Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ muốn thay đổi điều gì về bầu cử
Đảng Dân Chủ
HR1 sẽ thay đổi các cuộc bầu cử như thế nào?
Dự luật được thông qua tại Hạ viện sẽ cấp cho chính phủ liên bang quyền quyết định lớn về việc các cuộc bầu cử sẽ được các tiểu bang tiến hành như thế nào?
Ngày 03/03, Hạ viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo đã thông qua H.R. 1, Đạo luật Vì Nhân dân (the For the People Act) năm 2021, vốn được đưa ra bởi dân biểu John Sarbanes (Dân Chủ-Maryland). Gói cải cách bầu cử này, nếu được Thượng viện thông qua, sẽ chuyển quyền quyết định cách thức điều hành các cuộc bầu cử từ các tiểu bang sang cho chính phủ liên bang cũng như đưa vào áp dụng lâu dài nhiều quy tắc bỏ phiếu mà những người phản đối cho rằng dẫn đến gian lận cử tri.
Gói dự luật H.R. 1 dài 791 trang này, được các thành viên của Quốc hội lần thứ 116 hoàn thiện, đã được [Hạ viện] chuẩn thuận mà không qua nhiều tranh luận. Một số điều khoản, chẳng hạn như bảo đảm rằng tất cả các máy bỏ phiếu được sử dụng trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ phải được sản xuất tại Hoa Kỳ hoặc tăng quyền tiếp cận cho cử tri khuyết tật, được lưỡng đảng ủng hộ, nhưng hầu hết các điều khoản khác đều gây tranh cãi.
Gói cải cách bầu cử sâu rộng này được chia thành ba phần chính; phần thứ hai là phần chính của dự luật, với ba phần phụ: a) bỏ phiếu, b) tài chính chiến dịch tranh cử, và c) đạo đức. Phần ba là “Cung cấp Quyền Hiến pháp Chung” và phần bốn là “Các tiêu chuẩn để Xem xét Tư pháp.”
Dưới đây là một số thay đổi quan trọng đối với luật bầu cử theo H.R.
1. Trao cho chính phủ liên bang quyền điều hành bầu cử: Mặc dù Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho các tiểu bang quyền điều hành các cuộc bầu cử của họ theo cách mà họ nhìn nhận là thích hợp, thì các đảng viên Dân Chủ lại diễn giải Hiến pháp theo hướng có lợi cho họ, tuyên bố trong H.R. 1 rằng “Quốc hội nhận thấy rằng mình có thẩm quyền rộng rãi để quy định thời gian, địa điểm, và cách thức của các cuộc bầu cử quốc hội theo Điều I, mục 4 trong Điều khoản Bầu cử của Hiến pháp.”
2. Hạn chế quyền tiếp cận của nguyên đơn với các tòa án liên bang khi có sự phản đối H.R. 1: Dự luật này quy định rằng bất kỳ vụ kiện nào phản đối tính hợp hiến của H.R. 1 chỉ có thể được đệ trình lên Tòa án Quận cho Quận Columbia và tất cả các nguyên đơn sẽ được yêu cầu “nộp các hồ sơ chung hoặc được đại diện bởi một luật sư duy nhất khi biện hộ.”
3. Yêu cầu đăng ký cử tri tự động (AVR) ở tất cả 50 tiểu bang (19 tiểu bang hiện có AVR): Trong điều mà những người đề xướng gọi là “hiện đại hóa” các cuộc bầu cử, thì bất kỳ người nào cung cấp thông tin của họ cho các cơ quan chính phủ được chỉ định, chẳng hạn như Cơ Quan Quản Lý Các Phương Tiện Cơ Giới, trường đại học công lập, hoặc cơ quan dịch vụ xã hội, sẽ được đăng ký bỏ phiếu. Dự luật này yêu cầu tiến hành đăng ký trong cùng ngày và trực tuyến.
4. Yêu cầu phiếu bầu khiếm diện không có lỗi: Điều khoản này hủy bỏ chữ ký của người làm chứng hoặc các yêu cầu về công chứng đối với lá phiếu khiếm diện. Ngoài ra, nó sẽ buộc các tiểu bang chấp nhận các lá phiếu khiếm diện nhận được tối đa 10 ngày sau Ngày Bầu cử.
5. Ngăn các quan chức bầu cử loại các cử tri không đủ điều kiện ra khỏi danh sách đăng ký hoặc xác nhận tư cách hợp lệ và đủ tiêu chuẩn của cử tri: Dự luật này sẽ khiến hành động xác minh địa chỉ của cử tri đã đăng ký, kiểm tra chéo các danh sách đăng ký cử tri để tìm ra các cá nhân đã đăng ký ở nhiều tiểu bang, hoặc từng loại bỏ những người đã đăng ký, bất kể đã diễn ra bao nhiêu lâu, là bất hợp pháp.
6. Khôi phục Đạo luật Quyền Bỏ phiếu: Điều khoản này yêu cầu các tiểu bang phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ liên bang trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với các quy tắc bỏ phiếu. Ngoài ra còn có một điều khoản hình sự hóa việc “cản trở, can thiệp, hoặc ngăn cản” bất kỳ ai đăng ký hoặc bỏ phiếu.
7. Cấm các luật về ID của cử tri ở tiểu bang: Các tiểu bang sẽ không còn được phép yêu cầu ID để bỏ phiếu nữa và sẽ bị buộc phải chấp nhận các bản tuyên bố có chữ ký từ các cá nhân tự khai xác nhận danh tính của họ.
8. Mở cửa cho dân nhập cư bất hợp pháp bỏ phiếu: Dự luật này sẽ bảo vệ những người không phải là công dân khỏi bị truy tố nếu họ đăng ký bỏ phiếu tự động. Các cơ quan sẽ không bị yêu cầu phải lưu hồ sơ về những người từ chối xác nhận tư cách công dân của họ.
9. Cho phép đăng ký cử tri cùng ngày: Các tiểu bang sẽ được yêu cầu cho phép đăng ký trong cùng một ngày, bao gồm cả việc bỏ phiếu sớm, tại các điểm bỏ phiếu. Phần này bao gồm một điều khoản yêu cầu đăng ký cử tri trong cùng ngày phải được thực hiện kịp cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2022.
10. Cho phép người 16 tuổi đăng ký bỏ phiếu: Từ ngày 01/01/2022, các tiểu bang sẽ không được phép từ chối đơn đăng ký bỏ phiếu của bất kỳ ai từ 16 tuổi trở lên. Ngoài ra, các tiểu bang sẽ được yêu cầu “thực hiện kế hoạch tăng cường sự tham gia của các cá nhân dưới 18 tuổi vào các hoạt động bầu cử công khai.”
11. Cấm công bố “thông tin sai lệch” về bầu cử: Dự luật này khiến việc “lan truyền hoặc là nguyên nhân khiến lan truyền” thông tin biết rõ là sai lệch và có mục đích để ngăn cản việc bỏ phiếu là một tội liên bang, với mức án lên đến 5 năm tù. Những người phản đối cho rằng điều khoản này làm dấy lên những lo ngại về [vi phạm] Tu chính án Thứ nhất.
12. Cho phép những người phạm trọng tội bỏ phiếu: Theo Đạo luật Khôi phục Nền dân chủ, các khoản tài chính của liên bang cấp cho các nhà tù sẽ bị hạn chế ở những tiểu bang không cho phép cựu tù nhân bỏ phiếu. Dự luật này nói rằng tất cả những người phạm trọng tội đều có thể bỏ phiếu trừ khi họ đang “thụ án trọng tội trong một tổ chức hoặc cơ sở cải huấn vào thời điểm bầu cử.”
13. Quyền bỏ phiếu sớm: Các tiểu bang phải cho phép bất kỳ ai bỏ phiếu trong khoảng thời gian bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử.
14. Hợp pháp hóa bỏ phiếu qua thư trên toàn quốc, mà không cần ảnh ID: Sẽ được phép bỏ phiếu khiếm diện qua thư trong tất cả các cuộc bầu cử liên bang và “có thể không yêu cầu một cá nhân cung cấp bất kỳ hình thức nhận dạng nào để làm điều kiện được nhận một lá phiếu khiếm diện.” Không cần phải có chữ ký của người làm chứng.
15. Khuyến khích việc thu thập lá phiếu: Bất kỳ người nào được chỉ định sẽ được phép chuyển trả lại các lá phiếu khiếm diện đến bất kỳ điểm bỏ phiếu hoặc văn phòng bầu cử nào, miễn là người đó không nhận thù lao theo số lượng lá phiếu mà họ thu thập được. Ngoài ra, sẽ không có giới hạn về số lượng phiếu bầu khiếm diện mà bất kỳ người được chỉ định nào có thể gửi trả lại.
16. Yêu cầu các tiểu bang chấp nhận các lá phiếu gửi đến 10 ngày sau Ngày Bầu cử: Các tiểu bang được yêu cầu chấp nhận bất kỳ lá phiếu nào có dấu bưu điện trước hoặc vào Ngày Bầu cử mà gửi đến trong vòng 10 ngày kể từ ngày bầu cử. Dự luật này cho phép các tiểu bang mở rộng mốc thời hạn đó.
17. Cấm các quan chức bầu cử tiểu bang vận động tranh cử trong các cuộc bầu cử liên bang: Các quan chức bầu cử tiểu bang sẽ bị cấm tham gia vào việc quản lý chính trị hoặc các chiến dịch tranh cử cho bất kỳ cuộc bầu cử nào mà các quan chức đó có quyền giám sát. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến các tiểu bang như Georgia, nơi mà các thư ký tiểu bang của họ đã tham dự đáng kể vào các cuộc bầu cử.
18. Yêu cầu các trường cao đẳng và đại học thuê “người điều phối việc bỏ phiếu trong khuôn viên trường”: Dự luật này yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thuê một quan chức chịu trách nhiệm thông báo cho sinh viên về các cuộc bầu cử và khuyến khích họ đăng ký bỏ phiếu. Dự luật cũng khuyến khích đăng ký cử tri bằng cách cấp các khoản tài trợ cho các cơ sở giáo dục có tỷ lệ đăng ký cao.
19. Yêu cầu các tiểu bang cung cấp sẵn các hòm bỏ phiếu khiếm diện trong 45 ngày vào khoảng thời gian diễn ra bầu cử: Các hòm bỏ phiếu sẽ có sẵn để các cá nhân bỏ phiếu khiếm diện cho các cuộc bầu cử liên bang vào bất cứ lúc nào, 24 giờ một ngày, trong suốt thời kỳ bỏ phiếu.
20. Yêu cầu các tiểu bang cho phép bỏ phiếu bên lề đường: Các tiểu bang không được “ngăn cản bất kỳ khu vực thẩm quyền nào điều hành một cuộc bầu cử cho chức vụ Liên bang ở Tiểu bang đó sử dụng hoạt động bỏ phiếu bên lề đường như một phương pháp để nhờ đó các cá nhân có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử.”
21. Đề nghị Quận Columbia trở thành tiểu bang và là đại diện cho các địa hạt: Dự luật này chỉ ra rằng Quận Columbia trên thực tế chưa phải là một tiểu bang, và nói thêm rằng, “Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ duy nhất không cho người dân của thủ đô đất nước mình vừa có đại diện biểu quyết trong cơ quan lập pháp quốc gia vừa có quyền tự trị.” Dự luật này chỉ định một ủy ban sẽ vận động để có đại diện quốc hội và có các lá phiếu cử tri đoàn bầu tổng thống.
22. Yêu cầu các tiểu bang vẽ lại các quận bầu cử thông qua các ủy ban “độc lập”: Tước mất quyền của các cơ quan lập pháp tiểu bang, dự luật này sẽ yêu cầu việc phân chia lại khu vực bầu cử được tiến hành thông qua các ủy ban vốn cũng được yêu cầu phải thể hiện sự đa dạng về “chủng tộc, sắc tộc, kinh tế, và giới tính.”
23. Thành lập một ủy ban quốc gia để “bảo vệ các thể chế dân chủ của Hoa Kỳ”: Một ủy ban quốc gia sẽ nghiên cứu các cuộc bầu cử và sau 18 tháng sẽ đưa ra một báo cáo với những khuyến nghị cải thiện các cuộc bầu cử. Ủy ban này sẽ gồm 10 thành viên, chỉ 4 người trong số đó sẽ được chọn bởi đảng thiểu số, trao quyền kiểm soát cho đảng đa số (tại thời điểm này là Đảng Dân Chủ).
24. Yêu cầu các tập đoàn phải minh bạch thông tin: Dự luật này hệ thống hóa Đạo luật DISCLOSE của Đảng Dân Chủ, nhằm hạn chế các tập đoàn tham dự vào các cuộc bầu cử. Đảng Dân Chủ cho rằng điều khoản này sẽ phơi bày khoản tiền đen, trong khi Đảng Cộng Hòa phản đối rằng các yêu cầu về tính minh bạch của dự luật này sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận.
25. Giám sát quảng cáo chính trị trực tuyến: Một quy định được gọi là Đạo luật Bám sát Từng Quảng cáo (Stand By Every Ad Act) sẽ ngăn chặn việc dùng các khoản tiền của chiến dịch tranh cử chi trả cho bất kỳ hình thức quảng cáo nào qua internet. Những người phản đối cho rằng điều này sẽ làm tăng chi phí vận động tranh cử.
26. Làm suy yếu phán quyết năm 2010 của Tối cao Pháp Viện trong vụ Liên minh Công dân kiện Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC): Dự luật này tuyên bố rằng “việc Tối cao Pháp Viện diễn giải sai Hiến pháp để cho phép các lợi ích tiền bạc trả bằng thuế của người dân Hoa Kỳ trong các cuộc bầu cử đã làm xói mòn nghiêm trọng công việc hơn 100 năm Quốc hội thúc đẩy công bằng và bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi sự ảnh hưởng độc hại của đồng tiền.” Dự luật cũng gợi ý rằng Hiến pháp nên được sửa đổi “để Quốc hội và các Tiểu bang có thể quy định và đặt ra các giới hạn về việc huy động và chi tiêu tiền.”
27. Cho phép các chính trị gia sử dụng quỹ vận động tranh cử cho mục đích cá nhân: Theo một điều khoản được gọi là Đạo luật Hỗ trợ Người dân Hoa Kỳ Tranh cử (Help America Run Act), dự luật này hợp pháp hóa việc sử dụng các khoản quyên góp của chiến dịch tranh cử cho các chi tiêu cá nhân, như chăm sóc trẻ em.
28. Thay đổi thành phần của FEC: Dự luật này giảm số lượng thành viên của FEC từ sáu xuống năm. Bốn thành viên có thể liên quan đến một đảng chính trị cụ thể, khiến cho thành viên thứ năm trở thành “độc lập” nhưng được đề cử bởi một tổng thống liên quan đến một đảng. Các cựu thành viên FEC đã viết thư cho Quốc hội, cảnh báo về sự thay đổi này và các điều khoản liên quan khác.
29. Thay đổi các quy tắc xoay quanh những xung đột lợi ích đối với tổng thống và phó tổng thống: Dự luật này sẽ yêu cầu tổng thống hoặc phó tổng thống thoái tất cả các lợi ích tài chính mà có thể tạo ra xung đột lợi ích đối với họ, gia đình họ, hoặc bất kỳ ai mà họ đang đàm phán với hoặc những người đang tìm kiếm việc làm trong chính phủ của họ.
30. Thay đổi các quy tắc của FEC nhằm yêu cầu các ứng cử viên tổng thống cung cấp bản khai thuế của họ: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày trở thành “ứng cử viên được chấp thuận,” cá nhân này sẽ được yêu cầu nộp các bản khai thuế của mình, trong vòng 10 năm, cho FEC.
Do nhân viên Epoch Times thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Xem thêm: