Đảng Dân Chủ chuẩn bị cho khả năng có một chính phủ chia rẽ vào năm 2023
Sau hai năm đơn phương kiểm soát chính phủ, Đảng Dân Chủ đang chuẩn bị cho khả năng có một chính phủ chia rẽ sau kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Mặc dù vẫn tiếp tục hy vọng rằng họ sẽ nắm giữ Thượng viện, điều mà nhiều nhà quan sát ủng hộ, Đảng Dân Chủ đang phải đối mặt với tỷ lệ chênh lệch lớn tại Hạ viện, nơi hầu hết các dự đoán cho thấy một khối đa số GOP (Grand Old Party, Đảng Cộng Hòa) sẽ quay trở lại, sau hai năm là một nhóm thiểu số.
Mặc dù Đảng Cộng Hòa không hề bỏ cuộc trong cuộc chiến giành Thượng viện Hoa Kỳ, nhưng Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã vấp phải sự chỉ trích từ đảng của mình vì những dự đoán u ám của ông về triển vọng của Đảng Cộng Hòa.
“Đảo ngược thế đa số tại Thượng viện, đâu là những cơ hội? Đó là một mục tiêu với tỷ lệ 50–50,” ông McConnell nói với Phòng Thương mại Quận Scott hồi tháng Tám khi được hỏi về trận chiến đang đến gần. “Hiện nay, chúng ta có một Thượng viện với tỷ lệ 50–50. Chúng ta có một quốc gia với tỷ lệ 50–50. Và tôi nghĩ rằng kết quả có thể rất, rất sít sao đối với cả hai đảng.”
Ông McConnell cho rằng “chất lượng ứng cử viên” dẫn đến triển vọng ảm đạm này. Lời nhận xét của ông đã khiến Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Đảng Cộng Hòa Quốc gia Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) — nhân vật thứ hai của Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện chuyên trách tổ chức chiến lược vận động và gây quỹ — viết một bài bình luận chỉ trích các thành viên Đảng Cộng Hòa “phản nghịch” “xúc phạm” những ứng cử viên GOP tranh cử vào Thượng viện.
Giống như ông Scott, thành viên hàng đầu của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) vẫn lạc quan về triển vọng của đảng của mình, dự đoán một khối đa số Đảng Cộng Hòa với tỷ lệ 52-48 vào năm tới.
Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng Hòa không giành lại được Thượng viện, Đảng Dân Chủ vẫn có khả năng phải đối mặt với việc chấm dứt thời gian cầm quyền kéo dài trong hai năm qua. Hiện tại, tổ chức FiveThirtyEight đưa ra một cơ hội 71/100 cho Đảng Cộng Hòa để chiếm lại Hạ viện sau bốn năm chiếm đa số.
Nếu vậy, điều này sẽ chấm dứt một cách hiệu quả các tham vọng chính sách của Tổng thống Joe Biden trong nửa sau nhiệm kỳ của ông.
Đảng Dân Chủ đang chuẩn bị cho khả năng có một kết quả như vậy, đưa ra những dự đoán thảm khốc về phương hướng mà Quốc hội có thể thực hiện dưới một chính phủ bị chia rẽ.
“Nếu Đảng Cộng Hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện, họ sẽ không thể quản lý được,” Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) nói với tờ The Hill khi được hỏi về viễn cảnh này. “Đó sẽ là một cơn ác mộng về sự rối loạn chức năng đang lơ lửng và là điều tàn khốc cho đất nước cũng như một tin tồi tệ cho bất kỳ ai sống dựa vào trợ cấp của liên bang.”
Dưới một chính phủ bị chia rẽ, ông Murphy đã dự đoán “một loạt các vụ đóng cửa chính phủ và các cuộc khủng hoảng ngân sách.”
“Thế hệ Đảng Cộng Hòa mới này là những người theo chủ nghĩa vô chính phủ,” ông Murphy lập luận. “Họ không thực sự tin rằng chính phủ nên trợ cấp bất cứ thứ gì.”
Một chính phủ bị chia rẽ có thể gây ra nhiều hậu quả chính trị, bao gồm các cuộc chiến căng thẳng về mức nợ trần và một loạt nỗ lực do Hạ viện bảo trợ nhằm bãi nhiệm các quan chức hành pháp của Đảng Dân Chủ.
Cuộc chiến về mức nợ trần
Trong lịch sử, các chính phủ bị chia rẽ đã gây ra bế tắc và các cuộc chiến nợ trần đặt chính phủ trước bờ vực phá sản.
Ngay cả giờ đây, khi Đảng Dân Chủ giữ quyền kiểm soát trên danh nghĩa đối với Hạ viện và Thượng viện, giới lãnh đạo Quốc hội đã phải đối mặt với một loạt các quyết định khó khăn về mức nợ trần, chẳng hạn như vào năm 2021 sau khi ông McConnell và nhóm của ông đe dọa sẽ không dành cho Đảng Dân Chủ 60 phiếu bầu cần thiết để vượt qua ngưỡng tranh luận không giới hạn (filibuster).
Cuối cùng, mặc dù ông McConnell đã nhượng bộ, đạt được một thỏa thuận vào phút chót để nâng mức nợ trần sau nhiều tháng yêu cầu Đảng Dân Chủ sử dụng thủ tục biểu quyết bằng đa số quá bán mang tính đảng phái để tự họ nâng mức nợ trần lên, nhưng viễn cảnh về các cuộc chiến nợ trần đầy nguy hiểm hơn, kéo dài hơn trong một Quốc hội bị chia rẽ lại xuất hiện. Trong quá khứ, một số quyết định nan giải nhất về vấn đề vỡ nợ đã được đưa ra trong những thời kỳ chính phủ bị chia rẽ.
Nếu Đảng Cộng Hòa giành được Hạ viện, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện đương nhiệm Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) — lựa chọn khả thi nhất cho vị trí Chủ tịch Hạ viện nếu đảng của ông giành chiến thắng — có thể thấy bản thân phải cố gắng vận động các phiếu bầu giữa nhóm bị chia rẽ về mặt tư tưởng của mình để thỏa hiệp với các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện nhằm tiếp tục thông qua các nghị quyết nếu Đảng Dân Chủ giữ được thế đa số.
Năm 2011, khi Đảng Cộng Hòa giành lại Hạ viện sau hai năm chính phủ Đảng Dân Chủ đồng lòng cầm quyền, Hoa Kỳ đã cận kề vỡ nợ.
Những thành viên Đảng Cộng Hòa thời đó, đi theo làn sóng phong trào Tiệc Trà (Tea Party) về chính phủ hạn chế trong cuộc bầu cử năm 2010, đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama và đảng của ông bổ sung các điều khoản để giảm nợ quốc gia và chi tiêu thâm hụt trước khi Đảng Cộng Hòa đồng ý thông qua bất kỳ dự luật ngân sách nào.
Cuối cùng, ông Obama, Đảng Dân Chủ tại Thượng viện, và Chủ tịch Hạ viện đương thời John Boehner đã đạt được thỏa thuận vào phút chót để ngăn chặn một cuộc vỡ nợ, nhưng không phải trước khi thị trường Hoa Kỳ đối mặt với đợt lao dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2008 và một số tổ chức tín dụng đã hạ cấp tín nhiệm của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) bày tỏ sự lạc quan của mình rằng một chính phủ bị chia rẽ sẽ không gặp phải một cuộc khủng hoảng nợ trần khác như vậy.
“Tôi nghĩ chúng ta đã biết được rằng các đợt đóng cửa chính phủ thực sự là một trạng thái đôi bên cùng chịu thiệt,” ông Blumenthal nói với tờ The Hill.
“Chắc chắn một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã biết điều đó,” ông nói thêm. “Liệu việc biết là của tất cả bọn họ hay chỉ những người mới được bầu chọn thì vẫn còn là vấn đề cần xem xét.”
Trong khi đó, một nhóm thành viên Đảng Cộng Hòa Hạ viện do Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) dẫn đầu và được các nhà lập pháp nổi bật như các Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), và Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) ủng hộ, đang nỗ lực ngăn cản Đảng Dân Chủ đưa bất kỳ khoản chi tiêu mới nào trong các cuộc đàm phán đang diễn ra vào dự luật chi tiêu tạm thời trong năm nay.
Ông Roy và các đồng sự của ông cũng đã yêu cầu rằng nghị quyết vẫn tiếp tục của năm nay không được hết hiệu lực trước ngày 03/01/2023, khi một Quốc hội mới, có khả năng do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số sẽ nhóm họp lần đầu tiên.
Nỗ lực này diễn ra chỉ vài tuần trước các cuộc bầu cử giữa kỳ, cho thấy rằng rất nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vẫn sẵn sàng sử dụng mức nợ trần để buộc tổng thống và một phe đa số Đảng Dân Chủ tiềm năng tại Thượng viện phải nhượng bộ.
Nhiều vụ đàn hặc hơn
Một khối đa số GOP cũng có thể sử dụng vị thế của họ để đưa ra các điều khoản đàn hặc chống lại cả tổng thống lẫn các quan chức hành pháp cấp thấp hơn, dựa trên tiền lệ do Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đặt ra trong Quốc hội khóa 116.
Trong lịch sử, thủ tục đàn hặc, thủ tục khiển trách lớn nhất khả dĩ đối với một tổng thống đương nhiệm, rất ít khi được viện đến.
Trước khi Đảng Dân Chủ tại Hạ viện chiếm đa số ghế vào năm 2018 sau hai năm nắm giữ vị trí thiểu số, chỉ có ba tổng thống — Tổng thống Andrew Jackson, Tổng thống Richard Nixon, và Tổng thống Bill Clinton — từng đối mặt với viễn cảnh bị đàn hặc.
Tuy nhiên, Đảng Cộng Hòa vẫn thất vọng với việc Đảng Dân Chủ sử dụng thủ tục đàn hặc dưới thời Tổng thống Donald Trump một cách không nhân nhượng, gây ra một số suy đoán rằng Đảng Cộng Hòa có thể sẽ tiếp tục tiền lệ mới được đặt ra này tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 116.
Để một tổng thống bị bãi nhiệm, trước tiên Hạ viện phải thông qua các điều khoản đàn hặc. Sau khi một khối đa số quá bán tại Hạ viện thành công thông qua các điều khoản này, nghị quyết đó sẽ đi tới Thượng viện để bắt đầu một phiên tòa chính thức do Tối cao Pháp viện chủ trì.
Mặc dù một vị tổng thống được coi là “bị đàn hặc” sau khi nghị quyết đàn hặc được thông qua tại Hạ viện, tổng thống chỉ có thể bị bãi nhiệm bởi một cuộc bỏ phiếu đại đa số tại Thượng viện. Ba cuộc đàn hặc xảy ra trước Quốc hội khóa 116 đã kết thúc với việc tuyên trắng án hoặc, trong trường hợp của Tổng thống Nixon, là việc từ chức.
Do tính chất nghiêm trọng của các thủ tục tố tụng, kể từ khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập, các nhà lập pháp đã rất thận trọng trong việc sử dụng thủ tục này, một phần là để bảo toàn phẩm giá và uy tín của tổng thống Hoa Kỳ.
Song khối đa số Đảng Dân Chủ trong Quốc hội khóa 116 đã sử dụng thủ tục này, dù chưa có tiền lệ, khi thông qua hai điều khoản đàn hặc ông Trump.
Giống như hầu hết các cuộc đàn hặc trước đây, phiên tòa xét xử ông Trump tại Thượng viện trong cả hai lần đều kết thúc bằng việc tuyên trắng án.
Tuy nhiên, giờ đây tiền lệ đó đã bị phá vỡ, Đảng Cộng Hòa rất có thể đi theo con đường mà Hạ viện khóa 116 đã đi trước.
Lúc đó, Lãnh đạo Đa số Thượng viện đương thời McConnell đã cảnh báo nhiều về việc đó. Ông đã nói hồi năm 2019 trong nỗ lực đàn hặc đầu tiên rằng việc làm này đặt ra một tiền lệ “độc hại” và “ác mộng”, có thể “gây tổn hại sâu sắc cho các thể chế của chính phủ Hoa Kỳ.”
Nỗ lực đàn hặc kể trên đã diễn ra sau khi Dân biểu Al Green (Dân Chủ-Texas) đệ trình một nghị quyết đàn hặc ông Trump vào năm 2017. Nghị quyết này đã thất bại hoàn toàn trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng, và khiến cho ông Green bị các lãnh đạo Đảng Dân Chủ chỉ trích tại thời điểm đó.
Nhưng năm 2021, sau biến cố tại cuộc tập hợp “Ngừng đánh cắp cuộc bầu cử” (“Stop the Steal”) vào ngày 06/01/2021 mà ông Trump bị các nhà phê bình quy trách nhiệm, tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã chấp thuận nỗ lực đàn hặc tổng thống, vốn chỉ còn vài ngày nữa là mãn nhiệm kỳ.
Nếu giành lại được Hạ viện thì Đảng Cộng Hòa, vốn đã từng chỉ trích gay gắt các giao dịch kinh doanh trước đây của ông Hunter Biden và ông Joe Biden ở Ukraine và các nơi khác, có thể đi theo con đường tương tự.
Mặc dù gần như chắc chắn rằng nghị quyết này sẽ không được Quốc hội đương nhiệm xem xét, nhưng Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã giới thiệu các điều khoản đàn hặc ông Biden.
Theo các điều khoản này, bà Greene đề cập đến mối liên hệ của cả hai ông Biden trong công ty Burisma, một công ty khí đốt tự nhiên của Ukraine. Bà Greene cáo buộc ông Joe Biden đã “tạo điều kiện cho việc hối lộ và các trọng tội và tiểu hình cao khác” thông qua mối liên hệ của ông với công ty này.
Mặc dù nghị quyết đó đã không được động chạm đến kể từ tháng 03/2021, nhưng Đảng Cộng Hòa có thể tiếp tục nêu ra vấn đề này nếu họ giành lại đa số.
Đảng Cộng Hòa cũng có thể sử dụng khối đa số để đàn hặc vai trò bị chỉ trích nặng nề của ông Biden trong việc rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan, vốn kết thúc bằng việc quốc gia này bất ngờ rơi vào tay Taliban một cách nhanh chóng và một nỗ lực hoảng loạn kéo dài nhiều tuần để giải cứu người Mỹ và các đồng minh Afghanistan bị mắc kẹt bên trong.
Các nghị quyết khác thì nhắm vào các quan chức chính phủ cấp thấp hơn.
Ví dụ, hồi tháng 10/2021, Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã giới thiệu các điều khoản đàn hặc Tổng chưởng lý Merrick Garland. Trong những tháng này, sự bất mãn của GOP đối với tổng chưởng lý đã tăng cao, đặc biệt là sau cuộc đột kích bị chỉ trích nhiều của FBI vào tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.
Dân biểu Chip Roy, người đã gặt hái thành công tại Quốc hội khóa 117 nhờ giành được sự ưu ái của các thành viên Đảng Cộng Hòa đồng minh của ông Trump, cũng đã kêu gọi trong một bức thư hồi tháng 03/2022 gửi cho các thành viên Đảng Cộng Hòa để tiến hành thủ tục đàn hặc Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, người mà Đảng Cộng Hòa quy trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng biên giới hiện nay.
Tuy nhiên, cũng như tại Quốc hội khóa 116, những nỗ lực này khó có thể đi đến đâu. Ngay cả khi Đảng Cộng Hòa giành được cả lưỡng viện của Quốc hội, đảng này sẽ khó có thể giành được số phiếu từ đủ số thành viên Đảng Dân Chủ để vượt qua ngưỡng 60 phiếu để thực hiện việc bãi nhiệm.
Hơn nữa, những nỗ lực này có được chủ tịch tiềm năng McCarthy bật đèn xanh hay không là điều chưa biết. Ông McCarthy có thể ưu tiên hơn cho viện của mình tập trung nỗ lực vào các cuộc điều tra và truy vấn đối với các chính sách do ông Biden và nội các của ông thúc đẩy trong hai năm qua.
Đảng Dân Chủ buộc phải thỏa hiệp
Trong hai năm đơn phương kiểm soát chính phủ, hầu hết các cuộc đàm phán của Đảng Dân Chủ là các công việc nội bộ đảng chứ không phải là các cuộc thảo luận với khối thiểu số GOP. Nói chung, các cuộc đàm phán này diễn ra giữa các nhà lãnh đạo của đảng và các thành phần ôn hòa trong Thượng viện như các thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) và Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona).
Các cuộc đàm phán như vậy đã được đưa ra trước khi thông qua Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (American Rescue Plan Act) trị giá 1.9 ngàn tỷ USD hồi tháng 03/2021.
Bởi vì đạo luật này, như hầu hết các chiến thắng lập pháp của Đảng Dân Chủ trong hai năm qua, đã sử dụng thủ tục hòa giải ngân sách — vốn có thể vượt qua ngưỡng filibuster của Thượng viện và thông qua luật chỉ với một khối đa số quá bán — nên Đảng Dân Chủ chỉ cần sự đồng thuận từ các thành viên của mình để thông qua dự luật. Cuối cùng, dự luật trị giá hàng ngàn tỷ USD đã thông qua cả hai viện của Quốc hội theo sự phân chia đảng phái. Bản chất của thủ tục này cho phép đảng đa số cầm quyền một cách hiệu quả mà không cần bất kỳ ý kiến hoặc sự ủng hộ nào từ phía đảng thiểu số.
Trong vài tháng cuối năm 2021, Đảng Dân Chủ từng hy vọng sử dụng chính thủ tục này để thông qua một gói hòa giải ngân sách thậm chí có giá còn cao hơn, ở mức 3.5 ngàn tỷ USD. Do sự hoài nghi từ ông Manchin và bà Sinema, những người từng gặp gỡ ông Biden gần như hàng ngày tại thời điểm đó để đề ra một thỏa thuận, mức giá đó cuối cùng đã giảm xuống còn 1.75 ngàn tỷ USD trước khi bị loại bỏ rốt ráo vào tháng 12/2021 khi ông Manchin đơn phương từ chối gói đạo luật này, được đặt tên là Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better Act).
Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ đã thành công hơn trong việc sử dụng thủ tục này để thông qua dự luật hòa giải ngân sách gần đây nhất, Đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 700 tỷ USD của ông Manchin. Dự luật đó đã dành khoảng 400 tỷ USD cho các chính sách khí hậu mới, nhiều trong số đó đã được chuyển từ Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn vốn đã bị bãi bỏ. Giống như Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ, Đạo luật Giảm Lạm Phát đã được Quốc hội thông qua một cách vội vã và được thông qua mà không có bất kỳ sự ủng hộ nào từ phía GOP.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 117, chỉ có một thành tựu chính sách lớn đã có thể thu hút được bất kỳ sự ủng hộ nào của GOP, đó là Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở Hạ tầng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD.
Nhưng các thành viên Đảng Dân Chủ, được bảo đảm với đa số mỏng manh, đã chi hơn 2.5 ngàn tỷ USD mà không có sự tham gia của đảng thiểu số.
Nếu Đảng Cộng Hòa giành được một hoặc cả lưỡng viện của Quốc hội, thì Đảng Dân Chủ và Tòa Bạch Ốc, nếu họ hy vọng giành được bất kỳ chiến thắng lập pháp mới nào trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden, sẽ không thể võ đoán áp chế luật thông qua Quốc hội mà không có sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là Đảng Dân Chủ và tổng thống sẽ buộc phải đạt được các thỏa thuận thỏa hiệp để thông qua luật mới, chấm dứt một kỷ nguyên kiểm soát đơn phương lâu dài của đảng này. Vẫn còn phải chờ xem Đảng Dân Chủ sẽ điều chỉnh như thế nào với một sự thay đổi như vậy, vì Đảng Cộng Hòa có thể sẽ yêu cầu các chính sách gây khó chịu cho các thành viên cấp tiến hơn của Đảng Dân Chủ.
Về căn bản, việc các đảng không thể gác sang một bên những khác biệt của họ trong thời kỳ chính phủ bị chia rẽ có nghĩa là, kết quả có thể xảy ra nhất trong một Quốc hội khóa 118 bị chia rẽ sẽ chỉ là những thành tựu lập pháp tối thiểu, nếu có.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times