Đảng Cộng sản Trung Quốc ‘không đủ tư cách đăng cai Thế vận hội’
Còn rất nhiều người như cô Bành Soái ở Trung Quốc
Khi ngày càng nhiều quốc gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh để ủng hộ ngôi sao quần vợt nữ Bành Soái (Peng Shuai) của Trung Quốc, từng là niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc — một cựu vô địch thể thao nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc “không đủ tư cách đăng cai Thế vận hội”.
Cô Hoàng Hiểu Mẫn (Huang Xiaomin), từng đạt huy chương bạc môn bơi ếch 200 mét nữ tại Thế vận hội Seoul 1988, được vinh danh là một trong “10 Vận động viên Xuất sắc Nhất Á Châu” năm 1987.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cô Hoàng đã bày tỏ sự ủng hộ của cô trước hành động phơi bày dũng cảm của cô Bành Soái về vụ bê bối liên quan đến một quan chức cao cấp đã nghỉ hưu của chính quyền cộng sản, đồng thời cô cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình về cách các vận động viên Trung Quốc bị chế độ độc tài này thao túng.
“Bành Soái chỉ đang làm những gì cô ấy nên làm mà thôi,” cô Hoàng nói.
Cô Hoàng đã từng là một vận động viên trong đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Hiện cô đang cư trú tại Nam Hàn.
Cô nói rằng dưới thể chế của nhà cầm quyền này, các vận động viên sau khi giải nghệ thì coi như trắng tay; bất kể thành tích của họ như thế nào, mọi thứ đều bắt đầu từ con số không.
Để tồn tại, đặc biệt là đối với các vận động viên nữ, “dù muốn hay không, họ đều phải cặp với một đại gia, điều này rất phổ biến ở Trung Quốc đại lục ngày nay.” Cô Hoàng đã nói về sự nghiệt ngã dưới chế độ cộng sản — đối với những vận động viên tầm trung, những câu chuyện này thậm chí không tạo nên một chút gợn sóng.
“Các phương tiện truyền thông đều bị kiểm soát, tin tức đều bị kiểm soát,” cô nói.
Doping là một quyết định của nhà nước
Cô Hoàng chỉ ra rằng doping chỉ là một phần trong nỗi đắng cay chua xót đằng sau ánh hào quang thành công của các vận động viên Trung Quốc, “[ta] chẳng có chính bản thân mình, chẳng có quyền lợi, hay phẩm giá. Đảng quyết định những gì ta phải làm, huấn luyện viên nói cho ta biết phải làm gì, và ta sẽ chỉ cần ngoan ngoãn tuân lệnh.”
Suy ngẫm về những gì chính cô đã trải qua, cô giãi bày “để có thể giành được một tấm huy chương Olympic, cần phải nỗ lực từ sáu đến tám năm, mỗi ngày đều phải luyện tập với khối lượng như vậy, với cường độ vận động như vậy, phải bỏ ra một nỗ lực lớn phi thường thì mới có thể thành công.”
Cô kể lại cơ chế đằng sau việc sử dụng doping của huấn luyện viên. Đối với một vận động viên có triển vọng cao, cần có một bộ các chương trình huấn luyện được thiết kế rất kỹ lưỡng và rõ ràng cùng với chương trình doping; chẳng hạn như liều lượng cho tuần một và tuần hai, liều lượng cho tuần thứ ba đến tuần thứ sáu, v.v., hoặc liều lượng nhất định sau một mùa giải. Đây là một kế hoạch có hệ thống.
Cô nói rằng việc sử dụng doping là đáng hổ thẹn, nhưng “đó là một quyết định của nhà nước.”
Dưới ách cai trị của chế độ cộng sản này, giá trị của một vận động viên không có ý nghĩa gì đối với nhà cầm quyền sau khi giải nghệ.
Đề cập đến sự cố của cô Bành Soái, cô Hoàng nói rằng mặc dù cô Bành đã đạt được những thành tích tuyệt vời và sự công nhận của quốc tế trong làng quần vợt nữ, nhưng “số phận của cô ấy cuối cùng cũng chỉ vậy thôi”.
Cô Hoàng giải thích rằng sau khi giải nghệ nhiều vận động viên Trung Quốc phải sống cùng với bệnh tật và những chấn thương kéo dài. Họ đang rất cần lương thực, cần bác sĩ, và việc làm.
Trên thực tế, cơ chế tập luyện và sử dụng doping cường độ cao thường dẫn đến nhiều loại bệnh tật và tổn thương, cũng như việc các vận động viên Trung Quốc phải giải nghệ sớm.
Hãy lấy Ngải Đông Mai (Ai Dongmei), người từng đạt huy chương vàng cuộc thi Marathon Bắc Kinh năm 1999 làm ví dụ. Cô đã giành được tổng cộng 19 huy chương trước khi giải nghệ vào năm 2003 ở tuổi 22. Tuy nhiên, những chấn thương đã khiến cô không thể làm được công việc đồng áng; bệnh tật và tình trạng thất nghiệp đã buộc cô phải rao bán huy chương của mình trên mạng hồi năm 2007, khi ấy cô và vị hôn phu của mình, cũng là một võ sĩ trẻ đã giải nghệ, mỗi tháng chỉ có thể kiếm được 94.18 USD để nuôi sống một gia đình ba người.
Theo tuyên bố của cha mẹ cô với giới truyền thông vào năm 2007 khi bài đăng trực tuyến của cô Ngải gây chấn động cả nước, trong suốt quá trình tập luyện của cô — cho đến ngày cuộc phỏng vấn này được thực hiện — họ chẳng hề hay biết Tổng cục Thể thao đã quy định gì về việc phân phối tiền thưởng cho các vận động viên, và rằng cô Ngải đã không nhận được gì hết.
Lấy môn cử tạ làm ví dụ khác. Cô Hoàng giải thích rằng đó là một môn thể thao không được nhiều người mến mộ ở Trung Quốc. Sau khi giải nghệ, cuộc sống của các vận động viên của môn này thường bị lãng quên.
Vận động viên Tài Lực (Cai Li), từng được mệnh danh là Đại Lực sĩ số 1 Á Châu, đã giành chức vô địch cử tạ nam tại Đại hội thể thao Á Châu lần thứ 11 vào năm 1990, khi mới 20 tuổi.
Anh đã giành cho mình hơn 60 huy chương vàng trên sân nhà. Để duy trì trạng thái thi đấu [của vận động viên], anh đã bị béo phì và ốm nặng; sau đó anh phải giải nghệ sớm ở tuổi 23. Năm năm sau khi rút khỏi làng thi đấu, anh đã qua đời vì không có tiền chữa bệnh. Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, anh đã sống trong cảnh nghèo khó với một gia đình ba người. Anh đã ra đi để lại vợ anh, người cũng là một vận động viên cử tạ đã giải nghệ bị chấn thương thể thao nghiêm trọng, và một bé gái 3 tuổi. Anh Tài đã để lại cho vợ con vỏn vẹn 300 tệ tiền mặt (47 USD).
Vợ của anh Tài là Lưu Thành Cúc (Liu Chengju), nói với truyền thông Trung Quốc rằng dù có phải đi ăn xin thì cô cũng sẽ không để cho con gái trở thành một vận động viên.
Cô Hoàng bày tỏ lòng biết ơn vì là một người may mắn.
Sau khi giải nghệ vào năm 1994, cô đến Hàn Quốc và theo đuổi việc học tại Đại học Myongji. Sau đó, cô kết hôn, và trở thành một huấn luyện viên bơi lội ở Nam Hàn.
Cô thực sự rất lo ngại cho cuộc sống của các vận động viên Trung Quốc.
Cô Hoàng nói, “Tất cả các quốc gia dân chủ cần phải lên án hành vi lạm dụng nhân quyền của nhà cầm quyền này.”
Cô nhấn mạnh rằng đạo đức là tiếng gọi tối căn bản của nhân loại.
Chỉ khi thế giới này nhìn thấu được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì mới mau chóng thúc đẩy sự giải thể của chế độ này, và cuộc bức hại trên mới kết thúc, “đó là cách duy nhất để giúp các vận động viên Trung Quốc,” cô Hoàng nói thêm.
Với thực tế là ĐCSTQ không tôn trọng sinh mạng con người, nên “ĐCSTQ không có tư cách đăng cai Thế vận hội,” cô Hoàng nói.
Cô Hoàng Hiểu Mẫn, một người từng đạt huy chương Olympic nổi tiếng của Trung Quốc, đã công khai lên án ĐCSTQ và thoái xuất khỏi ĐCSTQ với một Tuyên bố thoái Đảng vào ngày 12/12/2004.
Cô Lạc Á là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times
Ông Ninh Hải Chung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra nước ngoài và làm phóng viên chuyên về các vấn đề thời sự và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: