Dân biểu Hoa Kỳ: Cảng Trung Quốc ở Lagos có thể đe dọa lục địa Hoa Kỳ bằng hỏa tiễn
Theo ông Thôi Kiến Xuân (Cui Jianchun), đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, hôm 23/01, cảng biển trị giá hàng tỷ dollar mới khánh thành của Trung Quốc ở Lagos, Nigeria, sẽ là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với nền kinh tế của quốc gia Phi Châu này.
Các hãng thông tấn vồn vã đã quảng bá lời hứa hẹn của ông Thôi rằng cảng biển này sẽ tạo ra 200,000 việc làm mới cho những người lao động sống gần Khu Thương mại Tự do Lekki, cách Lagos khoảng 23 dặm về phía đông nam.
Trung Quốc sở hữu 75% cảng này, 25% còn lại do Cơ quan quản lý Cảng Nigeria nắm giữ, cơ quan này sẽ nắm quyền sở hữu trong 45 năm.
Nhưng Dân biểu Mike Waltz (Cộng Hòa-Florida), Chủ tịch mới của Tiểu ban Hạ viện về Sự sẵn sàng chiến đấu của Quân đội đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với The Epoch Times.
Theo ông Waltz, cảng mới của Trung Quốc ở Lagos khiến cho Hoa Kỳ rơi vào thế bị động và bất lợi.
“Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đang tìm cách thay thế chúng ta với tư cách là một siêu cường và mở rộng sự hiện diện quân sự toàn cầu của Trung Quốc với cảng mới này. Họ có thể đặt một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tại cảng đó mà sẽ khiến Hoa Kỳ chỉ có vài phút để chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân,” ông Waltz nói với The Epoch Times.
“Điều đó sẽ đặt các căn cứ của chúng ta ở Jacksonville, Florida; Norfolk, Virginia; và Hoa Thịnh Đốn, vào thế nguy.”
Trong tương lai, chúng ta cần một nghị trình táo bạo hơn, thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ hơn cho Phi Châu,” ông nói.
Được xây dựng trong sáu năm và tiêu tốn 1.5 tỷ USD, Cảng Biển Sâu Lekki là cảng biển nước sâu đầu tiên của Nigeria và dự kiến sẽ là trung tâm vận chuyển container cho toàn Phi Châu, theo hãng thông tấn thương mại Nigeria.
“Cảng mới ở Lagos dường như đang phát triển theo hướng trở thành bờ biển Đại Tây Dương của Trung Quốc giống với căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Djibouti,” ông Se Hoon Kim, giám đốc Liên minh các Quốc gia bị Áp bức của Ủy ban về Nguy cơ Hiện tại, nói với The Epoch Times.
Tăng cường tiếng nói của Trung Quốc ở Phi Châu
“Có một thực tế được ghi lại trong báo cáo của chúng tôi về Sáng kiến Vành đai và Con đường rằng mọi công ty Trung Quốc ở Phi Châu — và các nơi khác trên thế giới — đều thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc hoặc là có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của chính quyền Trung Quốc.
“Một trong số những điều này là các cơ sở hạ tầng ở hải ngoại, đặc biệt là các cảng do các tập đoàn Trung Quốc xây dựng phải có khả năng đáp ứng sự hiện diện và/hoặc các hoạt động của PLA [Quân Giải phóng Nhân dân].”
“Điều đó cho thấy rõ ràng rằng cảng Lagos nhiều khả năng sẽ trở thành hình mẫu cho các cảng tương tự dọc theo bờ biển Tây Phi. Kết quả chắc chắn là Trung Quốc sẽ có tiếng nói mạnh mẽ và có khả năng có thẩm quyền gián tiếp trong toàn bộ các vấn đề chính trị và sự phát triển kinh tế của Tây Phi.”
Dự án này đã được bán ra thị trường như một cơ cấu cánh cửa mở tạo ra cơ hội về bất động sản cho các doanh nghiệp công nghiệp trong Khu Thương mại Tự do. Theo kênh truyền thông thương mại của Lagos, dự án này dự kiến sẽ tạo ra tác động to lớn đối với nền kinh tế quốc gia, mang lại doanh thu 350 tỷ USD cho nước này trong khoảng thời gian 45 năm.
Trung Quốc đang cung cấp cho các tập đoàn vận tải đường biển và đường bộ nền tảng hậu cần của riêng họ để theo dõi các chuyến hàng: một chương trình nhu liệu có tên Logink.
Ủy ban Trung Quốc của Hoa Kỳ, một bộ phận nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ, cảnh báo về những nguy cơ của việc cho phép Trung Quốc làm người cai quản về hậu cần cho tất cả các hoạt động thương mại ở Phi Châu.
“Logink cung cấp cho người dùng một kho hàng duy nhất để quản lý dữ liệu hậu cần, theo dõi lô hàng, và nhu cầu trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với chính phủ,” theo nghiên cứu của ủy ban này về Logink.
“Trung Quốc đang thúc đẩy các tiêu chuẩn dữ liệu hậu cần để hỗ trợ việc sử dụng rộng rãi nền tảng này. Thế hệ thứ hai của Logink, hiện đang được phát triển, sẽ cung cấp một bộ các ứng dụng nhu liệu doanh nghiệp dựa trên đám mây, chẳng hạn như phân tích dữ liệu nâng cao và các công cụ quản lý quan hệ đối tác kinh doanh.”
Ủy ban này cũng cảnh báo rằng các nhà đầu tư Mỹ có thể sẽ gặp bất lợi.
“Khả năng hiển thị của Logink đối với chuỗi cung ứng và vận chuyển toàn cầu cũng có thể cho phép chính quyền Trung Quốc xác định các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và theo dõi các lô hàng quân sự của Hoa Kỳ qua vận chuyển hàng hóa thương mại.
“Mặc dù Logink tuyên bố người dùng chỉ có thể chia sẻ dữ liệu họ muốn, nhưng tính bảo mật của nền tảng này vẫn chưa rõ ràng. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có khả năng có quyền truy cập và kiểm soát lượng lớn dữ liệu kinh doanh nhạy cảm và dữ liệu về chính phủ ngoại quốc thông qua Logink.”
Cơ sở hạ tầng lưỡng dụng
Ông Frank Gaffney, phó chủ tịch Ủy ban về Nguy cơ Hiện tại, một nhóm lợi ích, cho biết: “Tất cả các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc đều được thiết kế để có cả ứng dụng thương mại lẫn quân sự, đó là các khoản đầu tư lưỡng dụng.”
Ông Gaffney nói thêm: “Có thể có rất nhiều dự án như vậy ở Nam Mỹ cũng như ở Phi Châu. Không còn nghi ngờ gì nữa, cảng mới ở Lagos đã được trù hoạch để phục vụ cho khí tài quân sự của Trung Quốc, có thể là các hàng không mẫu hạm vào một ngày nào đó.
“Từ căn cứ của họ ở Nigeria, hải quân Trung Quốc có thể ngăn chặn mọi hoạt động thương mại hàng hải đi đến hệ thống cảng Đại Tây Dương của Phi Châu ở khu vực cận Sahara,” ông Gaffney nói với The Epoch Times.
Ngoài việc theo dõi những nhà vận chuyển hàng hóa trên khắp chiều dài của Phi Châu, thì cảng mới này dự tính sẽ là một trung tâm cho công nghệ giám sát của Trung Quốc.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nigeria trong nhiều năm đã khai triển thiết bị giám sát cho phép cơ quan này theo dõi các cuộc gọi và tin nhắn văn bản của công dân Nigeria, theo một báo cáo của Phòng thí nghiệm Công dân thuộc Đại học Toronto, nơi nghiên cứu về giám sát kỹ thuật số, bảo mật, quyền riêng tư, và trách nhiệm giải trình.
Công ty Nigeria có tên là Circles và được liên kết với Tập đoàn NSO có trụ sở tại Tel Aviv, một công ty cho thuê tin tặc của Israel, đã sản xuất nhu liệu Pegasus được cho là được một vài chính phủ khai triển để theo dõi những người bất đồng chính kiến.
Ít nhất hai thống đốc của Nigeria đã sử dụng nhu liệu mà họ nhận được từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nigeria để theo dõi đối thủ của họ.
Hikvision, một công ty giám sát bằng camera ghi hình có liên quan đến việc kiểm soát các phong trào của công dân Trung Quốc, được bày bán tự do ở Nigeria mặc dù các thiết bị của hãng này đã bị Ủy ban Truyền thông Liên bang cấm sử dụng ở Hoa Kỳ, vì đây được xem là một rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times