây vài tuần. Nhưng có gì sai khi nói một chút về một công ty dường như quan tâm đến việc tạo ra những sản phẩm tử tế phục vụ cho công chúng Mỹ?
Không giống như Apple và Google (và hầu hết mọi tập đoàn có lãi vô cùng lớn khác đang tồn tại), Purism là một công ty có mục đích xã hội. Nói cách khác, công ty này cố gắng đặt lợi ích xã hội lên trên lợi nhuận. Thực tế này có lẽ giải thích lý do tại sao điện thoại của Purism được xây dựng dựa trên ý tưởng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng thay vì vi phạm quyền riêng tư đó.
Theo trang web của công ty này, bất cứ khi nào quý vị nhấc điện thoại lên và tìm kiếm một cụm từ trực tuyến, thì “quý vị đang bị kiểm soát” bởi một thị trường quá háo hức sử dụng “hệ điều hành và ứng dụng của quý vị để thu thập càng nhiều thông tin về quý vị càng tốt.” Tệ hơn nữa, “thông tin đã khai thác” này sau đó được giao dịch giữa các công ty khác nhau. Điện thoại của Purism, như chúng ta được cho biết, ngăn chặn những vi phạm như vậy xảy ra. Tất cả các mã nguồn là có sẵn cho công chúng tìm hiểu. Hơn nữa, như trang web này lưu ý, người dùng “có thể chắc chắn rằng sẽ không có cửa hậu bí mật, không có thông tin trái phép nào được gửi qua Internet, không cần đăng ký và không phải chịu sự kiểm soát của công ty nào, không cần đồng ý với bất kỳ thỏa thuận cấp phép nào.”
Liệu Purism có thể cạnh tranh với những đại công ty như Apple hay Oppo? Dĩ nhiên là không. Nhưng đó không phải là vấn đề. Một số điều, chẳng hạn như tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, là quan trọng hơn nhiều so với việc tích lũy lợi nhuận béo bở.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times