Đại diện thương mại Hoa Kỳ: Chính phủ TT Biden trước mắt không có kế hoạch dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ Nhật (28/03), Đại diện Thương mại Hoa Kỳ mới nhậm chức Katherine Tai nói với tờ The Wall Street Journal (WSJ) rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden trước mắt không có dự định dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, mặc dù bà đã báo hiệu có thể có các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi được [Thượng viện] chuẩn thuận, bà Tai cho biết bất kỳ quyết định đột ngột nào nhằm dỡ bỏ thuế quan đều là thiếu thận trọng vì chúng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, trừ khi sự thay đổi đó được “truyền đạt trong một phạm vi để các tác nhân trong nền kinh tế có thể thực hiện những điều chỉnh.”
Bà nói: “Cho dù họ là các doanh nghiệp, các thương nhân, những nhà sản xuất hay công nhân của họ, thì khả năng lập kế hoạch cho những sự thay đổi ảnh hưởng đến tương lai của họ là điều cần thiết.”
Bà Tai cũng lưu ý rằng việc đơn phương dỡ bỏ thuế quan mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Trung Quốc sẽ không phải là điều khôn ngoan.
“Không có nhà đàm phán nào lại đi từ bỏ lợi thế, đúng không?” bà nói, và ám chỉ rằng thuế quan là một cái gai mà Trung Cộng luôn thúc giục phải dỡ bỏ.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan lên hàng tỷ USD sản phẩm của Trung Quốc trong một nỗ lực đương đầu với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Cộng, trong đó có các khoản trợ cấp lớn dành cho các công ty Trung Quốc và chiến dịch đánh cắp tài sản trí tuệ Hoa Kỳ do Trung Cộng hậu thuẫn.
Bên cạnh việc áp thuế đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, ông Trump đã hủy niêm yết các công ty viễn thông Trung Quốc khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen—bao gồm cả nhà sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán lớn nhất Trung Quốc—và cấm giao dịch với các ứng dụng có liên hệ với Trung Quốc. Chính phủ cựu TT Trump cũng tham gia vào các cuộc đàm phán với Trung Cộng nhằm buộc Bắc Kinh phải xem xét lại toàn bộ các hoạt động theo chủ nghĩa trọng thương của mình.
Trung Quốc đã trả đũa bằng thuế quan đối với hơn 110 tỷ USD sản phẩm của Hoa Kỳ.
Trước khi rời nhiệm sở, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khi đó là ông Robert Lighthizer đã hối thúc chính phủ sắp tới của ông Biden duy trì thuế quan đối với Trung Quốc và nói rằng phương hướng chung của ông Trump về thương mại đã giúp thay đổi quan điểm đối với việc coi Trung Quốc không chỉ là một đối thủ cạnh tranh mà còn là một địch thủ.
“Chúng tôi đã thay đổi cách mọi người nghĩ về Trung Quốc,” ông Lighthizer nói với WSJ trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 11/01. “Chúng tôi đã thay đổi cách mọi người nghĩ về thương mại, và chúng tôi đã thay đổi cách các mô hình đó vận hành,” ông Lighthizer cho biết, và nói thêm rằng, “Tôi hy vọng rằng điều đó sẽ được tiếp tục.”
Bà Gina Raimondo, người gần đây đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, thừa nhận rằng thuế quan của ông Trump đã “có hiệu lực,” trong các bình luận để củng cố quan điểm rằng chính phủ TT Biden sẽ không vội vàng rút lại các loại thuế gây tranh cãi.
Bà Raimondo nói với đài MSNBC trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Dữ liệu cho thấy những mức thuế đó đã có hiệu lực. Những gì Tổng thống Biden đã nói là sẽ có một cuộc rà soát của toàn bộ chính phủ về tất cả các chính sách này và quyết định xem cái nào hợp lý để giữ lại.”
Mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận năm 2020 để chấm dứt chiến tranh thương mại, nhưng những thuế quan này vẫn được duy trì, một phần là đòn bẩy để bắt Trung Quốc thực hiện các cam kết của họ theo hiệp định, mà bao gồm cả một cam kết mua thêm hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc còn lâu mới thực hiện được như đã hứa.
Hiệp định này cũng đòi hỏi phải có các cuộc họp định kỳ sáu tháng một lần giữa Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và một người đồng cấp phía Trung Quốc. Cuộc họp này hiện đã quá hạn hai tháng và không có cuộc họp nào được lên lịch, theo WSJ, hãng thông tấn đưa tin bà Tai nói sẽ liên hệ với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc “khi đến thời điểm thích hợp.”
Do Tom Ozimek thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: