Đây chính là vấn đề hệ trọng nhất trong lịch sử giáo dục
AI trong tương lai sẽ giống với một phương tiện đi lại hơn là giống với công cụ tìm kiếm Google. Nói ngắn gọn, con người phải thực sự học cách “điều khiển” nó.
Như ông Malcolm X đã lưu ý rất chính xác, “Giáo dục là tấm giấy thông hành đưa chúng ta đến tương lai.” Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), tương lai đó có vẻ vô cùng bất định.
Hệ thống giáo dục cần thích ứng với hiện thực của AI. Giáo trình học cần phải được viết lại. Thời gian chính là điều cốt yếu. Chỉ có một vấn đề, và đó là một vấn đề lớn: Những người phụ trách hệ thống giáo dục dường như chưa nhận được thông báo này.
Tóm lại, chúng ta không thể tiếp tục giáo dục con em mình theo cách cũ. Tại sao? Bởi vì thế giới ngày mai sẽ rất khác so với thế giới ngày nay. Các kỹ năng cần thiết vào năm 2023 có thể trở nên hoàn toàn vô dụng trong 5 năm tới.
Rốt cuộc, như một bài viết của Goldman Sachs gần đây đã cảnh báo, AI là mối đe dọa trực tiếp đối với 2/3 việc làm ở Hoa Kỳ và châu Âu. Tới 300 triệu vị trí toàn thời gian có nguy cơ bị tự động hóa. Một nghiên cứu gần đây hơn cho thấy rằng, trong ba năm tới, 40% lực lượng nhân sự toàn cầu (khoảng 1.4 tỷ người) sẽ cần phải đào tạo lại kỹ năng do tác động của AI.
Ông Dan Fitzpatrick, hay còn được biết tới là Nhà giáo dục AI, được cho là người hiểu biết nhất hành tinh này khi xác định khoảng cách giữa các kỹ năng cần thiết để đối phó với cuộc xâm lược của AI và những kỹ năng mà trẻ em hiện đang được dạy trong trường học. Ông Fitzpatrick đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và có lý do chính đáng. Tác giả cuốn sách “Lớp học AI: Hướng dẫn cơ bản về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục” đã thẳng thắn nói về tình trạng thiếu kiến thức về AI trong trường học của chúng ta, sự thiếu kiến thức về AI trong giáo viên và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tất cả chúng ta trong tương lai không xa.
Ông ấy nói với tôi rằng tất cả các trường học “cần phải khẩn trương nâng cao trình độ về AI cho giáo viên, phát triển các giáo trình đọc và viết AI cho học sinh và nhanh chóng thoát khỏi tình trạng giáo dục phong bế của họ.”
Nói rõ hơn, ông Fitzpatrick đang kêu gọi các nhà lãnh đạo giáo dục “trên toàn thế giới” nên tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác “với ngành công nghiệp, chính phủ, và các lĩnh vực giáo dục khác, để tìm hiểu về tác động của AI, để họ thực sự có thể chuẩn bị cho sinh viên của mình cho thế giới mới này và đóng góp cho một xã hội đang liên tục thay đổi.”
Ông Fitzpatrick lập luận khá thuyết phục rằng việc nói dài dòng về những cách mà các sáng tạo được AI trợ giúp, chẳng hạn như ChatGPT, sẽ khiến học sinh lười biếng chỉ là một việc làm vô ích. AI đã có mặt ở đây, và sự hiện diện của nó sẽ ngày càng trở nên sâu rộng hơn. Chúng ta phải chấp nhận thực tế này, hoặc phải gánh chịu hậu quả do sự thiếu hiểu biết của mình.
Gần đây, giáo sư đại học Rami Gabriel đã so sánh AI với một con ma cà rồng. Tuy nhiên, thay vì hút máu, trí tuệ nhân tạo lại “hút những suy nghĩ, hy vọng, và ước mơ của chúng ta. AI không bao giờ chết, chìm ngập trong hàng đống tiền nghiên cứu, nó ngấu nghiến thế giới thực bằng cách tìm hiểu lịch sử nhân loại trong giai đoạn nó được đào tạo.”
Giống như một con ma cà rồng thực thụ, ông tiếp tục nói, “AI sống bằng cách hút cạn sức lao động trí tuệ và trí tưởng tượng của chúng ta và khiến nhiều công việc của chúng ta trở nên lỗi thời. Trong khi từng con người qua đời, kiến thức tổng hợp của chúng ta lại vẫn tồn tại trong ‘máu’ của bộ dữ liệu kiến thức đã học được của cỗ máy này.”
Con “ma cà rồng” này đi lại giữa chúng ta, và tỏi cũng không thể thay đổi được sự thật này.
Như ông Fitzpatrick đã nói, một yếu tố thường bị bỏ qua trong cuộc đàm luận về AI đó là khía cạnh đọc và viết.
“Để sử dụng AI giỏi,” ông nói, “quý vị cần phải giỏi trong việc viết câu lệnh (yêu cầu các mô hình AI tạo ra điều quý vị cần).”
Và để có thể viết câu lệnh tốt, quý vị phải có kỹ năng đọc và viết thực sự — kỹ năng đọc viết tốt hơn nhiều so với mức trung bình mà con người hiện có. Khi nói đến AI tạo sinh, rõ ràng là, chất lượng đầu vào quyết định chất lượng đầu ra.
Ông Fitzpatrick cho biết, để thực sự thành thạo AI, “sinh viên sẽ cần một loạt kỹ năng mới.” AI của tương lai sẽ giống một phương tiện đi lại hơn là công cụ tìm kiếm Google, thứ mà bất kỳ ai có một vài tế bào thần kinh đều có thể sử dụng. Nói tóm lại, mọi người phải thực sự học cách “điều khiển” nó.
Ông Fitzpatrick, không phải là người dè dặt trong lời nói của mình, đã cảnh báo rằng “nếu chúng ta không bắt đầu dạy học sinh của mình những kỹ năng cụ thể một cách khẩn cấp, thì thay vì việc các em sẽ làm chủ được AI, AI sẽ trở thành thầy của các em. Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để duy trì sự tự chủ đó là để cho AI làm phần công việc, để chúng ta có thể làm phần suy nghĩ.”
Tôi đã nói, đây có vẻ là một vấn đề cấp bách, có lẽ là vấn đề cấp bách nhất trong giáo dục. Ông Fitzpatrick cũng đồng ý.
“Chưa từng có vấn đề nào cấp bách hơn trong lịch sử giáo dục,” ông đáp lời. “Lần đầu tiên, hệ thống giáo dục truyền thống sẽ bắt đầu hiểu được cuộc sống trong một thị trường có tính cạnh tranh cao sẽ như thế nào. Các công ty giáo dục trực tuyến tư nhân đã trang bị cho sự phát triển trong vài năm tới và giờ đây với sức mạnh của AI, họ sẽ mang đến sự cạnh tranh thực sự về cách thức chúng ta đã giáo dục con em mình.”
Ông nói thêm, trong thế giới siêu Darwin này, “hoặc là nhanh chóng thích nghi, hoặc là diệt vong.”
Theo vị doanh nhân đồng thời cũng là tác giả này, cách chúng ta viết giáo trình giảng dạy và vận hành trường học “cần được xem xét lại toàn diện.” Vì hệ thống giáo dục không thể theo kịp những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ, nên “cần phải có sự thay đổi về văn hóa trong lĩnh vực giáo dục.”
Tôi hỏi, vậy khoảng hai đến ba thập niên nữa, tương lai của giáo dục sẽ như thế nào?
Ông Fitzpatrick cho biết ba mươi năm trước “Microsoft đã tung ra Encarta, một cách mới để tìm hiểu thông tin về thế giới của chúng ta. Hãy xem khoảng cách công nghệ mà chúng ta đã đi qua trong ba thập niên qua và cách chúng ta truy cập thông tin mình cần từ các thiết bị và Internet.”
“Hiện đang là năm 1993 đối với AI,” ông nói thêm. Ông cũng cho rằng hình thức giáo dục hiện đại “có thể sẽ biến mất, thay vào đó là một nền giáo dục đa dạng hơn cung cấp một ‘thực đơn’ gồm các lựa chọn, trong đó các bậc cha mẹ và học sinh có thể tạo ra trải nghiệm học tập của riêng mình.”
Chúng ta có nên lo lắng không? Ông Fitzpatrick cho rằng có nhiều lý do để lạc quan hơn là bi quan.
Ông lưu ý: “Nói rộng ra, hệ thống giáo dục hiện tại biến con em chúng ta thành robot. Hệ thống này dạy các em cách trở thành các bánh răng trong cỗ máy này. Rất nhiều công việc cũng hoạt động theo cách này.”
Mặc dù AI sẽ mang đến vô vàn “tổn thất trong ngắn hạn,” ông Fitzpatrick dự đoán rằng “AI sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những cơ chế trong cuộc sống vốn biến chúng ta thành robot. Phần ‘công việc’ của AI sẽ giúp chúng ta được tự do và cho phép chúng ta trở nên ‘con người hơn’, kết nối với những người khác và phát triển các kỹ năng giúp chúng ta trở nên thú vị.”
Liệu những dự đoán của ông Fitzpatrick có chính xác không? Sự thật thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết là: Hệ thống giáo dục hiện tại không được trang bị đầy đủ để đối phó với mối nguy hiểm từ AI.
Theo nhận định của ông Fitzpatrick, chúng ta phải “nhanh chóng thích nghi, hoặc là diệt vong.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times