Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 3): Trại tạm giam (2)
Trong khoảng thời gian bị giam giữ phi pháp trong trại tạm giam, tôi chỉ có thể gặp luật sư một lần duy nhất. Vì Cục An ninh Quốc gia nghi ngờ luật sư của tôi tiết lộ thông tin ra bên ngoài, nên họ đã tước đoạt quyền gặp mặt luật sư của tôi một cách phi pháp. Trong quá trình được gọi là “thẩm vấn,” Cục An ninh đi thẳng vào vấn đề: “Chúng ta không bàn đến pháp luật.” Còn một viên cảnh sát trong trại giam thì lén nói với tôi rằng: “Đảng Cộng sản là tệ hại nhất!”
Gặp luật sư và cơn ác mộng của con gái
Chưa đầy một tuần sau khi tôi bị giam giữ phi pháp tại Trại giam Triều Dương, chồng tôi đã mời luật sư Đinh của văn phòng luật Mạc Thiểu Bình cho tôi. Trước đó một tháng, trong một chuyến tham gia khóa đào tạo luật sư cho hoạt động công ích tại Hương Sơn, tôi may mắn gặp và quen biết luật sư Đinh và chúng tôi đã trò chuyện rất vui vẻ.
Thật không ngờ rằng, chỉ một tháng sau, chúng tôi lại gặp nhau ở trại tạm giam!
Khi gặp mặt, chúng tôi nhìn nhau với vẻ mặt bất đắc dĩ, nhất thời không nói nên lời nào. Sau đó, tôi kể qua cho anh ấy nghe về tình huống và bày tỏ sự quyết tâm của mình: Tôi sẽ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, sẽ không cúi đầu khuất phục trước Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Và tôi cảm thấy lòng mình bình yên khi nói ra những điều này.
Đột nhiên, điện thoại của anh ấy đổ chuông, là tin nhắn của chồng tôi gửi đến. Chồng tôi nói cô con gái bảy tuổi của tôi nửa đêm tỉnh dậy vì gặp phải ác mộng; cô bé khóc toáng lên vì mơ thấy mẹ qua đời. Nghe đến đây, tôi bỗng bật khóc.
Vài ngày sau, tôi cố gắng ép bản thân không nghĩ đến chồng và con gái, cố gắng đoạn dứt nỗi nhớ mong và sự lo âu đang không ngừng lớn lên trong tâm trí. Vì tôi hiểu rằng, nguy hiểm còn đang ở phía trước, nó không cho phép tôi đắm chìm trong tình thương dành cho con gái. Nếu không, con đường phía trước sẽ ngày càng gian truân hơn, và ĐCSTQ sẽ lợi dụng điều này để uy hiếp và lợi dụng tôi.
Sự “yếu đuối” của con người sẽ trở thành mục tiêu mà ĐCSTQ nhắm đến
Đúng vậy! Kỳ thực, tình thân vốn là điều tốt đẹp trong mỗi chúng ta, nhưng nó lại trở thành công cụ uy hiếp của bạo quyền. Vì vậy, tôi phải thu hết lại những tâm tình, kiểm soát cảm xúc của bản thân để chắc chắn rằng mình có thể kiên cường đứng vững, không bị gục ngã.
Tôi và luật sư Đinh nhìn nhau mà không biết nên bắt đầu từ đâu. Sự trầm mặc qua đi, luật sư Đinh nói lời tạm biệt. Nhìn theo bóng lưng rời đi của luật sư Đinh, trong lòng tôi dâng lên một dư vị khó tả.
Ngắm nhìn khung cảnh xung quanh mình, những người bị giam giữ cùng phòng với tôi đều được đến đây để gặp luật sư, ai nấy đều tranh thủ thời gian để trao đổi với luật sư. Chỉ có mình tôi là kết thúc buổi gặp mặt sớm nhất.
Viên cảnh sát trại tạm giam: “Đảng Cộng sản là tệ hại nhất!”
Sau khi luật sư Đinh rời đi, tôi được một nữ cảnh sát đưa sang một bên. Tôi phải đợi những người khác kết thúc buổi gặp mặt, sau đó nhóm chúng tôi sẽ bị đưa trở lại phòng giam.
Một nữ cảnh sát hỏi tôi tại sao lại vào đây?
Tôi ung dung bình thản trả lời cô ấy: “Tôi luyện Pháp Luân Công.”
Cô ấy nhìn tôi với ánh mắt chân thành, nhỏ giọng thì thầm: “Đảng Cộng sản là tệ hại nhất!”
Thời khắc đó, tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng: ĐCSTQ có thể kiểm soát chặt chẽ trại tạm giam, nhưng lại không thể kiểm soát được lòng người.
Tôi kể cô ấy nghe những sự thật cơ bản về Pháp Luân Công và làm “tam thoái” bảo bình an (thoái xuất khỏi đảng, đoàn, đội, các tổ chức liên đới của ĐCSTQ).
ĐCSTQ là không việc ác nào không làm, nhất định sẽ bị ông Trời trừng phạt. Người xưa vốn có câu “quân tử bất lập nguy tường chi hạ” (làm một người chân chính thì phải biết tránh xa những nơi nguy hiểm), chỉ có tránh xa ĐCSTQ mới có thể có bình an.
Nữ cảnh sát này không phải đảng viên, nhưng đã từng gia nhập đoàn. Nghe tôi nói xong, cô ấy vui vẻ nhận lời. Tôi đặt cho cô ấy một hóa danh và giúp cô thoái xuất khỏi tổ chức đoàn, đội mà cô từng gia nhập.
Trên thực tế, trong hai năm bị bức hại, tôi đã làm “tam thoái” cho hơn 20 người bị giam giữ trong tù.
“Trên đầu ba thước có Thần linh,” ông Trời nhìn rõ sự lựa chọn của mỗi người.
Khi tôi chuẩn bị vào phòng giam thì nhìn thấy một nam cảnh sát có dáng người cao lớn từng gặp tôi trước đó. Cậu ấy biết tôi là học viên Pháp Luân Công nên nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ bội phục. Khi tôi đi ngang qua, cậu ấy nhỏ giọng nói: “Chị đã buông bỏ sinh tử rồi.” Nghe xong những lời này, một cảm giác xúc động không tên bỗng dâng trên trong lòng tôi.
Trong thời gian ở trại tạm giam, phòng chúng tôi có rất ít cơ hội tiếp xúc với cảnh sát, chỉ có người phụ trách quản lý phòng giam thỉnh thoảng vào kiểm tra. Có những viên cảnh sát rất lạnh lùng, có người lại rất hung dữ, nhưng cũng có những người rất lương thiện.
Vì để bảo đảm an toàn cho vị cảnh sát lương thiện đó nên tôi không thể kể tình hình cụ thể. Người này từng nói trước mặt tất cả những người bị giam giữ rằng: “Tôi nghĩ, con người mà có tín ngưỡng thì rất tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng ‘chân, thiện, nhẫn’ rất tốt.” Lúc đó, tôi lại một lần nữa bật khóc.
Nhân viên Cục An ninh Quốc gia nói với tôi: “Chúng ta không bàn đến pháp luật”
Sau khi tôi bị đưa vào trại tạm giam một cách phi pháp trong khoảng 10 ngày, ông Từ Dũng, nhân viên Cục An ninh Quốc gia, cũng đã đến.
Ông Từ hỏi tôi với vẻ rất giận dữ, rốt cuộc ai là người tiết lộ tin tức về tôi để đăng tải lên Minh Huệ Net. Nghe xong những lời này, tôi mừng thầm, có nghĩa là chồng tôi đã truyền tin tức của tôi cho các học viên Pháp Luân Công khác (tôi có một bài viết thuật lại những chuyện khi ở trong trại tạm giam). Lúc đó, vì để bảo vệ chồng và đồng tu, nên tôi giả vờ như mình không hay biết chuyện này.
Sau đó, người nhà tôi mới biết rằng ông Từ Dũng nghi ngờ luật sư Đinh đã tiết lộ thông tin của tôi ra bên ngoài, nên đã tước quyền lợi gặp luật sư của tôi.
Trong cái gọi là “thẩm vấn” của ông Từ, ông ấy nói với tôi một cách không kiêng dè: “Chúng ta không bàn đến pháp luật.”
Tôi hỏi: “Vậy chúng ta nói về điều gì?”
Ông ấy đáp: “Nói về lập trường, về thái độ.”
Chuyện này có vẻ giống như một trò đùa, nhưng nó lại thực sự xảy ra: Một luật sư chỉ vì tin vào nguyên lý “chân, thiện, nhẫn” mà bị giam giữ phi pháp trong một trại tạm giam dành cho những tình nghi phạm tội hình sự; còn cảnh sát Cục An Ninh khi “thẩm vấn” lại có thể ngang nhiên từ chối đề cập đến “vấn đề pháp luật”!
Là nhân viên chuyên trách của ĐCSTQ trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công trong nhiều năm, rõ ràng ông ấy biết rõ ai mới là người đang vi phạm pháp luật. Không những vậy, ĐCSTQ còn có biết bao nhiêu bộ luật xấu ác khác. Kỳ thực, cái gọi là “lập pháp” và “sửa đổi” của hệ thống pháp luật cũng chỉ mang tính chọn lọc để chấp hành theo nhu cầu của ĐCSTQ.
Sau đó, ông Từ Dũng lấy từ trong túi ra hai lá thư, trong mắt hiện lên vẻ xảo quyệt khó lường. Tôi nhận lấy và đọc, một bức là chồng tôi viết, còn một bức là do anh trai tôi đang ở tận thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ, viết.
Tôi hiểu dụng ý của ông ta. Đúng như lời luật sư Đinh nói, ĐCSTQ đang lợi dụng sự “yếu đuối” của con người, lợi dụng tình cảm thân quyến, nỗi lo lắng về công việc, để tăng thêm áp lực cho tôi. Trên thực tế, đây cũng là một trong những thủ đoạn phổ biến được ĐCSTQ áp dụng để bức hại học viên Pháp Luân Công.
Tôi vừa đọc thư, vừa nghĩ cách đối phó. Đồng thời, tôi liếc mắt qua thì thấy ông Từ Dũng đang không ngừng quan sát tôi. Đọc xong thư, cả tôi và ông ấy đều giữ im lặng.
Một lúc sau, ông Từ phá vỡ sự im lặng, hỏi tôi dự tính thế nào.
Tôi nhìn ông ấy chân thành và truyền đạt một cách rõ ràng: Tôi sẽ kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Tôi kể rằng, sau khi tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe và tinh thần của tôi đều thu được lợi ích. Tôi cũng kể lại những ví dụ cụ thể để chứng minh.
Một viên cảnh sát trung tuổi cùng “thẩm vấn” với ông Từ Dũng (tôi đoán là người của trại tạm giam), nói rằng mẹ đẻ và vợ của ông không hòa thuận. Tôi đoán có vẻ như ông ấy muốn vợ mình tu luyện Pháp Luân Công.
Có lẽ những lời tôi nói đã lay động nội tâm của ông ấy, nên ông mới bày tỏ cảm xúc của mình; hoặc, cũng có thể chỉ là câu nói đùa vu vơ, vì dù sao nơi mà chúng tôi nói chuyện cũng thật khác thường. Tuy rằng, tôi không thể đánh giá ông ấy có thật lòng hay không, nhưng ít nhất tôi cảm thấy không có sự ác ý trong lời nói. Tôi khuyến khích ông hãy tìm một cuốn “Chuyển Pháp Luân” cho người vợ của mình. Ông ấy không bày tỏ ý kiến mà chỉ khẽ cười.
Sau đó, tôi cũng nói với ông Từ Dũng về hậu quả của cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Đó chính là mất lòng dân, người người oán trách, và các nền dân chủ phương Tây, kể cả Hoa Kỳ, đã đưa ra nhiều nghị quyết chống lại những hành động xấu xa của ĐCSTQ.
Ông Từ Dũng rất tức tối, nói Hoa Kỳ không thể quản chuyện của ĐCSTQ. Cuối cùng, buổi “thẩm vấn” kết thúc một cách vội vàng. Hai năm sau, sau khi tôi được thả khỏi trại lao động, tôi gặp lại ông Từ Dũng, ông ấy vẫn là người chịu trách nhiệm giám sát tôi.
(Trong phần tiếp theo, cô Tống Mỹ Anh tiếp tục trải lòng về những ngày tháng khi bị giam giữ trong trại lao động. )