Dân biểu Michael Waltz: Hải quân Hoa Kỳ thiếu chiến hạm để nghênh chiến với Trung Quốc
‘Quốc gia này đã trở nên quá dễ dãi khi để cho địch thủ lớn nhất của mình đóng phần lớn tàu thuyền trên thế giới,’ Dân biểu Michael Waltz nói.
HOA THỊNH ĐỐN — Một nghị sĩ cho rằng Hải quân Hoa Kỳ thiếu chiến hạm và thủy thủ có khả năng để nghênh chiến với Trung Quốc.
Trong cuộc trò chuyện hôm 05/02 tại Quỹ Di Sản, một tổ chức tư vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, Dân biểu Michael Waltz (Cộng Hòa-Florida) cho rằng sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu trên toàn thế giới khiến vấn đề này trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Tình trạng này không ổn chút nào,” ông Waltz nói.
“Chúng ta không có đủ chiến hạm, tàu buôn, [hay] năng lực đóng tàu.”
Ông Waltz, người phục vụ trong các ủy ban gồm Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, và Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng năng lực của Trung Quốc trong việc đóng hầu hết các tàu buôn trên thế giới đã mang lại cho quốc gia này cả cơ sở hạ tầng lẫn kinh phí cần thiết để sản xuất nhiều hơn Hải quân Hoa Kỳ.
“[Hoa Kỳ] đã trở nên quá dễ dãi khi để cho địch thủ lớn nhất của mình đóng phần lớn tàu thuyền trên thế giới,” ông Waltz cho biết.
“Sự thế mạnh về đóng tàu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phát triển là nhờ vào ngành đóng tàu buôn của họ.”
Các chuyên gia và quan chức quốc phòng cảnh báo rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiến đến một thời kỳ cạnh tranh hàng hải kéo dài.
Các quan chức quân sự hiểu rất rõ về năng lực suy yếu của Hải quân khi phải đụng độ trực tiếp với Trung Quốc cũng như năng lực của ĐCSTQ trong việc tận dụng các lợi thế thương mại để gia tăng thế mạnh đó.
Thông tin rò rỉ từ Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ năm ngoái (2023) tiết lộ rằng năng lực đóng tàu của Trung Quốc lớn hơn Hoa Kỳ gấp khoảng 232 lần.
Tương tự, một báo cáo năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho thấy bốn xưởng tàu lớn chịu trách nhiệm đóng tàu hải quân Trung Quốc cũng thu về hàng tỷ dollar từ việc đầu tư thương mại ngoại quốc.
Vì vậy, các công ty quốc doanh đóng tàu hàng đầu Trung Quốc có thể sử dụng lợi nhuận từ các hợp đồng quốc tế để tài trợ trực tiếp cho các dự án quân sự, chẳng hạn như việc mở rộng đội hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ.
Ông Waltz cho rằng ĐCSTQ đang chuyển sang chiếm quyền kiểm soát các vị trí chiến lược trên toàn thế giới bằng cách mua phần lớn cổ phần của các cảng quốc tế quan trọng, để quân đội của họ neo đậu ở đây.
Hải quân Hoa Kỳ đang gặp phải khó khăn để đối phó với thách thức đó, và có thể sẽ không thể đuổi kịp năng lực đóng tàu của Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Một báo cáo mới đây về Sức mạnh Quân sự Hoa Kỳ do Quỹ Di sản công bố đã xếp hạng năng lực chung của Hải quân Hoa Kỳ là “rất yếu,” đồng thời cho biết quân chủng này phải duy trì ít nhất 400 chiến hạm để chuẩn bị cho bất cứ tình huống khẩn cấp nào.
Hiện tại, Hải quân Hoa Kỳ chỉ duy trì 297 chiến hạm, và dự kiến sẽ giảm xuống còn 290 trong những năm tới.
So với Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Trung Quốc có hơn 370 tàu và tàu ngầm và dự kiến sẽ có ít nhất 460 chiếc vào năm 2030. Con số này chưa bao gồm các tàu tuần tra và hàng không mẫu hạm mang đạn đạo chống hạm của Trung Quốc.
“Do sự thiếu hụt hiện tại và dự kiến về kinh phí đóng tàu, Hải quân [Hoa Kỳ] không thể ngăn chặn và đảo ngược sự suy yếu của hạm đội của mình khi các lực lượng địch thủ ngày càng gia tăng cả về số lượng và năng lực,” báo cáo của Quỹ Di Sản cho biết.
“Các chiến hạm đang trở nên cũ kỹ nhanh chóng hơn cả khi thay bằng chiếc mới, và những chiến hạm cũ đặt gánh nặng lớn lên năng lực bảo trì của một số lượng tương đối ít xưởng đóng tàu.”
Ông Waltz chỉ trích “thủ tục lập ngân sách bất thường” của Quốc Hội và một hệ thống trường đại học không “tạo ra nguồn nhân lực mà chúng ta cần” để khởi sự và bảo trì tài sản hải quân.
“Chúng ta không thể có một chiến lược đóng tàu 30 năm vốn thay đổi mỗi năm,” ông Waltz cho biết.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times