Dân số già hoá, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lâu dài đến xã hội và kinh tế
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ sinh giảm, dân số già hoá và tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc, do tình trạng nhân khẩu học mất cân xứng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội.
Những bất thường này là hậu quả từ chính sách một con của Trung Cộng. Được áp dụng vào năm 1979, chính sách hạn chế sinh con này được thực thi như một phần của các biện pháp kiểm soát dân số khi Bắc Kinh trở nên lo lắng về tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng khiến cho các nguồn tài nguyên của nước này bị quá tải.
Do văn hóa Trung Quốc trọng nam khinh nữ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi nam giới có thể đóng góp sức lao động chân tay, nhiều gia đình đã chọn phá thai hoặc bỏ rơi các bé gái sơ sinh.
Điều này dẫn đến chênh lệch tỷ lệ giới tính. Năm 1990, tỷ lệ này lần đầu tiên vượt quá 110 bé trai trên 100 bé gái, và con số này chưa bao giờ giảm kể từ đó. Vào đầu những năm 2000, tỷ lệ này lên tới 120 trên 100. Ngày nay, con số này vẫn còn trên 110.
Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc có 20 triệu đàn ông độc thân vào năm 2015, trong khi chỉ có 6 triệu phụ nữ chưa kết hôn. Kể từ thời điểm đó, nhóm nam giới độc thân này đã tăng lên và hiện có khoảng 30 triệu người.
Tờ báo nhà nước China News Weekly trích dẫn ước tính của các chuyên gia rằng Trung Quốc sẽ có hơn 40 triệu nam giới độc thân vào năm 2040.
Yang Ge, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cảnh báo rằng tỷ lệ chênh lệch giới tính cao có thể dẫn đến “áp lực hôn nhân, buôn bán tình dục, tội phạm tình dục và các vấn đề xã hội tương tự.”
Tăng trưởng dân số âm
Các cặp vợ chồng cũng chọn không sinh con, dẫn đến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc ngày càng giảm.
Mặc dù Trung Cộng đã nới lỏng chính sách một con vào năm 2014 và bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con, nhưng tỷ lệ sinh vẫn thấp vì đối với những hộ gia đình bình thường, chi phí nuôi con rất cao.
Tờ Yicai của nhà nước Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Bộ Dân chính Trung Quốc Lý Kỷ Hằng (Li Jiheng) rằng: “Hiện nay ở nước ta, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguyện vọng sinh con thấp do nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới mức cảnh báo và tình hình phát triển dân số đã bước vào giai đoạn bước ngoặt quan trọng.”
Ông Lý cho biết do tỷ lệ sinh giảm, dân số của Trung Quốc sẽ sớm tăng trưởng âm, nhưng ông không đưa ra khung thời gian cụ thể, bản tin trên cho biết.
Tờ báo nhà nước Southern Metropolis Daily đưa tin hôm 12/11 rằng Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu tại Ủy ban Y tế quốc gia của chính phủ nước này, ước tính rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ tương đương với tỷ lệ tử vong vào năm 2027 – nghĩa là dân số Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh điểm và sau đó bắt đầu giảm dần.
Thống kê mới nhất cho thấy Trung Quốc hiện có 1.4 tỷ dân.
Con số ước tính nói trên đạt sớm hơn ba năm so với tính toán trước đó. Vào tháng 01/2017, Trung Cộng ước tính rằng Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng dân số âm vào năm 2030.
Nhà nghiên cứu Yang Ge của CASS cho biết trong một cuộc phỏng vấn với China News Weekly rằng tình trạng tăng trưởng dân số âm có thể đến sớm hơn năm 2027.
Già hóa dân số
Nhân khẩu học không cân xứng cũng dẫn đến già hóa dân số.
Tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh vào tháng 11, nhà nghiên cứu Li Jun của CASS cho biết: “Ở nước ta, dân số từ 60 tuổi trở lên lớn hơn dân số từ 15 tuổi trở xuống. Trên thực tế, đất nước chúng ta đã bước vào kỷ nguyên ít thanh niên mà nhiều người già.”
Năm 2020, tuổi thọ ước tính được công bố chính thức ở Trung Quốc là 77.1 tuổi.
Tờ China News Weekly trích dẫn Trung tâm Nghiên cứu dân số và phát triển Trung Quốc trong một bản tin gần đây rằng dân số cao tuổi của Trung Quốc (60 tuổi trở lên) sẽ tăng 11.5 triệu người mỗi năm từ 2021 – 2025 và sẽ đạt 500 triệu người vào năm 2048.
Ông Frank Xie, giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói rằng gánh nặng trả lương hưu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Theo ban cố vấn Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, khoảng 38% người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đã mất một phần hoặc toàn bộ khả năng tự chăm sóc bản thân và cần được hỗ trợ.
Xã hội cũng sẽ thiếu lao động khi dân số già đi.
Một giáo sư Đại học Phục Đán Trung Quốc, ông Bành Hy Triết (Peng Xizhe), nói với China News Weekly trong một bản tin hôm 29/11 rằng chế độ này có thể phải tăng tuổi nghỉ hưu để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Tuổi nghỉ hưu hiện tại của nam giới là 60. Hôm 07/12, chính quyền Trung Quốc đã nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ từ 50 (dành cho lao động chân tay) và 55 (dành cho lao động công nhân viên chức) lên 60.