Điện Kremlin cảnh báo mối quan hệ Nga-NATO đang ở ‘điểm đối đầu trực tiếp’
Cảnh báo của Moscow trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh xuyên Đại Tây Dương này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Nga và liên minh NATO do Hoa Kỳ đứng đầu đã xấu đi đến mức “đối đầu trực tiếp.”
Theo ông Peskov, NATO [xem như] “đã tham gia vào cuộc xung đột Ukraine trong khi tiếp tục xâm phạm biên giới [của Nga] và mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của mình.”
Nói chuyện với các phóng viên hôm 04/04, ông nói rằng mối quan hệ của Moscow với NATO “hiện đã xấu đi đến mức đối đầu trực tiếp.”
Khẳng định của phát ngôn viên này trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh xuyên Đại Tây Dương tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 04/04/1949.
Có trụ sở tại Brussels, NATO hiện có 32 thành viên sau khi Phần Lan và Thụy Điển mới gia nhập.
Đầu năm 2022, Nga xâm lược Ukraine — quốc gia không phải là thành viên NATO — với mục đích được nêu là bảo vệ những người nói tiếng Nga ở khu vực phía đông Donbas.
Bảy tháng sau, Moscow đã sáp nhập hoàn toàn bốn khu vực phía nam và phía đông Ukraine, và hiện coi các khu vực này là một phần của Liên bang Nga.
Kyiv và các đồng minh phương Tây đã tìm cách miêu tả cuộc xâm lược của Nga, vốn vẫn đang diễn ra sôi nổi, là một cuộc chiếm đất bất hợp pháp và vô cớ.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, Moscow đã tuyên bố rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ là “phản ứng tự nhiên” trước việc NATO mở rộng tuy chậm nhưng đều đặn về phía đông.
Theo các quan chức Nga, NATO đã cận kề hơn bao giờ hết tới biên giới Nga — bất chấp những cam kết trước đó là không làm như vậy — kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước: “Nhiều lần chúng tôi đã được hứa hẹn đủ điều, chẳng hạn như NATO không mở rộng về phía đông.”
“Nhưng điều tiếp theo chúng tôi biết là họ [NATO] đang tấn công biên giới của chúng tôi,” ông nói thêm.
‘Liên minh phòng thủ’
Tuyên bố của Nga về việc mở rộng NATO không hoàn toàn không có căn cứ.
Năm 1999, Hungary, Ba Lan, và Cộng hòa Séc gia nhập liên minh. Năm năm sau, tiếp theo là Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, và Slovenia.
Moscow đặc biệt tức giận trước sự gia nhập của các nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, và Litva), tất cả đều có chung biên giới với lãnh thổ Liên bang Nga.
Kể từ đó, thêm một số quốc gia Âu Châu đã gia nhập NATO, bao gồm Albania và Croatia (2009), Montenegro (2017), và Bắc Macedonia (2020).
Lần lượt vào năm 2023 và 2024, Phần Lan và Thụy Điển cũng gia nhập liên minh này, chấm dứt chính sách không liên kết lâu đời của hai quốc gia vùng Scandinavia này.
Nga gọi sự gia nhập của Phần Lan — quốc gia có chung đường biên giới dài 830 dặm (1,335 km) — là một “sai lầm lịch sử” sẽ chỉ làm tăng nguy cơ xung đột.
Tháng Mười Hai năm ngoái (2023), Thụy Điển và Phần Lan đều ký hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ, cho phép khai triển nhanh chóng quân đội và thiết bị của Hoa Kỳ tới cả hai nước này.
Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen đã ca ngợi thỏa thuận này, nói rằng hiệp ước này có thể chứng tỏ “tầm quan trọng trong một cuộc khủng hoảng.”
Ông Peskov cảnh báo rằng việc NATO có thể đưa “cơ sở hạ tầng quân sự” vào Phần Lan “chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa” cho Nga.
Đầu tuần này, ông Nikolai Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, đã cáo buộc NATO “tăng cường tiềm năng quân sự một cách có hệ thống dọc biên giới [Nga] từ Biển Barents đến Hắc Hải.”
Trong khi đó, các quan chức phương Tây bác bỏ sự cáo buộc này, nhấn mạnh rằng NATO hoàn toàn là một “liên minh phòng thủ” mà tất cả các quốc gia dân chủ đều được hoan nghênh tham gia.
Bà Valtonen nói với các phóng viên ở Brussels hôm 04/04: “Các quốc gia dân chủ, những người dân tự do đã chọn tham gia — không giống như cách Nga mở rộng bằng cách thôn tính hoặc xâm lược bất hợp pháp.”
Mùa hè năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh NATO mang tính bước ngoặt ở Lithuania, Ukraine đã không nhận được lời mời chính thức gia nhập liên minh phương Tây này.
Thay vào đó, Kyiv được cam kết bằng sự trợ giúp của NATO dưới hình thức “bảo đảm an ninh” song phương với từng thành viên, mà một số trong đó đã được ký kết.
Tuy nhiên, các đồng minh hàng đầu của Kyiv tỏ ra hy vọng rằng Ukraine sớm hay muộn sẽ gia nhập liên minh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên hôm 04/04: “Ukraine sẽ trở thành một thành viên của NATO.”
Ông nói: “Mục đích của chúng tôi tại hội nghị thượng đỉnh này là giúp xây dựng cầu nối cho các thành viên đó,” đồng thời cho biết thêm rằng sự ủng hộ của các quốc gia NATO cho biện pháp này là “vững chắc.”
Ông Blinken đưa ra nhận xét này tại cuộc họp của các ngoại trưởng liên kết với NATO ở Brussels, được tổ chức để kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.
Được biết, các ngoại trưởng tham dự cũng đã thảo luận về các biện pháp tăng cường vai trò của NATO trong việc cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine.