Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giao chiến với Mỹ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang giao chiến với Hoa Kỳ, nhưng đại bộ phận giới lãnh đạo chính trị và quân sự của chúng ta không nhìn thấy được điểm này. Theo Chuẩn tướng Robert Spalding (đã về hưu), đó là bởi vì họ không được đào tạo, vậy nên không cách nào liễu giải được cách mà ĐCSTQ đã kết hợp các năng lực kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ, và truyền thông để tiến hành ‘siêu hạn chiến’ hay chiến tranh không giới hạn chống lại chúng ta, địch thủ chính của họ.
Tôi đã thảo luận với ông Spalding trong tập mới nhất của chương trình “Over the Target Live” về lý do tại sao bản chất và tầm quan trọng của mối đe dọa từ ĐCSTQ lại khó liễu giải đến vậy.
Vị sĩ quan Không quân đã về hưu từng điều khiển oanh tạc cơ tàng hình B-2 này cho biết, “Tôi đã phải tự rèn luyện bản thân để có thể nhận ra những mô thức này, bởi vì đó là một lối tư duy hoàn toàn khác và bộ não của chúng ta không được mã hóa để lý giải được kiểu chiến tranh chính trị ở tầng thứ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân đang ở. Đó là cách họ được truyền dạy. Tôi đã được dạy về một loại hình chiến tranh khác.”
Theo ông Spalding, việc nghiên cứu cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ đòi hỏi ông phải “hiểu một bối cảnh mới cho một cuộc chiến mà thực sự liên quan nhiều hơn đến cảm xúc và tâm lý, cũng như việc kiểm soát tin tức.”
Ông Spalding từng là tùy viên quân sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và sau đó chuyển đến Tòa Bạch Ốc, nơi ông là giám đốc cao cấp về hoạch định chiến lược. Sau khi rời chính phủ vào năm 2018, ông quyết tâm giúp người Mỹ liễu giải được cuộc chiến chống lại phương Tây của ĐCSTQ, đồng thời vạch trần “bản kế hoạch chính yếu cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thế chỗ Mỹ trở thành nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị, và hệ tư tưởng của thế giới.”
Theo ông Spalding, học thuyết [chiến tranh] then chốt này được nêu khái quát trong một cuốn sách nhỏ do hai đại tá của Quân Giải phóng Nhân dân, ông Kiều Lương (Qiao Liang) và ông Vương Tương Tuệ (Wang Xiangsui) viết năm 1999, có nhan đề “Siêu Hạn Chiến.” Trong cuốn sách được xuất bản gần đây của ông Spalding, “Chiến Tranh Bất Quy Tắc,” ông đã giải mã những đoạn văn khó hiểu, rườm rà chi chít, và lúc nào cũng vòng vèo quanh co của ĐCSTQ, trong đó dường như đã vạch rõ đường lối của các chiến dịch không ngừng nghỉ của Bắc Kinh chống lại Mỹ quốc bằng mọi thủ đoạn mà họ có.
Ông Spalding giải thích, hai vị đại tá này đã xây dựng chiến lược của họ để đối phó với cuộc khủng hoảng năm 1996 tại Eo biển Đài Loan.
Ông Spalding nói với chương trình “Over the Target Live”: “Khoảng thời gian khi cựu TT [Bill] Clinton điều động hai hàng không mẫu hạm tới Eo biển Đài Loan vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bắn hỏa tiễn đạn đạo vào khu vực eo biển này, và ông Clinton muốn hai chiến hạm kia bắn hạ các hỏa tiễn này.”
Ông Spalding cho biết, vì phía Trung Quốc lúc ấy phải đối mặt với “một cỗ máy chiến tranh bất khả tư nghị,” nên hai vị đại tá này “được giao nhiệm vụ suy nghĩ làm sao có thể đưa ra một học thuyết để đối phó với một Hoa Kỳ vô cùng hùng mạnh.”
Bài học quan trọng mà họ rút ra là tránh xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ quốc. Thay vào đó, ĐCSTQ đã dựa vào các công cụ sẵn có do Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác [cung cấp], chẳng hạn như mối bang giao về kinh tế và thương mại, và các thể chế quốc tế mà họ có thể lợi dụng để chuyển thành lợi thế của mình. Hai vị đại tá này thấy rằng toàn cầu hóa và nền tảng thông tin rộng khắp cung cấp qua mạng internet sẽ thúc đẩy hơn nữa công cụ chiến tranh của ĐCSTQ.
Như ông Spalding đã viết trong cuốn “Chiến tranh Bất Quy Tắc,” siêu hạn chiến sử dụng “tất cả các phương tiện, kể cả lực lượng vũ trang hoặc phi vũ trang, quân sự và phi quân sự, các phương tiện sát thương và phi sát thương để buộc kẻ thù chấp nhận lợi ích của họ.” Ông Spalding viết rằng, quy tắc duy nhất trong siêu hạn chiến “là không có quy tắc nào”.
Cho đến nay, chiến dịch thành công nhất của ĐCSTQ là lợi dụng đại dịch COVID-19. Trong cuốn “Chiến Tranh Bất Quy Tắc,” ông Spalding phân biệt giữa suy đoán “rằng Trung Quốc đã tạo ra COVID-19 trong phòng thí nghiệm như một vũ khí sinh học” và “một kịch bản ít khắc nghiệt hơn nhưng đã được chứng minh: rằng ĐCSTQ đã lợi dụng một cuộc khủng hoảng bất ngờ để thúc đẩy lợi ích của chính mình và làm tổn hại các đối thủ của họ.”
Ông Spalding nói trong buổi phỏng vấn với chương trình “Over The Target Live” rằng, nếu quý vị hiểu được bản chất của siêu hạn chiến, thì “quý vị có thể nhìn thấy được những gì họ đang làm với virus corona. Vấn đề ở đây không phải là về chủng virus ấy, mà vấn đề là họ có thể lợi dụng sự hiện hữu thực sự của chủng virus này để tạo ra nỗi sợ hãi. … Và vì họ có sự kết nối với phương Tây, nên họ có thể lợi dụng những sợi dây liên kết ấy để giúp họ xuất cảng nỗi sợ hãi này [sang các xã hội phương Tây].”
Để gieo rắc nỗi sợ hãi, ĐCSTQ đã lợi dụng các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mà Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của tổ chức này được cho là bị ĐCSTQ chi phối. Ông Spalding cho hay, khi Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa, WHO “cho biết đây là điều chưa từng có. Đây không phải là một phần trong quy trình chống đại dịch của chúng tôi.”
Nhưng sau đó thông điệp của tổ chức này đã chuyển ngoắt sang một hướng khác, dường như được dẫn đường chỉ lối bởi mối liên hệ của họ với ĐCSTQ. Theo ông Spalding, WHO sau đó đã tuyên bố rằng “các cuộc phong tỏa đã ngăn chặn được sự lây lan của virus. Và vì vậy điều này đã khuyến khích phần còn lại của thế giới tự do về căn bản là chấp nhận chính sách phong tỏa.”
Một tổ chức khác mà ông Spalding viện dẫn là Học viện Hoàng gia London (Imperial College London), vốn đã phát triển các mô hình dự báo hoàn toàn phóng đại về sự nguy hiểm của COVID-19. Trường này sau đó đã đưa ra các nghiên cứu tán dương chính sách phong tỏa của ĐCSTQ. Ông Spalding cho biết: Thông qua nhiều lớp áo khác nhau của ĐCSTQ, Bắc Kinh “đã và đang chi trả hàng chục triệu dollar cho Học viện Hoàng gia Luân Đôn. Chính ông Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Học viện Hoàng gia London vào năm 2015.”
Sử dụng các tổ chức phương Tây làm công cụ chiến tranh chính trị để gieo rắc nỗi sợ hãi, ĐCSTQ đã nhào nặn nên những quyết định mà cuối cùng sẽ hủy hoại nền kinh tế, hủy hoại cộng đồng, gia đình và cuộc sống. Hơn nữa, những sách lược mà giới quan chức phương Tây sử dụng — như phong tỏa, lan truyền trên báo chí, và mở rộng việc kiểm duyệt trên mạng xã hội đối với quan điểm y khoa thách thức các bản tường thuật chính thức về COVID, hay việc chích ngừa bắt buộc — đã vi phạm các quyền tự do vốn là nền tảng của xã hội phương Tây.
Và đó chính xác là tâm điểm mà chiến dịch chiến tranh chính trị của ĐCSTQ hướng đến — nhằm làm suy yếu vị thế của phương Tây với tư cách là người bảo vệ tự do. Theo ông Spalding, Bắc Kinh “đang giao chiến với các nguyên tắc dân chủ.”
“Họ thấy rằng … ý tưởng về tự do là một mối đe dọa hiện hữu đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói. “Họ luôn canh cánh một điều là người dân của họ có thể bị những nguyên tắc tự do tồn tại ở ngoài kia đánh thức. Và vì vậy họ làm mọi thứ trong khả năng của mình để cô lập người dân của họ khỏi phương Tây. Nhưng cách thực sự để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của họ là phải bảo đảm phương Tây không còn tồn tại như là một nền dân chủ nữa.”
Câu hỏi đặt ra cho Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác là làm cách nào để họ bảo vệ các nguyên tắc và dân tộc của mình trước một chế độ độc tài toàn trị sử dụng bất kỳ công cụ nào mà họ có, kể cả những công cụ mà chúng ta đã phát triển vì mục đích hòa bình, để vây hãm chúng ta? Vấn đề này còn phức tạp hơn bởi thực tế là phần lớn tầng lớp thống trị phương Tây đã bị ảnh hưởng bởi siêu hạn chiến của ĐCSTQ nhằm chống lại chúng ta, hoặc — tệ hơn nữa — là những người sẵn sàng hợp tác với ĐCSTQ trong chiến dịch đó.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times