Đài Loan cảnh báo Trung Quốc sẽ trả ‘giá đắt’ nếu xâm lược vào ngày kỷ niệm trận Kim Môn
ĐÀI BẮC – Đài Loan quyết tâm tự vệ và kẻ địch xâm lăng sẽ phải trả “giá đắt”, Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) cho biết hôm thứ Ba (23/08) nhân kỷ niệm trận giao tranh cách đây sáu thập niên, khi quân đội Đài Loan đánh trả quân xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đã leo thang trong tháng qua sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự gần Đài Loan để bày tỏ sự tức giận của họ trước những gì họ cho là một bước tiến tăng cường trong sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc này.
Khi gặp gỡ các sĩ quan quân đội, bà Thái tán dương “tinh thần” phòng thủ trước những trận pháo kích kéo dài hơn một tháng của ĐCSTQ vào đảo Kim Môn và đảo Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát, ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, bắt đầu vào cuối tháng 08/1958.
Trong các văn bản mà văn phòng của bà công bố, bà Thái cho biết, “Trận đánh này đã bảo vệ Đài Loan cho chúng ta, và nó cũng nói với thế giới rằng không có mối đe dọa nào có thể làm lung lay quyết tâm bảo vệ đất nước của người dân Đài Loan.”
“Những gì chúng ta phải làm là để cho kẻ địch hiểu rằng Đài Loan có quyết tâm và sự chuẩn bị để bảo vệ đất nước, cũng như khả năng tự vệ,” bà nói thêm.
“Xâm lược Đài Loan hay cố tìm cách xâm lược Đài Loan sẽ phải trả giá đắt, và hành động đó sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.”
Trước đó cùng ngày, trong một gặp gỡ với phái đoàn gồm các cựu quan chức Mỹ hiện đang làm việc tại Viện Hoover của Đại học Stanford, bao gồm ông Matt Pottinger, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, bà Thái nói rằng trận chiến năm 1958 đã mở đường cho Đài Loan ngày hôm nay.
“Sáu mươi bốn năm trước trong trận chiến ngày 23/08, những binh sĩ và thường dân của chúng ta đã thực hiện chiến dịch đoàn kết và bảo vệ Đài Loan, để chúng ta có được một Đài Loan dân chủ như ngày nay,” bà nói, dùng cách gọi của Đài Loan cho trận chiến vốn kết thúc trong bế tắc khi Trung Quốc không chiếm được đảo này.
Sau đó, Đài Loan đã chiến đấu với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, quốc gia đã gửi thiết bị quân sự bao gồm hỏa tiễn phòng không Sidewinder tân tiến, mang lại cho Đài Loan một lợi thế về công nghệ.
Thường được gọi là Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ hai, cũng là lần cuối quân đội Đài Loan chiến đấu với quân đội của ĐCSTQ trên quy mô lớn cho đến nay.
Cam kết của Hoa Kỳ
Trong phái đoàn Hoa Kỳ có ông James O. Ellis, một đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu. Ông nói rằng sự hiện diện của phái đoàn đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác của người dân Hoa Kỳ.
“Phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan, một phần của sự hợp tác này liên quan đến việc tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan cũng như khả năng của Hoa Kỳ trong việc răn đe và kháng cự bất kỳ hành động vũ lực nào trên Eo biển Đài Loan,” Ông Ellis nói với bà Thái, đề cập đến một đạo luật của Hoa Kỳ quy định nước này phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Hoa Kỳ, nước từ bỏ bang giao chính thức với Đài Bắc để ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979, vẫn là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan.
Bà Thái nói, “Khi Đài Loan đứng trên tuyến đầu đối mặt với sự bành trướng của chế độ độc tài, chúng tôi tiếp tục củng cố quyền tự chủ quốc phòng, và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với Hoa Kỳ trên phương diện này.”
Các cuộc tập trận của ĐCSTQ gần Đài Loan đã gây ra mối đe dọa đối với hiện trạng ở eo biển và trên toàn khu vực, và các đối tác dân chủ cần phải làm việc cùng nhau để “bảo vệ chống lại sự can thiệp của các quốc gia độc tài,” bà nói thêm.
Sau cuộc gặp đó, bà Thái đã gặp hai nhà lập pháp Nhật Bản, và các nghị sĩ ngoại quốc khác cũng sẽ đến thăm Đài Loan trong năm nay, bao gồm cả các nghị sĩ Canada và Anh, mặc cho ĐCSTQ gây áp lực để ngăn cản các chuyến đi.
Chính phủ Đài Loan nói rằng vì ĐCSTQ chưa từng cai trị hòn đảo này nên không có quyền tuyên bố chủ quyền với hòn đảo hay quyết định tương lai của nó, số phận của hòn đảo này chỉ có thể được định đoạt bởi 23 triệu dân Đài Loan mà thôi.