Dân biểu Scott Perry cho biết FBI đã thu giữ điện thoại di động của ông sau cuộc đột kích ở Mar-a-Lago
Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), một đồng minh của Tổng thống Donald Trump, cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã thu giữ điện thoại di động của ông một ngày sau khi họ thực hiện một lệnh khám xét tại khu nghỉ dưỡng của cựu Tổng thống (TT) Trump ở Mar-a-Lago, Palm Beach.
“Sáng nay, khi đang đi du lịch cùng gia đình tôi, ba đặc vụ FBI đã đến khám xét tôi và thu giữ điện thoại di động của tôi,” một thông báo từ văn phòng của ông Perry cho biết. “Họ không hề có ý định liên hệ với luật sư của tôi, người sẽ sắp xếp để họ có được điện thoại của tôi nếu đó là mong muốn của họ.”
“Tôi rất phẫn nộ — mặc dù không ngạc nhiên — rằng FBI dưới sự chỉ thị của [Bộ Tư pháp (DOJ)] của [Tổng Chưởng lý] Merrick Garland, sẽ thu giữ điện thoại của một thành viên Quốc hội đương nhiệm,” vị nghị sĩ này nói trong tuyên bố được cung cấp cho The Epoch Times.
“Điện thoại của tôi chứa thông tin về các hoạt động lập pháp và chính trị của tôi, cũng như các cuộc thảo luận cá nhân/riêng tư với vợ, gia đình, các cử tri, và bằng hữu của tôi. Không có chuyện nào liên quan tới chính phủ cả.”
Vụ tịch thu này diễn ra một ngày sau khi FBI đột kích tư dinh của ông Trump tại Mar-a-Lago. Hiện vẫn chưa rõ liệu hành động này có liên quan đến cuộc đột kích đó hay liên quan tới các cuộc điều tra của Ủy ban 06/01, nơi đã gửi trát đòi hầu tòa cho ông Perry.
“Như đã làm với Tổng thống Trump hồi đêm hôm qua, DOJ đã chọn hành động không cần thiết và gây hấn này thay vì chỉ cần liên lạc với luật sư của tôi,” tuyên bố từ văn phòng của ông Perry cho biết. “Những loại chiến thuật ‘cộng hòa chuối’ [banana republic tactics, hàm ý là các chiến thuật vô luật lệ] này nên khiến mọi Công dân lưu tâm — đặc biệt là xét đến quyết định trước đó của Quốc hội trong tuần này về việc thuê 87,000 nhân viên IRS mới để ngược đãi hơn nữa các Công dân tuân thủ luật pháp.”
Luật sư của ông Trump, bà Christina Bobb, nói với The Epoch Times hôm thứ Ba (09/08) rằng các đặc vụ FBI đang tìm kiếm “những gì họ cho là hồ sơ Tổng thống” và thu giữ các tài liệu từ tư dinh của ông Trump.
“Chúng tôi đã rất hợp tác với họ trước đây. Và tôi không rõ tại sao họ lại đi đến những biện pháp quyết liệt như vậy để làm điều này. Nhưng họ đã làm vậy. Và về cơ sở chính đáng, họ sẽ không cho chúng tôi biết lý do,” bà nói thêm.
Lệnh khám xét cho cuộc đột kích trên vẫn được niêm phong. Nhóm pháp lý của ông Trump dự định yêu cầu Tòa án Địa hạt Liên bang Phía Nam Florida hủy niêm phong bản tuyên thệ làm cơ sở cho lệnh khám xét. Nếu họ thành công, thì bản tuyên thệ này sẽ cho thấy cơ sở chính đáng mà các nhà chức trách đã đặt ra trước khi thực hiện lệnh này.
“Chúng tôi không biết cơ sở chính đáng là gì. Tôi không nghĩ rằng có một nguyên do chính đáng để làm một việc quyết liệt như vậy. Nhưng họ đã làm thế,” bà Bobb nói.
Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) cho biết hồi tháng Hai rằng các đại diện của ông Trump đã hợp tác trong việc chuyển các hồ sơ tổng thống.
“Trong suốt năm ngoái, NARA đã có được sự hợp tác từ các đại diện của ông Trump để xác định vị trí các hồ sơ Tổng thống chưa được chuyển đến Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia ở thời điểm cuối nhiệm kỳ của Chính phủ cựu Tổng thống Trump,” NARA cho biết trong một tuyên bố.
Ông Trump, người đã đưa tin về cuộc đột kích này trên Truth Social vào cuối ngày thứ Hai (08/08), gọi cuộc đột kích này là “hành vi sai trái của cơ quan tố tụng, vũ khí hóa Hệ thống Tư pháp, và là một cuộc tấn công của Đảng Dân Chủ Cánh tả Cực đoan, những người liều lĩnh không muốn [ông] ra tranh cử Tổng thống năm 2024, đặc biệt là dựa trên các cuộc thăm dò gần đây,” đồng thời nói thêm rằng Đảng Dân Chủ “cũng sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn cản Đảng Cộng Hòa và Những người thuộc phái bảo tồn truyền thống trong cuộc Bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.”
Ông Trump nói: “Chưa từng có điều gì như thế từng xảy ra với một Tổng thống của Hoa Kỳ.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Tư pháp và FBI để đề nghị bình luận.
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.