ĐCSTQ kiểm soát xuất cảng linh kiện hàng không vũ trụ, giúp phương Tây đẩy nhanh quá trình giảm rủi ro
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố bắt đầu từ ngày 01/07, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với một số linh kiện hàng không vũ trụ, cũng như nhiều loại vật tư và công cụ liên quan đến quân sự.
Hành động hiếm hoi này của ĐCSTQ đã thu hút nhiều sự chú ý. Các chuyên gia cho rằng châu Âu và Hoa Kỳ hiện đã nắm giữ công nghệ hàng không vũ trụ tân tiến, và ngành hàng không vũ trụ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số sản phẩm xuất cảng của Trung Quốc. Tuy vậy, ngành này của Trung Quốc lại chiếm một tỷ lệ nhất định trong chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ, cho nên các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới của ĐCSTQ có thể giúp đẩy nhanh quá trình “giảm rủi ro” của phương Tây.
Có bốn lý do tiềm năng khiến ĐCSTQ kiểm soát việc xuất cảng vật tư quân sự
Hôm 30/05, Bộ Thương mại, Tổng cục Quan thuế và Quân ủy Trung ương ĐCSTQ cùng ban hành một thông báo kiểm soát xuất cảng đối với hàng loạt vật tư và công cụ từ ngày 01/07. Danh sách kiểm soát bao gồm: các thiết bị và phần mềm, công nghệ liên quan đến sản xuất các bộ phận cấu tạo nên sản phẩm hàng không vũ trụ và động cơ; các thiết bị và phần mềm, công nghệ liên quan đến tuabin khí hoặc sản xuất động cơ tuabin khí; các thiết bị và phần mềm, công nghệ liên quan đến cửa sổ mặt nạ phi hành gia; các vật liệu liên quan đến sợi polyethylene phân tử cực cao.
Tuabin khí nằm trong danh sách kiểm soát xuất cảng có thể được sử dụng cho chiến hạm quân sự và các loại xe lớn như xe tăng thiết giáp. Sợi polyethylene phân tử cực cao có thể được sử dụng để chế tạo mũ chống đạn, áo giáp chống đạn, tấm chèn chống đạn, và tấm chắn chống đạn.
Nhà kinh tế học người Mỹ David Huang nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Thông báo này rất đặc biệt vì nó được công bố lần đầu tiên dưới danh nghĩa của Quân ủy Trung ương. Điều này có nghĩa là có bốn lý do tiềm năng.”
Ông David Huang cho rằng nguyên nhân thứ nhất là trước đây có rất nhiều vũ khí được buôn lậu ra khỏi Trung Quốc, và một số được bán cho các nước xung quanh vùng Biển Đông. “Nhưng bây giờ mâu thuẫn của các nước ở Biển Đông với Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng gia tăng. Vì vậy ĐCSTQ không muốn bán vũ khí của mình cho đối thủ.”
Thứ hai là có một số cuộc đàm phán bí mật giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hoặc giữa Trung Quốc và châu Âu, yêu cầu nước này hạn chế cung cấp quá nhiều vũ khí cho một số quốc gia ở châu Á, châu Phi, và châu Mỹ Latinh. Nhưng nguyên nhân này chiếm tương đối nhỏ.
Ông Huang còn nói, nguyên nhân thứ ba là ngăn chặn nạn tham nhũng trong quân đội. “Một số ngành công nghiệp quân sự lén lút bán một số sản phẩm trong đơn đặt hàng, chẳng hạn như một số động cơ, tấm chắn giáp, và áo chống đạn cho bên thứ ba. Thông báo ấy nhằm bịt kín lỗ hổng này. Từ nay về sau, nếu không có văn bản của Ủy ban Quân ủy Trung ương thì không thể xuất cảng ra ngoài.”
Ông David Huang cho rằng, thứ tư là nhằm giảm tổng số lượng xuất cảng. Một mặt là “ĐCSTQ cần chuẩn bị cho chiến tranh và ứng phó khủng hoảng trong nước. Đây có thể là một sự chuẩn bị – chuẩn bị cho chiến tranh.” Mặt khác, ĐCSTQ “có thể để cung cấp cho Nga hoặc các quốc gia khác, nên họ cần tích trữ số lượng lớn. Do đó cũng cấm nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp lưỡng dụng quân sự và dân sự xuất ra ngoại quốc.”
Theo dữ liệu của Cơ quan Quan thuế Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm nay, ba quốc gia nhập cảng nhiều nhất các mặt hàng liên quan đến tuabin khí bị hạn chế là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Việt Nam. Các điểm xuất cảng chính của sợi polyethylene phân tử cực cao là các nước Brazil, Việt Nam, Hoa Kỳ, và Israel.
Phân tích: Cuộc chiến tâm lý giữa ĐCSTQ với châu Âu và Hoa Kỳ
Ngoài việc kiểm soát xuất cảng vật tư quân sự, một thành phần quan trọng trong danh sách kiểm soát xuất cảng của ĐCSTQ là các vật tư dùng để sản xuất các linh kiện của thiết bị hàng không vũ trụ.
Về mục đích của việc ĐCSTQ kiểm soát xuất cảng các linh kiện hàng không vũ trụ, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Vương Hách (Wang He), nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, Trung Quốc là quốc gia có khối lượng thương mại nhiều nhất thế giới, chủ yếu xuất cảng các sản phẩm công nghiệp tầm trung và thấp, tuy nhiên, việc ĐCSTQ hạn chế xuất nhập cảng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng xuất cảng của Trung Quốc. “Hiện tại, ĐCSTQ lấy việc này ra như một hành động chính trị. Qua việc kiểm soát xuất cảng này, ĐCSTQ muốn thể hiện thái độ với Hoa Kỳ rằng: Tôi không sợ ông, tôi muốn đối đầu với ông.”
“Trong lĩnh vực linh kiện sản phẩm công nghệ cao, [Trung Quốc] phải đáp trả Hoa Kỳ bằng cách ăn miếng trả miếng và thực hiện kiểm soát xuất cảng ngược trở lại. Điều đó không có nghĩa là điều gì tôi cũng phải cầu xin ông, cũng sẽ có lúc ông phải cầu xin tôi.”
Ông Vương còn nói, [bước đi này của ĐCSTQ] một mặt khác là đe dọa những quốc gia đang dao động, kiểu như: “Các ông thấy đấy, tôi thậm chí có thể trừng phạt và đối đầu với Hoa Kỳ. Nếu các ông đi theo Hoa Kỳ, tôi sẽ bắt nạt kinh tế đối với từng nước một.”
“Lệnh kiểm soát này của ĐCSTQ mang ý nghĩa tượng trưng về lập trường chính trị và ngoại giao. Họ cũng đang tiến hành một cuộc chiến tâm lý với châu Âu và Hoa Kỳ.” Ông Vương cho rằng, ĐCSTQ bề ngoài nói như vậy, nhưng thực tế không gian để thực hiện sẽ rất linh hoạt, và còn tùy thuộc vào việc châu Âu và Hoa Kỳ đàm phán với ĐCSTQ như thế nào.
Công nghệ vũ trụ của Hoa Kỳ mạnh hơn rất nhiều so với phạm vi kiểm soát xuất cảng có hạn của ĐCSTQ
Theo dữ liệu của Cơ quan Quan thuế ĐCSTQ, trong bốn tháng đầu năm nay, ba quốc gia nhập cảng lớn nhất các sản phẩm liên quan đến sản xuất phi cơ và thiết bị hàng không vũ trụ của Trung Quốc là Hoa Kỳ, Việt Nam, và Singapore.
Ông Vương Hách cho biết, “Trong vài thập niên gần đây, nguồn vốn đầu tư từ phương Tây vào Trung Quốc đã giúp ngành sản xuất của Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Trong đó bao gồm cả sự phát triển của ngành sản xuất trong lĩnh vực hàng không, hàng không vũ trụ, và một số lĩnh vực công nghiệp quân sự. Trung Quốc còn chiếm một tỷ lệ nhất định trong chuỗi cung ứng liên quan của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, ông Vương nói: “Phạm vi kiểm soát xuất cảng hiện tại của ĐCSTQ rất hạn chế. Việc đưa người lên Mặt Trăng liên quan đến một số công nghệ tân tiến và một số linh kiện của sản phẩm cơ khí, mà Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào sức mạnh của mình để hoàn thành.”
“Nhìn chung công nghệ vũ trụ của Hoa Kỳ phát triển hơn rất nhiều so với ĐCSTQ. Nhìn từ tổng thể thì chênh lệch giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ lên đến vài thập niên.”
Hồi tháng 05/2023, ĐCSTQ phóng phi thuyền Thần Châu 16, lần đầu tiên đưa phi hành gia vào không gian. Điều này được ĐCSTQ xem là một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ông Tiêu Lập Trung (Jiao Lizhong), một chỉ huy gốc Hoa tại Trạm Vũ trụ Quốc tế ở Houston, đã nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, xét về công nghệ hàng không vũ trụ, nhiệm vụ Thần Châu 16 không phải là một bước đột phá đặc biệt lớn. Lúc đầu ĐCSTQ có thể phát triển hàng không vũ trụ, trạm không gian và trang phục phi hành gia là dựa vào sự trợ giúp của Nga về công nghệ. Điều này không thể coi là một bước đột phá lớn mà chỉ là hiện họ đã nắm vững những công nghệ này sau nhiều năm phát triển.
Phân tích: Hoa Kỳ phong tỏa công nghệ đối với ĐCSTQ
Ngành hàng không vũ trụ luôn được ĐCSTQ xem là lĩnh vực chiến lược quan trọng cần phát triển. Các kế hoạch không gian liên tục được họ thúc đẩy thực hiện trong mười năm qua. Theo dữ liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu vệ tinh UCS, Trung Quốc đã phóng thành công 203 vệ tinh trong năm 2023. Họ còn tuyên bố sẽ hoàn thành kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030.
Ông Vương Hách cho biết: “Ngành công nghiệp không gian là một ngành rất đặc biệt và có ý nghĩa chiến lược. Lấy ví dụ về việc đưa người lên Mặt Trăng, đó là đỉnh điểm trong cuộc đối đầu công nghệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng là cao điểm của sự phát triển kinh tế nhờ vào công nghệ. Đồng thời, đó cũng là cao điểm trong việc ứng dụng quân sự hóa.”
“ĐCSTQ đã áp dụng một số biện pháp độc đáo, đầu tư rất nhiều tài nguyên với hy vọng phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong việc quản lý nhân sự. Họ hy vọng có thể vượt qua Hoa Kỳ.”
“Mục đích của việc phát triển lĩnh vực không gian là nhằm quân sự hóa không gian. Nhưng ĐCSTQ trên danh nghĩa đã thực hiện nhiều dự án kết hợp quân sự và dân sự để phát triển không gian, nhằm che đậy ý đồ quân sự hóa không gian của mình.”
Ông nói: “Người Mỹ nhận thức rất rõ điều này, cho nên hiện nay Hoa Kỳ muốn tách rời khỏi ĐCSTQ về cạnh tranh chiến lược. Vì vậy, họ áp dụng chính sách phong tỏa đối với ngành công nghệ cao của Trung Quốc.”
Tháng 08/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo sẽ đưa Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cùng 7 tổ chức khác liên quan đến hàng không vũ trụ của Trung Quốc vào danh sách đen về xuất cảng.
Vào tháng 08/2023, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NCSC), Cục Điều tra Liên bang (FBI), và Văn phòng Điều tra Đặc biệt của Không quân Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu, công nghệ, và kiến thức chuyên môn bằng nhiều cách khác nhau. Cảnh báo này còn khuyến nghị Quốc hội nên ban hành luật mới, cấm các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, phòng thí nghiệm quốc gia, các trường đại học, công ty, nhà quản lý quỹ, và nhà đầu tư cá nhân giúp đỡ bất kỳ dự án không gian nào của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn ĐCSTQ đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ.
Phương Tây đẩy nhanh việc giảm rủi ro nhờ lệnh kiểm soát xuất cảng của ĐCSTQ
Ông Vương Hách cho biết, Hoa Kỳ đã hiểu rõ mối đe dọa an ninh quốc gia từ ĐCSTQ. Và [trong lĩnh vực hàng không vũ trụ,] Hoa Kỳ đang nỗ lực tiến về phía trước, ĐCSTQ khó có thể bắt kịp.
Theo ước tính của cơ quan kiểm toán Hoa Kỳ, NASA sẽ đầu tư 93 tỷ USD trước năm 2025 để phát triển các hạng mục cần thiết cho sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng.
Các kế hoạch phát triển hàng không vũ trụ có chi phí rất cao. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch đến nay vẫn chưa phục hồi, các ngành nghề vẫn đang suy yếu. Ông Vương Hách cho biết, “Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc rất yếu kém. Để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, cần một điều kiện thiết yếu trên phương diện quốc tế, đó là phải có mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ và phương Tây, xây dựng lại lòng tin và thiết lập hợp tác toàn diện.”
Về việc ĐCSTQ tuyên bố các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới vào thời điểm này, ông Vương nói rằng, “Trong bối cảnh hiện nay, hành động này của ĐCSTQ có thể nói là rất ngu xuẩn, và sẽ kích thích phương Tây tăng nhanh việc giảm rủi ro.”