Đại diện Thương mại Tai nói rằng Hoa Kỳ phải đối mặt với ‘những thách thức rất lớn’ từ Trung Quốc
HOA THỊNH ĐỐN/BẮC KINH – Hôm thứ Tư (26/05), Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với “những thách thức rất lớn” trong mối liên kết kinh tế và thương mại với Trung Quốc, mà vấn đề này đòi hỏi sự chú ý của chính phủ TT Biden trên mọi lĩnh vực.
Bà Tai đã nói chuyện với hãng thông tấn Reuters trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc điện đàm trực tuyến đầu tiên của bà với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), một cuộc họp mà trong đó bà đã đưa ra “các vấn đề cần quan tâm,” theo văn phòng của bà.
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết rằng, “Trong cuộc trao đổi thẳng thắn của họ, Đại sứ Tai đã thảo luận về các nguyên tắc chỉ thị của chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm của chính phủ ông Biden-bà Harris và quá trình đánh giá đang diễn ra của bà về mối liên kết thương mại Mỹ-Trung, đồng thời nêu ra các vấn đề đáng quan tâm.”
Bộ Thương mại Trung Quốc đã mô tả các cuộc đàm phán này là “một sự trao đổi thẳng thắn, thực tiễn, và mang tính xây dựng.”
“Cả hai bên coi việc phát triển thương mại song phương là rất quan trọng. [Cả hai bên] đã trao đổi quan điểm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm và nhất trí duy trì liên lạc.”
Cuộc họp này đã đánh dấu sự tham gia chính thức đầu tiên giữa những nhà lãnh đạo thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức vào hồi tháng Một.
Sự kiện này diễn ra vào thời điểm TT Biden đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc về các vấn đề vi phạm nhân quyền và tìm cách tập hợp Nhóm 7 (G-7) quốc gia đồng minh giàu có của mình để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.
Cách giải quyết đại dịch COVID-19 của Trung Quốc – đại dịch hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới – cũng đã khiến Hoa Kỳ và các đồng minh của họ tức giận.
Cũng trong hôm thứ Tư, TT Biden đã ra lệnh cho các trợ lý điều tra những giả thuyết khác nhau do các cơ quan tình báo Hoa Kỳ xác nhận về nguồn gốc của virus, bao gồm cả khả năng xảy ra một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Trung Quốc cho biết họ ủng hộ một “cuộc điều tra kỹ lưỡng” nhưng cảnh báo Hoa Kỳ nên tránh chính trị hóa vấn đề này.
Chính phủ TT Biden đang tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện chính sách thương mại Mỹ-Trung, trước khi thỏa thuận Giai đoạn 1 hết hạn vào cuối năm 2021.
Những thách thức ‘vẫn còn đó’
Bà Tai nói với Reuters rằng thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 là quan trọng nhưng chỉ là một phần của một mối quan hệ phức tạp.
Bà Tai cho biết, “Những thách thức tổng thể mà chúng tôi gặp phải với Trung Quốc cũng vẫn còn đó và chúng rất lớn.”
Bà Tai nói rằng thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 nên được nhìn nhận trong bối cảnh “tổng thể thương mại Mỹ-Trung, và mối quan hệ kinh tế vốn đang rất, rất thách thức. Và đòi hỏi sự chú ý của chúng tôi trên mọi lĩnh vực.”
Hai nước đã ký thỏa thuận thương mại này vào tháng 01/2020 – ngay trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Thỏa thuận này kêu gọi Trung Quốc gia tăng việc mua các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm chế tạo, năng lượng, và các dịch vụ từ Hoa Kỳ lên 200 tỷ USD trong năm 2020 và 2021, so với mức cơ sở năm 2017.
Thỏa thuận này đã giải tỏa bớt căng thẳng cho cuộc chiến thuế quan kéo dài hai năm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump tiến hành nhằm mục đích thay đổi các thủ đoạn thương mại của Trung Quốc, mặc dù thuế quan vẫn áp dụng đối với hàng trăm tỷ USD hàng thương mại.
Chính phủ TT Biden đã hứa hẹn một sự phản hồi mạnh mẽ tương tự đối với mô hình kinh tế do nhà nước điều hành của Trung Quốc, bằng các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực đổi mới để duy trì lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã thiếu khoảng 40% so với các mục tiêu mua hàng vào năm 2020, và vẫn đang chậm trễ trong việc nhập cảng hàng hóa năm 2021, trong khi chỉ còn bảy tháng để hoàn thành thỏa thuận kéo dài hai năm này.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thì, cho đến hết năm 2020, tổng kim ngạch nhập cảng của Trung Quốc đối với các sản phẩm được bảo hộ từ Hoa Kỳ là 99.9 tỷ USD, so với mức cam kết là 173.1 tỷ USD.
Trung Quốc cũng đồng ý giảm bớt các rào cản trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và các quy định về công nghệ sinh học nông nghiệp, cũng như thực hiện các bước để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Thỏa thuận này đã không giải quyết được những lo ngại cơ bản của Hoa Kỳ về chuyển giao công nghệ và các khoản trợ cấp khổng lồ cho các doanh nghiệp nhà nước-những vấn đề mà chính phủ cựu TT Trump nói rằng họ sẽ giải quyết trong một thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.
Do Reuters thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: