Đại sứ quán Hoa Kỳ kêu gọi người Mỹ không đi đến Trung Quốc
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đang kêu gọi công dân Mỹ hoãn việc đi đến và đi lại trong Trung Quốc khi nước này tiếp tục thực thi các chính sách “zero COVID” nghiêm ngặt có nguy cơ cản trở việc tiếp cận các mặt hàng thiết yếu như thức ăn, nước uống, và thuốc men.
Hôm 30/11, Đại sứ quán cho biết trong một khuyến cáo rằng tình hình COVID-19 đang thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc và việc Bắc Kinh tiếp tục thực thi các chính sách nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn việc cung cấp thực phẩm, nước, thuốc men, và các mặt hàng thiết yếu khác.
Đại sứ Nicholas Burns cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng đại sứ quán đang theo dõi tình hình COVID trên khắp Trung Quốc và hỗ trợ công dân Hoa Kỳ “đối mặt với những thách thức do các đợt phong tỏa và hạn chế.”
Điều này xảy ra khi số ca nhiễm ở Trung Quốc vẫn ở mức cao kỷ lục và khi các nhà chức trách tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19, bao gồm xét nghiệm hàng loạt và cách ly.
Đại sứ quán cho biết việc đi lại bên trong Trung Quốc vẫn “vô cùng khó khăn” trong khi các quy tắc liên quan đến việc ngăn chặn COVID-19 thay đổi thường xuyên. Cơ quan này cảnh báo rằng các quan chức Trung Quốc có thể buộc mọi người ở lại nơi cư trú của họ trong thời gian dài mà không có bất kỳ cảnh báo trước nào.
“Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có thể bị hạn chế do phong tỏa”, đại sứ quán cho biết, đồng thời khả năng rời khỏi Trung Quốc của công dân Hoa Kỳ cũng bị “hạn chế và tốn kém.”
Đại sứ quán khuyên người Mỹ nên hoãn các chuyến đi đến và đi lại trong Trung Quốc trừ khi việc đi lại của họ là cần thiết.
“Nếu quý vị lo lắng cho sự an toàn của mình vào thời điểm này, xin vui lòng cân nhắc việc quay trở lại Hoa Kỳ,” họ nói thêm.
Lời khuyên về di chuyển này theo sau một khuyến nghị hai ngày trước đó thông báo rằng người Mỹ nên dự trữ sẵn một nguồn cung cấp thuốc, thực phẩm, và nước đóng chai khẩn cấp đủ dùng trong hai tuần.
Một số thành phố ở Trung Quốc nới lỏng các hạn chế COVID-19
Một số thành phố của Trung Quốc đã thông báo rằng họ đang nới lỏng các hạn chế COVID-19 sau các cuộc biểu tình lan rộng.
Tuy nhiên, nhìn chung, các quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ kiên trì chính sách “zero COVID năng động” và không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về thời điểm các biện pháp nghiêm ngặt này sẽ kết thúc.
Hôm 30/11, tại Quảng Châu, một trung tâm sản xuất nằm gần Hồng Kông, các quan chức y tế địa phương đã thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở một số khu vực của thành phố, nhưng cho biết các khu vực của thành phố này được chỉ định là “có nguy cơ cao” vẫn sẽ bị phong tỏa.
Các quan chức Quảng Châu cũng thông báo rằng họ sẽ ngừng ra lệnh xét nghiệm COVID-19 hàng loạt trên toàn quận.
Ở những nơi khác tại Trịnh Châu, một thành phố có một nhà máy lắp ráp lớn đang sản xuất iPhone của Apple, các cơ sở kinh doanh bao gồm siêu thị, thư viện, phòng tập thể dục, và nhà hàng đều được phép hoạt động trở lại từ hôm 30/11, sau khi các quan chức địa phương cho biết các biện pháp phòng chống COVID thông thường sẽ được áp dụng tại chỗ.
Hôm thứ Tư (30/11), tại Thượng Hải, các quan chức y tế đã thông báo rằng họ sẽ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát ở 24 khu vực “có nguy cơ cao” bắt đầu từ hôm 01/12.
Trùng Khánh, một thành phố lớn ở tây nam Trung Quốc, và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã nới lỏng các hạn chế.
Các cuộc biểu tình
Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Trung Quốc từ hôm 26 đến hôm 27/11, một phần do sự phẫn nộ về một vụ hỏa hoạn gây tử vong ở khu vực viễn tây Tân Cương của Trung Quốc đã khiến 10 người thiệt mạng, theo một bản tin chính thức.
Những tuyên bố của những người biểu tình và trên các diễn đàn trực tuyến cáo buộc rằng các hạn chế COVID-19 tại địa phương đã ngăn cản cư dân thoát khỏi đám cháy và trì hoãn những nhân viên ứng phó khẩn cấp tiếp cận hiện trường.
Các quan chức địa phương đã phủ nhận việc các hạn chế virus theo bất kỳ cách nào đã góp phần dẫn đến con số tử vong này, đồng thời đổ lỗi cho các phương tiện bị bỏ lại trên các con đường vì đã chặn lối vào của xe cứu hỏa.
Tuy nhiên, các nhà phê bình đã phản đối luận điệu này từ chính phủ, tranh luận trên các diễn đàn trực tuyến rằng các biện pháp hạn chế di chuyển liên quan đến COVID-19 đã dẫn đến việc xe hơi bị bỏ lại trên các con đường, đồng thời bày tỏ sự thất vọng với các chính sách virus hà khắc của đất nước này.
Người biểu tình đã sử dụng những cuộc biểu tình này để yêu cầu nhiều hơn là chỉ chấm dứt các biện pháp phong tỏa — một số đã yêu cầu cải cách chính trị, bao gồm kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức và bãi bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).