Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bị kiểm duyệt
Hôm 15/04, cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đăng một bài báo để tưởng nhớ người mẹ đã khuất của mình. Tuy nhiên, bài viết này đã bị kiểm duyệt, có thể vì ông Ôn đã mập mờ kêu gọi sự công bằng, chính trực, nhân văn và tự do cho đất nước.
Ông Ôn, hiện 78 tuổi, từng là quan chức cao cấp thứ hai của Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2013. Trong bài viết trên, ông nói rằng quãng đời của ông khi còn đảm đương vị trí đó “giống như đi trên lớp băng mỏng.”
Người dân Trung Quốc đã kinh ngạc khi biết rằng ngay cả ông Ôn cũng không thoát khỏi sự kiểm duyệt ngày càng nghiêm ngặt của nhà cầm quyền này.
Ông Cao Du (Gao Yu), ký giả và nhà bình luận người Trung Quốc, đã đăng trên Twitter hôm 19/04 rằng, “WeChat đã kiểm duyệt những lời tri ân sâu sắc của ông Ôn Gia Bảo dành cho mẹ của ông nhân dịp lễ Thanh Minh, [ngày tảo mộ ở Trung Quốc]. Điều này thực sự là cạn lời!”
Ký giả Cao cho biết ông Ôn chắc chắn hiểu rất rõ tư tưởng cộng sản và tự kiểm duyệt mình một cách nghiêm ngặt, điều này đã khiến nhiều người Trung Quốc ngạc nhiên khi thấy bài viết của ông bị cấm.
Hôm 19/04, ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng ông Ôn đã gián tiếp bày tỏ sự thất vọng và bất mãn đối với chế độ của ông Tập Cận Bình bằng cách viết trong bản tri ân về cha mẹ ông và cảm xúc của bản thân, đó là lý do tại sao nhà cầm quyền này không cho phép mọi người đọc nó.
Bài viết luận của ông Ôn
Mẹ của ông Ôn đã qua đời vào cuối năm 2020 ở tuổi 99.
Để bày tỏ nỗi buồn và lòng biết ơn người mẹ, ông Ôn đã viết một bài báo dài trước dịp lễ Thanh Minh, tức là hôm 04/04. Từ ngày 25/03 đến ngày 15/04, bài viết của ông Ôn được tách thành bốn phần và đăng trên Macao Herald, một tờ báo địa phương của Macao có trụ sở chính đặt tại thành phố Chu Hải tiếp giáp với Macao, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Trong bài báo này, ông Ôn nhớ lại cuộc đời của mẹ ông, và mô tả cách cha ông bị tra tấn trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ từ năm 1966 đến năm 1976, bởi vì cha ông là một giáo viên.
Ông Ôn viết, “Cha bị giam trong trường, và thường xuyên bị tra khảo, mắng nhiếc và đánh đập. Một ngày nọ, những kẻ nổi loạn đã đánh vào mặt ông và khiến khuôn mặt bị sưng tấy. Vết sưng quá nặng khiến ông ấy không thể nhìn thấy gì.”
Trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa, chế độ cộng sản Trung Quốc đã đưa hầu hết các học giả, trí thức và giáo viên đến các vùng nông thôn để làm việc như những nông dân, cũng như làm nhục họ trước công chúng.
Ông Ôn đã nhiều lần kể về cách mẹ ông đã dạy ông trở thành một con người chính trực và một công chức chính trực luôn trân trọng và tuân theo tiêu chuẩn đạo đức, cũng như quan tâm đến những nhóm người yếu thế.
Khi ông Ôn được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông nói rằng mẹ ông đã viết thư động viên ông. Sau đó, ông viết: “Tôi đã làm việc tại Trung Nam Hải (chính quyền trung ương của Trung Quốc) trong 28 năm … Tôi đã tuân theo các mệnh lệnh một cách rất cẩn trọng, giống như đi trên lớp băng mỏng hoặc đi bên cạnh một vực thẳm đen tối. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần có thể bị sa thải ngay từ ngày đầu tiên.”
Cuối bài viết này, ông Ôn bày tỏ mong muốn: “Trong trái tim tôi, Trung Quốc cần phải là một quốc gia đầy công bằng và công lý. Ở đất nước này, ý chí của con người, tính nhân văn và bản chất của con người cần phải luôn được tôn trọng và tinh thần ấy cần phải luôn tươi trẻ, tự do và cần cù.”
Bị kiểm duyệt
Bài viết luận của ông Ôn ban đầu không thu hút được nhiều sự chú ý vì tờ Macao Herald chủ yếu nhắm đến độc giả ở Macao.
Hôm 17/04, bài báo này đã được chia sẻ hàng trăm nghìn lượt trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi được các nhà bình luận và và kênh thông tấn thân Bắc Kinh Phoenix có trụ sở tại Hồng Kông đăng lại thành một bài báo hoàn chỉnh.
Vài giờ sau, bài viết này đã bị các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cấm và Phoenix cũng gỡ bài xuống. Nhưng phiên bản lưu trữ của trang web này cũng như các bản sao đã lưu trong bộ nhớ đệm vẫn có thể truy cập vào được ở bên ngoài Trung Quốc.
Chống lại ông Tập?
Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 19/04 rằng, “Ông Ôn nói rằng ông ấy nhận được sự giáo dục tuyệt vời từ mẹ của mình. Ông ấy đang ám chỉ rằng ông Tập Cận Bình không được cha mẹ dạy dỗ tử tế.”
Ông Đường giải thích, “Cha của ông Tập là một người theo chủ nghĩa tự do trong Đảng Cộng sản. Ông ấy [cha của ông Tập] đã chống lại Cách mạng Văn hóa [do cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông khởi xướng], ông ấy ủng hộ thương mại tự do và nền kinh tế thị trường. Ông Tập có quan điểm chính trị khác với cha của ông. Ông Tập cố gắng điều chỉnh các chính sách của Mao Trạch Đông cho phù hợp với Trung Quốc hiện tại.”
“Đồng thời, lời kêu gọi của ông Ôn hoàn toàn trái ngược với chiến lược của ông Tập Cận Bình,” ông Đường cho biết, và chỉ ra rằng chính quyền của ông Tập đang xây dựng một quốc gia toàn trị bằng cách kiểm soát từng người thông qua các quy tắc và luật lệ nghiêm ngặt.
“Ai dám nói một cách công khai về tự do, công lý hoặc nhân văn ở Trung Quốc?” Ông Đường đặt câu hỏi. “Bài viết của ông Ôn đang đổ lỗi cho chế độ của ông Tập vì đã theo đuổi sự bất công, vô nhân đạo, bất công bằng và bức hại ở Trung Quốc.”
Ngoài ra, ông Tập đã ra lệnh cho tất cả các quan chức và người dân Trung Quốc phải xây dựng một “quan điểm đúng đắn về văn hóa đảng,” có nghĩa là cho dù bất kể điều gì đã từng xảy ra trong lịch sử, những người phát ngôn công khai trước công chúng chỉ được phép thể hiện hình ảnh của “Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại, quang vinh và đúng đắn.”
Ông Đường cho biết thêm, “Giống như đứa trẻ trong câu chuyện ‘Bộ Quần Áo Mới của Hoàng đế,’ đã buột miệng nói rằng hoàng đế không mặc gì cả, câu chuyện về Cách mạng Văn hóa của ông Ôn đã tiết lộ sự thật về cuộc sống ở Trung Quốc mà chế độ của ông Tập không cho phép nói đến.”
Do Nicole Hao thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: