Đại sứ Trung Quốc lặp lại thuyết âm mưu rằng đại dịch có thể bắt nguồn từ Hoa Kỳ
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã lặp lại thuyết âm mưu của chính quyền Bắc Kinh rằng virus Trung Cộng có thể bắt nguồn từ Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng hôm 07/02/2021, ông Thôi Khiên Khải (Cui Tiankai) đã được hỏi liệu các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus, có được cấp “quyền tiếp cận toàn diện vào Trung Quốc hay không.”
“Họ đã ở Vũ Hán rồi. Họ đã ở Vũ Hán được vài ngày. Câu hỏi của tôi là, liệu họ có được phép đến đây [Hoa Kỳ] để làm điều tương tự không?” ông Thôi trả lời.
Ông Thôi cũng gạt bỏ các giả thuyết rằng virus có thể bắt nguồn từ cái gọi là chợ hải sản hoặc một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
“Tôi nghĩ khi mọi người đưa ra lời buộc tội, họ phải chứng minh những lời buộc tội này,” ông Thôi nói.
Virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona mới, có nguồn gốc từ Vũ Hán, mặc dù các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới vẫn chưa rõ chính xác khi nào và bằng cách nào mà virus này xuất hiện lần đầu tiên.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ “có lý do để tin rằng” một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm với các triệu chứng giống COVID-19 vào mùa thu năm 2019. Ý kiến này mâu thuẫn với tuyên bố của một nhà nghiên cứu thuộc viện này, người đã nói rằng “không có sự lây nhiễm” trong số các nhân viên và sinh viên của phòng thí nghiệm.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Cộng tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã gây ra đại dịch. Vào tháng 3 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã cáo buộc quân đội Hoa Kỳ mang virus tới Vũ Hán khi tham gia một sự kiện thể thao quân sự.
Hôm 18/01, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, cũng gợi ý rằng các chuyên gia của WHO nên “tiến hành truy vết nguồn gốc” tại Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng đã cố gắng đổ lỗi đại dịch cho các quốc gia khác, bao gồm cả Ý và Ấn Độ.
Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 05/02, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, đã đề nghị rằng “các bên liên quan” nên mời các chuyên gia của WHO đến quốc gia của mình, để thực hiện một “nghiên cứu truy tìm nguồn gốc.”
Trong cuộc phỏng vấn nói trên với CNN, ông Thôi cũng đã phản đối kịch liệt một báo cáo gần đây của hãng thông tấn BBC về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nói rằng các nguồn tin của hãng này là “không đáng tin cậy.” Dựa trên các cuộc phỏng vấn với một số cựu tù nhân và một lính canh, BBC đã đưa tin rằng những người đàn ông Trung Quốc đã tham gia vào các vụ cưỡng hiếp hàng loạt, lạm dụng tình dục và tra tấn những người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ bên trong các trại tập trung ở vùng Tân Cương viễn tây Trung Quốc.
Bắc Kinh đã giam giữ hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và Kyrgyz trong các trại này; hầu hết họ đều theo đạo Hồi. Bắc Kinh tuyên bố những trại này là “các trung tâm dạy nghề.”
“Tôi thậm chí đã đến thăm một số trung tâm dạy nghề này. Chúng chỉ giống như một khuôn viên trường học. Không phải trại lao động, mà là khuôn viên trường,” ông Thôi cho biết.
Trong một tuyên bố sau báo cáo này của BBC, Chiến dịch vô vụ lợi cho người Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo và cá nhân trên toàn thế giới sẽ quan tâm đến thực tế đau đớn này, và tự vấn sâu sắc lương tâm mình để phúc đáp.”
Bà Ziba Murat, một nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức này, cho hay trên Twitter rằng, “Với tư cách là con gái của một bác sĩ người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ tại một trong những trại giam đó, và là một người phụ nữ, thật vô cùng đau đớn khi đọc được điều này. Bất cứ ai vẫn nghĩ rằng điều này là có thể chấp nhận được, và cúi đầu trước Trung Quốc, VÀ quay lưng lại với những người Duy Ngô Nhĩ, thì đều đồng lõa như nhau.” Bà Murat là con gái của vị bác sĩ Duy Ngô Nhĩ bị mất tích Gulshan Abbas.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng báo cáo của BBC là đáng lo ngại, và tuyên bố rằng Trung Quốc nên cho phép “các cuộc điều tra độc lập ngay lập tức của các quan sát viên quốc tế.”
Vào tháng 01/2021, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ rõ rằng cuộc đàn áp của chính quyền Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số mà người Hồi giáo chiếm đa số, là sự diệt chủng và là “tội ác chống lại loài người.”
Frank Fang
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: