Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (P2): ‘Mọi cái đẹp đều ẩn giấu trong tự nhiên’
Trong văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có số lượng tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác vào hàng bậc nhất. Ông có 21 đầu sách in tại Pháp và nhiều sách ở các ngôn ngữ khác: Đức, Ý, Anh, Nhật, Hàn,…
Kỳ 1: Lay chuyển một nền văn học
Mặc dù Tướng về hưu khiến ông nổi tiếng nhất nhưng lai không phải là tác phẩm ông ưng ý nhất. Thiệp nói: “Tướng về hưu” chỉ là một món ăn đưa ra. Nhưng không phải là món ngon nhất.”
Ấn tượng đầu tiên của độc giả về một nhà văn hiện thực lạnh lùng lại không phải là Nguyễn Huy Thiệp trong những tác phẩm đầu tiên mà ông sáng tác – những tác phẩm thủa ban sơ được nhà văn viết trong những năm tuổi trẻ dạy học ở miền núi Tây Bắc sau khi tót nghiệp năm 1970.
Sau này khi đã nổi tiếng và nhận nhiều giải văn chương quốc tế, được hỏi về triết lý bao trùm trong các sáng tác và cuộc sống của ông là gì, Thiệp nói: “Tôi không có triết lý nào cả. Tôi chỉ hướng tới thiên nhiên. Thiên nhiên là điều tuyệt vời nhất. Hãy tôn trọng tự nhiên, môi trường sống của mình. Ta không muốn thì ngoài kia hoa vẫn nở, chim vẫn hót liên miên… Thiên nhiên bao gồm cả con người và cuộc sống. Mọi cái Đẹp và sáng tạo, thực ra đều ẩn giấu trong tự nhiên; nhà văn chỉ việc tìm và thấy chúng.”
Nguồn cảm hứng lớn từ thiên nhiên đó, đến từ những năm tháng tuổi trẻ ông sống giữa nơi núi rừng Tây Bắc và viết chùm truyện ngắn đầu tiên. “Những ngọn gió Hua Tát” (hay còn gọi là “Mười truyện trong bản nhỏ”) – được Nguyễn Huy Thiệp viết rất sớm, năm 1971, khi ông mới 21 tuổi và viết rải rác đến năm 1986, tức là lúc ông đã về xuôi và viết lại bằng trải nghiệm ký ức của mình. Chùm truyện này được công bố trên báo Văn nghệ năm 1987, sau truyện ngắn gây chấn động “Tướng về hưu”.
Đọc lại Nguyễn Huy Thiệp vào thời điểm này, tôi tin rằng, để hiểu được Nguyễn Huy Thiệp phải bắt đầu bằng những tác phẩm xuất sắc đầu tiên và có vị trí đặc biệt trong văn nghiệp mà viết từ thời ông là anh giáo trẻ dạy học 10 năm ở vùng sơn cước Tây Bắc ấy.
Hua Tát trong những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của Thiệp là “những bản làng nằm lọt thỏm giữa ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn”. “Ở Hua Tát, những chuyện cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào trong các ngõ nhỏ.”
Không khí bàng bạc “quanh năm bung lung một thứ sương mù khiến nhìn người nhìn vật thì chỉ thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi” ở thung lũng Hua Tát “rất ít nắng” đó, quả là thứ không khí cho những huyền thoại, vốn là linh hồn của văn hóa dân gian miền núi, trở thành niềm cảm hứng đầu tiên trong tâm hồn nhà văn, nơi ông bắt đầu chưng cất một thứ rượu chữ, khiến người ta đọc mà say trong những áng văn trong trẻo, tinh khôi những câu chuyện đẫm màu sắc huyền thoại có sức hấp dẫn đầy mê hoặc cho thấy nội lực của một nhà văn lớn.
Trong chùm truyện ngắn đậm màu sắc huyền thoại ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã cảnh tỉnh con người về luật nhân quả, về sự vô minh, kiêu ngạo của con người với tham vọng chống lại tự nhiên và kết quả thê thảm của nó, như ông viết: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
Trong Mưa Nhã Nam, nhà văn đưa ra một loạt câu hỏi tu từ về đời người như Cảnh báo về sự vô minh và tăm tối của con người trong tham vọng chiến thắng tự nhiên để rồi trả giá cho những thứ mà họ không thể chống chọi lại được: “Rừng vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Rừng muôn đời là thế. Thiên nhiên muôn đời là thế: vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Tất cả đều đẩy con người về nơi tận cùng ý thức cá nhân chính nó. Con người tự co lại như con sâu, cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực; nó chớp đôi mắt phấp phỏng lo âu trong tâm hồn nó và tự hỏi mình: là ai? đi đâu? thế nào? làm gì? tiến đến đâu? bao giờ thành tựu? bao giờ kết thúc?”
Ông thợ săn Diểu trong “Muối của rừng” sững sờ phát hiện ra loài hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần khi ông ‘phóng sinh’ cho một cặp vợ chồng khỉ. Thông điệp về sự thức tỉnh trước thiên nhiên, biết buông bỏ lòng tham, tâm ác, họ sẽ không phải trả những cái giá khốc liệt trong sự trừng phạt của tự nhiên. Bao nhiêu người đọc tác phẩm của ông để nhận ra điều mà ông tha thiết gửi gắm về sự thức tỉnh và buông bỏ chấp ngã.
Trong “Con thú lớn nhất”, cũng vì chấp ngã, lão thợ săn già quyết săn bằng được một con thú lớn nhất để thỏa mãn cho cả đời đi săn của lão. Để rồi cuối cùng, lão lại nhìn nhầm mà bắn chết vợ mình, vì mụ mang theo một bộ lông chim công để ra rừng đợi lão. Nhưng cái tham vọng điên cuồng khiến lão vẫn không thức tỉnh mà dừng lại.
Hua Tát trong trải nghiệm và suy tưởng của Thiệp vừa đẹp hư thực, bảng lảng, vừa buồn thảm cô đơn, như kiếp người bé mọn, săn đuổi những điều phù du để rồi kết thúc rất bi thảm, hoặc buồn bã trong những huyền thoại của Thiệp như cuối cùng ông kết luận: “Hua Tát là một bản nhỏ cô đơn”.
Ở thung lũng của những vẻ đẹp hư thực (“hoa tử huyền, cứ ba chục năm mới nở một lần”; “hoa ban trắng nở bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”), những tư tưởng thấm đẫm triết lý Phật giáo và Thiền đã thấm đẫm trong văn chương Thiệp từ rất sớm khi đó. Nó là khởi nguồn cho những truyện ngắn đậm màu sắc huyền thoại, khi ông nhận ra có một sức mạnh vô hình bí ẩn nơi thiên nhiên mà con người không thể chống lại bằng sự tăm tối, vô minh của kiếp người.
Nó chính là mạch nguồn xuyên suốt, để ông thăng hoa lên một cái tầng cao hơn trong những truyện ngắn về sau như “Con gái thủy thần”, “Muối của rừng”, “Những người thợ xẻ”… Những truyện ngắn bảng lảng màu sắc huyền thoại đậm chất văn hóa dân gian với những giai thoại, truyền thuyết, cổ tích… tạo ra một thứ không khí nửa hư, nửa thực và làm nên sự mê hoặc kỳ lạ cho văn chương của ông.
Đó là Nguyễn Huy Thiệp trước khi viết Tướng về hưu. Một Nguyễn Huy Thiệp khác hoàn toàn trong “Không có vua”, “Những bài học nông thôn”, “Thương nhớ đồng quê”… Chính thế giới đầy linh hồn của những người miền núi mà ông say mê tìm hiểu là nguồn cảm hứng cho thế giới thần thoại trong các tác phẩm của ông sau này.
“Cái Đẹp là điều kỳ diệu của nội tâm, trong văn chương cũng vậy”
Người ta thấy một Nguyễn Huy Thiệp khi sắc lạnh, trần trụi, phũ phàng, khi thì hết mực thanh cao: Ông có thể phơi bày một thứ hiện thực trần trụi, tàn nhẫn về con người thời Đổi mới khiến người đọc choáng váng, lại có thể dắt họ vào cõi mờ ảo tận cùng sương khói bảng lảng huyền thoại, trong những câu văn đầy chất thơ tuyệt đẹp xứng đáng chép nguyên làm mẫu cho các sách giáo khoa dạy văn, như những câu văn dưới đây, dễ dàng bắt gặp trong những truyện ngắn của ông.
“Đây là thiên nhiên: cành cây xòa trước mặt, tiếng chim hót, những giọt nước mưa đọng lại trên cây, mùi lá mục ẩm ướt, những con chim xanh, con chim đỏ, con chim vàng, những cánh mối ướt rụi, những con bọ nhảy, tiếng vượn kêu não nùng, bông hoa bé xíu…Tất cả hương vị, màu sắc của thiên nhiên đều chân thực, thanh khiết, đều khiến ta cảm động đến tận đáy sâu tâm hồn.
Chờ cho tắt nắng, chúng tôi ra đồng. Cánh đồng đã gặt hết, còn trơ gốc rạ. Phía chân trời, mây cuồn cuộn rực hồng một màu lửa. Mặt rưộng nứt nẻ. Cả cánh đồng hực lên mùi hương đất nồng nàn.
Cuộn dây song thả dần ra, chiếc diều lên được độ cao tuyệt đích, ở đấy không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc nữa; ở đấy là thứ gió khác tử tế, cao thượng, độ lượng, bao dung mà bình ổn. Nó nghiêng một cái như để khinh bỉ mặt đất, hay để chào mặt đất, rồi đứng im thổi sáo một mình.
Tôi đi một mình trên con đường lạ vào thôn. Bóng tối chập choạng. Không gian tràn ngập một thứ tình cảm dịu dàng mà bí ẩn. Cây lòa xòa bên đường.”
(Trích Truyện ở nông thôn)
Sức hút bí ẩn của Nguyễn Huy Thiệp là ở đó. Từ rất sớm, ông đã bắt đầu viết từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng một cách tiếp cận đa diện đến mức khiến độc giả thường xuyên sửng sốt…
Sau khi Thiệp xuất hiện trên văn đàn, không ai có thể viết theo cách mà họ đã viết trước đó. Ông định nghĩa lại quy luật khi xuất bản những câu chuyện đã trở thành tác phẩm kinh điển ngay lập tức. Trong quá trình đó, ông đã khởi xướng dòng văn học Việt Nam hiện đại mà chúng ta có thể gọi là văn học tự vấn. Nhờ đó, một luồng sinh khí mới đã lan tỏa trong văn học Việt Nam, và từ văn học nó đi vào xã hội.
Nhưng sự trái ngược, đa dạng trong bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp thực ra chỉ là cách thức khác nhau của một tâm hồn văn chương đầy ắp chiêm nghiệm về những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên và phóng chiếu nó vào đời sống để nhận ra mối quan hệ nhân quả và cay đắng xa xót về nỗi vô minh của con người.
“Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao điều phù du?” (Trái tim hổ)
“Chỉ có một sự bất tử duy nhất là huyền thoại.”. (Sống dễ lắm)
Nói về nghề viết, ông cho rằng “Không có lối viết mới nào hết. Nhà văn nào cũng vậy, chỉ có một lối viết duy nhất: đơn giản, chính xác, thanh đạm. Viết văn phải được coi là một quá trình dưỡng tâm, học đạo… Cuộc sống ngày càng hình như khắc nghiệt hơn, văn học nên biết cách làm cho nó dịu đi nên làm cho nó đẹp hơn và nhân đạo hơn một cách nghệ thuật”.
Những đoạn văn trong vắt như sương, hay những đoạn dẫn chuyện, đoạn thơ, những câu thơ lục bát ý nhị, uyển chuyển cho thấy tài năng ở ông không phải là một sự dụng công rèn luyện, nó là cái tự nhiên gần gũi sâu thẳm của một nhà văn đã để tâm hồn mình tràn đầy vẻ đẹp của tự nhiên, chiêm nghiệm sâu xa từ chính văn hóa dân gian thấm đẫm trong giai đoạn sống giữa miền sơn cước:
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những thứ nhiều khi không vàng…
Đầu một là đầu một ơi
Có chung giọt nước mắt rơi xuống lòng
Thôi đành bầu rượu nắm nem
Nghiêng trời uống cạn để xem chiều tà
Vẫn còn ngòn ngọt tiếng gà
Chưa chi tóc đã tà tà sương phai…
Chiều nay Hồ Tây có giông.
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm
Nhưng em đã bỏ đi rồi
Cái mênh mông ấy vừa rơi vừa chìm
Chỉ mong ngày ấy mưa to
Bước chân em có ngại dò đường trơn
Bây giờ em đi lấy chồng
Bỏ tôi về lại bên sông tìm mình
Giã từ câu hát người ơi
Thế là tôi thấy đất trời rỗng không.
Lẻ loi ấy một cánh chim
Viết câu thơ để sống nghìn năm sau
Mải mê tính chuyện không đâu
Gió thương tình đội lên đầu vầng trăng…
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Ông nói ông cố gắng là “một nhà văn lương thiện, cũng giống như một đầu bếp tử tế, cố gắng nấu ra món ăn thú vị, còn việc thưởng thức món ăn thì nó phụ thuộc vào khẩu vị và kinh nghiệm của người ăn nữa”.
Bởi thế văn chương của ông dù ở thể loại rồi, cũng là để tôn vinh sự quý giá của cái thiện giữa cuộc sống vốn đầy rẫy điều ác, sự tiêu cực.
Tôi không biết con người khát khao điều gì trong cõi sống này.
Hình như điều thiện bắt đầu từ tình yêu phải không?
Điều thiện buồn tẻ vì nó nhạt nhẽo
Điều thiện tầm thường vì nó an toàn
Điều thiện tệ hại vì nó giết đi đam mê
Anh có sợ điều thiện không?
Chị có sợ điều thiện không?
Và em nữa?
(Còn tiếp)
Đan Thư
Xem thêm: