Đài Loan và Hoa Kỳ khởi động đàm phán Hiệp định thương mại, Trung Cộng lập tức phản đối
Hôm thứ Tư (30/6), Đài Loan và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc hội đàm trực tuyến “Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Hoa Kỳ – Đài Loan” (Trade and Investment Framework Agreement, TIFA) sau 5 năm tạm ngừng.
Tờ tiếng nói của Đức có tên Deutsche Welle đưa tin, dẫn đầu cuộc hội đàm trực tuyến, phía Đài Loan có bà Dương Trân Nê, Phó Trưởng đoàn đàm phán Văn phòng Đàm phán Kinh tế và Thương mại, Viện Hành chính; phía Hoa Kỳ có ông Terrence J. McCartin, Trợ lý Đại diện Thương mại (USTR).
Sau cuộc họp trực tuyến, USTR đã ra thông cáo nói, rất vui mừng khi hai bên nối lại các cuộc tiếp xúc thương mại cao cấp và bày tỏ hy vọng rằng hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ, không chỉ để làm sâu sắc hơn liên hệ thương mại và đầu tư Hoa Kỳ – Đài Loan, mà cũng để hỗ trợ các chính sách thương mại lấy lao động làm trung tâm với tư cách là một đối tác dân chủ và theo đuổi chống lại vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm công tác về lao động mới theo cơ cấu khung TIFA.
Thông cáo nêu rõ: Hoa Kỳ và Đài Loan đã thảo luận một loạt các vấn đề về thương mại và đầu tư khi hội đàm; đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực như bảo vệ bí mật thương mại của doanh nghiệp Đài Loan và sẽ sửa đổi các thủ tục đánh giá thiết bị y tế của Đài Loan.
Ngoài ra, các nhà chức trách Hoa Kỳ và Đài Loan đã cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề thương mại, bao gồm những trở ngại thị trường mà các nhà sản xuất thịt bò và thịt heo của Hoa Kỳ phải đối mặt.
Trước sự khởi động lại của TIFA, phía Trung Cộng đã lập tức phản đối và nhấn mạnh rằng, chính quyền Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc luôn phản đối việc các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ký kết bất kỳ hiệp định nào có hàm ý chủ quyền và tính chất chính thức với khu vực Đài Loan”.
Triệu Lập Kiên nói, “Chúng tôi nhắc nhở Hoa Kỳ thực hiện nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong 3 bản thông cáo chung Trung-Hoa Kỳ, đình chỉ mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan, giải quyết vấn đề Đài Loan một cách thận trọng và không gửi bất kỳ tín hiệu sai lệch nào cho các thế lực Đài Loan độc lập”.
Đáp lại phản ứng trên từ phía Trung Cộng, trong cuộc họp báo ngày 28/6, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki bày tỏ quan điểm, rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư Hoa Kỳ – Đài Loan là rất quan trọng và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường liên hệ kinh tế và thương mại với Đài Loan. “Đó là lý do vì sao chúng tôi chờ đợi cuộc hội đàm về TIFA”, bà Jen Psaki nói.
Cũng tại buổi họp báo, bà Jen Psaki đã phủ nhận việc Hoa Kỳ sử dụng vaccine để đổi lấy chất bán dẫn của Đài Loan. Bà Jen Psaki trả lời: “Không nên có ý nghĩ như vậy”, nhưng bà cũng đề cập rằng nguồn cung cấp vaccine của hòn đảo này đã bị cắt.
Cho đến nay Đài Loan đã nhận được 4.85 triệu liều vaccine, trong đó 1.24 triệu liều do Nhật Bản tặng, 2.5 triệu liều do Hoa Kỳ tặng. Ngày 30/6, một lô 410 ngàn liều vaccine được chở từ Hoa Kỳ bằng tàu bay tới Đài Bắc.
Trước đó, ngày 8/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đề cập đến khả năng nối lại đối thoại về thương mại với Đài Loan, vốn bị trì hoãn từ thời cựu TT Barack Obama.
Cụ thể, tại phiên điều trần về đề xuất ngân sách thường niên của Bộ Ngoại giao trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, khi được hỏi về quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về thỏa thuận thương mại với Đài Loan, ông Blinken đáp: “Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai sẽ có câu trả lời cụ thể, nhưng tôi biết rằng chúng tôi đang, hoặc sẽ sớm có thảo luận với Đài Loan về một dạng thỏa thuận khung, và các cuộc thảo luận này chắc là cũng đang khởi động”.
Nhận định về câu trả lời của ông Blinken, một phát ngôn viên của văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ cho biết, điều quan trọng là tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại song phương với Đài Loan. “Chúng tôi hiện chưa có cuộc gặp nào để thông báo”, vị đại diện này nói.
Về phía Đài Loan, một phát ngôn viên văn phòng đại diện Đài Loan tại Washington khẳng định, đang tham gia thảo luận với Đại diện thương mại Hoa Kỳ, hy vọng sẽ đạt tiến triển về mối quan hệ thương mại song phương.
Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Đài Loan tại tổ chức German Marshall Fund (Hoa Kỳ), phát biểu của ông Blinken là tín hiệu thể hiện việc Washington muốn khôi phục cơ chế đối thoại khung về thương mại, đầu tư với Đài Loan, vốn không còn được tổ chức kể từ thời ông Obama.
Chuyên gia về Đài Loan này cho rằng, thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ với Đài Loan (nếu có), rất có thể sẽ khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại về một hiệp định thương mại tự do, và khuyến khích các nước khác tiếp bước đàm phán thương mại với vùng lãnh thổ này.
Bắc Kinh vốn phản đối các quan hệ chính thức giữa các nước với Đài Loan. ĐCS Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình.
Nam Hải tổng hợp
Xem thêm