ĐCSTQ đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm đối với nền kinh tế Trung Quốc
Năm mới chưa đầy một tháng, còn những thách thức kinh tế Trung Quốc đã chồng chất lên đối với Bắc Kinh rồi.
Đây là một năm bản lề đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Đảng này dự kiến sẽ công bố một ban lãnh đạo mới (ngoài ông Tập Cận Bình) vào cuối năm nay. ĐCSTQ quản lý nền kinh tế Trung Quốc và sức khỏe của đất nước tốt (hay dở) như thế nào sẽ rất quan trọng trong tương lai.
Rủi ro địa ốc vẫn là trung tâm. Mặc dù đã bước sang một năm mới nhưng các vấn đề liên quan đến lĩnh vực địa ốc của năm ngoái vẫn tồn tại.
Nhà phát triển địa ốc khó khăn Evergrande của Trung Quốc vẫn tiếp tục khó khăn. Sau khi không thanh toán nợ lãi của một loại trái phiếu bằng USD vào tháng 12, cổ phiếu của Evergrande đã tạm thời bị đình chỉ giao dịch tại Hồng Kông sau khi chính quyền tỉnh Hải Nam yêu cầu công ty phá dỡ 39 tòa nhà đang xây dựng. Một nhà phát triển khác, Shimao, được cho là đã không thanh toán một khoản nợ lãi suất cho một sản phẩm cho vay tín thác.
Lĩnh vực địa ốc vẫn là một vấn đề cấp bách đối với Bắc Kinh. Công ty xếp hạng tín dụng S&P Global cho biết trong tháng này rằng các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển địa ốc sẽ tăng nhanh trong năm nay nếu chính sách của chính phủ ĐCSTQ không “nới lỏng một cách có ý nghĩa.”
Và việc nới lỏng không phải là điều Bắc Kinh muốn, ngay cả khi họ đã nới lỏng sự kìm chế một chút trong tháng này. Sau khi áp đặt các giới hạn nổi tiếng vào năm ngoái về số tiền các nhà phát triển địa ốc có thể vay để giảm đòn bẩy tài chính của ngành này, ĐCSTQ không có khả năng nới lỏng vấn đề này.
Tiến thoái lưỡng nan đối với ĐCSTQ là nếu không được giải quyết, thị trường địa ốc kém thanh khoản sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn hơn, đặc biệt là tại các chính quyền địa phương và thành phố.
Chúng tôi không nói về chính phủ của các thành phố cấp 1 ven biển như Thượng Hải hoặc Hàng Châu. Nhưng các thành phố và đô thị nhỏ hơn ở nội địa và phía đông bắc của Trung Quốc. Ở nhiều thành phố, bán đất cho các nhà phát triển địa ốc đóng vai trò là một nguồn thu quan trọng, chiếm một phần ba tổng doanh thu tài khóa.
Sự kém thanh khoản của thị trường địa ốc sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính cho các thành phố, vốn sử dụng tiền thu được từ việc bán đất cho các công trình công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng, mang lại cả việc làm và nguồn thu trong tương lai. Vì vậy, nếu các chủ đầu tư tạm dừng các dự án địa ốc mới, chính quyền địa phương có thể nhanh chóng thấy các dự án của họ cũng tạm dừng. Nhiều dự án trong số đó có nợ riêng của chính các chính quyền địa phương. Chúng ta rất có thể thấy rất rõ cuộc khủng hoảng vỡ nợ của chính quyền địa phương như bước tiếp theo sau cuộc khủng hoảng địa ốc.
Chính sách COVID-19 của Trung Quốc cũng đưa ra một thách thức. Chính sách “Không-COVID” lâu đời của đất nước này có nghĩa là phải phong tỏa hà khắc để đổi lấy việc ngăn chặn virus. Và đối mặt với biến thể Omicron rất dễ lây lan, các nhà chức trách đã tỏ ra không mấy sẵn sàng trong việc nới lỏng chính sách.
ĐCSTQ đã phong tỏa 3 thành phố kể từ tháng 12, bao gồm Tây An, An Dương, và Ngọc Châu trong nhiều tuần. Gần đây hơn, thành phố ven biển Thiên Tân đã bắt đầu xét nghiệm tất cả người dân để loại bỏ COVID.
Về mặt kinh tế, các cuộc phong tỏa của Trung Quốc có sức hủy diệt khá lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với ngoại quốc. Các hoạt động kinh doanh tạm dừng, giao thông ngừng hoạt động và các nhà máy đóng cửa. Trung Quốc, với tư cách là trung tâm sản xuất của thế giới, có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra nếu các cuộc phong tỏa trở nên phổ biến.
Các nhà kinh tế đang theo dõi chặt chẽ cách ĐCSTQ phản ứng với biến thể omicron trong vài tuần tới.
Tết Nguyên Đán năm nay bắt đầu vào ngày 01/02 và Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh bắt đầu hôm 04/02 và sẽ kéo dài trong 3 tuần. Hai sự kiện lớn này sẽ thúc đẩy sự di chuyển đáng kể của con người và hàng hóa. COVID bùng phát trong các hoạt động này có thể khiến Trung Quốc bị phong tỏa và gây ra nhiều vấn đề cho Bắc Kinh.
Đây là một vài trong nhiều những rắc rối trước mắt hơn mà ĐCSTQ phải đối mặt vào tháng Giêng. Và điều này không bao gồm các vấn đề vĩ mô hơn như việc lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng vào cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc, hoặc lạm phát toàn cầu cao hơn làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Những thách thức này đối với nền kinh tế Trung Quốc cùng với một năm chính trị quan trọng của ĐCSTQ – cuộc cải tổ lãnh đạo, tình thế tiến thoái lưỡng nan của Đài Loan và sự cản trở toàn cầu đối với nghị trình của Bắc Kinh – sẽ bảo đảm một năm đầy biến động cho nền kinh tế Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: