Để lại ông Putin phía sau, trọng tâm của ông Biden chuyển sang ông Tập của Trung Quốc
Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị tổng thống đã chứng kiến sự gặp gỡ với nhiều đồng minh của Hoa Kỳ cũng như với một đối thủ hàng đầu, khiến ông sẵn sàng đối đầu với quốc gia mà ông gọi là đối thủ cạnh tranh toàn cầu quan trọng nhất của Hoa Kỳ: Trung Quốc cùng nhà lãnh đạo nước này, ông Tập Cận Bình.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nằm trong nghị trình xuyên suốt các cuộc họp của ông Biden vào tuần lễ từ ngày 14-20/06 với Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển, NATO, Liên minh Âu Châu và thậm chí cả Tổng thống Nga Vladimir Putin – nguyên thủ của quốc gia mà vị Tổng thống Hoa Kỳ nhận xét là “đang bị Trung Quốc siết chặt.”
Ông Biden từ lâu đã nói rằng Trung Quốc sẽ là cốt lõi trong chính sách ngoại giao của chính phủ ông. Nhưng trước việc chính phủ của ông Putin bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ và chứa chấp các tin tặc đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, ông Biden nói rằng ông cần thiết lập một số “quy tắc đi đường” (“rules of the road”) và khả năng dự đoán trong mối bang giao với Nga.
Giờ đây Bắc Kinh đang trở thành tâm điểm. Tuy nhiên, mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc lại phức tạp và gây hậu quả cho nền kinh tế Hoa Kỳ hơn nhiều so với mối bang giao với Nga, và cơ hội để ông Biden gặp gỡ và thiết lập mối bang giao hữu ích với ông Tập trong những năm tới đang khép lại.
Hôm 17/06, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan xác nhận rằng Hoa Kỳ hiện đang lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn với Bắc Kinh. Ông không nói liệu một cuộc gặp gỡ thực sự giữa ông Biden và ông Tập có nằm trong kế hoạch hay không, mặc dù có một khả năng là tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 ở Rome vào tháng Mười sắp tới.
Trong suốt chuyến công du Âu Châu của mình trong tuần lễ từ ngày 14-20/06 và các cuộc họp trước đó với các nhóm như Bộ Tứ – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc – Chính phủ ông Biden đã tìm cách tập hợp các đồng minh để thể hiện sức mạnh chống lại những gì mà họ coi là các chính sách nghiêm trọng nhất của Bắc Kinh.
Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, cho biết: “Ưu tiên của chính phủ ông Biden là tăng cường quan hệ với các nước có cùng chí hướng như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm thuyết phục Bắc Kinh hiệu chỉnh và sửa đổi các chính sách của mình.”
Cách tiếp cận đó đã gây chú ý ở Bắc Kinh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết trong tuần lễ từ ngày 14-20/06 rằng, sau khi ông Biden thúc đẩy G-7 tán thành về một chiến lược chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, rằng “Hoa Kỳ đang bị bệnh và thực sự rất bệnh.”
“G-7 nên bắt mạch tốt hơn và kê đơn thuốc,” ông nói thêm.
Trạng thái hiện nay là một điều bất ngờ ở Bắc Kinh. Sau bốn năm hỗn loạn dưới thời cựu TT Donald Trump, người đã liên tục ca ngợi ông Tập cho đến khi sự bùng phát COVID-19 bắt đầu gây ảnh hưởng nặng nề cho Hoa Kỳ, các quan chức ở Bắc Kinh nghĩ rằng ông Biden sẽ mang lại một sự tiếp xúc êm ái hơn cho mối quan hệ song phương. Thay vào đó, ông Biden lại giữ Trung Quốc trong thế phòng thủ, thậm chí giữ nguyên mức thuế quan mà ông Trump đã thiết lập.
“Thật sự có những nghi vấn cần được đặt ra về những gì sẽ xảy ra sau màn hùng biện này,” ông David Feith, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới và là cựu phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời ông Trump, cho biết.
“Nhưng có vẻ như TT Biden đã mạnh mẽ báo hiệu với chính phủ của ông cùng chính phủ các nước khác rằng ông ấy muốn ưu tiên việc cạnh tranh với Trung Quốc trong chính sách của Hoa Kỳ và trong ngoại giao của Hoa Kỳ,” ông nói.
Tại Âu Châu trong tuần lễ từ 14-20/06, ông Biden đã tìm cách tập hợp Nhóm G7 và các nhà lãnh đạo NATO xung quanh một nghị trình bao gồm việc mở lại các cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, đẩy lùi sự mạnh tay của Bắc Kinh ở những nơi như Hồng Kông và Tân Cương và kêu gọi một giải pháp cạnh tranh của phương Tây đối với sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của ông Tập.
Một trong những nhan đề thông báo của chuyến đi – thỏa thuận đình chiến trong mâu thuẫn kéo dài nhiều năm giữa Boeing và Airbus – một phần là nhằm vào Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ “bảo vệ công ăn việc làm và bảo vệ công nghệ ở Âu Châu và Hoa Kỳ chống lại các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc,” ông Sullivan cho biết hôm 17/06.
TT Biden nói rằng một mục tiêu trong chuyến đi của ông vào tuần lễ từ 14-20/06 là “nói rõ với ông Putin và với Trung Quốc rằng Âu Châu và Hoa Kỳ đang khăng khít, và G-7 sẽ hành động.” Tuyên bố chung của G-7 chỉ trích việc sử dụng “lao động cưỡng bức” trong các ngành mà Trung Quốc thống trị và đã tạo ra một lực lượng đặc nhiệm nhằm thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Bất chấp sự phản đối từ bà Angela Merkel của Đức, ông Mario Draghi của Ý cùng ông Emmanuel Macron của Pháp, TT Biden và các phụ tá của ông cho biết đây là tuyên bố cứng rắn nhất cho đến nay của khối này đối với Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ chúng ta đang tham gia một cuộc thi – không phải với Trung Quốc, mà là một cuộc thi với những kẻ chuyên quyền, các chính phủ chuyên quyền trên toàn thế giới, về việc các nền dân chủ có thể cạnh tranh với họ trong thế kỷ 21 đang thay đổi nhanh chóng hay không,” ông Biden nói sau hội nghị thượng đỉnh.
Một phần của cuộc thi đó bao gồm một nghị trình trong nước nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, chẳng hạn như tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và tập trung vào an ninh của chuỗi cung ứng xoay quanh chất bán dẫn và các lĩnh vực chiến lược khác.
Còn một yếu tố khác có liên quan đến sự phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh ở Á Châu và hơn thế nữa.
“Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để ứng phó một Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn là làm việc với các đồng minh, đối tác và bạn bè,” quan chức đứng đầu của Tòa Bạch Ốc về Á Châu, ông Kurt Campbell, cho biết trong một sự kiện hồi tháng 05/2021, đồng thời nói thêm rằng “thực ra chính sách tốt nhất đối với Trung Quốc là một chính sách tốt về vấn đề Á Châu.”
Tuy nhiên, tại một số thời điểm, hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải gặp nhau. Mục đích tham gia trực tiếp với ông Tập một phần xuất phát từ niềm tin của ông Biden rằng không có điều gì thay thế được các cuộc thảo luận cấp lãnh đạo và sự cam kết mang tính cá nhân.
“Khái niệm cho rằng vào những tháng tới TT Biden sẽ tiếp xúc với Chủ tịch Tập theo một cách nào đó để xác định vị trí của chúng ta trong mối bang giao và để bảo đảm rằng chúng tôi có các liên lạc trực tiếp mà chúng tôi nhận thấy là có giá trị như với TT Putin ngày hôm qua (16/06), chúng tôi rất chú tâm vào điều đó,” ông Sullivan nói với các phóng viên hôm 17/06, “Giờ chỉ còn là câu hỏi về thời điểm và cách thức diễn ra mà thôi.”
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là một cơ hội để hai nhà lãnh đạo gặp gỡ. Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương trực tuyến năm nay sẽ do New Zealand tổ chức, tước đi một cơ hội tiềm năng nữa cho cuộc gặp mặt giữa ông Biden và ông Tập.
Trong khi đó, căng thẳng không ngừng gia tăng khi hai nước xung đột về mọi phương diện, từ công nghệ đến việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông đang tranh chấp và hiện trạng của Đài Loan.
Hiện mối giao hảo cá nhân giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng trở nên rạn nứt. Ông Biden đã gặp ông Tập nhiều lần trong nhiều năm qua, kể cả với tư cách là phó tổng thống, và cho đến gần đây vẫn còn tán dương điều mà ông gọi là tình bằng hữu của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông đã đưa ra một đánh giá khắc nghiệt hơn về chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, gọi ông Tập là một “tên côn đồ,” “không có dân chủ – dù chỉ là một-mẩu xương-‘d’(dân chủ)-nhỏ trên người.”
Hôm 16/06 tại Geneva, ông Biden đã chỉ rõ một mối bang giao mang tính chiến đấu hơn sẽ hiện hữu. Sau khi một phóng viên của hãng Fox News gợi ý ông Biden gọi ông Tập là “bạn cũ với bạn cũ” trong một câu hỏi về việc điều tra nguồn gốc của virus corona, vị tổng thống đã đột ngột phản ứng lại.
“Hãy làm rõ điều này,” ông Biden nói. “Chúng tôi biết rõ về nhau, nhưng chúng tôi không phải là những người bạn cũ. Điều đó chỉ thuần túy là công việc thôi.”
©2021 Bloomberg L.P. do Tribune Content Agency, LLC phân phối
Do Peter Martin và Josh Wingrove của Bloomberg News thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: