Đâu là giới hạn của thân thể người?
Nín thở gần 20 phút, hoặc thức trắng 11 ngày có vẻ như là những kỷ lục siêu nhiên, nhưng giới hạn thực sự của con người là gì?
Thức ăn, nước uống, giấc ngủ và hơi thở là những điều căn bản để con người tồn tại. Mặc dù các loài sinh vật khác có thể sống sót trong thời gian dài mà không có những nhu cầu thiết yếu đó, nhưng theo khoa học thực chứng, con người là không thể.
Tuy vậy, con người thực sự có thể sống được bao lâu nếu thiếu một trong số các điều kiện sinh tồn này? Đâu là điểm giới hạn? Dường như mỗi khi tìm được một giới hạn thì một kỷ lục khác lại xuất hiện.
Tịch cốc: Sống không cần ăn
Tuy nhiều quan sát cho thấy có nhiều người nhịn ăn – có thể vì lý do tôn giáo hoặc sức khỏe – thì khoảng thời gian này cũng không quá dài. Một số người nhịn ăn một vài ngày hoặc một tuần cho rằng thi thoảng thực hành như vậy sẽ giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh, miễn là họ ăn trở lại. Những người bất đồng chính kiến cũng thường dùng biện pháp tuyệt thực để biểu đạt ý kiến của họ.
Nhưng nếu nhịn ăn gần một tháng, cơ thể người sẽ rơi vào trạng thái đói lả. Nếu nhịn ăn gần hai tháng hoặc lâu hơn, cơ thể sẽ sử dụng hết năng lượng tồn trữ và sớm dẫn đến tử vong. Thiếu nước thậm chí có thể khiến con người tử vong sớm hơn.
Tuy nhiên, có những ghi chép cổ cho thấy con người có khả năng nhịn ăn hoặc nhịn uống lâu hơn ta tưởng. Theo các phương pháp tu luyện cổ xưa của Trung Quốc, khi một người tu luyện quyết định thiền định trong một hang núi hẻo lánh, sớm muộn gì người đó cũng phải đối diện với vấn đề nguồn cấp lương thực. Sống trong hang động tách biệt xa khỏi nơi con người quần tụ sinh sống, người tu luyện có rất ít điều kiện sinh tồn trên con đường đạt đến sự giác ngộ.
Theo dân gian truyền miệng, để giải quyết tình trạng thiếu ăn, những người tu luyện đã thực hành Tịch cốc (nghĩa đen là “không có ngũ cốc”). Tách biệt khỏi thế giới loài người, người tu luyện sẽ từ bỏ nhu cầu sinh học về thức ăn và nước uống một cách thần kỳ, cho dù vẫn tiếp tục tu hành trong nhiều thập kỷ. Theo hiểu biết sinh học hiện đại thì đây là một điều không thể.
Nhưng ngoài những gì ghi chép về những bậc tu hành lỗi lạc ở trong trạng thái thiền định từ 9 năm trở lên mà khoa học hiện đại không thừa nhận, liệu còn có những bằng chứng nào cho thấy cơ thể con người có khả năng buông bỏ dục vọng ăn uống?
Kể từ năm 1926 (một trường hợp không được các nhà khoa học thừa nhận), một phụ nữ tên là Teresa Neumann đã trải qua 35 năm không ăn cho đến khi qua đời. Hơn nữa, các nhà điều tra báo cáo rằng vào năm 2005, một Phật tử trẻ người Nepal, Ram Bahadur Bomjon, đã duy trì trạng thái thiền định của mình dưới bóng cây sung trong hơn 8 tháng mà không ăn, không uống. Hàng trăm tín đồ đến để cầu nguyện và chiêm ngưỡng con người kỳ diệu này qua một hàng rào ngăn cách. Thậm chí kênh Discovery đã quay phim anh ta trong suốt bốn ngày đêm để kiểm chứng sự thật.
Thiếu ngủ
Vậy chúng ta biết gì về giấc ngủ? Liệu có ai thoát khỏi việc phải chợp mắt ít nhất một lần mỗi ngày?
Một số loài động vật, chẳng hạn như cá hoặc đà điểu, có khả năng ngủ chỉ với một bán cầu não, và nửa còn lại cảnh giác để theo dõi những kẻ săn mồi. Sau đó, chúng hoán đổi, để nửa còn lại có thể nghỉ ngơi. Chúng hoàn thành chu kỳ ngủ hàng ngày bằng cách này.
Con người không có khả năng như vậy. Thông thường, một “đêm thức trắng” có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng và thời gian phản ứng chậm hơn đáng kể; hai đêm không ngủ càng làm tăng những triệu chứng này. Nhưng giới hạn “chính thức” của việc thiếu ngủ là bao nhiêu?
Trong suốt thế kỷ qua, nhiều người đã cố gắng thử thách bản thân không ngủ nhiều đêm. Randy Gardner, 17 tuổi, đã cố gắng thức liền trong 11 ngày vào năm 1963 và đã mắc chứng ảo giác dai dẳng và mất trí nhớ ngắn hạn. Mặc dù Guinness không còn theo dõi các kỷ lục về chứng thiếu ngủ, nhưng đã có rất nhiều người cố gắng phá vỡ kỷ lục của Gardner.
Tuy nhiên, những kỷ lục về việc thức trắng nêu trên không thể so sánh với một nông dân người Việt Nam 66 tuổi tên là Thái Ngọc. Sau cơn sốt vào năm 1973, ông Thái đã không thể ngủ được trong suốt hơn 40 năm, tất nhiên không phải do ông cố gắng thức. Thuốc men, phương pháp điều trị dân gian và rượu dường như không thể khiến ông ngủ được.
Ngọc Thái có phải là một trường hợp không thể giải thích? Làm thế nào bộ não con người có thể tồn tại mà không ngủ trong hơn một tuần?
Hơi thở
Trong khi các sinh vật như vi khuẩn kỵ khí chỉ phát triển tốt trong môi trường thiếu oxy, còn con người thì lại hoạt động kém hơn. Hầu hết mọi người phải cố nín thở dưới nước — chỉ sau vài phút, nhu cầu về không khí bắt đầu kiểm soát cơ thể và chúng ta buộc phải nổi lên để hít thở lấy chút oxy quý giá. Đầu năm 2008, ảo thuật gia David Blaine đã khiến khán giả kinh ngạc khi phá kỷ lục thế giới về nín thở trong hơn 17 phút. Nhưng anh ta đã đạt đến giới hạn của con người chưa?
Một số ghi chép cho thấy các thiền sinh Ấn Độ đã bị vùi trong đất hoặc ngâm mình trong nước vài ngày, điều này thách thức những hiểu biết của các nhà khoa học.
Con người vốn tò mò về giới hạn của cơ thể và những người thử tìm hiểu giới hạn này luôn cảm thấy hứng thú và kinh ngạc. Nhưng khi các trường hợp vượt xa phạm vi có thể xảy ra, kết quả sẽ trở nên khó lý giải.
Khi ai đó có thể cắt đứt sự phụ thuộc của họ vào những yếu tố cơ bản mang lại sự sống này, mà không thông qua những thủ thuật được tập luyện tốt, chúng ta buộc phải tìm hiểu lại những yếu tố cần thiết để duy trì sự sống cho cơ thể người.
Theo Epoch Times Staff
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: