Để bảo vệ thị trường tự do, phải kiềm chế quyền lực doanh nghiệp
Ông Milton Friedman và bà Jane Jacobs, hai trong số những nhà trí thức lớn của thế kỷ 20, tuyên bố rằng phải hạn chế quyền lực doanh nghiệp để duy trì kinh doanh tự do và ngăn chặn chủ nghĩa xã hội.
Năm mươi năm trước khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Mark Zuckerberg của Facebook và Sergey Brin của Google nói với các công ty của họ rằng phải chống lại biến đổi khí hậu, giám sát tính trung thực trong bầu cử, và thực hiện các chức năng chính trị xã hội khác, ông Friedman, trong một bài báo trên Tạp chí New York Times, đã mô tả các nhà lãnh đạo công ty như vậy là “những con rối vô ý của các lực lượng trí thức đã và đang phá hoại nền tảng của một xã hội tự do trong vài thập kỷ qua.”
Những hãng công nghệ lớn (Big Tech) đã trở nên đặc biệt lớn mạnh về chính trị thông qua việc kiểm soát các mạng truyền thông xã hội. Điều này cho phép họ dùng các nguồn lực của tập đoàn để kiểm duyệt ngôn luận và đảm nhận các chức năng khác mà ông Friedman gọi là “thuộc về chính phủ” và trở thành “nhà lập pháp kiêm hành pháp lẫn tư pháp,” trong khi không phải chịu trách nhiệm với các cổ đông. Bà Jacobs, trong cuốn sách “Các hệ thống sinh tồn” năm 1992, cũng cảnh báo rằng các tập đoàn đang đảm nhận các chức năng của chính phủ có thể trở thành “những đứa con lai quái dị,” củng cố cho sự độc quyền, phá hủy cạnh tranh và thúc đẩy tham nhũng.
Tuy nhiên, vấn đề quyền lực thiếu kiểm soát của doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở các giám đốc điều hành của Big Tech. Ngày nay, nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết lãnh đạo của các tập đoàn lớn đều hành động như những “con rối vô ý” mà ông Friedman đã cảnh báo. Họ ủng hộ các phong trào xã hội như Black Lives Matter hoặc mức lương tối thiểu 15 USD mỗi giờ, do đó đã vô tình góp phần vào sự phát triển của những người theo chủ nghĩa xã hội như thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập-Vermont) và dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân chủ-New York). Ông Friedman đã nhận thấy hành vi của doanh nghiệp như vậy có tính chất phá hoại tựa như “bộc lộ một mong muốn tự sát.”
Quyền lực doanh nghiệp không phải lúc nào cũng không kiểm soát được, mặc dù một số người, chẳng hạn như ngài Thomas Jefferson, đã thấy trước khả năng gây hại của nó và đã muốn “giết từ trong trứng nước tầng lớp quý tộc trong các tập đoàn giàu có, những người đã dám thách thức sức mạnh của chính phủ và coi thường luật pháp của đất nước chúng ta.”
Ngài Alexander Hamilton, khi biện hộ cho các tập đoàn, đã tìm cách giảm bớt nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó họ sẽ có được những quyền lực khổng lồ, bằng cách nói rằng họ chỉ là những phương tiện với quyền lực hạn chế.
“Một tập đoàn dường như đã được coi là một thứ lớn mạnh, độc lập, trọng yếu – như là kết quả chính trị của một tầm cỡ và thời điểm đặc thù; trong khi nó thực sự cần được coi là một phẩm chất, khả năng, hoặc phương tiện để đạt được kết quả,” ông khẳng định.
Ngài John Marshall, người được coi là vị chánh án vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, cũng cho rằng các tập đoàn bị giới hạn nghiêm ngặt: “Một tập đoàn là một thực thể nhân tạo, vô hình, vô định, và chỉ tồn tại trong sự suy xét của pháp luật … thực thể này không nằm trong chính quyền dân sự của quốc gia, trừ khi đó là mục đích mà nó được tạo ra.”
Các tập đoàn không được đề cập trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong hai thế kỷ qua, các tòa án ngày càng cho phép những “thực thể nhân tạo” này tham gia vào chính quyền dân sự, bằng cách trao cho họ các quyền hiến định theo một học thuyết được gọi là “tư cách công ty.” Trước khi có một quyết định vào năm 1978, các tập đoàn chỉ có quyền tự do ngôn luận khi cần bảo vệ lợi ích kinh doanh của họ. Sau đó, Tối cao Pháp viện đã quyết định rằng các doanh nghiệp có quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án Thứ nhất như các cá nhân, cho phép các công ty bước vào thế giới chính trị dựa trên cơ sở ý thức hệ thuần túy, không liên quan đến mong muốn của cổ đông hoặc lợi tức kinh doanh của họ.
Trước khi có một quyết định năm 2010, các tập đoàn đã bị hạn chế trong việc đóng góp chính trị. Sau đó, Tối cao Pháp viện đã mở cửa cho việc tài trợ chính trị, dẫn đến hàng tỷ USD hiện đang chất đầy két của các chính trị gia thuộc mọi thành phần, và các chính sách thường do các tập đoàn đặt ra hơn là do dân chúng.
Ngài Marshall nói, các tập đoàn đã được tạo ra và trao các đặc quyền theo luật định chủ yếu để khắc phục sự kém hiệu quả của hình thức hợp tác và độc quyền, với tuổi thọ ngắn và chi phí giao dịch cao làm mất đi giá trị cho xã hội. Bằng cách có thể “tự quản lý việc của mình và nắm giữ tài sản mà không gặp phải những rắc rối phức tạp, những yêu cầu nguy hại và không ngừng nghỉ khi cần chuyển nó từ tay người này sang người khác,” một tập đoàn sẽ mang lại lợi ích cho dân chúng, ngài Marshall nói. Các đặc quyền theo luật định của nó không nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tự quản của công dân hoặc khiến người dân phải phục tùng quyền lực của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đó lại chính là điều sẽ xảy ra nếu như các tập đoàn—những con người nhân tạo được hình thành bởi các bộ luật, được bảo đảm lợi ích thuế và ít chịu trách nhiệm – có thể tăng khả năng đặc quyền tạo ra của cải của họ với sự bảo vệ của hiến pháp như một con người. Như tờ New York Times đã viết trước khi có quyết định của Tòa án Tối cao năm 2010 mở cửa cho các nhà tài trợ là doanh nghiệp, “Ảnh hưởng của chúng sẽ choáng ngợp với đầy đủ các quyền mà mọi người đang có.”
Hơn nữa, ảnh hưởng choáng ngợp đó sẽ trở thành xấu bởi vì, như ông Friedman đã nói, các giám đốc điều hành kinh doanh “cực kỳ thiển cận và lơ đễnh trong những vấn đề nằm ngoài doanh nghiệp của họ nhưng lại ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp nói chung. … Sự thiển cận còn được các doanh nhân thể hiện rõ trong các bài diễn văn về trách nhiệm xã hội. Điều này có thể thu được tiếng vang cho họ trong ngắn hạn. Nhưng nó lại giúp củng cố quan điểm vốn đã quá phổ biến rằng việc chỉ theo đuổi lợi nhuận là xấu xa, trái đạo đức, và phải được kiềm chế cũng như kiểm soát bởi các lực lượng bên ngoài.”
Thay vào đó, để tránh việc kiềm chế sai trái và duy trì kinh doanh tự do, quyền lực chính trị của các tập đoàn phải được kiểm soát bằng cách đưa các tập đoàn trở về bản chất với trách nhiệm hữu hạn của họ, và cấm họ tham gia các hoạt động xã hội lẫn chính trị, mà theo bản chất không phải là việc của họ.
Ông Lawrence Solomon là một nhà bình luận, tác giả, và giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người tiêu dùng có trụ sở tại Toronto, do bà Jane Jacobs thành lập. [email protected]. @LSolomonTweets.
Góc nhìn được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Lawrence Solomon thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: