Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc từng là giám sát thẩm tra nội dung TikTok
Theo bài báo trên trang web Thời báo Tài chính Anh (Financial Times), một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc ở Iran từng giữ chức vụ là trưởng bộ phận thẩm tra nội dung của TikTok toàn cầu, một phiên bản ở nước ngoài của Douyin, tại ByteDance Bắc Kinh.
Bài viết ngày 3/10 dẫn lời những nhân sĩ hiểu rõ sự tình cho thấy cựu quan chức ngoại giao tên là Trịnh Tài, từng quản lý nhóm chính sách nội dung của Bytedance ở Bắc Kinh. Theo bài báo, ông Trịnh chịu trách nhiệm điều hành đội ngũ tin cậy và an ninh toàn cầu tại trụ sở chính ở Bắc Kinh và lập ra các quy định xem xét nội dung cho các ứng dụng quốc tế như Tik Tok, Helo và Vigo Video.
Bài báo dẫn lời một người biết rõ các vấn đề nội bộ của ByteDance rằng, ông Trịnh không phải là người ủng hộ mù quáng hình thái ý thức của Trung Quốc, nhưng bài báo chỉ ra, thân thế của ông và những gì mà ông được đào tạo có thể ảnh hưởng đến việc nhóm thanh niên chủ yếu là nhân viên Trung Quốc này thẩm tra các nội dung gây tranh cãi của chương trình chia sẻ video như thế nào.
Bài báo cho biết, TikTok hiện đã giao trách nhiệm lập ra chính sách nội dung và quản lý video cho một số trung tâm ở Los Angeles, Dublin, Singapore và Thung lũng Silicon. Những người trong cuộc hiểu rõ tình hình bày tỏ, những người phụ trách các trung tâm này báo cáo với người đứng đầu phụ trách vấn đề tin cậy và an ninh toàn cầu ở Bắc Kinh.
Hai người trong cuộc chia sẻ, ông Trịnh đã rời vị trí này từ tháng Giêng năm nay. Người phát ngôn của ByteDance cho biết, khi tuyển dụng “đã không xem xét vai trò trước đây của ông trong các ban ngành, cũng như không tham gia đối thoại với chính phủ trong quá trình tuyển dụng”.
Công ty này cho biết, đội ngũ an ninh toàn cầu của TikTok đang tiếp tục khu vực hóa và bản địa hóa, còn ông Trịnh đã chuyển sang bộ phận trò chơi điện tử (game) của công ty.
Trên LinkedIn – một trang web chia sẻ về nguồn nhân lực và kinh doanh toàn cầu, VOA tìm thấy một hồ sơ cá nhân phù hợp với mô tả của tờ Financial Times. Theo dữ liệu, giám đốc dự án của công ty Bytedance là “Zheng C”. Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2012, có bằng cử nhân kinh tế học và ngôn ngữ – văn học Ba Tư. Ông Trịnh làm thực tập sinh tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ tháng 8/2012 đến tháng 9/2013. Là tùy viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Iran từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2017. Ông Trịnh đã làm việc tại ByteDance từ tháng 8/2018 đến nay.
Năm 2018 là một năm quan trọng đối với việc điều chỉnh chính sách thẩm tra nội dung của Bytedance. Trong năm này, người phụ trách sản phẩm ứng dụng tin tức phổ biến nhất của công ty này là “Toutiao hôm nay” đã được lãnh đạo cơ quan điều tra hẹn nói chuyện và yêu cầu sửa đổi. “Neihan Duanzi” (một ứng dụng của ByteDance) đã bị ngừng hoạt động để sửa đổi. Giám đốc điều hành Trương Nhất Minh đã gửi thư ngỏ xin lỗi, bày tỏ là có trách nhiệm về việc các sản phẩm của công ty “có nội dung không phù hợp với các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa”.
Tờ Financial Times cho biết, công việc thẩm tra và điều chỉnh nội dung hiện tại của TikTok chủ yếu do các nhóm tại các khu vực trên toàn thế giới thực hiện, nhưng trong một số trường hợp, các kỹ sư quyết định về chức năng dán nhãn và thuật toán liên quan đến việc đẩy (server push) các video chủ yếu đều ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Trung Quốc yêu cầu tất cả các công ty Internet trong nước hợp tác trong việc xét duyệt của chính quyền. Trước đó TikTok đã tuyên bố, ứng dụng này không hoạt động ở Trung Quốc và dữ liệu người dùng được lưu trữ bên ngoài Trung Quốc và sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính phủ nước này.
Tờ The Guardian của Anh Quốc và các phương tiện truyền thông khác đưa tin rằng, TikTok – một nền tảng ứng dụng toàn cầu, đã kiểm duyệt và chặn rất nhiều vấn đề bị Trung Quốc coi là nhạy cảm, bao gồm độc lập Tây Tạng, độc lập Đài Loan, biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, bảo vệ quyền lợi người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, sự kiện Thiên An Môn và Pháp Luân Công, …
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vì lý do an ninh quốc gia, yêu cầu các kho ứng dụng của Hoa Kỳ ngừng các dịch vụ tải xuống và hỗ trợ TikTok trước ngày 27/9, nhưng một thẩm phán liên bang đã đưa ra một phán quyết gây trở ngại cho lệnh cấm này trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Oracel và Walmart của Hoa Kỳ vẫn đang đàm phán với ByteDance về việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp TikTok tại Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố nếu giao dịch [để mua lại] không đáp ứng các yêu cầu an ninh quốc gia thì TikTok sẽ bị đóng cửa.