Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 4): Hát vang ca khúc ‘Đến vì bạn’
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3.
Ngày 04/06/2010, tôi bị chuyển từ trại tạm giam này sang trại tạm giam khác. Trong bốn ngày ở trại tạm giam mới, tôi và một học viên Pháp Luân Công khác đã cùng nhau hát vang ca khúc “Đến vì bạn.” Mặc dù tiếng hát không thực sự đồng đều nhưng vẫn nhận được sự chào đón và mong đợi của mọi người trong phòng giam.
Sáng ngày 08/06, một số người chúng tôi bị đưa đến trại cải tạo lao động. Khi rời khỏi trại tạm giam, chúng tôi đi qua dãy hành lang của khu phòng giam, bỗng nghe thấy tiếng hát của chị Vương, một học viên Pháp Luân Công. Bài hát “Đến vì bạn” được chị diễn xướng với giọng hát to rõ, chất giọng đẹp, chấn động nhân tâm. Khu cửa của các phòng giam kế bên chật kín người. Tôi nghe thấy tiếng vỗ tay từ biệt vang vọng khắp dãy hành lang đó.
Hát vang ca khúc “Đến vì bạn” trong trại tạm giam
Chiều ngày 04/06 (thứ Sáu), sau khi trải qua nhiều cuộc kiểm tra y tế lần hai, tôi bị chuyển đến trại tạm giam gần đó. Những người bị giam trong trại này, phần lớn là những cô gái bán dâm, ngoài ra còn có những người bị tạm giữ hành chính vì tội trộm cắp vặt hoặc đánh bạc. Trong phòng giam tôi ở có hai học viên Pháp Luân Công.
Phòng giam này có cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, buổi tối còn có thể uống nước. Mọi người cũng có thể hát một bài trước giờ đi ngủ để giảm bớt căng thẳng, cân bằng cảm xúc.
Những cô gái trong phòng đều hát những ca khúc thịnh hành. Tôi hát thường bị lạc nhịp, chất giọng cũng không hay, nhưng thịnh tình của mọi người khó lòng từ chối. Vì vậy, tôi đã mời một vị học viên Pháp Luân Công khác cùng hát bài “Đến vì bạn.”
Cô ấy hát hay hơn tôi nhiều. Khi hát ca khúc này, nội tâm của chúng tôi rất thuần tịnh, còn mọi người yên lặng lắng nghe.
Lời bài hát rất cảm động lòng người:
“Bao xa cách nghìn trùng
Một lần nữa, tôi đến vì các bạn
Tôi đến vì tình yêu thương với các bạn
Những người Trung Quốc trân quý, xin hãy nghe tiếng nói từ đáy lòng tôi
Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời, Pháp Luân Đại Pháp hảo!
Đừng tin những lời dối trá kia …”
Khi hát ca khúc này, đôi mắt của chúng tôi không khỏi rớm lệ. Mọi người cũng rất cảm động, mỗi lần hát xong họ lại yêu cầu chúng tôi hát lại một lần nữa.
Mọi người cũng hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”
Có rất nhiều gái mại dâm trong trại tạm giam này. Thành thật mà nói, trước khi trải qua cuộc bức hại, tôi từng xem thường và phản cảm đối với những người như họ. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với những người này trong trại tạm giam và trại lao động, tôi đã thay đổi quan điểm của mình. Những cô gái ấy dù ở độ tuổi nào, họ gần như đều bị cuộc sống đưa đẩy, ép buộc, có người đã từng thử nhiều cách sinh tồn khác nhưng đều bị hiện thực đè bẹp.
Từ phương diện này mà nói, họ thực sự là nạn nhân dưới sự cai trị của ĐCSTQ, cả xã hội đang ép các cô gái làm gái mại dâm.
Một phụ nữ hơn 30 tuổi đã bị bắt nhiều lần vì tội bán dâm, cô bị đưa vào trại tạm giam, trại lao động. Vì vậy, cô ấy quen biết rất nhiều học viên Pháp Luân Công và cũng hiểu được tình huống của họ.
Có một ngày, cô ấy hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Kết quả, cô bị cảnh sát gọi đến.
Cảnh sát hỏi: “Cô vừa hét cái gì đấy?”
Cô ấy nhanh trí nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Cảnh sát cũng rất tốt.”
Cảnh sát nghe vậy thì không nói được gì, chỉ có thể cho qua.
Cô ấy còn kể cho tôi một việc từng khiến cô ấy cảm thấy phản cảm. Có lần, một học viên Pháp Luân Công đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” trong trại tạm giam. Cảnh sát đã rất tức giận khi nghe thấy điều này, nên đã ra lệnh các cô gái mại dâm cởi đồ lót bịt miệng người học viên đó.
Tôi sửng sốt và vội hỏi cô ấy kết quả thế nào.
Cô ấy kể, họ không làm theo yêu cầu của cảnh sát. Họ chỉ trùm một chiếc đồ lót lên đầu người học viên và đứng vây kín quanh người học viên để chặn tầm nhìn của cảnh sát. Bởi vì sự việc xảy ra lâu rồi nên cô không nhớ khi đó rốt cuộc là cảnh sát bỏ qua hay đã bị qua mắt nữa.
Trại tạm giam chỉ cho phép tắm trong 1 phút
Trong những ngày tháng Năm, tháng Sáu, thời tiết ở Bắc Kinh rất nóng bức. Tôi đã ở trong trại tạm giam trước gần một tháng mà chưa được tắm rửa, toàn thân vừa bẩn vừa hôi hám. Sau khi chuyển đến đây, họ cho phép tôi được tắm nhưng khống chế thời gian rất chặt chẽ.
Cảnh sát đưa tất cả vào một căn phòng lớn, yêu cầu mọi người cởi quần áo trước rồi ngồi lên quần áo của mình chờ đợi. Trong lúc đó, có người mang dầu gội đến phát cho từng người một. Những người có kinh nghiệm nói rằng, chỉ có thể tắm trong một phút, bôi dầu gội lên đầu rồi tắm người trước. Đợi tắm người xong thì xả tóc thật nhanh.
May mắn là thời tiết rất nóng nên một nhóm đông người như vậy phải cởi trần nhưng không bị lạnh. Thật khó tưởng tượng cảnh tượng này sẽ như thế nào vào mùa đông.
Khi mọi người đang bôi dầu lên đầu, cảnh sát xuất hiện ở cửa và “ra lệnh” đi tắm. Dù là già hay trẻ, mọi người đều lao vào phòng tắm vì sợ nước sẽ bị cắt trước khi tắm xong. Vậy là tôi đã trải qua một lần tắm nhanh nhất trong cuộc đời, nhưng tóc của tôi vẫn chưa được xả sạch.
Sáng ngày 07/06 (thứ Hai), trại tạm giam thông báo ngày mai tôi sẽ bị chuyển đến trại cải tạo lao động. Cả ngày hôm đó, lòng tôi nặng trĩu, nghĩ đến cô con gái mới bảy tuổi, người chồng phải đối diện với áp lực, và nghĩ về công việc của mình.
Cùng ngày, một cô gái lần đầu đến trại tạm giam (bị giam vì tội bán dâm) nhận thông báo sẽ được thả vào ngày mai.
Đêm hôm đó, mọi người vây quanh cô ấy, tất bật nhờ cô ghi lại số điện thoại người thân để báo tin về cho gia đình họ. Tôi cũng âm thầm tham gia cùng mọi người, nhưng cũng không ôm nhiều hy vọng vì có rất đông người nhờ cậy cô ấy. Cô ấy không thể gửi tin cho tất cả mọi người nên đã chọn ngẫu nhiên, và tôi là một trong số đó.
Lúc đó tôi tự hỏi, làm sao cô ấy có thể nhớ hết được những số điện thoại này? Tuy nhiên, những điều cô ấy làm tiếp theo đó đã khiến tôi mở rộng tầm mắt. Cô ấy lấy giấy vệ sinh ra và dùng đầu ngón tay chọc vào giấy vệ sinh, 1 lỗ là số 1, 9 lỗ là số 9. Với cách thức đặc biệt này, cô ấy có thể ghi được số điện thoại của nhiều người.
Cô nói mình sẽ gấp giấy vệ sinh đã đục lỗ này và nhét nó cẩn thận vào giữa lớp quần lót và áo lót. Khi rời khỏi trại tạm giam sẽ có công đoạn khám xét người, cô ấy đoán rằng cảnh sát sẽ không phát hiện ra lớp giấy vệ sinh này!
Ồ! Cô ấy thật có kinh nghiệm! Tôi nghĩ bụng.
Sau đó, chồng tôi thực sự đã nhận được điện thoại của cô ấy và biết tin tôi đã bị đưa đến trại cải tạo lao động phi pháp.
Ca khúc “Đến vì bạn” lại một lần nữa ngân vang, cả phòng giam vỗ tay tạm biệt tôi
Sáng ngày 08/06, vài người trong phòng được thông báo thu dọn đồ đạc, trong đó có hai học viên Pháp Luân Công là tôi và chị Vương hơn 50 tuổi – người học viên cùng phòng ở Trại tạm giam Triều Dương mà tôi đề cập ở phần trước.
Chúng tôi bước đi chầm chậm qua các phòng giam của khu vực này.
Đột nhiên, chị Vương hát lớn ca khúc “Đến vì bạn.” Tiếng hát vang vọng khắp hành lang, tôi cũng bật khóc ở phía sau. Cửa sắt của các phòng giam ở hai bên hành lang chật kín người. Họ dõi mắt nhìn theo và vỗ tay ủng hộ chúng tôi trên suốt dọc hành lang. Cảnh sát chỉ biết nói cho có lệ: “Đừng hát nữa.”
Giọng hát của chị Vương sáng, rõ ràng, đó là một giọng ca đẹp. Chị tiếp tục hát:
“Bao xa cách nghìn trùng
Một lần nữa, tôi đến vì các bạn
Tôi đến vì tình yêu thương với các bạn
Những người Trung Quốc trân quý, xin hãy nghe tiếng nói từ đáy lòng tôi
Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời, Pháp Luân Đại Pháp hảo!
Đừng tin những lời dối trá kia …”
Lúc này, chúng tôi bị ép lên một chiếc xe để đi đến trại cải tạo lao động cưỡng bức nữ. Sau khi đến nơi, vì chị Vương bị huyết áp cao nên bị trại này từ chối tiếp nhận (tuần trước chị đã bị từ chối một lần). Nhờ vậy, chị đã thoát khỏi nanh vuốt của trại lao động này. Còn về phần tôi, tôi đã bị bức hại phi pháp ở đó trong suốt hai năm.
Xã hội dưới sự cai trị của ĐCSTQ thực sự hủ bại, nhiều người không phân biệt được đúng sai
Người dân Trung Quốc thường nói những câu như thế này: “Chính quyền không cho phép thì không được làm,” “trứng không thể chọi với đá.”
Đặc biệt là học viên Pháp Luân Công thường phải nghe những “lời khuyên” kiểu như vậy. Mẹ chồng tôi thường nói: “Trứng không chọi được với đá đâu con.”
Vào đêm tôi chuyển đến trại tạm giam, cảnh sát trực ban đã làm thủ tục ghi danh. Cô ấy gọi tôi đến văn phòng, vừa kiểm tra hồ sơ của tôi trên máy điện toán, vừa nói (đại ý): Có công việc là luật sư mà chị không lo làm, sao cứ phải tập Pháp Luân Công? Chính phủ không cho tập thì đừng có tập. Con cái thì còn nhỏ như vậy, chị đúng là ích kỷ.
Nữ cảnh sát này nói liên thanh rồi đuổi tôi đi. Cách bày tỏ quan điểm kiểu này của cô ấy khiến tôi không có cơ hội để giải thích.
Tôi không thể nói rằng cô ấy có ác ý với mình, chỉ là cô ấy không hiểu lý do vì sao các học viên Pháp Luân Công không chịu khuất phục. Vốn là một mắt xích trong bộ máy bạo lực của ĐCSTQ, đáng lý cô ấy phải là người hiểu rõ nhất sự tàn khốc của ĐCSTQ.
Tôi luôn cảm thấy tiếc nuối vì lúc đó đã không nói rõ điều đúng-sai với cô ấy. Nếu vị cảnh sát đó có cơ hội đọc được bài viết này của tôi, tôi muốn nhắn nhủ với cô ấy rằng: Tôi rất yêu con gái của mình, cũng rất yêu công việc của mình. Không phải là tôi không muốn ở bên cạnh chở che cho con, cũng không phải tôi không cố gắng trong công việc. Mà trái lại, vì tôi cố gắng chiểu theo nguyên lý “chân, thiện, nhẫn” để làm một người tốt, để trở thành một không ích kỷ, vị tư. Chỉ vì như vậy mà tôi bị ĐCSTQ cướp đi quyền lợi chăm sóc con gái, quyền cố gắng làm việc.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ ra một sự việc mà cho đến nay mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn vô cùng xúc động.
Năm 2006, tôi ghi danh tham gia một khóa học khẩu ngữ tiếng Anh. Giáo viên của trung tâm này đều là giáo viên ngoại quốc nên được rất nhiều người quan tâm. Mùa hè năm đó, cháu gái tôi đang học đại học, cháu muốn tận dụng thời gian nghỉ hè để nâng cao trình độ tiếng Anh. Tôi đã giới thiệu cho cháu trung tâm này, vốn cũng gần nhà tôi, chỉ mất hai trạm dừng xe buýt là đến.
Một tối nọ sau giờ học, hai cô cháu bắt xe buýt về nhà. Trên xe có rất nhiều người, đột nhiên xe dừng lại không chạy. Mùa hè ở Bắc Kinh rất nóng nực mà xe chúng tôi là xe thường, không có máy điều hòa. Xe dừng lại một lúc lâu, cuối cùng mọi người cũng biết nguyên nhân: Trên xe có kẻ trộm, có người mất điện thoại.
Mọi người đều bực bội vì sự việc lại xảy ra trong thời tiết oi bức như vậy, trong đó có cả hai cô cháu tôi. Tuy nhiên, không có ai tìm ra được kẻ trộm nên mọi sự tức tối đều đổ dồn về người mất điện thoại.
“Tại sao không bảo quản kỹ điện thoại của mình?”
“Làm mất điện thoại mà báo hại mọi người không được đi, quá ích kỷ …”
Sau đó, dù chưa tìm ra kẻ trộm nhưng người mất điện thoại không chịu được chỉ trích, đành từ bỏ việc tìm điện thoại, để kẻ trộm tẩu thoát ra ngoài.
Tôi không ngừng thở dài. Đến lúc này thì đúng-sai không còn quan trọng nữa, miễn là lợi ích của mình không bị ảnh hưởng là được rồi. Loại hành vi trấn áp nạn nhân với vẻ đầy khách quan này đã khuyến khích tên trộm. Và mục tiêu tiếp theo của tên trộm có thể là bạn, là tôi, là mọi người.
Ví dụ này cũng để cho thấy xã hội Trung Quốc dưới ách cai trị của ĐCSTQ đang thực sự “mắc bệnh,” hơn nữa còn là mắc bệnh nan y khó chữa.
Chỉ cần người dân Trung Quốc quan sát kỹ xung quanh mình thì có thể phát hiện, kiểu giá trị quan không phân biệt được đúng-sai này thường có mặt trên mọi phương diện trong đời sống. Nó không chỉ là cách đối xử với những việc nhỏ như với tên trộm kia, mà đồng thời, còn thể hiện rõ ở thái độ mà người dân Trung Quốc đối đãi với việc bị cướp đoạt quyền lợi cá nhân cơ bản, hay với cơ quan, thậm chí là với chính quyền ĐCSTQ.
Kết quả là, dù là kẻ trộm, hay là bạo quyền, người tốt vẫn chịu oan khuất, phần lớn mọi người đều tự vệ một cách khôn ngoan. Nhưng điều đổi lại không phải là “ngày tháng yên bình tốt đẹp,” mà là kẻ hành ác sẽ càng tiến tới. Vì vậy, mọi người đều đang tự đặt mình vào thế nguy hiểm.
Theo tôi, người dân Trung Quốc ngày nay đang sống trong nghịch cảnh như vậy.
Về những luận điệu không phân biệt phải trái như: “chính phủ không cho phép thì đừng làm,” “trứng không thể chọi với đá,” Giáo sư Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) của Đại học Phi Thiên tại Mỹ quốc đã làm chương trình chuyên đề từ nhiều năm trước để làm rõ vấn đề này.
Quý độc giả quan tâm có thể theo dõi chương trình tại đây: https://youtu.be/3Tq2QM8nQm0?si=G-XNOcMRYYz3lt45
(Còn tiếp)
Thanh Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ