Ngài Benjamin Franklin – con đường thành công dựa trên nền tảng đạo đức
Trong kỷ nguyên mà COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, nhiều người đã mắc chứng trầm cảm, và càng nhiều người hơn nữa trở nên thường xuyên âu lo. Điều này vô tình đã khiến việc cung cấp những “giáo trình tự lực” trở thành một công việc làm ăn béo bở. Ý tưởng về nhật ký đức hạnh của ngài Benjamin Franklin rõ ràng là đối lập với những tư tưởng thành công đương thời – vốn đặt nặng thành tựu về vật chất thay vì sống đời đạo đức.
Ngày nay, Internet tràn ngập với rất nhiều “chuyên gia,” họ hứa hẹn sẽ làm bạn yên tâm, họ hứa hẹn sẽ giúp bạn có được sự tự do về tài chính, và hứa hẹn sẽ giúp bạn đạt được hạnh phúc. Và việc mà bạn phải làm chỉ đơn giản là nhấp chuột vào những đường dẫn để đăng ký những khóa học đó và học từ những video đính kèm. Nhìn chung, tất cả những khóa học trên đều xoay quanh việc cam kết nhằm đạt được những kết quả tài chính mỹ mãn, nhưng chỉ một số trong đó là mang đến lợi ích thật sự cho người học, còn hầu hết chỉ là trò lừa phỉnh không hơn không kém. Tuy nhiên một bộ phận trong chúng ta lại sẵn sàng chi những khoản tiền mà mình đã vất vả làm ra hòng giải quyết những bất ổn nội tại hoặc những cuộc khủng hoảng về nhân sinh quan.
Vậy liệu có một giải pháp thay thế nào vừa đơn giản, vừa rẻ, nhưng lại hiệu quả nhằm giúp chúng ta vươn đến những thành công? Vậy xin bạn hãy để tâm đến cách mà ngài Benjamin Franklin đã áp dụng khi ông soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, khi ngài phát minh ra cột thu lôi, khi ngài trở thành vị Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Bưu Chính và Viễn Thông đầu tiên, và cả khi chân dung ngài được in trên tờ 100 USD. Và trên hết, điều đáng để đề cập khi chúng ta nhắc về Benjamin Franklin rằng Ngài chính là nhà tiên phong trong việc đề cao bản thân, bất kể xuất thân nghèo khó và thậm chí phải bỏ học từ năm 10 tuổi.
Ông luôn nghiêm túc đối đãi với việc tự hoàn thiện bản thân. Ông rất nghiêm ngặt và rất chắt chiu trong việc thu xếp thời gian của chính mình. Và việc viết “nhật ký đức hạnh” là một phần quan trọng và là nét độc đáo trong cách sắp xếp thời gian của ông.
Thay vì ghi chép về những mục tiêu và những tham vọng về vật chất, ngài Franklin đã viết nhật ký đức hạnh. Nó giúp ông soi chiếu bản thân dựa trên 13 đức tính căn bản – những đức tính mà ông tin là cần thiết để một người có thể sống một đời đức hạnh – đó là: tính ôn nhu, sự trầm tư, tính tổ chức, sự quyết tâm, tính tiết kiệm, sự tận tâm, lòng chân thành, sự công bình, tính điều độ, sự gọn gàng, sự tĩnh tại, sự trinh bạch, và tính khiêm tốn.
Ngài Franklin đã chọn 13 đức tính trên một phần vì chúng vừa vặn với một năm dương lịch – khi nhân 13 với 4, ta được 52. Ông đã trui rèn một đức tính mỗi tuần và ông cho rằng những thành công vĩ đại mà ông có được phần lớn là nhờ việc theo dõi sự tiến bộ của chính mình về giác độ đạo đức.
Điều làm cho phương pháp độc đáo này của trở nên thuyết phục là nó không chỉ giúp ngài Franklin sống một đời đức hạnh mà còn tạo nên tính cách và tư duy cần thiết để đạt được rất nhiều thành tựu trên rất nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, ngài Franklin chắc chắn là người có khiếu sáng tạo và trí tuệ thiên bẩm, nhưng nếu bỏ qua nền tảng đạo đức vững chãi kia, những thành tựu của ông ắt sẽ không được nhiều người tán tụng đến vậy. Có thể nói rằng những thành công đó chính là sản phẩm phụ của quá trình rèn luyện đạo đức.
Vòng tuần hoàn của đức hạnh
Ý tưởng về nhật ký đức hạnh rõ ràng là đối lập với những tư tưởng thành công đương thời – vốn đặt nặng thành tựu về vật chất thay vì sống đời đạo đức.
Nhiều người vẫn bám giữ lối mòn về tư duy, họ thường dốc lòng cố gắng hòng đạt được những thành công về vật chất, kể cả khi phải đánh đổi bằng đạo đức và sự liêm chính. Chính sự mất cân bằng trong cách sống này đã gây ra những khủng hoảng ở tuổi trung niên – điều thường gặp ở những người thành công ngày nay.
Vậy thử hỏi điều gì sẽ xảy đến nếu chúng ta từ bỏ việc theo đuổi vật chất để bước đi trên con đường liêm chính của riêng mình và đồng bám sát những giá trị đạo đức vốn có. Có một nghịch lý là việc rũ bỏ một cách triệt để chủ nghĩa duy vật có thể là cách tốt nhất để đưa ta đến thành công về vật chất, những thứ suy cho cùng cũng chỉ là sự bất tận trong hư vô, hay cũng chỉ là những mong đợi khiến ta héo mòn.
Xét về bản chất, nhật ký đạo đức chính là việc trò chuyện hàng ngày với lương tâm của chính mình.
Việc lập danh sách gồm các giá trị cá nhân dựa trên niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh của bản thân cho phép chúng ta nhìn rõ những vấn đề của riêng mình. Và ta sẽ rèn luyện được những phẩm chất cao quý khi ta thành thật với chính mình về những giá trị, những tiêu chuẩn cần thiết để có một cuộc đời đáng sống.
Bằng cách đặt ra cho bản thân những tiêu chuẩn thay vì tùy tiện hành xử theo ý thích cá nhân, chuỗi cơ hội dựa trên nền tảng đức hạnh sẽ xảy đến. Một người với phẩm chất tốt chắc chắn sẽ thu hút những người có đạo đức cao, và thế là những cơ hội (đòi hỏi sự đức hạnh) sẽ lần lượt xuất hiện.
Việc theo đuổi sự cao thượng hiển nhiên sẽ gặp phải muôn trùng gian khó, vì không có điều cao quý nào là không đòi hỏi sự nỗ lực. Tuy nhiên việc cố gắng để có một đời sống đức hạnh sẽ khiến tâm hồn ta cao quý, và ngược lại, sự truy cầu những thứ bất chính sẽ chiêu mời những điều bất hảo.
Hãy thử ngẫm lại xem đã bao lần ta đối mặt với những cám dỗ để rồi ta bóp méo sự thật vì lợi những ích cá nhân, để rồi mọi thứ trở nên tồi tệ, và cuối cùng lương tâm ta cắn rứt? Nếu xét trên một phương diện hẹp hòi, sự ma mãnh, trên thực tế, có thể khiến mọi sự hanh thông một cách tức thời, tuy nhiên lại khiến ta thui chột trên con đường xây dựng những đức tính cần có cho những thành công bền vững về sau.
Từ tất cả các tôn giáo, lời của những thánh giả và những bậc hiền triết như còn vang trong lòng của những con người công chính: “Việc ta nên làm là vun bồi những giá trị sẵn có, thay vì theo đuổi những thứ hời hợt ngoài kia.”
Tuy sự hoàn hảo là một mục tiêu bất khả thi với cả những người giỏi nhất, việc đề cao bản thân để tiệm cận với những giá trị hoàn hảo sẽ giúp ta có những bước tiến vượt ngoài sự mong đợi. Ngài Franklin chắc chắn đã nhận ra điều này khi ông viết những dòng sau trong cuốn tự truyện của mình: “Dù bản thân chưa bao giờ đạt đến sự hoàn hảo mà tôi hằng mong mỏi, dù còn rất nhiều thiếu sót, tuy nhiên, bằng nỗ lực, tôi đã trở thành một người tốt hơn và hạnh phúc hơn chính tôi trước đó.”
Ryan Moffatt là một ký giả sống tại thành phố Vancouver.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: