Di sản của Tình yêu: Nơi lưu giữ những kỷ niệm
“Sự ra đi để lại một nỗi đau không ai có thể chữa lành,
Tình yêu ra đi còn lại một vùng ký ức không ai có thể đánh cắp”.
– Từ một bia đá cũ của Ailen
Trong cuốn tiểu thuyết của Carlos Ruiz Zafón “Mê cung của các Linh hồn”, một nhà văn bí ẩn, Julian Carax, đã viết những lời này trong lời nhắn cuối cùng cho một người bạn: “Đừng bao giờ quên rằng chúng ta tồn tại khi ai đó còn nhớ đến chúng ta.”
Khi từ giã cõi đời, chúng ta để lại gì cho những người thân yêu – là tài sản, tiền bạc, một chiếc trâm cài, chiếc xe Mercedes cổ, là một ngôi nhà nơi có nhiều thế hệ tiếp nối sinh sống, những Album ảnh, căn gác chứa đầy đồ chơi hỏng của thời thơ ấu và trang phục lỗi mốt trong 40 năm. Ngoại trừ những người nghèo khổ, vô gia cư và neo đơn, chúng ta để lại cho những người thân thiết nhất cuộc đời bị mắc kẹt và lộn xộn, vài thứ trong đó có giá trị, một số vụn vặt mang đậm dấu ấn cá nhân, một số mang đến cửa hàng từ thiện hoặc bỏ lại ở bãi rác.
Thực ra món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể để lại cho người còn sống chính là những kỷ niệm.
Trong nhiều năm, tôi đã lo lắng rằng việc tuổi già có thể biến tôi thành một người hà tiện, đa nghi, bi quan, chán nản, và rằng sau khi tôi chết, những người khác sẽ nhớ đến tôi như một ông già lẩm cẩm, khó tính. Ông của tôi đã trở thành một ông già như vậy, thường dễ dàng đưa ra những lời nhận xét cộc lốc, những lời nói chặn ngang để lại vết thương lòng. Một người đàn ông lớn tuổi khác mà tôi quen biết, nghỉ hưu trong quân đội, lại tỏ ra xấu xa với những người khác, kể cả với vợ mình, đến mức ông giống hệt như nhân vật Pendleton, ông già cáu bẳn trong truyện Pollyanna. Nghe có vẻ vô lý, nhưng khả năng bị nhớ đến là một kẻ cộc cằn giống như hai người này hoặc những người già khác mà tôi đã gặp khiến tôi sợ hãi.
Vào một buổi sáng sớm, tôi đang uống cà phê trước hiên nhà thì sự lo ngại quen thuộc này lại một lần nữa xuất hiện. Nghiền ngẫm về khả năng liệu tuổi già có thể biến mình thành lão già xấu tính không, tâm trạng u ám bao trùm lấy tôi khi nhìn xuống Đại lộ Cumberland của Asheville. Sau đó, một ý nghĩ ập đến: “Này, ông đã hơn 60 tuổi. Ông già rồi, và ông không thể trở thành một kẻ hạ tiện được.” Các bạn có thể bật cười, nhưng suy nghĩ đó mang lại cho tôi niềm vui và sự nhẹ nhõm trong cả ngày. Tôi lâng lâng như trên mây vậy.
Tất nhiên, giống như nhiều người, tôi cũng có lúc đã làm tổn thương ai đó, đôi khi mắc những sai lầm không thể bù đắp, một số hành động mà không có cách nào để khắc phục. Trong trường hợp đó, tôi chỉ có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm, tìm đường trở lại con đường đúng đắn và cố gắng để trở thành một người tốt hơn.
Vì vậy, sau khi tôi chết có thể một số người ghét tôi, một số có thể nhớ đến tôi với những việc làm sai lầm, nhưng tôi nghĩ hình ảnh tôi trong tâm trí người khác sẽ không bao giờ là một kẻ cục cằn.
Điều này dẫn đến câu hỏi trong bài viết này: Làm thế nào chúng ta có thể chúc phúc cho những người thân yêu, nhất là những người trẻ, bằng cách để lại những kỷ niệm đẹp? Làm thế nào chúng ta có thể tặng họ những món quà, ví như: là sự thoải mái khi họ cần được an ủi, là tiếng cười khi họ cần tiếng cười? Làm thế nào chúng ta có thể truyền lại những dấu ấn của bản thân tới người khác, để truyền cảm hứng và dẫn dắt họ?
Theo tôi, có ba yếu tố quan trọng: thái độ, sự hiện diện và nỗ lực là đáp án cho câu hỏi tự vấn này.
Thái độ của chúng ta đối với thế giới nói chung có thể lưu lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong ký ức của những người khác. Tất cả chúng ta đều biết có những người già luôn lạc quan yêu đời và lan tỏa năng lượng tích cực cho mọi người. Và cũng có những người già mà sự bi quan của họ có vị đắng và đen như một tách cà phê dở.
Đối với tôi, điều tệ nhất là câu nói: “Tôi sẽ không bao giờ muốn nuôi dạy một đứa trẻ thời đại bây giờ.” Đó là thái độ mà tôi không thể chấp nhận được, không phải với bốn đứa con, vợ chồng của chúng và một trung đội cháu chắt đang phát triển của mình.
Không – đối với những đứa trẻ này, đối với những sinh viên mà tôi đã từng giảng dạy, và đối với những người phục vụ trẻ trong quán cà phê địa phương, tôi muốn bác bỏ chủ nghĩa bi quan quá phổ biến trong văn hóa của chúng ta, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, bằng cách khích lệ sự can đảm, tinh thần lạc quan, đặc biệt là về tương lai. Chúng ta không phải trở thành một người lạc quan một cách mù quáng để khích lệ người khác và chỉ ra những thú vui trong cuộc sống, ngay cả những thú vui nhỏ nhặt như một tách trà ấm, một bộ phim hay, một bát súp gà tuyệt hảo.
Khi phải đối mặt với những cơn tê nhức và nỗi buồn chán của tuổi già, từ việc các khớp xương xơ cứng đến việc mất đi những người bạn yêu quý và các thành viên trong gia đình, chúng ta có thể cảm thấy nguồn năng lượng trong mình đôi khi cạn kiệt. Đó là những dịp chúng ta cần giấu đi cảm xúc buồn thương, mang đến cho mọi người ánh sáng thay vì bóng tối, hy vọng thay vì tuyệt vọng, trong khi chúng ta đối mặt với sự khó khăn là đang nạp thêm năng lượng cạn kiệt bên trong mình.
Để lại dấu ấn tốt đẹp cần phải có sự hiện diện. Tôi biết một người phụ nữ dành một phần thời gian trong tuần để thăm người mẹ già trăm tuổi trong một ngôi nhà có hỗ trợ sinh sống và hai ngày khác trong tuần đến chơi cùng các cháu của bà ấy. Trong trường hợp đầu tiên, bà ấy trở thành kho lưu trữ ký ức của mẹ mình; còn với thế hệ sau, cho dù có nhận ra điều đó hay không, bà ấy đã để lại những ký ức đẹp cho con cháu và cho chính mình. Những đứa trẻ chập chững biết đi khiến bà mệt nhoài, nhưng mỗi ngày khi về nhà, bà lưu lại một mảnh ký ức trong những đứa trẻ đó, âm nhạc sẽ vang vọng trong chúng rất lâu sau khi bà trở về với cát bụi.
Cuối cùng, chúng ta cần phải có sự nỗ lực để tạo ra những ký ức. Chúng tôi sống ở vùng Oregon và các con của chúng tôi ở Nam Carolina, nhưng vượt qua những trở ngại về địa lý là các cuộc gọi điện thoại, email, tin nhắn và thư tay để kết nối các thành viên trong đại gia đình. Chúng tôi có thể gửi quà lúc chúng ít mong đợi nhất, lên kế hoạch cho những buổi gặp mặt hàng năm. Bằng những hoạt động này chính là việc duy trì các đường dây liên lạc để xây dựng ký ức.
Tại trang ClassicalPoets.org, có những dòng chữ này từ “In Mad River” của T.M. Moore:
“Đối với ông ấy, sẽ trọn vẹn nếu vẫn còn một di sản, được một số ít người biết đến, họ thấy ở ông những gì mà bản thân họ có thể muốn trở thành. ”
Chúng ta có thể lưu lại một di sản (ký ức tình yêu) nếu cố gắng làm như vậy, đó chính là một món quà duy trì và gắn kết mối quan hệ với những người chúng ta yêu thương.
Jeff Minick có bốn người con và nhiều cháu đang ở độ tuổi phát triển. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho học sinh tại Asheville, N.C. Ngày nay, ông sống và viết trên Front Royal, Va. Hãy xem JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Do Jeff Minick thực hiện
Ngân Hà biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: