Cựu Ngoại trưởng Pompeo nhìn thấu “Logic của Trung Cộng” từ Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu của ông Biden
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu kéo dài 2 ngày vào tháng trước (04/2021).
Hôm 22/04, ngày đầu tiên hội nghị thượng đỉnh về khí hậu bắt đầu, ông Bill Hemmer, người đồng dẫn chương trình “American’s Newsroom” của Kênh Fox News, đã phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Ông hỏi ông Pompeo về ý nghĩa đằng sau bài diễn văn của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh lần này, khi trích dẫn lời của ông Tập: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ năng suất, thúc đẩy môi trường là tăng năng suất, đơn giản là như vậy.”
Ông Hemmer hỏi ông Pompeo, “Ông có biết điều này có nghĩa là gì không?”
Ông Pompeo trả lời, “Bill, tôi không biết nó có nghĩa là gì.”
Có hai loại logic trong thế giới này – một loại được gọi là “logic” và loại còn lại được gọi là “logic của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng).” Hầu hết mọi người, bao gồm cả người dân Trung Quốc, đều cảm thấy khó mà hiểu được những lời hùng biện của Trung Cộng.
Trên thực tế, công dân Trung Quốc không hiểu những gì mà ông Tập Cận Bình nói về môi trường, mà họ cũng không cần phải hiểu. Trung Cộng muốn người dân biết một điều: Ông Tập rất coi trọng các vấn đề sinh thái và môi trường. Và chính quyền các cấp phải thực hiện cái gọi là những chính sách về môi trường.
Làm sao mà ông Pompeo, ông Hemmer và những người dân thường ở Trung Quốc có thể thực sự hiểu những bài diễn văn kiểu này chứ? Bên trong hệ thống Đảng Cộng sản, phát ngôn một cách mơ hồ là chuẩn mực rồi.
Mặc dù không hiểu nhưng ông Pompeo vẫn có lời giải thích cho bài diễn văn dài dòng của ông Tập. Ông Pompeo nói, “Đây không phải là giải pháp đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hết thảy những gì ông ấy nghĩ đến về việc này đều là một sự cố gắng nhằm tạo ra quyền lực và uy quyền cho Trung Cộng đồng thời gây tổn hại cho Hoa Kỳ mà thôi.”
Ông Pompeo cũng chỉ ra rằng ông Tập không tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vì mục đích xoa dịu người dân Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói thêm, “Đây là một chế độ độc tài, cách tiếp cận kinh tế của nó là theo chủ nghĩa Mác-Lênin và họ có mong muốn mãnh liệt trong việc thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường đứng đầu thế giới.”
Ông Hemmer đã đề cập đến một bài đăng mới nhất trên Twitter của ông Biden. Ông Biden viết: “Hoa Kỳ đã trở lại. Chúng tôi đã tái gia nhập Thỏa thuận Paris, và sẵn sàng tập hợp thế giới lại để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Làm thôi nào.” Ông Hemmer hỏi ông Pompeo, “Ông đánh giá thế nào về mức độ khẩn cấp của [vấn đề] khí hậu ngày nay?”
Ông Pompeo trả lời: “Mọi người đều vì không khí sạch và nước uống an toàn, nhưng đặt biến đổi khí hậu vào danh sách các mối đe dọa mà Hoa Kỳ phải đối mặt ở vị trí số một là một sai lầm lớn. Mối đe dọa từ Trung Cộng, chúng ở đây, chúng ở ngay trong cánh cổng.”
Ông nói rằng Trung Cộng gây ra mối đe dọa to lớn đối với Hoa Kỳ. Họ phô trương sức mạnh quân sự của mình và phá hủy cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ. Những vấn đề này nghiêm trọng hơn nhiều so với biến đổi khí hậu.
Ông Pompeo là một trong số ít các quan chức Hoa Kỳ hiểu rõ văn hóa cộng sản của Trung Cộng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Fox Business Tonight” với Jackie DeAngelis, hôm 21/04, ông Pompeo nói rằng dựa trên những kinh nghiệm trước đây của ông với Trung Cộng, Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ lời hứa nào mà họ đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu và rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục theo dõi các hành động của Trung Cộng.
“Kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ nghe thấy những gì chúng ta đã nghe từ Trung Cộng trước đây, một loạt cam kết mà họ hoàn toàn không có ý định tôn trọng. … Họ thất hứa nhiều hơn trong những năm qua, bao gồm cả lời hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa Biển Đông.”
Những hành động trong quá khứ của Trung Cộng cho thấy rằng chế độ này không đáng tin cậy – họ nói một điều và làm hoàn toàn ngược lại. Vài thập kỷ qua, họ đã nhiều lần đánh lừa Hoa Kỳ. Trong cuộc Nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Quốc, khi người dân Hoa Kỳ đến Diên An (Phái bộ Dixie) năm 1944, họ đã chứng kiến cách làm của Cộng sản.
Sau khi Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai kết thúc vào năm 1946, tại Đại hội thành lập toàn quốc, Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đã xảy ra nhiều tranh chấp. Một trong những tranh cãi là làm thế nào để bầu ra tổng thống. Quốc dân Đảng đã đề nghị Quốc hội nên bầu ra tổng thống. Còn Đảng Cộng sản thì sử dụng quy trình bầu cử của Hoa Kỳ như một hình mẫu để phản đối sáng kiến của Quốc dân Đảng và kiên quyết dùng hình thức bầu cử phổ thông để chọn ra tổng thống. Đảng Dân chủ, giới trí thức và giới trẻ tất cả đều ủng hộ tuyên bố của Trung Cộng, người dân Hoa Kỳ cũng vậy. Nhưng những tuyên bố đó chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng.
Cách tiếp cận của Trung Cộng có những lợi ích thiết thực. Trong cuộc hòa giải nội chiến sau đó giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, Hoa Kỳ đứng về phía Trung Cộng. Vào thời điểm đó, nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ủng hộ Trung Cộng và không thừa nhận chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Cuối cùng, Quốc hội Hoa Kỳ đã ngừng hỗ trợ cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho chính phủ Quốc dân Đảng, với lý do là không can thiệp vào cuộc nội chiến.
Mãi cho đến năm 1949, người dân Hoa Kỳ mới thức tỉnh và bắt đầu quay lại hỗ trợ quân sự cho Quốc dân Đảng, gồm các phụ tùng vũ khí và đạn dược. Nhưng khi đợt viện trợ quân sự đầu tiên đến thì đã quá muộn-người của Quốc dân Đảng đã di cư sang Đài Loan.
Những thập kỷ sau này, Trung Cộng vẫn tiếp tục chơi trò này. Về mặt ngoại giao, Trung Cộng nói những lời hùng biện, kể cả những lời lẽ về tình hữu nghị và hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau lưng, Trung Cộng chưa bao giờ giảm bớt cảnh giác và mang mục đích cuối cùng là lật đổ Hoa Kỳ. Mục tiêu này xuyên suốt hệ thống giáo dục của Trung Cộng và tất cả các khóa học chính trị – mục tiêu này được thấy rõ trong các cơ quan chính quyền của Trung Cộng, đặc biệt là các cơ quan lý luận và hoạch định chính sách.
Nhưng nhiều người dân Hoa Kỳ không tin điều đó. Chỉ sau khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vào năm 2009, Hoa Kỳ mới thực sự cảnh giác với Trung Quốc.
Năm 1999, trước khi Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông, hai sĩ quan quân đội Trung Quốc đã xuất bản cuốn sách “Chiến tranh không giới hạn” – Trung Cộng sử dụng chiến lược này để đối phó với các nước láng giềng.
Ý tưởng cốt lõi của “Chiến tranh không giới hạn” là sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để lật đổ kẻ thù – điều này bao gồm việc nhắm mục tiêu vào kinh tế, công nghệ, văn hóa và ngoại giao, cũng như xâm nhập và tài trợ cho các cuộc nổi dậy nội bộ. Tôi tin rằng khái niệm “Chiến tranh không giới hạn” không phải là thứ mà Trung Cộng phát minh ra vào những năm 1990. Cuốn sách “Chiến tranh không giới hạn” là bản tóm tắt các phương pháp khác nhau được Trung Cộng sử dụng trong 100 năm qua để hạ gục kẻ thù và giành quyền kiểm soát.
Đảng Cộng sản hiểu rõ bản chất của con người. Họ đã nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong hàng trăm năm – họ biết những điểm yếu của hệ thống này và cũng hiểu những điểm yếu của bản chất con người dưới hệ thống này. Thông qua “Chiến tranh không giới hạn,” họ nhắm mục tiêu vào những điểm yếu này.
Để tránh bị Trung Cộng lừa gạt, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những sai lầm trong quá khứ trong việc giao dịch với Trung Quốc. Nếu người dân Hoa Kỳ muốn biết Trung Cộng sẽ lật đổ Hoa Kỳ như thế nào, họ chỉ cần nghiêm túc nghiên cứu cách những người Cộng sản giành quyền lực ở Trung Quốc đại lục và hiểu được chiến lược “Chiến tranh không giới hạn” của chính quyền này.
Tác giả Alexander Liao là một nhà bình luận và là một ký giả, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các báo cáo, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Hoa ngữ ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Alexander Liao thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Xem thêm: