Cựu thực tập sinh Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương tiết lộ nội tình ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống (Phần 1)
Ghi chú của biên tập viên: Đây là thời đại mà đại thiện và đại ác đồng thời tồn tại. Khi các giá trị quan của thiện và ác được bày trước mắt mỗi người, đối diện với những tội ác chưa từng có trên hành tinh này, lựa chọn điều thiện, lên tiếng ngăn chặn cái ác, hay phớt lờ, hợp sức với ma quỷ … là lựa chọn mà mỗi người chúng ta buộc phải đưa ra. Bài viết này tường thuật lại câu chuyện về một người dân Trung Quốc. Nội dung bài viết có thể khiến quý vị cảm thấy đau lòng, suy ngẫm, và rồi dường như tiếp thêm dũng khí giúp quý vị mạnh mẽ đứng lên …
29 năm trước, số phận đưa đẩy, một chàng thanh niên vô tư, hoạt bát, tràn đầy sức sống bị cuốn vào một tình cảnh nguy nan. Kể từ đó, chàng trai trẻ với điều kiện sống sung túc, tiền đồ sáng lạn này đã bị lương tâm đè nặng, phải sống mai danh ẩn tích trong bóng đen của tội lỗi. Vậy trong suốt 29 năm qua, rốt cuộc chàng trai năm ấy đã phải trải qua những thăng trầm gì?
Vào một ngày lạnh nhất của tháng Hai năm 2015, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện một cuộc phỏng vấn tại một tòa chung cư của thành phố Toronto, Canada. Khi đó, ông ấy (nhân vật được phỏng vấn) đã dùng bí danh để công khai tiết lộ câu chuyện mà đích thân ông trải nghiệm. Và hôm nay, sau tám năm, chúng tôi lại một lần nữa tương phùng. Cuối cùng người đàn ông năm ấy đã đủ dũng khí để xuất hiện trước công chúng, tiết lộ đầy đủ những tội ác chấn động vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay …
Ông ấy tên là Trịnh Trị (Zheng Zhi), dưới đây là tự thuật của ông: (Trong bài viết có tường thuật chi tiết nạn thu hoạch nội tạng sống đẫm máu, quý vị vui lòng cân nhắc trước khi đọc).
Phần 1: Vào Học viện Lục quân Thẩm Dương
Vào đầu những năm 1990, tại Lăng Đông Kinh, quận Văn Thánh, thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, có một cao ốc thương mại phức hợp sáu tầng, gồm cửa hàng kinh doanh ở tầng một và khu dân cư sinh sống ở các tầng trên. Đó là một khu phố sầm uất. Phòng khám Đông Thăng nổi tiếng ở địa phương này tọa lạc tại tầng một của tòa nhà, chủ phòng khám này là cha tôi, mọi người gọi ông là bác sĩ Trịnh.
Cha tôi là một người rất nổi tiếng ở địa phương. Trước khi về hưu ông là trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp của Bệnh viện 153. Ông là một người giỏi chuyên môn và có tiếng nói ở bệnh viện. Luận văn của ông được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, hơn nữa còn được đưa vào “Lịch bàn Tầm y Vấn dược” đầu tiên của Trung Quốc. Tất cả các nhân viên trong bệnh viện đều kính trọng cha tôi.
Cha tôi đã mở Phòng khám Đông Thăng trước khi ông về hưu. Gia đình tôi có nghề Trung Y gia truyền chuyên chữa trị các bệnh về hô hấp và tiêu hóa, như bệnh viêm đại tràng, hen suyễn, v.v. Ngày đó, người đến thăm khám rất đông, xe của chính quyền thành phố và quân khu thường đậu trước cửa phòng khám, quan chức chính quyền thành phố và quân khu thường dẫn theo tài xế và trợ lý đến đây khám chữa bệnh.
Gia đình tôi sống ở lầu hai của phòng khám. Cha tôi là mẫu người đàn ông điển hình của vùng Đông Bắc. Ông nhiệt tình, hào sảng, hiếu khách, giỏi ngoại giao, và có nhiều mối quan hệ xã hội. Nhà tôi thường có nhiều bạn hữu của cha đến chơi, khách đến ngồi kín một bàn ăn, khi thì tiếp khách tại nhà, khi lại ra quán ăn đối diện. Một số lãnh đạo cao cấp của chính quyền thành phố và Quân khu Thẩm Dương là những vị khách quý thường xuyên đến nhà tôi và có mối giao hảo với cha tôi. Ngày đó, ngôi nhà của chúng tôi lúc nào cũng náo nhiệt và vui vẻ.
Tôi là con trai một trong gia đình, được cha mẹ và hai chị gái rất mực yêu thương. Mọi người chớ thấy bây giờ trông tôi rất hướng nội, kỳ thực ngày trước tôi là một người hoạt bát vui vẻ, thích ca hát, có rất nhiều bằng hữu. Tôi thường đi ăn và hát karaoke cùng với họ. Ngày đó, khi tôi đang học y khoa tại Trường Lục quân Đại Liên, hễ đến cuối tuần là tôi thường được xe quân đội đến đón, tất cả binh lính đứng gác cổng đều quen biết tôi. Đôi khi tôi và bạn học còn trèo tường trốn ra ngoài đi ăn, khi trở về lính gác cổng nhìn thấy bèn mở cổng cho tôi vào.
Ở địa phương nơi tôi sinh sống, nhà tôi có một địa vị nhất định, về cơ bản hễ muốn giải quyết việc gì thì chỉ cần một cuộc điện thoại là được giải quyết.
Năm 1994 là thời điểm tôi bước vào giai đoạn thực tập lâm sàng. Khi đó tôi đang nghỉ hè ở nhà tìm nơi thực tập, lúc rảnh rỗi tôi sẽ đến phòng khám để phụ giúp cha.
Một ngày nọ, Lão Phúc (Lao Fu), một sĩ quan từ Cục hậu cần của Quân khu Thẩm Dương đến phòng khám nhà tôi, khi vừa nhìn thấy tôi, anh ấy đã nói: “Ồ, Tiểu Trị này, sao em lại ở nhà vậy?”
Cha tôi trả lời anh ấy rằng: “Tiểu Trị đang tìm chỗ thực tập, cậu có thể tìm giúp em ấy một nơi không?”
“Dạ, được, được, được ạ,” Lão Phúc nói liên tiếp ba lần.
Có một số bệnh viện quân sự trong Quân khu Thẩm Dương, tất cả đều thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Hậu cần Quân khu. Lão Phúc đã chọn cho tôi một bệnh viện tốt nhất – Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương. Vài ngày sau, anh ấy trực tiếp đưa tôi đến Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương, các thủ tục ăn ở sinh hoạt được hoàn tất ngay trong ngày. Hóa ra anh ấy đã làm mọi thủ tục từ trước đó, nếu là người khác, thì phải mất vài ngày để được chấp thuận.
Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương (nay là Bệnh viện Đa khoa của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Bắc) tọa lạc ở thành phố Thẩm Dương và là bệnh viện hàng đầu của ba tỉnh Đông Bắc. Để được vào làm việc hay thực tập ở bệnh viện này đều phải có lai lịch, một điều kiện tiên quyết mà ai cũng biết rõ trong lòng, cho nên về sau mọi người thường không bao giờ hỏi về xuất thân của đối phương.
Tôi được một cán bộ Cục hậu cần của quân khu trực tiếp đưa đến bệnh viện, đó là điều khiến tôi cảm thấy mình vượt trội nhất ở đây. Khi đó, tôi có thể tùy ý lựa chọn phòng ban thực tập, và tôi đã chọn Khoa ngoại tổng quát, Khoa ngoại tim mạch, và Khoa tiết niệu. Đây đều là những khoa trọng điểm nhất của bệnh viện và cũng là những khoa mang về lợi nhuận cao nhất cho bệnh viện.
Trong bệnh viện, không phải thực tập sinh nào cũng có cơ hội tham gia phẫu thuật trên bàn mổ, vì bác sĩ hướng dẫn sẽ phải gánh vác rủi ro thay cho thực tập sinh. Vậy mà tôi lại có rất nhiều cơ hội vào phòng phẫu thuật ở tất cả các phòng khoa. Ai cũng biết tôi có lai lịch, và bác sĩ cũng mong được tiếp xúc với những sinh viên có bối cảnh đặc biệt như tôi.
Trung Quốc là một xã hội đặt nặng mối giao thiệp, một xã hội của đặc quyền, và điều này được thể hiện một cách rõ ràng ở Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương. Ở Thẩm Dương, hễ có tiền là có thể làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, ở Học viện Lục quân, có tiền mà không có mối quan hệ cũng không làm được gì.
Bệnh nhân của bệnh viện này đều là những chỉ huy quân sự hoặc quan chức chính quyền. Khi đó, dù tôi thực tập ở phòng ban nào cũng thường nhận được lời mời đi dùng bữa, tặng quà, còn có cả phong bì của các sĩ quan. Quà tặng ngày đó có nào là ly, khăn lụa, thuốc lá, rượu. Tôi là một thực tập sinh, nhưng trong các đợt đến thăm khám, bệnh nhân sẽ khéo léo tặng riêng cho tôi một phong bì trị giá 100 đến 200 nhân dân tệ. Những bác sĩ khác nhận còn nhiều hơn, nhưng tôi không biết rõ con số là bao nhiêu. Thời điểm đó gia đình tôi có điều kiện rất tốt nên tôi thường không nhận những phong bì đó.
Khi đó, ở địa phương xảy ra rất nhiều vụ ẩu đả, nhưng hễ là người bước ra từ bệnh viện thì sẽ có vị thế hơn, không ai dám bắt nạt họ. Rất nhiều bệnh nhân sau khi chữa trị ở bệnh viện này sẽ để lại thông tin liên lạc với hy vọng sau này sẽ có thể nhờ cậy được nhiều hơn. Sau đó, tôi cũng kết bạn với một số người bản địa làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Khi đó, hễ nhà tôi có công việc gì, thì chỉ cần một cuộc điện thoại là giải quyết xong.
Bệnh viện này có cấy ghép nội tạng, nổi tiếng khắp cả nước, rất có tiếng tăm. Tôi nhớ khi tôi đang thực tập ở khoa ngoại tim mạch, có một người đàn ông giàu có quê ở Thâm Quyến đích thân đáp phi cơ đến Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương để thay tim. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vẫn chưa có thuật ngữ “nội tạng sống.” Vì vậy, vị này phải chờ đợi rất lâu nhưng vẫn không tìm được nội tạng phù hợp. Còn có một sĩ quan cao cấp ở Quân khu Thẩm Dương cần ghép thận, nhưng ông đã chờ đợi suốt ba năm mà vẫn không có kết quả, cho nên phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Vào thời điểm đó, bệnh viện có rất nhiều người xếp hàng chờ được cấy ghép nội tạng, nhưng việc này diễn ra rất khó khăn. Lúc này tôi mới hiểu rằng, rất khó để tìm được nội tạng phù hợp.
Phần 2: Tham gia thu hoạch nội tạng sống
Nhiệm vụ quân sự bí mật
Sau đó, tôi được chuyển sang thực tập ở khoa tiết niệu. Một ngày nọ, bệnh viện đột nhiên nhận được điện thoại từ Quân khu Thẩm Dương, cho biết đây là một mệnh lệnh quân sự, yêu cầu nhân viên y tế phải lên xe ngay lập tức để thực thi một nhiệm vụ quân sự bí mật.
Lúc đó đại khái là vào buổi chiều, mọi người vừa dùng xong bữa trưa. Giám đốc khoa bắt đầu điểm danh, bác sĩ và y tá có tổng cộng sáu người, hai nữ (một y tá trưởng và một y tá), ba nam bác sĩ quân y, và tôi cũng được gọi tên.
Những bác sĩ và y tá không được gọi tên thì được yêu cầu rời đi, những ai có trong danh sách được yêu cầu ở lại. Sau đó, giám đốc bắt đầu ra chỉ lệnh: Kể từ bây giờ, mọi người bắt buộc phải cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, kể cả người thân, bằng hữu, không ai được dùng các phương tiện liên lạc.
Tất cả điện thoại đều đặt trên bàn. Mặc dù lúc đó tôi rất muốn gọi điện về cho gia đình, nhưng đây là hành động quân sự bí mật, không được tiết lộ cho bất cứ ai.
Sau đó, nhóm chúng tôi gồm sáu bác sĩ và y tá tập trung ngay lập tức và lên một chiếc xe van đã được ngụy trang.
Tôi phát hiện, bệnh viện điều hai chiếc xe van giống hệt nhau, và chúng tôi đã lên một trong hai chiếc xe đó. Tôi không biết rõ nội tình của chiếc xe còn lại. Dẫn đầu là một chiếc xe quân sự khác, cửa xe này không đóng, bên trong có binh lính cầm súng.
Khi ấy, tôi bỗng hoang mang, không biết mình phải đi làm công việc gì?
Chiếc xe van lập tức lăn bánh, xe quân sự mở đường phía trước, đoàn xe ra khỏi Bệnh viện Đa khoa Quân đội hướng lên đường cao tốc. Xe quân sự mở đường bắt đầu bật đèn cảnh sát và hú còi cảnh báo, tất cả các phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc đều phải nhường đường, đoàn xe di chuyển với tốc độ rất cao …
Trên đường đi, sắc mặt ai nấy đều nghiêm túc, không một ai nói lời nào. Bên trong xe trang bị rèm vải màu xanh nhạt che kín, không cho phép người ngồi bên trong nhìn ra ngoài. Qua khe hở của tấm rèm cửa, tôi nhìn thấy những binh lính cầm súng ngồi ở ghế hành khách phía trước.
Một lúc sau, chiếc xe dừng lại gần một tòa nhà và mọi người xuống xe. Tôi phát hiện, nơi này được bao quanh bởi những ngọn núi, có binh lính mặc quân phục đứng gác xung quanh tòa nhà này. Một sĩ quan bước đến đón chúng tôi, viên sĩ quan này nói rằng nơi đây là một nhà tù quân đội rất gần Đại Liên.
Mổ sống lấy thận
Vào buổi tối ngày hôm đó, nhóm chúng tôi lưu lại tại khu nhà khách của quân đội địa phương, viên sĩ quan đón tiếp và chúng tôi cùng nhau dùng bữa tối. Trên bàn ăn, viên sĩ quan này nói với người phụ trách của chúng tôi rằng, bộ phận tạng thu hoạch vào ngày mai rất khỏe mạnh, tươi sống; người này nói thêm, đó là tạng của một thanh niên trẻ chưa đến 18 tuổi, cha mẹ cậu đã bỏ ra số tiền 10,000 nhân dân tệ để thu xếp cho cậu vào quân đội.
Khi trở về phòng nghỉ ngơi vào buổi tối, tôi phát hiện bên ngoài căn phòng của mình có binh lính đứng gác.
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi và một y tá đi theo hai người lính vào trong phòng giam để lấy máu xét nghiệm. Việc cấy ghép nội tạng đòi hỏi phải kiểm tra nhóm máu, tránh xảy ra sai sót.
Lấy máu xong, mọi người lên xe. Xe nhanh chóng khởi hành, đến một địa điểm mà tôi không biết tên thì dừng lại, mọi người đều yên lặng đợi trên xe, không ai nói chuyện.
Qua khe cửa khép hờ, tôi nhìn thấy binh lính cầm súng tiểu liên đứng vây quanh xe, họ quay mặt hướng ra ngoài, lưng hướng vào xe.
Tôi và mọi người ngồi đợi trên xe, không được phép có bất kỳ động tĩnh nào, không khí vô cùng nghiêm túc. Tôi phát hiện cửa phía sau xe không khóa cứng mà chỉ khép hờ.
Không lâu sau, đột nhiên có người gõ cửa xe, sau đó cửa xe được mở ra. Có bốn người lính tầm vóc cường tráng áp giải một người khác đến. Sau khi lên xe, họ đặt người này nằm trên một chiếc túi nhựa màu đen. Trên xe đã được trải sẵn một túi nhựa màu đen chuyên dụng, dài khoảng hơn hai mét, rất rộng.
Tôi nhìn thấy đó là một chàng trai trẻ, cả hai chân của cậu ấy bị buộc chặt bằng một loại dây đặc biệt, giống như sợi nhân tạo, rất mỏng, dây đã hằn sâu vào da thịt của cậu. Hai tay cậu bị trói sau lưng, trên cổ cũng bị quấn bằng một sợi dây thừng nối với sợi dây trói tay sau lưng. Chỉ cần giẫm lên sợi dây trói phía sau, là cậu ấy sẽ không thể đứng dậy được, người chỉ khẽ động thì cổ sẽ bị siết chặt, không thể đứng dậy, không thể vùng vẫy.
Lúc này, vị bác sĩ ngồi đối diện nói với tôi: Giẫm lên cậu ta đi, không cho cậu ta nhúc nhích. Tôi đè chắc phần chân. Tôi phát hiện, nhiệt độ cơ thể của cậu ấy … vẫn nóng, còn phần cổ họng … đang chảy máu đỏ tươi, máu chảy kín toàn bộ phần cổ họng nên nhìn không thấy rõ hình dạng của vết thương …
Phóng viên: [Lúc này] Ông Trịnh Trị khó khăn nói một từ, hai từ, trong trạng thái gần như không thể nói được một câu hoàn chỉnh. Ông dùng cả mười ngón tay nắm chặt mép bàn phía trước ngực, cả người nghiêng hẳn sang một bên, ông cứ đứng lên rồi lại ngồi xuống. Sau đó ông hơi cúi người, nửa đứng nửa ngồi; khuôn mặt ông méo mó, hai mắt mở rất to, kinh hãi nhìn tôi, rồi ông lại nhìn ra ngoài cửa sổ, vô cùng hoảng sợ và bất lực, miệng cứ lặp đi lặp lại: “Quá đáng sợ, quá kinh khủng …”
Cuộc phỏng vấn không thể tiếp tục, chúng tôi bị bao trùm trong một bầu không khí vô cùng căng thẳng, thời gian dường như dừng lại. Một lúc sau, ông Trịnh Trị mới có thể bắt đầu nói ngắt quãng rằng:
Lúc này, chúng tôi bắt đầu hành động. Dưới sự giúp đỡ của y tá, toàn bộ nhân viên y tế nhanh chóng mặc y phục phẫu thuật gồm nón, khẩu trang, găng tay, bịt kín chỉ chừa lại đôi mắt. Tôi là người trợ lý phẫu thuật, phụ trách cắt động mạch, tĩnh mạch, ống dẫn niệu.
Y tá trưởng nhanh chóng dùng kéo cắt bỏ quần áo của người thanh niên ra, sau đó dùng thuốc khử trùng lau toàn bộ từ vùng bụng đến ngực ba lần.
Lúc đó, một bác sĩ trong nhóm cầm dao mổ, rạch một đường lớn từ phía dưới xương ức đến tận rốn, toàn bộ khoang bụng bị mở ra. Ngay lập tức, nào máu, nào ruột phun trào ra ngoài …
Một bác sĩ khác nhanh chóng đẩy ruột sang bên đối diện, nhanh chóng cắt ra một quả thận; bác sĩ đối diện cũng nhanh chóng cắt lấy quả thận còn lại …
Trong một loạt động tác phẫu thuật đó, tôi thấy người thanh niên đáng thương nằm ở đó, hai chân anh co quắp, cổ họng anh cứ mấp máy nhưng không thể phát ra tiếng …
“Mau, mau cắt động mạch, tĩnh mạch!” Bác sĩ nói với tôi, tôi cầm kéo lên, cắt đứt mạch máu, ào một cái, máu lập tức phun trào ra, cả người tôi, tay tôi bị phun toàn là máu …
Máu còn chảy, chứng tỏ người này vẫn còn sống. Điều này quá đáng sợ …
Động tác của các bác sĩ rất thuần thục, tốc độ rất nhanh. Chẳng mấy chốc, cả hai quả thận đã được lấy ra và nằm gọn trong tay bác sĩ. Bác sĩ dùng nước muối sinh lý rửa sạch các mạch máu của quả thận, để phòng ngừa các mạch máu dính vào nhau; một y tá khác cầm hộp giữ nhiệt độ ổn định, hai quả thận sau khi rửa xong được đặt vào chiếc hộp đó.
Mổ sống lấy nhãn cầu
Lúc này, vị bác sĩ đối diện bảo tôi cắt lấy nhãn cầu.
Khi ấy tôi ngồi đó, tôi nhìn vào khuôn mặt của người thanh niên … Chúa ơi, cậu ấy đang mở to đôi mắt nhìn tôi, trông sợ hãi vô cùng. Ánh mắt đó không thể dùng ngôn từ nào để biểu đạt, cứ như vậy nhìn tôi, nhìn tôi chằm chằm …
Thật khủng khiếp! Không thể dùng ngôn từ để diễn đạt sự kinh hoàng đó. Cậu ấy đang nhìn tôi, mí mắt cậu ấy vẫn còn đang chớp, cậu ấy vẫn còn sống …
Lúc đó, đầu óc của tôi trống rỗng, điều này thật quá kinh khủng! Tôi sợ hãi, toàn thân tôi cứng đờ, run rẩy, suy yếu đến mức không còn sức lực, tôi không thể cử động được nữa.
Lẽ nào là cậu ấy ư? Tôi nhớ lại buổi tối đầu tiên ở nhà khách, khi dùng bữa tối, viên sĩ quan kia đã nói với người phụ trách của chúng tôi rằng: “Chưa đến 18 tuổi, là một cơ thể sống rất khỏe mạnh.”
Quá đáng sợ, tôi nói với vị bác sĩ kia: “Tôi không làm được.”
Lúc này, vị bác sĩ đó lập tức dùng tay trái, tàn nhẫn ấn mạnh đầu cậu ấy xuống sàn, dùng hai ngón tay giữ chặt mí trên, tay phải cầm cây kẹp cầm máu khoét vào khoang mắt, toàn bộ nhãn cầu bị kéo ra ngoài …
Tôi đứng đơ ra ở đó, run rẩy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, người lả đi …
Phóng viên: [Lúc này] Giọng của ông Trịnh Trị run rẩy, nước mắt dâng trào; bầu không khí như ngưng đọng, đó là một sự im lặng đến đáng sợ … Một lúc sau, ông khó nhọc nói tiếp …
Chờ tạng sống
Lúc này, một vị bác sĩ gõ vào vách ngăn, quân nhân ngồi ở ghế phụ lái bắt đầu nói qua bộ đàm. Rất nhanh sau đó, có bốn người đi vào từ cửa sau của xe, dùng cái túi nhựa màu đen dài hơn 2 mét kia gói toàn bộ người thanh niên lại. Khi đó, cậu ấy đã không còn cử động được nữa, mấy quân nhân lôi cậu ấy lên một chiếc xe tải quân dụng có bạt che đang đỗ ngoài cổng, và rời đi …
“Các anh đưa cậu ấy đi đâu vậy?” Tôi hỏi.
“Sẽ giải quyết gọn gàng và nhanh chóng,” một vị bác sĩ đáp lời.
“Rầm,” cánh cửa xe nhanh chóng đóng lại, xe khởi động. Y tá nhanh chóng gom tất cả quần áo, nón phẫu thuật và găng tay cao su lại, đặt chung vào một chỗ, đợi về đến nơi sẽ đem đi tiêu hủy. Chiếc xe quân sự dẫn đầu nhấp nháy đèn cảnh sát, hú còi inh ỏi, còn chiếc xe van chạy với tốc độ rất nhanh …
Đến Bệnh viện Lục quân Thẩm Dương, đèn của hai phòng phẫu thuật đã bật sáng, đó là dấu hiệu cho thấy ca phẫu thuật đang được tiến hành. Chúng tôi nhanh chóng đưa nội tạng đến phòng phẫu thuật. Lúc này, một nhóm bác sĩ phẫu thuật khác đang đứng bên cạnh bàn mổ, họ đã chuẩn bị sẵn sàng.
Lúc này, toàn thân tôi yếu đến mức không còn sức lực, không thể làm được bất cứ việc gì. Chủ nhiệm khoa còn muốn để tôi thực hành thêm trên bàn mổ, nhưng khi thấy tình trạng của tôi như vậy, bèn cho tôi sang một bên nghỉ ngơi. Tôi ngồi bên cạnh, chỉ cách bàn mổ vài mét, tôi có thể nhìn thấy những bác sĩ đó đang thực hiện ca cấy ghép nội tạng …
Tinh thần gần như sụp đổ
Sau khi ca ghép tạng kết thúc, mọi người cùng nhau đến dùng bữa ở một nhà hàng cao cấp, ai nấy đều im lặng không nói một lời, cúi đầu uống rượu, ăn thịt, …
Tôi thì ngồi đờ đẫn, từng hình ảnh ở hiện trường thu hoạch nội tạng sống đó như một bộ phim không ngừng hiện ra trước mắt tôi, từng tế bào trong cơ thể tôi đều sợ hãi. Nhìn những dĩa thịt cá trước mặt, tôi chỉ muốn ói, không thể nào ăn được.
Tôi xin chủ nhiệm khoa cho nghỉ phép, về nhà nghỉ ngơi, và ông đã đồng ý. Tôi không về ký túc xá, mà đi thẳng về nhà mình.
Tôi bắt đầu sốt cao, mẹ tôi hỏi có chuyện gì đã xảy ra? Tôi không dám kể sự thật, chỉ nói qua rằng tôi đã tham gia vào một cuộc phẫu thuật. Mẹ tôi nghĩ đó chỉ là một ca phẫu thuật ngoại khoa bình thường nên bà cũng không đặt nặng chuyện này. Tôi không dám kể với ai trong gia đình, cho nên người thân trong nhà đều không biết chuyện.
Trong một khoảng thời gian rất dài sau đó, cho dù là ngày hay đêm, trước mắt tôi vẫn hiện lên cảnh tượng khủng khiếp đó: Bên trong chiếc xe van kéo kín rèm màu xanh nhạt kia, mọi người đều mặc áo phẫu thuật màu trắng, đeo găng tay cao su trắng, đội nón trắng, khẩu trang trắng, chỉ để lộ đôi mắt … Y tá giơ cao bóng đèn lên, ánh sáng mạnh chiếu thẳng xuống … Nằm bên dưới là một sinh mạng trẻ, đồng loại của chúng ta, một người đang sống sờ sờ … Cậu ấy đang bị thu hoạch nội tạng sống … Đôi mắt của cậu, ánh mắt không thể dùng ngôn từ nào để diễn đạt, ánh lên nỗi thống khổ, sự kinh hãi. Ánh mắt kinh hãi đó cứ nhìn tôi … nhìn tôi chằm chằm …
Tôi cảm thấy mình như sắp phát điên, toàn thân sụp đổ trong một thời gian dài …
Nhiều năm trôi qua, nội tâm tôi đã trải qua sự giằng xé trong suốt nhiều năm, nhưng ký ức kinh hoàng đó vẫn không thể nào xóa nhòa … Người chưa từng đích thân trải qua sẽ không thể cảm nhận được cảm giác thống khổ đó. Đã bao năm trôi qua rồi, tôi không muốn chạm đến ký ức đó, tôi cố tình né tránh nó. Hễ nhắc đến chuyện này là tôi không thể kiểm soát được bản thân mình.
Một mặt, nội tâm của tôi vô cùng bất an, tận mắt chứng kiến một sinh mệnh còn sống bị hạ sát, tôi không thể chịu đựng được sự đả kích này, tôi không muốn nhắc lại. Mặt khác, tôi lo lắng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truy sát, diệt khẩu, … Loại áp lực tinh thần vô hình đó càng làm tôi thống khổ không thôi …
Kể từ ngày đó, tôi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, không muốn tiếp xúc với xã hội, tôi trở nên vô cùng cô độc.
Phóng viên: Khi cuộc phỏng vấn hồi năm 2015 kết thúc, đã là 5 giờ 30 phút chiều, cuộc phỏng vấn này kéo dài trong 7 tiếng rưỡi đồng hồ. Trong suốt quá trình đó, đôi mắt của ông Trịnh Trị nhòe đi vì nước mắt, nhưng ông không thể khóc thành tiếng.
Vài giờ sau khi tôi rời đi, cứ sau 5 phút ông Trịnh lại gọi điện cho tôi, ông lo lắng cho sự an toàn của tôi, lo tôi sẽ bị gián điệp truy lùng. Ông liên tục dặn dò tôi: “Đừng đưa tin, đừng nói với bất kỳ ai về chuyện này.”
Tôi cảm nhận được sự lương thiện và quan tâm của ông. Tôi cũng dần chìm sâu trong nỗi sợ hãi của ông, dường như tôi cũng giống như ông, cũng trở thành người tham gia vào ca cấy ghép nội tạng đó. Tôi cũng hoảng sợ bất an, không thể làm được gì.
Năm ngày sau, cuối cùng tôi cũng hoàn thành bản thảo, đó là trách nghiệm không thể trốn tránh. Cuối cùng, ông Trịnh Trị cũng đồng ý công bố bài viết với bút danh là George. Vì để tránh những kẻ xấu tìm được manh mối sót lại, chúng tôi đã lái xe quanh thành phố Toronto, đi đến rất nhiều nơi và cuối cùng đã tìm được một khoảng đất trống. Đó là một cánh đồng cỏ phủ đầy tuyết. Dưới bầu trời u ám, tôi đã chụp lại bức hình phía sau lưng của ông.
Một đêm trước ngày bài báo được công bố, ông Trịnh đã nhờ tôi giúp ông rời khỏi Canada, ông lo lắng sẽ bị đặc vụ truy sát. Ngay khi tôi đang sắp xếp mọi thứ, thì ông đột nhiên nói với tôi rằng sổ thông hành của mình đã hết hạn và phải mất một tháng mới có thể hoàn tất.
Và hôm nay, sau tám năm, ông Trịnh Trị lại ngồi đối diện với tôi, mặc dù ánh mắt của ông vẫn còn phảng phất chút bất an, nhưng đã bình tĩnh và thản đãng hơn nhiều. Ông kể cho tôi nghe về cuộc sống trong tám năm qua của mình, và cũng tiết lộ thêm nhiều nội tình đen tối …
Chịu trách nhiệm biên tập: Văn Phong, Cao Tĩnh
Nhóm biên dịch tin tức Hoa ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ