Diễn đàn Bắc Kinh thành chiến trường, ‘khẩu chiến’ giữa các đại sứ của Anh, Pháp, Hoa Kỳ với Trung Quốc và Nga
Tại diễn đàn Hòa bình Thế giới do Đại học Thanh Hoa và Học viện Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc tổ chức vào hôm Chủ nhật (4/7), các đại sứ của năm quốc gia đã có một cuộc khẩu chiến trước đông đảo người theo dõi. Các đại sứ tranh cãi về vấn đề phải chăng Bắc Kinh đang cố gắng xuất cảng hay áp đặt hệ tư tưởng của mình ra nước ngoài.
Cuộc tranh luận diễn ra với một bên là đặc phái viên của Trung Cộng và Nga, bên còn lại là đại diện của Anh, Pháp và Mỹ. Đặc phái viên của Trung Cộng đã khơi mào. Ông Dư Hồng Quân, nguyên thứ trưởng phụ trách Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Trung Cộng, đã chỉ trích Hoa Kỳ nhưng không nêu tên, đặc biệt là liên quan đến việc rút quân khỏi Afghanistan của Hoa Kỳ.
“Afghanistan là một ví dụ điển hình, cải cách dân chủ đã thất bại, và bây giờ muốn trực tiếp rời đi. Đang có một tai họa lớn hơn chờ đợi.” ông Dư Hồng Quân nói.
Ngay sau đó, Đại sứ của Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov đã bổ sung thêm cho đặc phái viên của Trung Cộng rằng: “Nếu ai đó cho tôi một ví dụ về việc Trung Cộng áp đặt hệ tư tưởng của mình lên bất kỳ ai bên ngoài Trung Quốc, tôi sẽ rất biết ơn”.
Tuyên bố của ông Denisov ngay lập tức bị ông Laurent Bili, Đại sứ của Pháp tại Trung Quốc chất vấn. Ông Bili nói rằng Pháp đang lo ngại về hành vi đe dọa của Trung Cộng đối với quyền tự do ngôn luận.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, chính phủ Pháp đã nhiều lần triệu tập ông Lư Sa Dã, Đại sứ của Trung Cộng tại Pháp, người từng trực tiếp công kích các nghị sĩ, các nhà nghiên cứu và ngoại giao viên của Pháp trên Twitter về vấn đề Đài Loan và virus Trung Cộng (hay còn gọi là virus Vũ Hán).
“Chúng tôi đã thấy các cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự do ngôn luận ở đất nước chúng tôi, một số cuộc tấn công nhắm vào xã hội và các nhà báo đã gây ra rất nhiều vấn đề. Đây là một vấn đề thực sự.” ông Bili nói.
Ông Denisov đã ngay lập tức ngắt lời, đáp lại rằng những gì ông Bili nói “không liên quan gì đến hệ tư tưởng”.
Ông Bili nhanh chóng đáp lại rằng: “Tự do ngôn luận – tự do và dân chủ – đây tất nhiên là vấn đề liên quan đến hệ tư tưởng”.
Ông Denisov rõ ràng đã rất tức giận. Ông ta ngay lập tức dẫn ví dụ về cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã phát biểu về tự do và dân chủ đối với Nga để chế nhạo, đồng thời nói rằng, mọi người đều biết tự do và dân chủ hoạt động như thế nào ở Libya, Syria, Iraq và Afghanistan, “không có lý do gì để tiếp tục cuộc thảo luận của chúng ta”.
Tờ SCMP của Hồng Kông đưa tin rằng cuộc tranh luận kịch liệt giữa đại sứ của Nga và Pháp đã làm rõ những căng thẳng lớn hơn về địa chính trị. Nga với Trung Quốc dưới thời Trung Cộng là đồng minh, và quan hệ của họ đối với các cường quốc phương Tây thường là thù địch, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Washington đã kêu gọi các đồng minh tham gia và bảo vệ một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời lên án Bắc Kinh và Moscow về các vấn đề như nhân quyền, tấn công mạng và các hành vi thương mại không công bằng, v.v.
Tại cuộc họp vào hôm Chủ nhật, William Klein, đại sứ của Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã nói rằng, các nền dân chủ trên toàn thế giới đang phải đối mặt với “một Trung Quốc ngoan cố tự phụ và một nước Nga phá hoại”.
Ông Klein nói rằng, tất cả các quốc gia “đang phải đối mặt với những thách thức về sự thiếu tôn trọng trật tự, bao gồm cuộc khủng hoảng khí hậu, virus corona và cuộc cách mạng công nghệ đang định hình lại mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta”.
Bà Caroline Wilson, Đại sứ của Anh tại Trung Quốc, nói rằng “Vương quốc Anh không tìm cách áp đặt mô hình của mình lên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Cộng. Đồng dạng, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc cũng sẽ không cố gắng áp đặt mô hình của mình lên người khác”.
Bà nói: “Điều này rất quan trọng, đó là lý do tại sao nó được công nhận và phổ biến rộng rãi, đặc biệt là nhân quyền, đây là điều rất quan trọng, cũng là một nhân tố trọng yếu”.
Bà còn bổ sung rằng, các cuộc đối thoại sẽ giúp tránh khỏi việc “ông nói gà, bà nói vịt”.
Bà Wilson từng học tiếng Quan Thoại tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, sau đó làm việc tại Đại sứ quán của Anh ở Bắc Kinh từ năm 1997 đến năm 2000. Bà từng là tổng lãnh sự tại Hồng Kông và Ma Cao, được bổ nhiệm làm Đại sứ của Anh tại Bắc Kinh vào tháng 9/2020.
Ông Denisov đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1973 với tư cách là một phiên dịch viên kiêm đại sứ kinh tế và thương mại của Liên Xô. Ông ta từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, vào tháng 4/2013 thì được bổ nhiệm làm đại sứ của Nga tại Trung Quốc.
Do Lâm Yên, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: