Để sống đơn giản hơn, bạn cần gì?
Khoảng hơn chục năm trước, tôi đã sống một cuộc sống khá đơn giản. Theo thời gian, cách sống của tôi trở nên phức tạp và tôi thấy mình cần phải cam kết sống đơn giản trở lại.
Sống đơn giản có nghĩa là bạn cần lùi lại đôi chút để có khoảng nghỉ cho chính mình. Nghĩa là bạn sẽ sống với ít thứ đi bởi làm việc và sở hữu nhiều hơn không đem lại cho bạn hạnh phúc. Sống đơn giản là tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé và hài lòng với sự tĩnh lặng, những giây phút ở một mình, chiêm nghiệm và tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Tôi đã học được một số điều quan trọng để sống đơn giản và muốn chia sẻ với độc giả.
Tự bản thân chúng ta đang tạo ra những khó khăn.
Chúng ta đã tạo ra tất cả những căng thẳng, buồn bã và thất vọng, tất cả sự bận rộn và hối hả, và cả những ràng buộc trong tâm trí chúng ta. Bằng cách buông bỏ, bạn có thể thư giãn và sống đơn giản hơn.
Hãy chú tâm đến những ràng buộc khiến cuộc sống của chúng ta lộn xộn và phức tạp.
Ví dụ, nếu bạn luôn để ý đến những đồ vật tình cảm, thì bạn sẽ chẳng bao giờ gạt bỏ được sự ngổn ngang trong cuộc sống. Nếu bạn rất mong muốn sống theo một phong cách cố định, thì bạn sẽ chẳng bao giờ bỏ đi được nhiều thứ. Nếu bạn ràng buộc bởi các hoạt động và tin nhắn với bè bạn, cuộc sống của bạn sẽ rất phức tạp.
Sự phân tán, bận rộn và thường xuyên thay đổi đều là những thói quen tâm lý.
Chúng ta không cần những thói quen này, nhưng chúng đã hình thành qua năm tháng vì chúng ta cảm thấy thoải mái với chúng. Chúng ta có thể sống đơn giản hơn bằng cách buông bỏ bớt đi những ràng buộc. Cuộc đời bạn sẽ thế nào nếu không có sự thay đổi thường xuyên, phân tán hay bận rộn?
Thực hiện một nhiệm vụ nào đó ở chế độ “toàn màn hình”.
Hãy thử tưởng tượng rằng tất cả những gì bạn làm – một công việc, trả lời email hay tin nhắn, rửa bát hay đọc báo – đều ở chế độ “toàn màn hình” và bạn không làm hay nhìn vào thứ nào khác khi thực hiện chúng. Bạn chỉ làm nhiệm vụ này một cách toàn tâm. Cuộc sống của bạn sẽ thế nào? Theo như kinh nghiệm của tôi, nó sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Bạn hoàn toàn chú tâm vào một thứ và bạn sẽ làm chúng tốt hơn. Và bạn thậm chí có thể tận hưởng những công việc này.
Hãy tạo khoảng nghỉ giữa những công việc khác nhau.
Hãy tạo ra những lớp đệm cho mọi thứ. Hãy chỉ làm một nửa năng suất của bạn. Chúng ta có xu hướng nhồi nhét công việc, làm càng nhiều càng tốt mỗi ngày. Điều này khiến chúng ta căng thẳng vì đánh giá sai thời gian mọi thứ sẽ diễn ra. Chúng ta bỏ quên những công việc cá nhân như mặc quần áo, đánh răng và chuẩn bị bữa ăn.
Tìm niềm vui trong những điều giản đơn.
Đối với tôi, những điều này bao gồm viết lách, đọc/học, đi bộ và những hoạt động khác, ăn những đồ ăn đơn giản, thiền định, dành thời gian chất lượng với những người mà tôi quan tâm. Hầu hết chúng không tốn chi phí hay cần tài sản nào (đặc biệt là nếu bạn mượn sách ở thư viện). Tôi không nói tôi chẳng sở hữu chút tài sản nào hay tôi chỉ thực hiện những hoạt động ít ỏi ở trên, nhưng mỗi khi tôi nhớ đến những điều giản đơn tôi yêu thích, cuộc sống của tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn. Tâm trí tôi có thể xả bỏ những điều cố hữu, và tìm thấy những niềm vui nhỏ bé.
Luôn biết rõ mình muốn gì và nói không với sở hữu nhiều thứ hơn.
Chúng ta hiếm khi hiểu rõ mình muốn gì. Khi chúng ta nhìn thấy ai đó đăng một bức ảnh đẹp, chúng ta lập tức muốn làm điều tương tự, và dĩ nhiên cuộc sống của chúng ta sẽ rẽ sang một hướng khác. Điều này cũng xảy ra khi chúng ta đọc một điều gì đó hay ho, xem một video về một địa danh mới hoặc một sở thích mới.
Nếu chúng ta biết mình muốn gì hay sống như thế nào, chúng ta có thể nói ‘có’ với một số hành động và nói ‘không’ với những điều khác. Loại bỏ nhiều thứ trong cuộc sống sẽ khiến chúng ta giản đơn hơn.
Hãy thử không làm gì cả.
Bạn có thường xuyên không làm gì cả? Được rồi, về mặt kỹ thuật mà nói thì chúng ta luôn đang làm “điều gì đó”. Nhưng bạn biết ý của tôi là gì – hãy ngồi đó và không làm gì cả. Không cần kế hoạch, không cần đọc hay không cần xem thứ gì. Chỉ không làm gì cả. Đừng hoàn thành việc gì, đừng quan tâm tới điều gì.
Bạn sẽ nhận ra thói quen muốn hoàn thành một điều gì đó của não bộ – giống như bạn cảm thấy rất “ngứa ngáy” muốn làm gì đó. Tuy nhiên, hãy đừng làm gì cả. Hãy cứ ngồi đó trong giây lát, cưỡng lại sự thôi thúc muốn làm điều gì đó. Sau một vài lần thực hành, bạn sẽ thấy thoải mái khi không làm gì. Và điều này khiến tâm lý bạn quen với trạng thái mãn nguyện, hài lòng.
Dĩ nhiên, đây không phải là những bài học duy nhất để sống một cuộc đời giản đơn. Nhưng những bài học hay nhất là những gì tự bạn khám phá ra. Hãy thử những cách này và xem điều gì sẽ xảy đến. Tôi nghĩ bạn sẽ tìm thấy điều gì đó tuyệt vời về bản thân mình và cuộc sống.
Sự giản đơn cao cả nhất là những gì xuất hiện với vẻ đẹp tự nhiên, bao gồm cả niềm vui và nỗi buồn.
Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách, là chủ blog “Zen Habits” với hơn 2 triệu người đăng ký, và sáng tạo ra một vài chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ được sở thích của mình. Hãy truy cập Zen Habits.
Leo Babauta
Thiên An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: