Dấu hiệu khác thường trong việc ông Tập Cận Bình đề bạt 4 quân nhân lên cấp thượng tướng
Vào ngày 5/7, các kênh truyền thông của Trung Cộng đưa tin rằng ông Tập Cận Bình đã thăng cấp thượng tướng cho 4 quân nhân và làm lễ phong hàm. Đây là một sự kiện đáng vui mừng của quân đội Trung Cộng, lẽ ra nên được sắp xếp trong buổi tiệc mừng Trung Cộng thành lập 100 năm, nhưng nó lại được tiến hành một cách âm thầm sau đó vài ngày.
Video của các kênh truyền thông cho thấy lễ thăng cấp và phong hàm diễn ra trong một phòng họp nhỏ ở tòa nhà Landmark 81, Bắc Kinh, với quy mô khoảng mấy chục người giống như năm ngoái, ông Tập Cận Bình vẫn khó nở nụ cười trên môi. Việc thay thế vị trí của cùng một lúc 4 thượng tướng cũng cho thấy ý nghĩa khác thường, rất khó để nói ông Tập Cận Bình đã tiến thêm một bước củng cố binh quyền hay là ông ta đang có những mối lo ngại sâu xa.
Những người được thăng lên quân hàm thượng tướng lần này bao gồm: Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ Vương Tú Bân, Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ Từ Khởi Linh, Tư lệnh Lục quân Lưu Chấn Lập, Tư lệnh Lực lượng Chi viện chiến lược Cự Kiền Sinh.
Cả 4 người này đều vừa mới đảm nhiệm chức tư lệnh chiến khu hoặc tư lệnh quân chủng, việc họ được thăng lên quân hàm thượng tướng là điều không có gì ngạc nhiên. Hai người trong số họ là thay thế cho hai cựu tư lệnh đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là hai người kia đã thay thế vị trí của các tư lệnh vẫn chưa nghỉ hưu. Hiện vẫn chưa biết tung tích của những người bị thay thế và lý do sa thải, liệu nó phải là một đợt thanh trừng mới trong quân đội hay không thì vẫn chưa rõ.
Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ bị thay thế chỉ trong 6 tháng
Việc thay thế tư lệnh ở Chiến khu Tây Bộ là điều khiến người ta cực kỳ tò mò. Cựu Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ Triệu Tông Kỳ nghỉ hưu vào tháng 12/2020, ông Trương Húc Đông được điều chuyển sang làm Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ, chỉ mới nửa năm thì đến tháng 6 năm nay, ông ta đã bị thay thế bởi ông Từ Khởi Linh. ông Từ Khởi Linh được thăng lên cấp thượng tướng vào ngày 5/7.
Cựu tư lệnh bị thay thế Trương Húc Đông từng phục vụ cho Quân đoàn số 39 của Quân khu Thẩm Dương trong một thời gian dài. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, vào đầu năm 2014, Trương Húc Đông đã được thăng lên chức Quân đoàn trưởng Quân đoàn số 39. Sau đợt cải cách quân đội vào năm 2016, ông ta được thăng lên chức phó tư lệnh Chiến khu Trung Bộ kiêm tư lệnh Lục quân chiến khu. Vào ngày 1/10/2019, ông Trương Húc Đông được đảm nhậm chức Phó tổng chỉ huy của cuộc duyệt binh nhân ngày Quốc khánh, ông ta gần như đã trở thành một tâm phúc của Tập Cận Bình. Đến tháng 12/2020, ông Trương Húc Đông được thăng lên chức Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ và được phong hàm thượng tướng. Tuy nhiên chỉ nửa năm sau, ông Trương Húc Đông 59 tuổi đã bị thay thế bởi Từ Khởi Linh, quả thật rất kỳ lạ.
Ông Từ Khởi Linh năm nay cũng 59 tuổi, có kinh nghiệm tương đương ở trong quân đội. Sau cuộc cải cách quân đội vào năm 2016, ông ta giữ chức phó tư lệnh Lục quân của Chiến khu Trung Bộ, tương đương với cấp phó của ông Trương Húc Đông. Ông ta được phong quân hàm Tư lệnh Lục quân Chiến khu Đông bộ vào năm 2018. Đến tháng 4/2020, Từ Khởi Linh được điều chuyển sang làm tư lệnh Lục quân của Chiến khu Tây Bộ, và thăng lên chức tư lệnh Chiến khu Tây Bộ vào tháng 6 năm nay. Ông Từ Khởi Linh lên hàm trung tướng vào tháng 12/2019 và được thăng lên thượng tướng chỉ sau một năm rưỡi, có thể nói là thăng tiến nhanh như diều gặp gió.
Nếu ông Từ Khởi Linh thực sự được ông Tập Cận Bình đánh giá cao, có lẽ ông ta đã được đảm nhiệm vị trí tư lệnh chiến khu Tây Bộ khi Triệu Tông Kỳ nghỉ hưu vào tháng 12/2020, nhưng trên thực tế ông Trương Húc Đông đã nhanh chân hơn, có vẻ như ông Trương Húc Đông được coi trọng hơn. Nhưng chỉ nửa năm sau, ông Trương Húc Đông lại bị cách chức một cách kỳ lạ.
Nếu ông Trương Húc Đông chỉ đến Chiến khu Tây Bộ để theo đuổi danh vọng thì không chừng sau này có lẽ sẽ lại được đề bạt, nhưng hiện tại không có thông tin gì thêm, rất khó để xác nhận liệu ông ta đã thăng chức hay là đã xảy ra chuyện gì, giả dụ nếu ông ta bị thanh trừng thì sẽ là một cơn địa chấn không nhỏ trong nội bộ quân đội của Trung Cộng.
Sự thay thế bất thường này có thể có liên quan đến biên giới Trung-Ấn. Sau khi ông Trương Húc Đông phụ trách Chiến khu Tây Bộ, có thể ông Tập Cận Bình đã thất vọng về khả năng xử lý các vấn đề quanh biên giới Trung-Ấn của ông ta. Tư lệnh Lục quân Từ Khởi Linh của Chiến khu Tây Bộ có thể đã đưa ra một kế hoạch vừa ý ông Tập Cận Bình nên đã được thăng chức. Cũng có thể ông Trương Húc Đông thực sự có vấn đề gì đó nghiêm trọng và tạm thời chưa có ai để dùng nên đành đề bạt ông Từ Khởi Linh. Gần đây, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã lại bắt đầu tập trung ở biên giới, có lẽ việc thay thế không hề liên quan đến chuyện này.
Việc thay thế tư lệnh của Lực lượng Chi viện chiến lược cũng không bình thường
Cựu tư lệnh của Lực lượng Chi viện chiến lược là ông Lí Phượng Bưu, chưa đầy 62 tuổi và còn ít nhất ba năm nữa mới nghỉ hưu, nhưng ông ta đã rời nhiệm sở vào tháng 6 năm nay. Người kế nhiệm Cự Kiền Sinh cũng đã được phong hàm thượng tướng trong đợt này.
Ông Lí Phượng Bưu bắt đầu vào ngũ từ đơn vị cấp cơ sở, từng là quân trưởng, tham mưu trưởng và tư lệnh sư đoàn không quân, năm 2014 ông ta được thăng chức làm phó tư lệnh quân khu Thành Đô. Sau cuộc cải cách quân đội vào năm 2016, ông Lí Phượng Bưu đảm nhiệm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng của Chiến khu Trung Bộ. Đến năm 2019, ông ta đảm nhiệm chức Tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược và được thăng quân hàm Thượng tướng, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 của Trung Cộng.
Ông Lí Phượng Bưu chưa đến tuổi nghỉ hưu, tại sao lại rời nhiệm sở sớm? Hiện tại chưa có tin tức xác thực, gần 62 tuổi thì không còn không gian thăng tiến quá nhiều, khả năng lớn hơn là ông ta đã biển thủ, nếu không có chuyện gì thì cũng có khả năng đã nhường chỗ cho người kế nhiệm. Tuy nhiên, người kế nhiệm Cự Kiền Sinh thực tế còn lớn hơn ông Lí Phượng Bưu vài tháng tuổi, ông ta 62 tuổi, nguyên là phó cục trưởng Cục Điều tra Kỹ thuật của Bộ Tổng tham mưu. Vào năm 2018, ông ta giữ chức vụ tư lệnh của Bộ phận Hệ thống mạng thuộc Lực lượng Chi viện Chiến lược. Ông Cự Kiền Sinh được phong hàm trung tướng vào năm 2019 và được thăng lên chức tư lệnh Lực lượng Chi viện Chiến lược vào tháng 6 năm nay, đồng thời lại được phong hàm thượng tướng, đây có thể coi là một sự thăng tiến nhanh chóng phi thường.
Lực lượng Chi viện chiến lược của Trung Cộng chịu trách nhiệm về chiến tranh không gian, chiến tranh mạng và tâm lý chiến. Tư lệnh của Bộ phận Hệ thống mạng được thăng cấp thành tư lệnh của Lực lượng Chi viện chiến lược có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc thay thế viên chức cấp cao Lí Phượng Bưu gần 62 tuổi bằng một viên chức cấp trung đã trên 62 tuổi có vẻ như không hợp lý. Trừ khi ông Lí Phượng Bưu được ông Tập Cận Bình tín nhiệm và cần đảm đương chức vụ quan trọng khác, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng ông ta đã có vấn đề.
Tất nhiên, không thể loại trừ việc ông Tập Cận Bình muốn nâng cấp Bộ phận Hệ thống mạng để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mạng với Hoa Kỳ trên quy mô lớn hơn. Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang đẩy mạnh việc phong tỏa công nghệ của họ, hành vi trộm cắp trên mạng chắc chắn đóng một vai trò rất lớn đối với Trung Cộng, và sẽ càng ngày càng mở rộng hơn.
Tư lệnh Chiến khu duy nhất xuất thân từ hải quân đã rời nhiệm sở
Ông Vương Tú Bân, người vừa lên chức Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ cũng đã được thăng cấp thượng tướng trong đợt này, ông ta thay thế cho Viên Dự Bách, cựu tư lệnh đã nghỉ hưu của Chiến khu Nam Bộ, và là tướng lĩnh hải quân duy nhất trong số 5 tư lệnh của các Chiến khu.
Ông Viên Dự Bách từng phục vụ trong căn cứ tàu ngầm ở Thanh Đảo, từng là tư lệnh căn cứ, về sau là tư lệnh Hạm đội Biển Bắc. Sau cuộc cải cách quân đội vào năm 2016, ông Viên Dự Bách giữ chức phó tư lệnh kiêm tư lệnh hải quân của Chiến khu Bắc Bộ. Đến năm 2017, ông ta được điều động về làm tư lệnh Chiến khu Nam Bộ và trở thành tướng lĩnh hải quân đầu tiên giữ chức tư lệnh Chiến khu, ông ta đã nghỉ hưu vào tháng 6 năm nay.
Phương hướng tác chiến chủ yếu của Chiến khu Nam Bộ là Biển Đông, hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Cộng đang đậu tại căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam, ngoài ra còn có tàu tấn công đổ bộ mẫu 075 đầu tiên vừa đi vào biên chế. Ngoài ra, căn cứ chính của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Cộng cũng nằm ở Tam Á, Hải Nam.
Ông Vương Tú Bân, người đảm nhận chức vụ tư lệnh chiến khu Nam Bộ, xuất thân từ Lục quân. Sau cuộc cải cách quân đội vào năm 2016, Vương Tú Bân giữ chức vụ Quân trưởng Quân đoàn số 1 của Lục Quân Chiến khu Đông Bộ. Đến năm 2017, ông ta nhậm chức Quân trưởng Quân đoàn số 80 của Lục quân. Vào năm 2019, ông ta được thăng lên chức phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng của Chiến khu Đông Bộ, và được thăng quân hàm trung tướng vào tháng 12/2019. Lần này Vương Tú Bân được trao cho vị trí tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, sau khi lên trung tướng một năm rưỡi đã được phong hàm thượng tướng, cũng là một sự thăng tiến chóng mặt.
Hiện tại, cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở trên Biển Đông đang không ngừng nóng lên, vốn xuất thân từ tướng lĩnh Lục quân, ông Vương Tú Bân có thể ứng phó tốt hay không vẫn là một dấu hỏi. Có vẻ như trong khi quyết định vị trí tư lệnh của chiến khu Nam Bộ, lòng trung thành chính trị một lần nữa đã được xem trọng hơn so với tố chất và năng lực chuyên môn.
Người cuối cùng được thăng chức thượng tướng trong đợt này là ông Lưu Chấn Lập, thay thế cho cựu tư lệnh Lục quân Hàn Vệ Quốc vừa mới nghỉ hưu, dường như không có điểm gì đáng chú ý.
Buổi lễ thăng chức vào ngày 5/7 được sắp xếp một cách âm thầm sau lễ mừng 100 năm thành lập, có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do đột ngột thay thế tư lệnh Chiến khu Tây Bộ và tư lệnh Lực Lượng Chi viện chiến lược. Rất có thể đó không phải là tin tốt cho quân đội Trung Cộng, vậy nên mới không được đưa vào chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập, hay nói cách khác, một số sĩ quan cấp cao trong quân đội có thể đã khiến cho ông Tập Cận Bình ấm ức, khiến ông ta không thể cười nổi vào ngày 1/7 ở cổng Thiên An Môn.
Sau khi ông Tập Cận Bình nắm trong tay quân quyền, ông ta đã không ngừng thanh trừng các quan viên được sắp xếp trong chính quyền trước. Sau khi mạnh mẽ thực hiện cải cách trong quân đội, xác thực đã có những quân bài được thay thế, nhưng vẫn chỉ có thể đề bạt từ những quan viên cũ, một số được thăng chức nhanh chóng thì lại bị điều chuyển từ Đông sang Tây, Nam sang Bắc, họ có thực sự trung thành hay không vẫn luôn là vấn đề chưa có lời giải.
Bất chấp khả năng có thể còn nhiều vấn đề hơn đằng sau việc thay thế thống lĩnh hoặc tư lệnh của các Chiến khu, chắc chắn rằng lòng trung thành đối với ông Tập Cận Bình đang ngày càng trở thành điều kiện tiên quyết cho việc thăng chức của các binh sĩ. Sự thực này cho thấy những lo lắng của ông Tập Cận Bình đối với quân quyền trong tay vẫn không hề suy giảm.
Do Cao Nghĩa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: