Đài Loan cân nhắc cấm TikTok trên toàn quốc sau khi cấm trên các thiết bị của chính phủ
Theo một quan chức chính phủ cho biết, Đài Loan đang cân nhắc lệnh cấm trên toàn quốc đối với ứng dụng video TikTok do Trung Quốc sở hữu sau khi cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị được sử dụng trong khu vực công do lo ngại về an ninh quốc gia.
Taiwan News đưa tin, hôm 09/12, Bộ trưởng Kỹ thuật số của Đài Loan, bà Đường Phượng (Audrey Tang), cho biết rằng một cuộc họp của ủy ban liên bộ sẽ được tổ chức trong tháng này để thảo luận về khả năng mở rộng lệnh cấm này ra toàn xã hội.
Điều này xảy ra sau khi có tin Đài Loan cấm cài đặt TikTok và Douyin phiên bản Hoa ngữ trên các thiết bị trong khối ngành công vì hai phần mềm này được xem là gây nguy hại cho an ninh thông tin quốc gia.
Một quan chức ẩn danh từ Bộ Kỹ thuật số cho biết các thiết bị này bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, và máy điện toán để bàn. Lệnh cấm này cũng áp dụng cho nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Xiaohongshu, còn được gọi là Tiểu Hồng Thư.
Ông Hà Chí Vỹ (Mark Ho), một nhà lập pháp của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền, cho biết tại một cuộc họp của cơ quan lập pháp hôm 06/12 rằng, ứng dụng video do ByteDance sở hữu có thể được sử dụng để truyền bá “thông tin sai lệch của mặt trận thống nhất.”
Theo Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan, công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh không có chi nhánh tại Đài Loan, và các công ty do Trung Quốc tài trợ không được phép điều hành các nền tảng trực tuyến tại quốc gia này.
Ông Hà cho hay, có nhiều tài khoản trên ứng dụng Douyin mạo danh thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) và các cơ quan chính phủ Đài Loan đã gây lo ngại về an ninh.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền với chính phủ dân cử, và đã cam kết sẽ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.
The Epoch Times đã liên lạc với TikTok để đề nghị bình luận.
Mối lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ
Ông Brendan Carr, một trong năm ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ, đã tán dương “sự lãnh đạo thông minh” và “mạnh mẽ” của Đài Loan trong việc cấm TikTok khỏi các thiết bị của khu vực công.
Trước đó, ông Carr đã thúc giục Hoa Kỳ cấm TikTok vì ông tin rằng các quan chức Hoa Kỳ sẽ không thể xác định liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng TikTok hay không.
Gần đây, Giám đốc FBI Christopher Wray đã tuyên bố rằng TikTok là một phần trong chiến lược của ĐCSTQ nhằm thu thập dữ liệu về các cá nhân trên khắp thế giới. Các quan chức cho biết họ không rõ chính quyền này sẽ sử dụng dữ liệu đó vào mục đích gì.
Ông Wray nói trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng Mười Một, “Chúng tôi có những lo ngại về an ninh quốc gia, rõ ràng là từ phía FBI, về TikTok.”
Ông nói thêm, “Những mối lo ngại này gồm khả năng [ĐCSTQ] có thể sử dụng [nền tảng này] để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng hoặc kiểm soát thuật toán khuyến nghị có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng nếu họ chọn làm thế, hoặc để kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị.”
Hôm 02/11, TikTok đã đưa ra một tuyên bố rằng, “chính sách quyền riêng tư” của họ “dựa trên một nhu cầu đã được chứng minh để thực hiện công việc của họ,” áp dụng cho “khu vực kinh tế Âu Châu, Anh Quốc, và Thụy Sĩ.”
Ông Elaine Fox, người đứng đầu bộ phận quyền riêng tư của TikTok tại Âu Châu, cho biết mặc dù ứng dụng mạng xã hội này hiện đang lưu trữ dữ liệu người dùng Âu Châu tại Hoa Kỳ và Singapore, nhưng nền tảng này cho phép “một số nhân viên trong tập đoàn của chúng tôi” có quyền truy cập từ xa vào dữ liệu người dùng TikTok Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips và Bryan Jung
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times