‘Đáng lo ngại’: Tốc độ lạm phát tại Hoa Kỳ tăng nhanh gấp 3 lần so với tháng 12/2022
Theo lời của một nhà phân tích thị trường, lạm phát trong tháng 01/2023 đã tăng nhanh và cao hơn dự kiến tới gấp ba lần so với tốc độ được ghi nhận trong tháng trước đó, cho thấy cuộc chiến của Cục Dự trữ Liên bang nhằm dập tắt áp lực giá cả sẽ là là “lâu dài và gập ghềnh.”
Theo công bố của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) hôm 24/02, trong tháng Một, giá cả đã tăng 0.6% so với tháng trước đó, như tính theo thước đo Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE).
Tốc độ lạm phát đó cao gấp ba lần so với tỷ lệ 0.2% của tháng trước đó và cao hơn ước tính của Phố Wall là 0.5%.
Tính theo hàng năm, lạm phát hồi tháng Một ở mức 5.4%, nhanh hơn tốc độ 5.3% của tháng trước đó và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 4.9%.
Đồng thời, các chỉ số lạm phát PCE loại bỏ các nhóm hàng hóa dễ biến động như lương thực và năng lượng, được gọi là thước đo “cốt lõi”, cũng tăng nhanh.
Tốc độ theo tháng là 0.6% trong tháng Một, nhanh hơn tốc độ 0.4% của tháng 12/2022. Các nhà phân tích Phố Wall đã kêu gọi giảm thước đo cốt lõi này ở mức dưới 0.4% .
Theo kỳ hạn hàng năm, lạm phát cơ bản trong tháng Một đạt 4.7%, tăng so với mức 4.6% của tháng trước và cao hơn ước tính đồng thuận là 4.3%.
Chỉ số lạm phát căn bản hàng năm là chỉ số mà Cục Dự trữ Liên bang đặc biệt chú ý khi hiệu chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất. Ở mức 4.7%, con số này vượt xa mục tiêu 2% của Fed.
Phản ứng của nhà đầu tư đối với tin tức này là ngay tức thì, khiến ba loại cổ phiếu chính của Phố Wall giảm trung bình hơn 1% trong các giao dịch kỳ hạn.
‘Đáng lo ngại’
Các chuyên gia cho biết lạm phát nóng có nghĩa là Fed có thể sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ do áp lực giá cả vẫn ở mức cao.
Ông Kathy Jones, chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab, cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội: “Con đường giảm lạm phát có thể sẽ dài và gập ghềnh.”
Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz và nhà kinh tế nổi tiếng Mohamed El-Erian đã lên Twitter để bình luận về dữ liệu lạm phát nóng này, gọi những con số này là “đáng lo ngại.”
Với lạm phát cốt lõi có vẻ “dai dẳng” và tỷ lệ lạm phát toàn phần “đi sai hướng”, ông El-Erian cho biết bản tin lạm phát là “tin tức đáng lo ngại đối với nền kinh tế, sinh kế, và thị trường.”
Ông Jason Furman, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Obama, cho biết trong một tuyên bố rằng số liệu này cho thấy nền kinh tế “quá nóng” và rằng “rất ít nếu không muốn nói là không có tiến triển nào về vấn đề lạm phát” đã được thực hiện.
Ông tiếp tục: “Các chuỗi cung ứng đã phục hồi được cho là sẽ làm giảm lạm phát. Nhưng chúng đã không làm được như vậy.”
Một trong những câu thần chú của chiến dịch lạm phát “nhất thời”, bao gồm của nhiều thành viên của chính phủ Tổng thống Biden và Fed, là lạm phát chỉ mang tính nhất thời và chủ yếu là do các trục trặc của chuỗi cung ứng gây ra, và khi những điều này được giải quyết ổn thỏa, thì áp lực về giá sẽ giảm bớt.
Trong khi dữ liệu gần đây từ Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất cho thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã có dấu hiệu giảm bớt, thì báo cáo cũng đã lại cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng.
Dữ liệu PMI cho thấy, giá trung bình của cả hàng hóa và dịch vụ đã tăng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái (2022).
Lực đẩy lạm phát tăng cao hơn
Mặc dù việc giảm giá thuê nhà — xuất hiện trong dữ liệu có độ trễ — sẽ giúp giảm tốc độ lạm phát trong tương lai, ông Furman lập luận rằng “vẫn có những lực đẩy lạm phát theo hướng cao hơn,” bao gồm cả việc tiếp tục thắt chặt thị trường lao động.
Ông viết, mức lạm phát 6% “có khả năng xảy ra hơn nhiều so với mức 2%”, đồng thời kêu gọi tăng mạnh lãi suất 50 điểm căn bản tại cuộc họp chính sách sắp tới của Fed và lãi suất cuối cùng vào khoảng 6%.
Trong các tuyên bố gần đây, các quan chức Fed đã báo hiệu rằng lãi suất sẽ tăng cao tới khoảng 5.5%. Hiện tại, lãi suất Quỹ của Fed nằm trong phạm vi mục tiêu là 4.5–4.75%.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester cho biết hôm thứ Sáu (24/02) rằng lãi suất có thể sẽ cần tiếp tục tăng cao hơn để đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.
Bà nói với “Squawk Box” của CNBC trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi thấy rằng chúng ta sẽ phải đưa lãi suất lên trên 5%.”
“Chúng tôi sẽ tìm xem mức tăng trên 5% là bao nhiêu. Điều đó sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế phát triển như thế nào qua thời gian. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta phải ở mức trên 5% một chút và giữ ở đó trong một thời gian để lạm phát có xu hướng giảm bền vững xuống 2%.”
Bà Mester đã gây chú ý trên các trang tin tức gần đây khi tiết lộ sự thật rằng bà nằm trong một nhóm nhỏ các quan chức Fed đã tranh luận về việc tăng lãi suất thêm hơn 50 điểm căn bản tại cuộc họp chính sách gần đây nhất, kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu tăng lãi suất ở mức khiêm tốn hơn là 25 điểm căn bản.
‘Bất ổn’ trong triển vọng lạm phát
Biên bản từ cuộc họp chính sách mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tiết lộ rằng bộ phận hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương tin rằng có “những bất ổn đáng chú ý phía trước”, bao gồm khả năng lạm phát dai dẳng và suy thoái kinh tế mạnh hơn.
Biên bản này nêu, “Những người tham gia đã lưu ý rằng dữ liệu lạm phát nhận được trong ba tháng qua cho thấy một sự giảm tốc độ tăng giá hàng tháng đáng hoan nghênh, nhưng nhấn mạnh rằng cần có thêm bằng chứng đáng kể về sự tiến triển trên một phạm vi giá rộng hơn để tin chắc rằng lạm phát đã trên một lộ trình đi xuống ổn định.”
Một số thành viên FOMC dự đoán về mức “tăng trưởng yếu hoặc suy thoái nhẹ” nhưng họ thừa nhận khả năng xảy ra “suy thoái sâu hơn”.
Khiêm Khiêm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times