Dân biểu: Nga, Trung Quốc ‘âm mưu phía sau hậu trường’ trước cuộc xâm lược Ukraine
Theo hai nhà lập pháp, Moscow và Bắc Kinh luôn sát cánh cùng nhau trong các kế hoạch của họ trước cuộc tấn công Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng họ đã phối hợp với nhau và tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở một vị thế tốt hơn để cho Nga đi trước, nhằm đánh giá tình hình,” Dân biểu Ken Buck (Cộng Hòa-Colorado) nói với chương trình “China Insider” của EpochTV tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) vào hôm 25/02.
Bằng cách theo dõi phản ứng của thế giới về Ukraine, Trung Quốc đang cố gắng đánh giá các bước tiếp theo của họ đối với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình và từ lâu đã lên kế hoạch kiểm soát, bằng vũ lực nếu cần thiết.
“Trung Quốc có các kế hoạch về Đài Loan,” nhà lập pháp này cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Orlando, Florida. “Và họ muốn xem liệu thế giới này có áp đặt các biện pháp trừng phạt thực sự đối với Nga hay không, và điều đó sẽ gây tổn hại đến người Nga đến mức nào, và sức mạnh thực sự là gì để có thể ngăn chặn một quốc gia hiếu chiến giành thêm lãnh thổ.”
Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) cũng có quan điểm tương tự.
Ông đã đặc biệt lưu ý về cuộc gặp của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin với ông Tập Cận Bình của Trung Quốc tại ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh ba tuần trước, vốn kết thúc bằng việc hai nước thiết lập mối liên hệ đối tác “không có giới hạn.”
Ông nói với kênh NTD, một chi nhánh của The Epoch Times, tại một sự kiện CPAC rằng: “Họ đang âm mưu phía sau hậu trường.”
Ukraine là một chủ đề được thảo luận trong “các cuộc thảo luận chuyên sâu” giữa các ngoại trưởng của hai quốc gia này, vốn đã diễn ra một ngày trước cuộc hội đàm của ông Tập và ông Putin. Từ bản thông báo của Điện Kremlin, Moscow cũng “tái khẳng định sự ủng hộ của mình” đối với tuyên bố của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị hỏi dồn về việc liệu ông Tập có biết trước về kế hoạch này và thậm chí “ủng hộ” ông Putin hay không, nhưng các quan chức của họ đã tránh đưa ra một câu trả lời trực tiếp.
Hôm thứ Năm (24/02), phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên: “Nga là một quốc gia lớn độc lập.”
Bà cáo buộc phóng viên này có trí tưởng tượng “phong phú” khi được hỏi liệu thời điểm xảy ra vụ tấn công này, chỉ cách vài ngày sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc, có phải là ngẫu nhiên hay không.
‘Phân tâm’
Ông Buck cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang là một lợi ích cho Bắc Kinh. Một cuộc xung đột quân sự sẽ chuyển sự chú ý của Hoa Kỳ khỏi sự cạnh tranh của họ với Trung Quốc, tạo cơ hội cho Bắc Kinh khai thác.
Ông Buck nói rằng: “Nếu Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân vào Âu Châu để bảo vệ Âu Châu và thực hiện vai trò của chúng ta với tư cách là một đối tác của NATO, thì chúng ta sẽ không thể làm được những gì mà chúng ta muốn làm hoặc cần làm ở khu vực Thái Bình Dương này.”
“Điều đó giống như một sự phân tâm,” ông nói thêm.
“Theo quan điểm của Trung Quốc, điều đó được coi là một cách để bòn rút các nguồn tài nguyên có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác,” vị Dân biểu này cho hay. “Trung Quốc quan tâm nhất đến việc bảo đảm rằng việc này sẽ được kéo dài, còn Nga sẽ tiếp tục duy trì mối đe dọa đối với các quốc gia Baltic, Ba Lan, Hungary, cùng với các nước khác ở Âu Châu.”
Cho đến nay, Bắc Kinh đã hạn chế việc trực tiếp gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một cuộc xâm lược, nhưng đồng thời vẫn duy trì [tuyên bố] rằng họ tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia,” ám chỉ khẳng định của họ rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Mặc dù Hoa Kỳ chưa sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến trên bộ với Nga về vấn đề Ukraine, nhưng ông Buck cho rằng việc này sẽ khác nếu liên quan đến Đài Loan.
Ông nói: “Nguyện vọng bảo vệ Đài Loan lớn hơn nguyện vọng bảo vệ Ukraine.”
Ông cho biết, “Ý tưởng rằng Trung Quốc và cách họ lừa dối các mối quan hệ thương mại, cách họ đánh cắp tài sản trí tuệ, cách họ biến mình thành một cường quốc quân sự trong những năm gần đây, và cố gắng gây ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển cần thiết cho thương mại, là điều khác.”
“Đài Loan nằm ở một vị trí có thể ảnh hưởng đến khả năng giao dịch của chúng ta với Nhật Bản, với Nam Hàn và các nước láng giềng khác,” ông nói thêm. “Và để thực sự khuyến khích Trung Quốc can thiệp vào các đối tác thương mại chiến lược … Tôi không nghĩ Hoa Kỳ muốn điều đó xảy ra.”
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng Một của Trafalgar Group, phần lớn người Mỹ đều phản đối việc gửi quân hoặc thiết bị quân sự đến Ukraine trong trường hợp bị Nga xâm lược. Chỉ 15% trong số những người được hỏi tin rằng Hoa Kỳ nên cung cấp quân đội, trong khi 30% người tin rằng Hoa Kỳ chỉ nên cung cấp vũ khí và các vật tư khác.
Ngược lại, có đến 58% trong số những người được hỏi tin rằng khí tài của Hoa Kỳ nên được sử dụng để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục xâm lược.
Cả hai nhà lập pháp đều cho biết, để ngăn chặn Trung Quốc đi theo các bước của Nga đòi hỏi Hoa Kỳ phải đưa ra hành động mạnh mẽ hơn.
“Điều vô cùng quan trọng là họ [Bắc Kinh] phải nhận ra rằng nếu họ tấn công [Đài Loan] thì sẽ dẫn đến cuộc đối đầu quân sự lớn với Hoa Kỳ,” ông Chabot nói, khi kêu gọi Hoa Thịnh Đốn thay đổi chính sách mơ hồ chiến lược bao lâu nay, trong đó Hoa Kỳ vẫn cố tình mơ hồ về việc liệu họ có nên phòng thủ cho Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hay không.
“Trung Quốc không hề hữu ích chút nào,” ông Chabot nói thêm. “Nhưng điều đó không nằm ngoài dự đoán bởi vì hai đối thủ chính trên toàn cầu hiện nay … những kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ tồi tệ nhất là ông Putin và ông Tập — Nga và Trung Quốc.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của David Zhang
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: