Đàm thoại về ‘cung tiễn’
Cung tiễn (cung tên) là loại binh khí lâu đời nhất trong số các loại vũ khí tầm xa. Tương truyền, Hoàng Đế đã phát minh ra cung tiễn. Chữ “Hầu” (侯) trong Giáp cốt văn có hình tượng giống như những mũi tên bắn về phía mục tiêu. Thời thượng cổ, sự dũng cảm, uy vũ rất được xem trọng, mà người bắn cung giỏi được xếp đầu trong số những người uy dũng ấy. Đây cũng chính là nguồn gốc của chữ “Hầu” trong chư hầu.
Cung tên bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, được liệt đứng đầu trong số các binh khí. Khi đó, chư hầu phân tranh, quần hùng giành chiếm đế vị, cung tên trở thành vũ khí đóng vai trò trọng yếu không thể thiếu trong chiến tranh. Các “thần tiễn” bách phát bách trúng như Dưỡng Do Cơ [danh tướng nước Sở thời Xuân Thu] xuất hiện.
Để nâng cao sức mạnh cho đội quân của mình, Lý Khôi, người từng giữ chức Quận thủ Thượng Địa của nước Ngụy, thậm chí còn ban bố “Tập xạ lệnh” (lệnh luyện tập bắn cung) nổi tiếng. Trong đó, quy định lấy bắn cung để quyết định đúng sai trong các vụ kiện cáo tố tụng. Tức là, nếu hai người có tranh chấp đến mức phải đến cửa quan, thì trực tiếp đến trường bắn tỉ thí bắn cung, người nào bắn cung thắng thì thắng kiện. Sau khi lệnh này được ban bố, người dân đều ngày đêm luyện tập kỹ năng bắn cung. Sau này khi chiến đấu với quân Tần, quân Ngụy đã đánh bại quân Tần nhờ tài bắn cung điêu luyện. Mặc dù lấy bắn cung để xử án thì sẽ không tránh khỏi xảy ra thiên lệch, nhưng nó cho thấy tầm quan trọng của cung tên ở thời cổ đại.
Vào thời nhà Hán, nhiều địa phương đã thiết lập nơi chuyên dạy bắn cung. Nhà Tây Hán còn quy định, vào mùa thu hằng năm, quân sĩ nơi biên cương phải tiến hành khảo hạch bắn cung, và lấy thành tích cuộc khảo hạch này để quyết định việc khen thưởng và xử phạt. Loại khảo thí này được gọi là “Thu tạ” (bắn cung vào mùa thu).
Người xưa xem kỹ thuật bắn cung vừa là một môn võ nghệ, vừa là một chiến thuật. Trong các điển tịch thời cổ đại đều có không ít những cảnh tượng chiến đấu bằng cung tên đầy màu sắc và sống động: “Khi hai đội quân gặp nhau, cung nỏ đi trước”; “Cung mạnh nỏ cứng, bắn giữ vững trận địa”; Bảo vệ đội hình, lấy khoảng cách “tầm tên bắn” để chống địch. Dù là công chiếm thành đoạt trại, hay phục kích, chiến đấu trên trận địa, thì cung tên đều được sử dụng làm vũ khí sắc bén để có thể “tiên thủ hạ vi cường” [ra tay trước là kẻ mạnh]. Ngay cả sau khi súng đạn ra đời, trong một thời gian khá dài, nhờ lợi thế nhẹ nhàng và linh hoạt mà cung tên vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội cho mãi đến những năm cuối triều Thanh.
Bắn cung để quan sát đức hạnh
Bắn cung là một trong “Lục nghệ” mà Nho gia cho rằng các bậc công khanh đại phu nhất định phải tinh thông. Điều có ý nghĩa sâu xa là, cung tên vốn sinh ra là để phục vụ cho võ thuật, nhưng lại trở thành công cụ và phương pháp giáo hóa lễ nhạc của Nho gia. Nho gia thông qua “xạ lễ” (lễ bắn cung) để hướng xã hội đi đến hòa bình. Có những “đại lễ bắn cung” trong các lễ tế tự trọng đại của Thiên tử. Hàng năm, vào mùa xuân và mùa thu, các châu sẽ tổ chức “Hương xạ lễ” (lễ bắn cung ở làng quê) để giáo hóa dân chúng về lễ nghi, khiêm nhường, và đã trở thành phong tục. Còn có “yến xạ” trong các buổi yến tiệc hoặc hội nghị của Quốc quân .v.v.
Lấy “lễ bắn cung ở làng quê” làm ví dụ. Từ “lễ uống rượu ở làng” đến “bắn luân phiên,” tức là ba vòng tỉ thí kỹ thuật bắn cung, sau đó đến “lữ thù” (mời rượu theo thứ tự) cũng là dựa theo tôn ti trật tự, mời rượu lẫn nhau, cho đến khi tất cả các vòng đều kết thúc. Trong quá trình mời rượu, tiếng nhạc trên dưới sảnh đường lúc hợp lúc phân, ca tấu không dứt, đến tận cùng vui vẻ mới dừng lại … Trong lễ đó, không chỗ nào không thể hiện nội hàm của lễ nhượng, khiêm tốn, tôn ti, có qua có lại …
“Vãn cung đương vãn cường, dụng tiễn đương dụng trường” (giương cung phải giương mạnh, dùng tên phải dùng tên dài). Cưỡi ngựa bắn tên chinh chiến vốn là sức mạnh của vũ dũng, tập trung vào binh lực và kỹ năng bắn cung. Tuy nhiên, Khổng Tử cho rằng đây chỉ là “chủ bì chi xạ” (bắn vào da là chính). Vào thời cổ đại, mục tiêu bắn tên hầu hết được làm bằng da động vật hoặc vải, thông thường đều được gọi là “bì” (da). Khổng Tử cho rằng, loại kỹ năng bắn cung chỉ xem trọng vũ lực này đi ngược lại với đạo xưa, việc bắn trúng “da” hay không chủ yếu dựa vào năng lực thể chất, không đáng xem trọng; mà điều đáng xem trọng hơn là đức hạnh và sự tu dưỡng của người bắn. Nho gia giảng về lòng nhân, “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (khắc chế bản thân, quay trở về lễ tiết là nhân). Lấy thượng võ và xem trọng sức mạnh của “chủ bì chi xạ,” cùng với sự thâu liễm, khắc chế và lễ nhạc kết hợp lại, thì chính là “nhân” của “khắc kỷ phục lễ” mà Nho gia đề xướng. Thông qua “xạ lễ” để giáo hóa dân chúng, thay đổi phong tục, mang “vũ” và “nhân,” “lực” và “đức” thống nhất cùng một chỗ.
Bắn cung và tu thân dưỡng tính
Nho gia đề xướng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, trong đó tu thân là việc ở vị trí hàng đầu. Vì vậy, bắn cung không chỉ là một hoạt động thể dục hoặc kỹ năng võ thuật, mà còn là một phương pháp tu thân dưỡng tính, trau dồi phong thái quân tử.
Trong sách “Lễ ký” nói: “Bắn cung mà không trúng, phải tự xét lại bản thân mình.” Nho gia cho rằng, quá trình bắn cung chính là quá trình phản tỉnh, tích lũy và tiến bộ. Chìa khóa thành công hay thất bại của bắn cung nằm ở chỗ có điều chỉnh tốt thân thể và tâm chí của mình hay không. Đây chính là “nội chí chính, ngoại thể trực” (nội tâm bên trong chính trực, thì thân thể bên ngoài ngay thẳng), và “trì cung thỉ thẩm cố” (cầm cung tên đo xét sự vững chắc). Nguyên nhân cơ bản của việc bắn mà không trúng là ở bản thân mình. Vì vậy, không nên oán trời, trách người, tìm kiếm nguyên nhân bên ngoài, mà nên tự vấn lại chính mình, tìm kiếm thiếu sót ở bản thân.
Khổng Tử từng nói trong “Luận ngữ”: “Quân tử vô sở tranh, tất dã xạ hồ, tập nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kỳ tranh dã quân tử.” Ý rằng: Người quân tử lấy việc tu thân trọng đức làm gốc, cho nên không tùy tiện hiếu thắng tranh giành cùng người khác, nếu như nói nhất định phải tỉ thí phân cao thấp, vậy thì nên lựa chọn bắn cung. Lúc tranh thắng cần “cúi người khiêm nhường mới bước lên trước,” cũng chính là một chuỗi lễ tiết khi thượng đài tỉ thí, và sau đó “hạ nhi ẩm,” cùng nhau bước xuống đài uống rượu, gọi là “quân tử chi tranh” (người quân tử đua tranh là như vậy).
Cung tên trong diễn xuất nghệ thuật của Shen Yun
Có rất nhiều điển cố về các “Thần xạ thủ” (bắn cung như Thần) nổi tiếng trong lịch sử. Ví như câu chuyện Hậu Nghệ bắn mặt trời, “Phi tướng quân” Lý Quảng thời nhà Hán bắn hổ xuyên đá, còn có Thần xạ áo trắng Tiết Nhân Quý, đại tướng thời đầu thời Đường – “tướng quân tam tiễn định Thiên Sơn, tráng sĩ trường ca nhập Hán quan” (tướng quân bắn ba mũi tên dẹp yên Thiên Sơn, tráng sĩ hát vang vào ải Hán quan)” …
Vũ đạo “Cung tiễn vũ” của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun thể hiện kỹ năng điêu luyện và tư thế hùng mạnh “thiên binh như ngọc sáng trên tuyết, tên bắn như cát trúng giáp vàng” của một nhóm cung thủ thời cổ đại, đồng thời triển hiện vẻ đẹp mạnh mẽ, cứng rắn của nam tử thời xưa.
Trong vở vũ kịch “Hằng Nga bôn nguyệt” (Hằng Nga bay lên cung trăng) của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, Hậu Nghệ chuyên tâm khổ luyện công phu bắn tên, cuối cùng thành công trong việc bắn hạ chín mặt trời trên bầu trời, chỉ để lại một mặt trời phù hợp cho sự sinh tồn của nhân loại, giải cứu hàng triệu bách tính.
Trong dòng sông dài lịch sử 5,000 năm, ngẩng đầu có vô vàn câu chuyện, cúi đầu đều là những tác phẩm văn chương. Nội hàm bác đại tinh thâm của văn hóa Thần truyền là suối nguồn sáng tạo vô tận cho các buổi biểu diễn của Shen Yun. Không giống như nhạc kịch Broadway hay múa ballet cổ điển với các chương trình cố định nhiều năm, chương trình biểu diễn của Shen Yun là những tiết mục được sản xuất mới hằng năm. Từ vũ đạo, vũ kịch, âm nhạc nguyên tác, cho đến trang phục, phông nền, mỗi năm đều được sáng tác mới! Thực sự có thể nói rằng, hoa năm nào cũng giống nhau, nhưng kịch mỗi năm mỗi khác! Quý vị nhất định đừng bỏ lỡ những tiết mục biểu diễn ắt phải thưởng thức trong đời này!
— Bài viết đăng lại từ trang web của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ