ĐCSTQ lập đồn cảnh sát ở New York, một phần của mạng lưới đàn áp xuyên quốc gia toàn cầu
Theo nhóm nhân quyền Safeguard Defenders, chính quyền Trung Quốc đã mở ít nhất một “đồn cảnh sát ở hải ngoại” tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ cuộc đàn áp xuyên quốc gia toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Các hoạt động này tránh né sự hợp tác chính thức của cảnh sát và tư pháp song phương, cũng như vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế, đồng thời có thể vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ ở các nước thứ ba liên quan đến việc thiết lập một cơ chế chính sách song song bằng cách sử dụng các phương pháp bất hợp pháp,” nhóm có trụ sở tại Tây Ban Nha này cho biết trong một báo cáo gần đây.
Báo cáo có nhan đề “110 Hải Ngoại: Kiểm Soát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Điên Cuồng” (“110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild”), đã xem xét sáng kiến do mười “tỉnh thí điểm” áp dụng lần đầu tiên vào năm 2018. Các đồn trạm này còn được gọi là 110 ở hải ngoại, được đặt tên theo số điện thoại dịch vụ khẩn cấp của cảnh sát nước này.
Một đồn ở thành phố New York nằm trong “đợt đầu tiên” gồm 30 đồn cảnh sát ở hải ngoại tại 21 quốc gia do Cục Công an Phúc Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến ven biển phía nam, thiết lập. Các thành phố khác của Trung Quốc cũng thiết lập các đồn của riêng họ ở ngoại quốc.
Theo Dongnan News, một cơ quan truyền thông do chính quyền tỉnh Phúc Kiến hậu thuẫn, chi nhánh của cơ quan cảnh sát Trung Quốc tại New York đã được khai trương hôm 15/02. Trung tâm này tên là Trạm Dịch vụ Ngoại quốc của Công an Phúc Châu, nằm ở 107 East Broadway, bên trong trụ sở của Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ (American ChangLe Association, ACA), một tổ chức bất vụ lợi có liên hệ chặt chẽ với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Safeguard Defenders đã xác định được 54 trạm dịch vụ cảnh sát ở ngoại quốc trên khắp năm châu, bao gồm cả ở các thành phố từ Toronto đến Dublin.
Tuy nhiên, tổng số các trạm như vậy là không rõ ràng. “Không có danh sách đầy đủ về trạm dịch vụ cảnh sát của ‘110 ở hải ngoại’ như vậy,” báo cáo nêu rõ. “Số lượng chắc chắn là lớn hơn và các trạm như vậy phổ biến hơn nhiều,” báo cáo cho biết thêm.
Hiệp hội ACA
Được thành lập vào năm 1998, Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ (ACA) là một trong những cộng đồng có ảnh hưởng nhất đối với những người nhập cư từ tỉnh Phúc Kiến, Hoa Kỳ, theo trang web của tổ chức này.
ACA đã hợp tác với Cục Công an thành phố Phúc Châu để thành lập đồn cảnh sát Phúc Châu trong năm nay, chủ tịch hiệp hội cho biết tại một sự kiện hồi tháng Tư tại văn phòng của nhóm này khi tiếp Phó Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, ông Ngô Hiểu Minh (Wu Xiaoming), Dongnan News đưa tin tại thời điểm đó. Theo báo cáo này, ông Ngô đã ghi nhận sự đóng góp của hiệp hội trong việc “thúc đẩy tình hữu nghị Trung-Mỹ và hỗ trợ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc.”
Nhóm cộng đồng ở New York này, giống như nhiều tổ chức cơ sở có dụng ý của Trung Quốc, có liên kết với hệ thống “mặt trận thống nhất” rộng lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hệ thống này là một mạng lưới gồm hàng ngàn nhóm ở ngoại quốc được giám sát chặt chẽ bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan quyền lực của Đảng, hoạt động nhằm thúc đẩy các lợi ích của nhà cầm quyền này ở ngoại quốc, bao gồm bằng cách thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
ACA đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh và được ca ngợi vì những nỗ lực trong việc hỗ trợ ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo của đảng này. Trong số các bức ảnh hiển thị trên trang web của nhóm này có bằng khen của lãnh sự quán Trung Quốc tại New York vào năm 2015. Lãnh sự quán này đã ca ngợi ACA vì đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức cho kiều bào người Hoa chào đón lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến New York tham dự các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc vào thời điểm đó.
Năm 2019, cựu chủ tịch Trương Tử Khoát (Zhang Zikuo) của nhóm này đã tham dự một buổi lễ chính thức ở Bắc Kinh đánh dấu 70 năm Trung Quốc nằm dưới sự cai trị của ĐCSTQ với tư cách đại diện cho công dân Hoa kiều tại Hoa Kỳ, theo báo cáo năm 2020 của Liên đoàn Hoa kiều Hồi hương Thành phố Phúc Châu.
Tháng 05/2020, ông Trương, khi đó là chủ tịch của ACA, đã tham dự một cuộc hội thảo trực tuyến do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Quận Trường Lạc thành phố Phúc Châu tổ chức, trong đó họ đã có một “nghiên cứu sâu về tinh thần của hai phiên họp,” báo cáo cho biết. “Hai phiên họp” đề cập đến các cuộc họp hàng năm do cơ quan tư vấn chính trị và cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ tổ chức.
‘Mục tiêu thâm độc’
Các trạm dịch vụ cảnh sát ở ngoại quốc được cho là phục vụ cho các mục đích hành chính, với nhiều nhiệm vụ mà báo cáo này cho biết sẽ được “xem là mang tính chất lãnh sự truyền thống.”
Ví dụ: dịch vụ phổ biến nhất của đồn cảnh sát New York là hỗ trợ người Hoa ở hải ngoại gia hạn giấy phép lái xe mà không cần trở về nước, theo một báo cáo tháng Tám của Dongnan News. Báo cáo này cho biết từ hôm 01/03 đến hôm 27/04, có 36 người ghi danh đã hoàn thành bài kiểm tra sức khỏe trực tuyến tại đồn này và được gia hạn giấy phép lái xe của họ.
Ông Lư Kiến Thuận (Lu Jianshun), Chủ tịch ACA, nói với Dongnan News rằng các trạm này khiến người Hoa ở hải ngoại cảm nhận được “sự quan tâm và tình thân ái” của quê hương. Báo cáo này đề cập rằng ông Lưu cũng là một nhân viên của đồn cảnh sát New York.
Tuy nhiên, Safeguard Defenders cho biết hệ thống 110 hải ngoại có một “mục tiêu thâm độc hơn vì họ góp phần vào việc ‘kiên quyết trấn áp mọi loại hoạt động bất hợp pháp và tội phạm liên quan đến người Hoa ở ngoại quốc.’” Nhóm này cho biết một số trạm đã “tham gia hợp tác với cảnh sát Trung Quốc để thực hiện các hoạt động trị an trên đất ngoại quốc.”
Một ví dụ được cung cấp trong báo cáo trên là sự ‘hồi hương’ thành công của một kẻ đào tẩu người Trung Quốc họ Hạ, người bị buộc tội gian lận và trốn sang Serbia.
Sau khi xác định vị trí của ông Hạ ở Belgrade, Serbia, cảnh sát Trung Quốc đã “liên lạc thành công” với ông thông qua trạm dịch vụ ở ngoại quốc, báo cáo này nêu rõ, trích dẫn một bài báo năm 2019 của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Công an thành phố Thanh Điền sau đó đã “trực tiếp tiến hành thuyết phục hồi hương” thông qua ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc Wechat và các cuộc gọi video với sự hỗ trợ của các nhân viên của cơ quan dịch vụ ở ngoại quốc. Báo cáo nêu rõ, cảnh sát Trung Quốc đã giáo dục ông Hạ về “các chính sách, luật và trường hợp liên quan” ít nhất một lần mỗi tuần trước khi ông Hạ chủ động hợp tác với cảnh sát để trở về Trung Quốc vào tháng 10/2018.
Theo một bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, ước tính có khoảng 230,000 công dân Hoa kiều đã được “thuyết phục” hồi hương để đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Safeguard Defenders lưu ý rằng việc “thuyết phục hồi hương” như vậy liên quan đến việc quấy rối và đe dọa những người thân của mục tiêu đó ở Trung Quốc. Nếu mục tiêu từ chối tuân thủ, thì gia đình họ có thể phải đối mặt với hình phạt, chẳng hạn như con em của họ bị từ chối giáo dục.
Báo cáo còn nêu rõ: “Những phương pháp này cho phép ĐCSTQ và các cơ quan an ninh của họ phá vỡ các cơ chế song phương thông thường về hợp tác cảnh sát và tư pháp, do đó phá hoại nghiêm trọng pháp quyền quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thứ ba liên quan.”
“Nó khiến những cư dân Trung Quốc hợp pháp ở hải ngoại hoàn toàn bị cảnh sát Trung Quốc nhắm mục tiêu ngoài tư pháp, với rất ít hoặc không có biện pháp bảo hộ nào được bảo đảm về mặt lý thuyết theo cả luật quốc gia và quốc tế.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times